GIÁO TRÌNH CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC
(DÀNH CHO BẬC ĐẠI HỌC - KHÔNG CHUYÊN LÝ LUẬN CHÍNH
TRỊ)
(Đã sửa chữa, bổ
sung sau khi dạy thí điểm)
Hà Nội - 2019
CHỦ BIÊN:
GS. TS Hoàng Chí Bảo
ĐỒNG CHỦ BIÊN:
GS. TS Dương Xuân Ngọc
PGS. TS Đỗ Thị Thạch
TẬP THỂ TÁC GIẢ GS.TS Hoàng Chí Bảo
GS. TS Dương Xuân Ngọc
PGS.TS Đỗ Thị Thạch
PGS. TS Nguyễn Bá Dương
PGS.TS Phạm Công Nhất
PGS.TS Đinh Thế Định
PGS.TS Đặng Hữu Toàn
PGS.TS Lê Hữu Ái
PGS.TS Bùi Thị Ngọc Lan
PGS.TS Đinh Ngọc Thạch
PGS. TS Trần Xuân Dung
PGS.TS Lê Văn Đoán
PGS. TS Ngô Thị Phượng
PGS. TS Nguyễn Chí Hiếu
Lời nói đầu Chúng tôi, tập thể các tác giả biên soạn chương
trình và giáo trình môn Chủ nghĩa xã hội khoa học bậc Đại học cho sinh
viên các trường Đại học (chuyên và không chuyên) xin bày tỏ lời cảm ơn
chân thành tới các đồng chí trong Ban Chỉ đạo biên soạn chương trình và
giáo trình năm môn Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ
Giáo dục và Đào tạo, cảm ơn các nhà khoa học trong Hội đồng nghiệm thu
chương trình và giáo trình môn Chủ nghĩa xã hội khoa học đã giúp đỡ,
tạo điều kiện để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ quan trọng này. Đặc
biệt, chúng tôi xin chân thành cảm ơn các nhà khoa học, các chuyên gia
trong Hội đồng nghiệm thu đã đóng góp ý kiến nhận xét, phê bình và
có những ý kiến khuyến nghị để chúng tôi sửa chữa, bổ sung, hoàn thiện
giáo trình sau nghiệm thu, phục
vụ đợt tập huấn giảng viên Đại học theo chương trình, giáo trình mới.
Tập bản thảo giáo trình này đã
được các tác giả sửa chữa, bổ sung theo đúng kết luận của Hội đồng
nghiệm thu ngày 29 tháng 7 năm 2019 tại Ban Tuyên giáo Trung ương.
Dù các tác giả đã hết sức cố
gắng nhưng chắc rằng, giáo trình này vẫn không tránh khỏi những hạn chế,
thiếu sót. Mong các đồng chí, nhất là các thầy, cô giáo dự lớp tập huấn
tiếp tục góp ý để các tác giả sửa chữa, hoàn thiện một lần nữa, trước
khi xuất bản.
Xin trân trọng cảm ơn.
T/M
Tập thể tác giả
GS.TS Hoàng Chí Bảo
Mục lục
Trang
Lời nói đầu
Chương 1 Nhập môn Chủ nghĩa xã hội khoa học 7
Chương 2 Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân 27
Chương 3 Chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội 48
Chương 4 Dân chủ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước xã hội chủ nghĩa
68
Chương 5 Cơ cấu xã hội - giai cấp và liên minh giai cấp, tầng lớp
trong 89
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Chương 6 Vấn đề dân tộc và tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa 105
xã hội
Chương 7 Vấn đề gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
128
Chương 1 NHẬP MÔN CHỦ
NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC
A. MỤC ĐÍCH
1.
Về
kiến thức: sinh viên có kiến thức cơ bản, hệ thống về sự ra đời, các
giai đoạn phát triển; đối tượng, phương pháp và ý nghĩa của việc học
tập, nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học, một trong ba bộ phận hợp
thành chủ nghĩa Mác- Lênin.
2.
Về kỹ
năng: sinh viên, kkhả năng luận chứng đươc khách thể và đối tượng
nghiên cứu của một khoa học và của một vấn đề nghiên cứu; phân biệt
được những vấn đề chính trị- xã hội trong đời sống hiện thực.
3.
Về tư
tưởng: sinh viên có thái độ tích cực với việc học tập các môn lý
luận chính trị; có niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng và sự thành công của
công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo
B. NỘI DUNG
1. Sự ra đời của
Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chủ nghĩa xã hội khoa học được
hiểu theo hai nghĩa: Theo nghĩa rộng, Chủ nghĩa xã hội khoa học là chủ
nghĩa Mác- Lênin, luận giải từ các giác độ triết học, kinh tế học chính trị
và chính trị- xã hội về sự chuyển biến tất yếu của xã hội loài người từ
chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. V.I Lênin
đã đánh giá khái quát bộ “Tư bản” - tác phẩm chủ yếu và cơ bản trình bày
chủ nghĩa xã hội khoa học… những yếu tố từ đó nảy sinh ra chế độ tương
lai”[1].
Theo nghĩa hẹp, chủ nghĩa xã
hội khoa học là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin.
Trong tác phẩm “Chống Đuyrinh”, Ph.Ăngghen đã viết ba phần: “triết học”,
“kinh tế chính trị” và “chủ nghĩa xã hội khoa học”. V.I.Lênin, khi viết
tác phẩm “Ba nguồn gốc và ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác”, đã khẳng
định: “Nó là người thừa kế chính đáng của tất cả những cái tốt đẹp nhất
mà loài người đã tạo ra hồi thế kỷ XIX, đó là triết học Đức, kinh tế
chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp”[2].
Trong khuôn khổ môn học này, chủ
nghĩa xã hội khoa học được nghiên cứu theo nghĩa hẹp.
1.1. Hoàn cảnh lịch sử ra đời chủ nghĩa xã hội khoa học
1.1.1. Điều kiện kinh tế - xã
hội
Vào những năm 40 của thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp phát triển mạnh mẽ tạo nên nền đại công nghiệp. Nền đại công nghiệp cơ khí làm cho phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa có bước phát triển vượt bậc. Trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, C.Mác và Ph.Ăngghen đánh giá: “Giai cấp tư sản trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ đã tạo ra một lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả các thế hệ trước đây gộp lại”[3]. Cùng với quá trình phát triển của nền đại công nghiệp, sự ra đời hai hai giai cấp cơ bản, đối lập về lợi ích, nhưng nương tựa vào nhau: giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Cũng từ đây, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại sự thống trị áp bức của giai cấp tư sản, biểu hiện về mặt xã hội của mâu thuẫn ngày càng quyết liệt giữa lực lượng sản xuất mang tính chất xã hội với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Do đó, nhiều cuộc khởi nghĩa, nhiều phong trào đấu tranh đã bắt đầu và từng bước có tổ chức và trên quy mô rộng khắp. Phong trào Hiến chương của những người lao động ở nước Anh diễn ra trên 10 năm (1836 - 1848); Phong trào công nhân dệt ở thành phố Xi-lê-di, nước Đức diễn ra năm 1844. Đặc biệt, phong trào công nhân dệt thành phố Li-on, nước Pháp diễn ra vào năm 1831 và năm 1834 đã có tính chất chính trị rõ nét. Nếu năm 1831, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Li-on giương cao khẩu hiệu thuần túy có tính chất kinh tế “sống có việc làm hay là chết trong đấu tranh” thì đến năm 1834, khẩu hiệu của phong trào đã chuyển sang mục đích chính trị: “Cộng hòa hay là chết”.
