Cũng giống như nhiều ngành khoa học, chính trị học có cơ sở phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu.
Cơ sở phương pháp luận của khoa học chính trị là phương pháp duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Phương pháp duy vật biện chứng cho phép xem xét đời sống chính trị trong sự vận động, phát triển: Sự vận động phát triển đó một mặt là sự thay đổi nội tại của các yếu tố cấu thành nền chính trị như: sự phát triển của quyền lực chính trị, của các hình thức Nhà nước trong lịch sử; mặt khác là sự vận động phát triển mang tính quy luật của đời sống chính trị trên cơ sở lý giải mối quan hệ biện chứng giữa sự phát triển của lực lượng sản xuất với sự phù hợp của quan hệ sản xuất cùng với kiến trúc thượng tầng trên nền các quan hệ sản xuất đó.
Phương pháp duy vật lịch sử cho phép nghiên cứu các chế độ chính trị đặt trong bối cảnh lịch sử của nó. Ở đó có bức tranh sinh động về các cuộc cách mạng xã hội của một giai cấp giành và giữ chính quyền, ở đó cũng có những chế độ xã hội cụ thể, các hình thức Nhà nước cụ thể...để nghiên cứu. Chỉ có những bằng chứng lịch sử mới là những lý lẽ hùng hồn nhât cho những luận thuyết đúng đắn về chính trị. Phương pháp nghiên cứu của chính trị học bao gồm một số phương pháp sau:
Phương pháp tiếp cận hệ thống: Phương pháp này cho phép nhìn nhận chính trị như một chỉnh thể, một hệ thống với các yếu tố, bộ phận cấu thành và giữa các bộ phận đó có mối quan hệ với nhau. Tiếp cận hệ thống không chỉ cho phép có cái nhìn toàn diện, đầy đủ về kết cấu của một nền chính trị, mà còn là công cụ để đánh giá sự tác động giữa các yếu tố đó với nhau. Từ đó có những nhận định đúng đắn về các sự kiện phức tạp của đời sống chính trị.
Phương pháp phân tích, tổng hợp: Cho phép phân tích các diễn biến của đời sống chính trị, những khía cạnh khác riêng lẻ, khác nhau hoặc lặp đi lặp lại của đời sống chính trị và tổng hợp thành các nhận định mang tính quy luật về đời sống chính trị. Đồng thời phương pháp này cũng cho phép chỉ ra những nguyên nhân - hệ quả cùng bản chất của các sự kiện các hiện tượng chính trị.
0 comments:
Đăng nhận xét