Nhà chứa máy bay giúp TQ kiểm soát biển Đông
Các hangar (nhà chứa máy bay) trái phép ở biển Đông cho phép Bắc Kinh nhanh chóng thay đổi trang thiết bị quân sự trên các đảo nhân tạo nhằm kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng này.
Đó là đánh giá của Andrew Shearer, người từng là cố vấn an ninh quốc gia của cựu thủ tướng Australia Tony Abbott.
Theo Sydney Morning Herald (Australia), nhận định của ông Shearer được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia quân sự rất quan ngại về việc Trung Quốc có thể tuyên bố lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở biển Đông và yêu cầu các máy bay quân sự nước ngoài phải xin phép trước khi bay qua khu vực này.
Theo đó, sự hiện diện của khoảng 70 hangar trái phép ở quần đảo Trường Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam, cho thấy Bắc Kinh ít nhất là "đang dọn đường" cho tuyên bố lập ADIZ và gia tăng phần thắng trong ván bài ở biển Đông với các bên, trong đó có Australia.
Việc đưa chiến đấu cơ đồn trú phi pháp ở các đảo nhân tạo có thể là hành động củng cố ADIZ, nếu Trung Quốc tiến tới bước đi này.
SMH cho hay, các máy bay của Không lực hoàng gia Australia (RAAF) thường xuyên bay tuần tra trên biển Đông, đồng nghĩa với các chiến đấu cơ của nước này sẽ thách thức bất kỳ "vùng" nào mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập.
Những hình ảnh mới nhất, được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Mỹ cho thấy hangar cho 24 máy bay chiến đấu và 4 chiếc máy bay cỡ lớn hơn như máy bay tiếp nhiện liệu trên không đang được Trung Quốc xây trái phép một trong 3 bãi đá ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
70 hangar là con số ước tính Trung Quốc xây phi pháp trên đá Chữ Thập, đá Subi và đá Vành Khăn, thuộc quần đảo Trường Sa.
Đây là những bằng chứng quan trọng và cụ thể nhất chứng tỏ Bắc Kinh đang trắng trợn quân sự hóa các đảo nhân tạo.
Điều này trực tiếp đi ngược lại với cam kết của Chủ Tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm Washington cuối tháng Chín năm ngoái.
Andrew Shearer cho biết, bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (CA) bác bỏ cái gọi là "quyền lịch sử" của Trung Quốc trên biển Đông, Bắc Kinh vẫn "tiếp tục đưa ra các chiến lược dài hạn để lập các căn cứ quân sự nhằm kiểm soát biển Đông".
"Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy rằng Trung Quốc đang cố gắng xây dựng cơ sở hạ tầng (trái phép-PV).
Một khi nó được hoàn thành sẽ cho phép Bắc Kinh nhanh chóng tiến hành quân sự hóa - trong vòng một vài ngày - đối với các vị trí chiến lược mà nước này chiếm đóng (phi pháp-PV) ở quần đảo Trường Sa," ông nói.
Ông nói rằng Trung Quốc có thể tạm trì hoãn tuyên bố lập ADIZ, cũng như không tiến xa hơn trong ý đồ xây dựng gần bãi cạn Scarborough cho đến khi tổ chức xong Hội nghị thượng đỉnh G-20 vào tháng sau tại Hàng Châu.
Tuy nhiên, ông nhận định: "Bất kỳ sự trì hoãn nào cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa hơn mục đích chiến thuật (của Trung Quốc).
Thực tế đáng lo ngại là, cho đến nay, Bắc Kinh đã chuẩn bị cho các bước đi mang tính rủi ro lớn hơn Mỹ và đồng minh nhằm đạt được mục tiêu chiến lược của mình ở biển Đông và vì vậy họ cần phải ngăn chặn điều này trước khi nó xảy ra."
Nhà phân tích cấp cao tại Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI), Malcolm Davis bình luận về việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng máy bay: "Nếu Trung Quốc muốn tuyên bố ADIZ, đây sẽ là điều mà họ phải làm."
Ông cho biết máy bay chiến đấu của Trung Quốc không thể bắn hạ các máy bay của Mỹ và Australia khi họ nếu họ tiến vào "ADIZ", nhưng Trung Quốc có thể "chơi rắn mặt" bằng cách tăng cường các cuộc tập trận hoặc thậm chí "khóa mục tiêu" các máy bay này bằng radar..
"Đó là sự ép buộc chính trị," ông nói. "Nếu Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu (trái phép-PV) đến các cơ sở này, họ sẽ tiếp tục làm xói mòn lòng tin của các nước trong khu vực theo kiểu 'dâu ăn tằm' về tình hình hiện tại ở biển Đông."
0 comments:
Đăng nhận xét