Sự phát triển nhanh chóng có tính
chính trị công khai của phong trào công nhân đã minh chứng, lần đầu tiên,
giai cấp công nhân đã xuất hiện như một lực lượng chính trị độc lập với
những yêu sách kinh tế, chính trị riêng của mình và đã bắt đầu hướng
thẳng mũi nhọn của cuộc đấu tranh vào kẻ thù chính của mình là giai cấp tư
sản. Sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đòi hỏi
một cách bức thiết phải có một hệ thống lý luận soi đường và một cương
lĩnh chính trị làm kim chỉ nam cho hành động.
Điều kiện kinh tế - xã hội ấy
không chỉ đặt ra yêu cầu đối với các nhà tư tưởng của giai cấp công nhân
mà còn là mảnh đất hiện thực cho sự ra đời một lý luận mới, tiến bộ-
chủ nghĩa xã hội khoa học.
1.1.2. Tiền đề khoa học tự nhiên và tư tưởng lý luận
a) Tiền đề khoa học tự nhiên
Sau thế kỷ ánh sáng, đến đầu thế kỷ
XIX, nhân loại đã đạt nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực khoa học,
tiêu biểu là ba phát minh tạo nền tảng cho phát triển tư duy lý luận.
Trong khoa học tự nhiên, những phát minh vạch thời đại trong vật lý học và
sinh học đã tạo ra bước phát triển đột phá có tính cách mạng: Học thuyết Tiến hóa;
Định
luật Bảo toàn và chuyển hóa năng lượng; Học thuyết tế bào[4].
Những phát minh này là tiền đề khoa học cho sự ra đời của chủ nghĩa
duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử, cơ sở phương pháp
luận cho các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu những
vấn đề lý luận chính trị- xã hội đương thời.
c) Tiền đề tư tưởng lý luận
Cùng với sự phát triển của khoa
học tự nhiên, khoa học xã hội cũng có những thành tựu đáng ghi nhận, trong
đó có triết học cổ điển Đức với tên tuổi của các nhà triết học vĩ đại:
Ph.Hêghen (1770 -1831) và L. Phoiơbắc (1804 - 1872); kinh tế chính trị học
cổ điển Anh với A.Smith (1723-1790) và D.Ricardo (1772-1823); chủ nghĩa
không tưởng phê phán mà đại biểu là Xanh Ximông (1760-1825), S.Phuriê (17721837) và R.O-en (1771-1858).
Những tư tưởng xã hội chủ nghĩa
không tưởng Pháp đã có những giá trị nhất định:1) Thể hiện tinh thần phê
phán, lên án chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ tư bản chủ nghĩa đầy bất
công, xung đột, của cải khánh kiệt, đạo đức đảo lộn, tội ác gia tăng; 2)
đã đưa ra nhiều luận điểm có giá trị về xã hội tương lai: về tổ chức
sản xuất và phân phối sản phẩm xã hội; vai trò của công nghiệp và khoa học
- kỹ thuật; yêu cầu xóa bỏ sự đối lập giữa lao động chân tay và lao
động trí óc; về sự nghiệp giải phóng phụ nữ và về vai trò lịch sử của
nhà nước…; 3) chính những tư tưởng có tính phê phán và sự dấn thân trong
thực tiễn của các nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng, trong chừng mực, đã
thức tỉnh giai cấp công nhân và người lao động trong cuộc đấu tranh
chống chế độ quân chủ chuyên chế và chế độ tư bản chủ nghĩa đầy bất công,
xung đột.
Tuy nhiên, những tư tưởng xã hội
chủ nghĩa không tưởng phê phán còn không ít những hạn chế hoặc do điều kiện
lịch sử, hoặc do chính sự hạn chế về tầm nhìn và thế giới quan của những
nhà tư tưởng, chẳng hạn, không phát hiện ra được quy luật vận động và phát
triển của xã hội loài người nói chung; bản chất, quy luật vận động,
phát triển của chủ nghĩa tư bản nói riêng; không phát hiện ra lực lượng
xã hội tiên phong có thể thực hiện cuộc chuyển biến cách mạng từ chủ
nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, giai cấp công nhân; không chỉ ra được
những biện pháp hiện thực cải tạo xã hội áp bức, bất công đương thời, xây
dựng xã hội mới tốt đẹp. V.I.Lênin trong tác phẩm “Ba nguồn gốc, ba bộ
phận hợp thành chủ nghĩa Mác” đã nhận xét: chủ nghĩa xã hội không
tưởng không thể vạch ra được lối thoát thực sự. Nó không giải thích được
bản chất của chế độ làm thuê trong
chế độ tư bản, cũng không phát hiện ra được những quy luật phát triển của
chế độ tư bản và cũng không tìm được lực lượng xã hội có khả năng trở
thành người sáng tạo ra xã hội mới. Chính vì những hạn chế ấy, mà chủ
nghĩa xã hội không tưởng phê phán chỉ dừng lại ở mức độ một học thuyết xã
hội chủ nghĩa không tưởng- phê phán. Song vượt lên tất cả, những giá trị
khoa học, cống hiến của các nhà tư tưởng đã tạo ra tiền đề tư tưởng- lý
luận, để C.Mác và Ph.Ănghen kế thừa những hạt nhân hợp lý, lọc bỏ những bất
hợp lý, xây dựng và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học.
1.2. Vai trò của Các Mác và Phriđrích Ăngghen
Những điều kiện kinh tế- xã hội
và những tiền đề khoa học tự nhiên và tư tưởng lý luận là điều kiện cần
cho một học thuyết ra đời, sông điều kiện đủ để học thuyết khoa học, cách
mạng và sãng tạo ra đời chính là vai trò của C. Mác và Ph. Angghen.
C.Mác (1818-1883) và Ph.Ăngghen (1820-1895)
trưởng thành ở Đức, đất nước có nền triết học phát triển rực rỡ với
thành tựu nổi bật là chủ nghĩa duy vật của L.Phoiơbắc và phép biện chứng
của V.Ph.Hêghen. Bằng trí tuệ uyên bác và sự dấn thấn trong phong trào đấu
tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động C. Mác và Ph. Angghen đến
với nhau, đã tiếp thu các giá trị của nền triết học cổ điển, kinh tế
chính trị học cổ điển Anh và kho tàng tri thức của nhân loại để các ông
trở thành những nhà khoa học thiên tài, những nhà cách mạng vĩ đại nhất thời
đại.
1.2.1. Sự chuyển biến lập trường triết học và lập trường chính
trị
Thoạt đầu, khi bước vào hoạt động khoa
học, C.Mác và Ph.Ăngghen là hai thành viên tích cực của câu lạc bộ Hêghen
trẻ và chịu ảnh hưởng của quan điểm triết học của V.Ph.Hêghen và
L.Phoiơbắc. Với nhãn quan khoa học uyên bác, các ông đã sớm nhận thấy
những mặt tích cực và hạn chế trong triết học của V.Ph.Hêghen và L.
Phoiơbắc. Với triết học của
V.Ph.Hêghen, tuy mang quan điểm duy tâm, nhưng chứa đựng “cái hạt nhân” hợp
lý của phép biện chứng; còn đối với triết học của L.Phoiơbắc, tuy mang
năng quan điểm siêu hình, song nội dung lại thấm nhuần quan niệm duy vật.
C.Mác và Ph.Ăng ghen đã kế thừa “cái
hạt nhân hợp lý”, cải tạo và loại bỏ cải vỏ thần bí duy tâm, siêu hinh để
xây dựng nên lý thuyết mới chủ nghĩa duy vật biện chứng.
Với C.Mác, từ cuối năm 1843 đến
4/1844, thông qua tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của
Hêghen - Lời nói đầu (1844)”, đã thể
hiện rõ sự chuyển biến từ thế giới quan duy tâm sang thế giới quan duy
vật, từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ
nghĩa .
Đối với Ph.Ăngghen, từ năm 1843
với tác phẩm “Tình cảnh nước Anh”; “Lược khảo khoa kinh tế - chính trị” đã
thể hiện rõ sự chuyển biến từ thế giới quan duy tâm sang thế giới quan
duy vật từ lập trường dân chủ cách mạng sang lập trường cộng sản chủ
nghĩa .
Chỉ trong một thời gian ngắn (từ
1843 -1848) vừa hoạt động thực tiễn, vừa nghiên cứu khoa học, C.Mác và
Ph.Ăngghen đã thể hiện quá trình chuyển biến lập trường triết học và lập
trường chính trị và từng bước củng cố, dứt khoát, kiên định, nhất quán và
vững chắc lập trường đó, mà nếu không có sự chuyển biến này thì chắc
chắn sẽ không có Chủ nghĩa xã hội khoa học.
1.2.2. Ba phát kiến vĩ đại của C.Mác và Ph.Ăngghen
a) Chủ
nghĩa duy vật lịch sử
Trên cơ sở kế thừa “cái hạt nhân hợp lý” của
phép biện chứng và lọc bỏ quan điểm duy tâm, thần bí của Triết học
V.Ph.Hêghen; kế thừa những giá trị duy vật và loại bỏ quan điểm siêu hình
của Triết học L.Phoiơbắc, đồng thời nghiên cứu nhiều thành tựu khoa học
tự nhiên, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sáng lập chủ nghĩa duy vật biện
chứng, thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Bằng phép biện chứng
duy vật, nghiên cứu chủ nghĩa tư bản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã sáng lập
chủ nghĩa duy vật lịch sử - phát kiến vĩ đại thứ nhất của C.Mác và
Ph.Ăngghen là sự khẳng định về mặt triết học sự sụp đổ của chủ nghĩa
tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội đều tất yếu như nhau.
b) Học
thuyết về giá trị thặng dư
Từ việc phát hiện ra chủ nghĩa
duy vật lịch sử, C.Mác và Ph.Ăngghen đi sâu nghiên cứu nền sản xuất công
nghiệp và nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã sáng tạo ra bộ “Tư bản”, mà
giá trị to lớn nhất của nó là “Học thuyết về giá trị thặng dư - phát kiến
vĩ đại thứ hai của C.Mác và Ph.Ăngghhen là sự khẳng định về phương diện
kinh tế sự diệt vong không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản và
sự ra đời tất yếu của chủ nghĩa xã hội.
c) Học
thuyết về sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân
Trên cơ sở hai phát kiến vĩ đại là
chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết về giá trị thặng dư, C.Mác và
Ph.Ăngghen đã có phát kiến vĩ đại thứ ba, sứ mệnh lịch sử toàn thế giới
của giai cấp công nhân, giai cấp có sứ mệnh thủ tiêu chủ nghĩa tư bản,
xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Với phát
kiến thứ ba, những hạn chế có tính lịch sử của chủ nghĩa xã hội không
tưởng- phê phán đã được khắc phục một cách triệt để; đồng thời đã
luận chứng và khẳng định về phương diện chính trị- xã hội sự diệt vong
không tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản và sự thắng lợi tất yếu của chủ
nghĩa xã hội.
1.2.3. Tuyên ngôn của
Đảng Cộng sản đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa xã hội khoa học
Được sự uỷ nhiệm của những người
cộng sản và công nhân quốc tế, tháng 2 năm 1848, tác phẩm “Tuyên ngôn của
Đảng Cộng sản” do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo được công bố trước toàn thế
giới.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là tác phẩm kinh điển chủ
yếu của chủ nghĩa xã
hội khoa học. Sự ra đời của tác
phẩm vĩ đại này đánh dấu sự hình thành về cơ bản lý luận của chủ nghĩa
Mác bao gồm ba bộ phận hợp thành: Triết học, Kinh tế chính trị học và Chủ
nghĩa xã hội khoa học.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản còn
là cương lĩnh chính trị, là kim chỉ nam hành động của toàn bộ phong
trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản là
ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới
trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giải phóng loài người vĩnh
viễn thoát khỏi mọi áp bức, bóc lột giai cấp, bảo đảm cho loài người được
thực sự sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc.
Chính Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản
đã nêu và phân tích một cách có hệ thống lịch sử và lô gic hoàn chỉnh
về những vấn đề cơ bản nhất, đầy đủ, xúc tích và chặt chẽ nhất thâu tóm hầu
như toàn bộ những luận điểm của chủ nghĩa xã hội khoa học; tiêu biểu
và nổi bật là những luận điểm:
-
Cuộc đấu tranh của giai cấp trong lịch sử
loài người đã phát triển đến một giai đoạn mà giai cấp công nhân không
thể tự giải phóng mình nếu không đồng thời giải phóng vĩnh viễn xã hội
ra khỏi tình trạng phân chia giai cấp, áp bức, bóc lột và đấu tranh giai
cấp. Song, giai cấp vô sản không thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử nếu không
tổ chức ra chính đảng của giai cấp, Đảng được hình thành và phát triển
xuất phát từ sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
-
Lôgic phát triển tất yếu của xã hội tư sản
và cũng là của thời đại tư bản chủ nghĩa đó là sự sụp đổ của chủ
nghĩa tư bản và sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là tất yếu như nhau.
-
Giai cấp công nhân, do có địa vị kinh tế - xã
hội đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến, có sứ mệnh lịch sử thủ
tiêu chủ nghĩa tư bản, đồng thời là lực lượng tiên phong trong quá trình
xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
-
Những người cộng sản trong cuộc đấu tranh
chống chủ nghĩa tư bản, cần thiết phải thiết lập sự liên minh với các
lực lượng dân chủ để đánh đổ chế độ phong kiến chuyên chế, đồng thời
không quên đấu tranh cho mục tiêu cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản. Những
người cộng sản phải tiến hành cách mạng không ngừng nhưng phải có chiến lược,
sách lược khôn khéo và kiên quyết.
2. Các giai đoạn phát triển cơ bản của Chủ nghĩa xã hội khoa học
2.1. C.Mác và Ph.Ăngghen phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học
2.1.1. Thời kỳ từ 1848 đến Công xã Pari (1871)
Đây là thời kỳ của những sự
kiện của cách mạng dân chủ tư sản ở các nước Tây Âu (1848-1852): Quốc tế I
thành lập (1864); tập I bộ Tư bản của C.Mác được xuất bản (1867). Về sự
ra đời của bộ Tư bản, V.I.Lênin đã khẳng định: “từ khi bộ “Tư bản” ra đời…
quan niệm duy vật lịch sử không còn là một giả thuyết nữa, mà là một
nguyên lý đã được chứng minh một cách khoa học; và chừng nào chúng ta chưa
tìm ra một cách nào khác để giải thích một cách khoa học sự vận hành và
phát triển của một hình thái xã hội nào đó - của chính một hình thái xã
hội, chứ không phải của sinh hoạt của một nước hay một dân tộc, hoặc
thậm chí của một giai cấp nữa v.v.., thì chừng đó quan niệm duy vật lịch
sử vẫn cứ là đồng nghĩa với khoa học xã hội”[5].
Bộ “Tư bản” là tác phẩm chủ yếu và cơ bản trình bày chủ nghĩa xã hội
khoa học”[6].
Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm cuộc cách
mạng (1848-1852) của giai cấp công nhân, C.Mác và Ph.Ăngghen tiếp tục phát
triển thêm nhiều nội dung của chủ nghĩa xã hội khoa học: Tư tưởng về
đập tan bộ máy nhà nước tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản; bổ sung tư
tưởng về cách mạng không ngừng bằng sự kết hợp giữa đấu tranh của giai cấp
vô sản với phong trào đấu tranh của giai cấp nông dân; tư tưởng về xây
dựng khối liên minh giữa giai cấp công nhân và giai cấp nông dân và xem đó
là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho cuộc cách mạng phát triển không ngừng
để đi tới mục tiêu cuối cùng.
2.1.2. Thời kỳ sau Công xã Pari đến 1895
Trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm
Công xã Pari, C.Mác và Ph.Ănghen phát triển toàn diện chủ nghĩa xã hội
khoa: Bổ sung và phát triển tư tưởng đập tan bộ máy nhà nước quan liêu,
không đập tan toàn bộ bộ máy nhà nước tư sản nói chung. Đồng thời cũng
thừa nhận Công xã Pari là một hình thái nhà nước của giai cấp công nhân,
rốt cuộc, đã tìm ra.
C. Mác và Ph.Ăngghen đã luận
chứng sự ra đời, phát triển của chủ nghĩa xã hội khoa học.Trong tác
phẩm “Chống Đuyrinh” (1878), Ph.Ăngghen đã luận chứng sự phát triển của
chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học và đánh giá công lao của các
nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng Anh, Pháp. Sau này,V.I.Lênin, trong tác
phẩm “Làm gì?” (1902) đã nhận xét: “chủ nghĩa xã hội lý luận Đức
không bao giờ quên rằng nó dựa vào Xanhximông, Phuriê và Ô-oen. Mặc dù các
học thuyết của ba nhà tư tưởng này có tính chất ảo tưởng, nhưng họ vẫn
thuộc vào hàng ngũ những bậc trí tuệ vĩ đại nhất. Họ đã tiên đoán được
một cách thiên tài rất nhiều chân lý mà ngày nay chúng ta đang chứng minh
sự đúng đắn của chúng một cách khoa học”[7].
C. Mác và Ph.Ăngghen đã nêu ra
nhiệm vụ nghiên cứu của chủ nghĩa xã hội khoa học: “Nghiên cứu những
điều kiện lịch sử và do đó, nghiên cứu chính ngay bản chất của sự biến
đổi ấy và bằng cách ấy làm cho giai cấp hiện nay đang bị áp bức và có sứ
mệnh hoàn thành sự nghiệp ấy hiểu rõ được những điều kiện và bản chất
của
sự nghiệp của chính họ - đó là
nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội khoa học, sự thể hiện về lý luận của
phong trào vô sản”[8].
C.Mác và Ph.Ăngghen yêu cầu phải
tiếp tục bổ sung và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học phù hợp với
điều kiện lịch sử mới.
Mặc dù, với những cống hiến tuyệt vời cả
về lý luận và thực tiễn, song cả C.Mác và Ph.Ăngghen không bao giờ tự cho
học thuyết của mình là một hệ thống giáo điều, “nhất thành bất biến”, trái
lại, nhiều lần hai ông đã chỉ rõ đó chỉ là những “gợi ý” cho mọi suy
nghĩ và hành động. Trong Lời nói đầu viết cho tác phẩm Đấu tranh giai cấp
ở Pháp từ 1848 đến 1850 của C.Mác, Ph.Ăngghen đã thẳng thắn thừa nhận sai
lầm về dự báo khả năng nổ ra của những cuộc cách mạng vô sản ở châu Âu, vì
lẽ “Lịch sử đã chỉ rõ rằng trạng thái phát triển kinh tế trên lục địa lúc
bấy giờ còn rất lâu mới chín muồi để xóa bỏ phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa”[9].
Đây cũng chính là “gợi ý” để V.I.Lênin và các nhà tư tưởng lý luận của
giai cấp công nhân sau này tiếp tục bổ sung và phát triển phù hợp với điều
kiện lịch sử mới.
Đánh giá về chủ nghĩa Mác,
V.I.Lênin chỉ rõ: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một
học thuyết chính xác”[10].
2.2. V.I.Lênin vận dụng và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học trong
điều kiện mới
V.I.Lênin (1870-1924) là người đã
kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng và khoa học của C.Mác và Ph.Ăngghen;
tiếp tục bảo vệ, vận dụng và phát triển sáng tạo và hiện thực hóa một
cách sinh động lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời đại mới,
“Thời đại tan rã chủ nghĩa tư bản, sự sụp đổ trong nội bộ chủ nghĩa
tư bản, thời đại cách mạng cộng sản của giai cấp vô sản”[11];
trong điều kiện chủ nghĩa Mác đã giành ưu thế trong phong trào công nhân
quốc tế và trong thời đại Quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã
hội.
Nếu như công lao của C.Mác và
Ph.Ăngghen là phát triển chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học
thì công lao của V.I.Lênin là đã biến chủ nghĩa xã hội từ khoa học từ lý
luận thành hiện thực, được đánh dấu bằng sự ra đời của Nhà nước xã
hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - Nhà nước Xô viết, năm 1917.
Những đóng góp to lớn của
V.I.Lênin trong sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa xã hội
khoa học có thể khái quát qua hai thời kỳ cơ bản:
2.2.1. Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Mười Nga
Trên cơ sở phân tích và tổng kết một cách nghiêm túc các sự
kiện lịch sử diễn
ra trong đời sống kinh tế - xã hội
của thời kỳ trước cách mạng tháng Mười, V.I.Lênin đã bảo vệ, vận dụng
và phát triẻn sáng tạo các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa xã hội khoa
học trên một số khía cạnh sau:
-
Đấu tranh chống các trào lưu phi mác xít
(chủ nghĩa dân túy tự do, phái kinh tế, phái mác xít hợp pháp) nhằm bảo
vệ chủ nghĩa Mác, mở đường cho chủ nghĩa Mác thâm nhập mạnh mẽ vào Nga;
-
Kế thừa những di sản lý luận của C.Mác và
Ph.Ăngghen về chính đảng, V.I.Lênin đã xây dựng lý luận về đảng cách mạng
kiểu mới của giai cấp công nhân, về các nguyên tắc tổ chức, cương lĩnh,
sách lược trong nội dung hoạt động của đảng;
-
Kế thừa, phát triển tư tưởng cách mạng không
ngừng của C.Mác và
Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã hoàn chỉnh
lý luận về cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản, cách mạng
dân chủ tư sản kiểu mới và các điều kiện tất yếu cho sự chuyển biến sang
cách mạng xã hội chủ nghĩa; những vấn đề mang tính quy luật của cách mạng
xã hội chủ nghĩa; vấn đề dân tộc và cương lĩnh dân tộc, đoàn kết và
liên minh của giai cấp công nhân với nông dân và các tầng lớp lao động
khác; những vấn đề về quan hệ quốc tế và chủ nghĩa quốc tế vô sản, quan
hệ cách mạng xã hội chủ nghĩa với phong trào giải phóng dân tộc…
-
Phát triển quan điểm của C.Mác và Ph.Angghen
về khả năng thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở những
nghiên cứu, phân tích về chủ nghĩa đế
quốc, V.I. Lênin phát hiện ra quy
luật phát triển không đều về kinh tế và
chính trị của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ chủ nghĩa đế quốc và đi đến kết luận: cách mạng vô sản có thể nổ ra và thắng
lợi ở một số nước, thậm chí ở một nước riêng lẻ, nơi chủ nghĩa tư bản chưa phải
là phát triển nhất, nhưng là khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền tư bản chủ
nghĩa..
-
V.I.Lênin đã dành nhiều tâm huyết luận giải
về chuyên chính vô sản, xác định bản chất dân chủ của chế độ chuyên chính
vô sản; phân tích mối quan hệ giữa chức năng thống trị và chức năng xã
hội của chuyên chính vô sản. Chính V.I.Lênin là người đầu tiên nói đến
phạm trù hệ thống chuyên chính vô sản, bao gồm hệ thống của Đảng Bônsêvic
lãnh đạo, Nhà nước Xô viết quản lý và tổ chức công đoàn.
-
Gắn hoạt động lý luận với thực tiễn cách
mạng, V.I.Lênin trực tiếp lãnh đạo Đảng của giai cấp công nhân Nga tập hợp
lực lượng đấu tranh chống chế độ chuyên chế Nga hoàng, tiến tới giành chính
quyền về tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga.
2.2.2. Thời kỳ sau Cách mạng Tháng Mười Nga
Ngay sau khi cách mạng thắng lợi,
V.I.Lênin đã viết nhiều tác phẩm quan trọng bàn về những nguyên lý của
chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời kỳ mới, tiêu biểu là những luận
điểm:
-
Chuyên
chính vô sản, theo V.I.Lênin, là một hình thức nhà nước mới - nhà
nước dân chủ, dân chủ đối với những người vô sản và nói chung những
người không có của và chuyên chính đối với giai câp tư sản. Cơ sở và
nguyên tắc cao nhất của chuyên chính vô sản là sự liên minh của giai cấp
công nhân với giai cấp nông dân và toàn thể nhân dân lao động cũng như các
tầng lớp lao động khác dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân để thực
hiện nhiệm vụ cơ bản của chuyên chính vô sản là thủ tiêu mọi chế độ
người bóc lột người, là xây dựng chủ nghĩa xã hội.
-
Về thời kỳ quá độ chính trị từ chủ nghĩa tư bản
chủ nghĩa lên chủ nghĩa cộng sản. Phê phán các quan điểm của kẻ thù xuyên
tạc về bản chất của chuyên chính vô sản chung quy chỉ là bạo lực, V.I.Lênin
đã chỉ rõ: chuyên chính vô sản... không phải chỉ là bạo lực đối với bọn
bóc lột và cũng không phải chủ yếu là bạo lực... là việc giai cấp công
nhân đưa ra được và thực hiện được kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn
so với chủ nghĩa tư bản, đấy là nguồn sức mạnh, là điều đảm bảo cho
thắng lợi hoàn toàn và tất nhiên của chủ nghĩa cộng sản. V.I.Lênin đã nêu
rõ: chuyên chính vô sản là một cuộc đấu tranh kiên trì, đổ máu và không
đổ máu, bạo lực và hòa bình, bằng quân sự và bằng kinh tế, bằng giáo dục
và bằng hành chính, chống những thế lực và những tập tục của xã hội cũ.
-
Về chế độ
dân chủ,V.I.Lênin khẳng định: chỉ có dân chủ tư sản hoặc dân chủ xã hội
chủ nghĩa, không có dân chủ thuần tuý hay dân chủ nói chung. Sự khác nhau
căn bản giữa hai chế độ dân chủ này là chế độ dân chủ vô sản so với bất
cứ chế độ dân chủ tư sản nào, cũng dân chủ hơn gấp triệu lần; chính
quyền Xô viết so với nước cộng hòa tư sản dân chủ nhất thì cũng dân chủ
hơn gấp triệu lần.
-
Về cải
cách hành chính bộ máy nhà nước sau khi đã bước vào thời kỳ xây dựng xã
hội mới, V.I.Lênin cho rằng, trước hết, phải có một đội ngũ những người
cộng sản cách mạng đã được tôi luyện và tiếp sau là phải có bộ máy nhà
nước phải tinh, gọn, không hành chính, quan liêu.
Về
cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa xã hội
ở nước Nga, V.I.Lênin đã nhiều lần dự thảo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga và nêu ra nhiều luận điểm
khoa học độc đáo: Cần có những bước quá độ nhỏ trong thời kỳ quá độ nói
chung lên chủ nghĩa xã hội; giữ vững chính quyền Xô viết thực hiện điện
khí hóa toàn quốc; xã hội hóa những tư liệu sản xuất cơ bản theo hướng xã
hội chủ nghĩa; xây dựng nền công nghiệp hiện đại; điện khí hóa nền
kinh tế quốc dân; cải tạo kinh tế tiểu nông theo những nguyên tắc xã hội
chủ nghĩa; thực hiện cách mạng văn hóa… Bên cạnh đó là việc sử dụng
rộng rãi hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước để dần dần cải tiến chế độ
sỡ hữu của các nhà tư bản hạng trung và hạng nhỏ thành sở hữu công cộng.
Cải tạo nông nghiệp bằng con đường hợp tác xã theo nguyên tắc xã hội chủ
nghĩa; xây dựng nền công nghiệp hiện đại và điện khí hóa là cơ sở
vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội; học chủ nghĩa tư bản về kỹ
thuật, kinh nghiệm quản lý kinh tế, trình độ giáo dục; sử dụng các
chuyên gia tư sản; cần phải phát triển thương nghiệp xã hội chủ nghĩa. Đặc
biệt, V.I.Lênin nhấn mạnh, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,
cần thiết phải phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần.
V.I.Lênin đặc biệt coi trọng vấn
đề dân tộc trong hoàn cảnh đất nước có rất nhiều sắc tộc. Ba nguyên tắc
cơ bản trong Cương lĩnh dân tộc: Quyền bình đẳng dân tộc; quyền dân tộc
tự quyết và tình đoàn kết của giai cấp vô sản thuộc tất cả các dân tộc.
Giai cấp vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại…
Cùng với những cống hiến hết sức to lớn
về lý luận và chỉ đạo thực tiễn cách mạng, V.I.Lênin còn nêu một tấm gương
sáng về lòng trung thành vô hạn với lợi ích của giai cấp công nhân, với lý
tưởng cộng sản do C.Mác, Ph.Ăngghen phát hiện và khởi xướng. Những điều đó
đã làm cho V.I.Lênin trở thành một thiên tài khoa học, một lãnh tụ kiệt
xuất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới.
2.3. Sự vận dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa xã hội khoa học
từ sau khi V.I.Lênin qua đời đến nay
Sau khi V.I.Lênin qua đời, đời
sống chính trị thế giới chứng kiến nhiều thay đổi. Chiến tranh thế giới
lần thứ hai do các thế lực đế quốc phản động cực đoan gây ra từ 1939-1945
để lại hậu quả cực kỳ khủng khiếp cho nhân loại.
Trong phe đồng minh chống phát
xít, Liên xô góp phần quyết định chấm dứt chiến tranh, cứu nhân loại khỏi
thảm họa của chủ nghĩa phát xít và tạo điều kiện hình thành hệ thống
xã hội chủ nghĩa thế giới, tạo lợi thế so sánh cho lực lượng hòa bình,
độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
J.Xtalin kế tục là người lãnh đạo
cao nhất của Đảng Cộng sản (b) Nga và sau đó là Đảng Cộng sản Liên Xô,
đồng thời là người ảnh hưởng lớn nhất đối với Quốc tế III cho đến năm
1943, khi G. Đi-mi-trốp là chủ tịch Quốc tế III. Từ năm 1924 đến năm 1953,
có thể gọi là “Thời đoạn Xtalin” trực tiếp vận dụng và phát triển chủ
nghĩa xã hội khoa học. Chính Xtalin và Đảng Cộng sản Liên Xô đã gắn lý
luận và tên tuổi của
C.Mác với V.I.Lênin thành “Chủ
nghĩa Mác - Lênin”. Trên thực tiễn, trong mấy thập kỷ bước đầu xây dựng
chủ nghĩa xã hội, với những thành quả to lớn và nhanh chóng về nhiều
mặt để Liên Xô trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên và duy
nhất trên toàn cầu, buộc thế giới phải thừa nhận và nể trọng.
Có thể nêu một cách khái quát
những nội dung cơ bản phản ánh sự vận dụng, phát triển sáng tạo chủ
nghĩa xã hội khoa học trong thời kỳ sau Lênin:
-
Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công
nhân quốc tế họp tại Matxcơva tháng 11-1957 đã tổng kết và thông qua 9 qui
luật chung của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ
nghĩa xã hội. Mặc dù, về sau do sự phát triển của tình hình thế giới,
những nhận thức đó đã bị lịch sử vượt qua, song đây cũng là sự phát
triển và bổ sung nhiều nội dung quan trọng cho chủ nghĩa xã hội khoa
học.
-
Hội nghị đại biểu của 81 Đảng Cộng sản và
công nhân quốc tế cũng họp ở
Matxcơva vào tháng giêng năm 1960 đã
phân tích tình hình quốc tế và những vấn đề cơ bản của thế giới, đưa ra
khái niệm về “thời đại hiện nay”; xác định nhiệm vụ hàng đầu của các
Đảng Cộng sản và công nhân là bảo vệ và củng cố hòa bình ngăn chặn bọn đế
quốc hiếu chiến phát động chiến tranh thế giới mới; tăng cường đoàn kết
phong trào cộng sản đấu tranh cho hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Hội nghị Matcơva thông qua văn kiện: “Những nhiệm vụ đấu tranh chống chủ
nghĩa đế quốc trong giai đoạn hiện tại và sự thống nhất hành động của
các Đảng Cộng sản, công nhân và tất cả các lực lương chống đế quốc”. Hội nghị đã khẳng định: “Hệ thống xã hội
chủ nghĩa thế giới, các lực lượng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc
nhằm cải tạo xã hội theo chủ nghĩa xã hội, đang quyết định nội dung chủ
yếu, phương hướng chủ yếu của những đặc điểm chủ yếu của sự phát triển
lịch sử của xã hội loài người trong thời đại ngày nay”[12].
-
Sau Hội nghị Matxcơva năm 1960, hoạt động lí
luận và thực tiễn của các Đảng Cộng sản và công nhân được tăng cường hơn
trước. Tuy nhiên, trong phong trào cộng sản quốc tế, trên những vấn đề cơ
bản của cách mạng thế giới vẫn tồn tại những bất đồng và vẫn tiếp tục
diễn ra cuộc đấu tranh gay gắt giữa những người theo chủ nghĩa Mác - Lênin
với những người theo chủ nghĩa xét lại và chủ nghĩa giáo điều biệt
phái.
-
Đến những năm cuối của thập niên 80 đầu thập
niên 90 của thế kỷ XX, do nhiều tác động tiêu cực, phức tạp từ bên trong
và bên ngoài, mô hình của chế độ xã hội chủ nghĩa của Liên xô và Đông Âu
sụp đổ, hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã, chủ nghĩa xã hội đứng
trước một thử thách đòi hỏi phải vượt qua.
Trên phạm
vi quốc tế, đã diễn ra nhiều chiến dịch tấn công của các thế thực thù
địch, rằng chủ nghĩa xã hội đã cáo chung… Song từ bản chất khoa học, sáng
tạo, cách mạng và nhân văn, chủ nghĩa xã hội mang sức sống của qui
luật tiến hóa của lịch sử đã và sẽ tiếp tục có bước phát triển mới.
Trên thế giới, sau sụp đổ của
chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên xô và Đông Âu, chỉ còn một số nước xã
hội chủ nghĩa hoặc nước có xu hướng tiếp tục theo chủ nghĩa xã hội,
do vẫn có một Đảng Cộng sản lãnh đạo. Những Đảng Cộng sản kiên trì hệ tư
tưởng Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, từng bước giữ ổn định để
cải cách, đổi mới và phát triển.
Trung Quốc tiến hành cải cách, mở từ
năm 1978 đã thu được những thành tựu đáng ghi nhận, cả về lý luận và thực
tiễn. Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ ngày thành lập (1 tháng 7 năm 1921) đến
nay đã trải qua 3 thời kỳ lớn: Cách mạng, xây dựng và cải cách, mở cửa.
Đại hội lần thứ XVI của Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2002 đã khái quát
về quá trình lãnh đạo của Đảng như sau: “Đảng chúng ta trải qua thời kỳ
cách mạng, xây dựng và cải cách; đã
từ một Đảng lãnh đạo nhân dân phấn đấu giành chính quyền trong cả nước trở
thành Đảng lãnh đạo nhân dân nắm chính quyền trong cả nước và cầm quyền
lâu dài; đã từ một Đảng lãnh đạo xây dựng đất nước trong điều kiện chịu
sự bao vây từ bên ngoài và thực hiện kinh tế kế hoạch, trở thành Đảng lãnh
đạo xây dựng đất nước trong điều kiện cải cách mở cửa (bắt đầu từ Hội
nghị Trung ương 3 khóa XI cuối năm 1978) và phát triển kinh tế thị trường
xã hội chủ nghĩa”. Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa “xây
dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc” kiên trì phương châm:
“cầm quyền khoa học, cầm quyền dân chủ, cầm quyền theo pháp luật; “tất cả
vì nhân dân”; “tất cả dựa vào nhân dân” và thực hiện 5 nguyên tắc, 5
kiên trì1:
Đại hội XIX (2017) với chủ đề:
“Quyết thắng xây dựng toàn diện xã hội khá giả, giành thắng lợi vĩ đại
chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”, đã khẳng định: Xây
dựng Trung Quốc trở thành cường quốc hiện đại hóa xã hội chủ
nghĩa giàu
mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp vào năm 2050; “Nhân dân Trung
Quốc sẽ được hưởng sự hạnh phúc và thịnh vượng cao hơn, và dân tộc Trung
Quốc sẽ có chỗ đứng cao hơn, vững hơn trên trường quốc tế”2.
Thực ra công cuộc cải cách mở cửa
ở Trung Quốc cũng còn nhiều vấn đề cần trao đổi, bàn cãi. Song, qua 40
năm thực hiện, Trung Quốc đã trở thành nước thứ hai trên thế giới về
kinh tế và nhiều vấn đề, nhất là về lý luận “Một quốc gia, hai chế độ”
cũng là vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu.
Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới do
Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Đại hội lần thứ VI (1986)
đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Trên tinh thần
“nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật” Đảng
Cộng sản Việt Nam không chỉ thành công trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ tổ quốc mà còn có những đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận của chủ
nghĩa Mác - Lênin:
- Độc
lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quy luật của cách mạng
Việt
Nam, trong điều kiện thời đại ngày
nay;
- Kết
hợp chặt chẽ ngay từ đầu đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, lấy đổi
1
5 kiên trì: 1) Kiên trì coi phát triển là nhiệm vụ quan trọng số một
chấn hưng đất nước của đảng cầm quyền, không ngừng nâng cao năng lực điều
hành kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa; 2) kiên trì sự thống nhất hữu
cơ giữa sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân làm chủ dựa vào pháp luật để quản
lý đất nước, không ngừng nâng cao năng lực phát triển nền chính trị dân
chủ XHCN; 3) kiên trì địa vị chỉ đạo của chủ nghĩa Mác trong lĩnh vực
hình thái ý thức, không ngừng nâng cao năng lực xây dựng nền văn hoá tiên
tiến xã hội chủ nghĩa; 4) kiên trì phát huy rộng rãi nhất, đầy đủ nhất
mọi nhân tố tích cực, không ngừng nâng cao năng lực điều hoà xã hộị; 5)
kiên trì chính sách ngoại giao hoà bình độc lập tự chủ, không ngừng nâng
cao năng lực ứng phó với tình hình quốc tế và xử lý các công việc quốc
tế.
2
Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “Quyết thắng xây
dựng toàn diện xã hội khả giả, giành thắng lợi vĩ đại CNXH đặc sắc Trung
Quốc thời đại mới” đã xác định 8 điều làm rõ và 14 điều kiên trì là
đóng góp mới đối với lý luận về
CNXH đặc sắc Trung Quốc.
mới kinh tế làm trung tâm, đồng
thời đổi mới từng bước về chính trị, đảm bảo giữ vững sự ổn định chính
trị, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để đổi mới và phát triển kinh
tế, xã hội; thực hiện gắn phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm và
xây dựng Đảng là khâu then chốt với phát triển văn hóa là nền tảng tinh
thần của xã hội, tạo ra ba trụ cột cho sự phát triển nhanh và bền vững ở
nước ta;
-
Xây dựng và phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng cường vai trò kiến tạo, quản lý
của Nhà nước. Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng, phát
triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Xây dựng phát
triển kinh tế phải đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái;
-
Phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp
quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính
trị, từng bước xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa bảo
đảm toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân;
-
Mở rộng và phát huy khối đại đoàn kết toàn
dân tộc, phát huy sức mạnh của mọi giai cấp và tầng lớp nhân dân, mọi thành
phần dân tộc và tôn giáo, mọi công dân
Việt Nam ở trong nước hay ở nước
ngoài, tạo nên sự thống nhất và đồng thuận xã hội tạo động lực cho công
cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc;
-
Mở rộng quan hệ đối ngoại, thực hiện hội
nhập quốc tế; tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của
nhân dân thế giới, khai thác mọi khả năng có thể hợp tác nhằm mục tiêu xây
dựng và phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kết hợp
sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;
-
Giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của
Đảng Cộng sản Việt Nam - nhân tố quan trọng hàng đầu bảo đảm thắng lợi
của sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Từ thực tiễn 30 năm đổi mới, Đảng
Cộng sản Việt Nam đã rút ra một số bài học lớn, góp phần phát triển
chủ nghĩa xã hội khoa học trong thời kỳ mới:
Một
là, trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng tạo trên
cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận
dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế
thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại,
vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam.
Hai
là, đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, vì lợi
ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần
trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân; phát huy sức
mạnh đoàn kết toàn dân tộc.
Ba
là, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, có bước đi phù hợp; tôn trọng
quy luật khách quan, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, coi trọng
tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tập trung giải quyết kịp thời,
hiệu quả những vấn đề do thực tiễn đặt ra.
Bốn
là, phải đặt lợi ích quốc gia - dân tộc lên trên hết; kiên định độc
lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ
sở bình đẳng, cùng có lợi; kết hợp phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh
thời đại để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa.
Năm
là, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực
lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội
ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực và phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ;
nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức chính trị - xã hội và của cả hệ thống chính trị; tăng cường
mối quan hệ mật thiết với nhân dân.
Ngoài những cống hiến về lý luận
do Đảng Cộng sản Trung Quốc và Đảng Cộng sản Việt Nam tổng kết, phát
triển trong công cuộc cải cách, mở cửa, đổi mới và hội nhập, những đóng
góp của Đảng Cộng sản Cu Ba, Đảng Nhân dân cách mạng Lào và của phong trào
cộng sản và công nhân quốc tế cũng có giá trị tạo nên sư bổ sung, phát
triển đáng kể vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác- Lênin trong thời
đại mới.
3. Đối tượng, phương
pháp và ý nghĩa của việc nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học 3.1. Đối tượng nghiên cứu của Chủ nghĩa xã
hội khoa học
Mọi khoa học, như Ph.Ăngghen khẳng
định, đều có đối tượng nghiên cứu riêng là những quy luật, tính quy luật
thuộc khách thể nghiên cứu của nó. Điều đó cũng hoàn toàn đúng với
Chủ nghĩa xã hội khoa học, khoa học lấy lĩnh vực chính trị - xã hội của
đời sống xã hội làm khách thể nghiên cứu.
Cùng một khách thể, có thể có
nhiều khoa học nghiên cứu. Lĩnh vực chính trị - xã hội là khách thể
nghiên cứu của nhiều khoa học xã hội khác nhau. Sự phân biệt Chủ nghĩa
xã hội khoa học với các khoa học chính trị- xã hội trước hết là ở đối
tượng nghiên cứu.
Với tư cách là một trong ba bộ
phận hợp thành chủ nghĩa Mác - Lênin,
Chủ nghĩa xã hội khoa học, học thuyết chính trị - xã hội, trực
tiếp nghiên cứu, luận chứng sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân,
những điều kiện, những con đường để giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh
lịch sử của mình. Hơn nữa, dựa trên nền tảng lý luận chung và phương pháp
luận của Triết học và Kinh tế chính trị học mácxít, Chủ nghĩa xã hội khoa
học chỉ ra những luận cứ chính trị- xã hội rõ ràng, trực tiếp nhất để
chứng minh, khẳng định sự thay thế tất yếu của chủ nghĩa tư bản bằng của
chủ nghĩa xã hội; khẳng định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân;
chỉ ra những con đường, các hình thức và biện pháp để tiến hành cải tạo xã
hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Như vậy,
Chủ nghĩa xã hội khoa học là sự tiếp tục một cách lôgic triết học và
kinh tế chính trị học mácxít, là sự biểu hiện trực tiếp mục đích và
hiệu lực chính trị của chủ nghĩa Mác - Lênin trong thực tiễn. Một cách
khái quát có thể xem: Nếu như triết học, kinh tế chính trị học mácxít luận
giải về phương diện triết học, kinh tế học tính tất yếu, những nguyên nhân
khách quan, những điều kiện để thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa
xã hội, thì chỉ có Chủ nghĩa xã hội khoa học là khoa học đưa ra câu trả
lời cho câu hỏi: bằng con đường nào để thực hiện bước chuyển biến
đó. Nói cách khác, Chủ nghĩa xã hội là khoa học chỉ ra con đường thực
hiện bước chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội bằng
cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân đưới sự lãnh đạo của đội
tiền phong là Đảng Cộng sản.
Như vậy, Chủ nghĩa xã hội khoa
học có chức năng giác ngộ và hướng dẫn giai cấp công nhân thực hiện sứ
mệnh lịch sử của mình trong ba thời kỳ: Đấu tranh lật đổ sự thống trị
của giai cấp tư sản, giành chính quyền; thiết lập sự thống trị của giai
cấp công nhân, thực hiện sự nghiệp cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã
hội; phát triển chủ nghĩa xã hội tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Chủ
nghĩa xã hội khoa học có nhiệm vụ cơ bản là luận chứng một cách khoa
học tính tất yếu về mặt lịch sử sự thay thế của chủ nghĩa tư bản bằng
chủ nghĩa xã hội gắn liền với sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp
công nhân, địa vị, vai trò của quần chúng do giai cấp công nhân lãnh đạo
trong cuộc đấu tranh cách mạng thực hiện sự chuyển biến từ chủ nghĩa tư
bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Chủ nghĩa xã hội khoa học luận
giải một cách khoa học về phương hướng và những nguyên tắc của chiến lược
và sách lược; về con đường và các hình thức đấu tranh của giai cấp công
nhân, về vai trò, nguyên tắc tổ chức và hình thức thích hợp hệ thống
chính trị của giai cấp công nhân, về những tiền đề, điều kiện của công
cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội; về những
qui luật, bước đi, hình thức, phương pháp của việc tổ chức xã hội theo
hướng xã hội chủ nghĩa; về mối quan hệ gắn bó với phong trào giải
phóng dân tộc, phong trào dân chủ và phong trào xã hội chủ nghĩa trong quá
trình cách mạng thế giới
Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng
của chủ nghĩa xã hội khoa học là phê phán đấu tranh bác bỏ những trào
lưu tư tưởng chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội, bảo vệ sự trong sáng
của chủ nghĩa Mác - Lênin và những thành quả của cách mạng xã hội chủ
nghĩa.
Ph.Ăngghen,
trong tác phẩm “Chủ nghĩa xã hội từ không tưởng đến khoa học” đã khái quát
nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội khoa học: “Thực hiện sự nghiệp giải
phóng thế giới ấy - đó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện
đại. Nghiên cứu những điều kiện lịch sử và do đó, nghiên cứu ngay chính
bản chất của sự biến đổi ấy và bằng cách ấy làm cho giai cấp hiện nay đang
bị áp bức và có sứ mệnh hoàn thành sự nghiệp ấy hiểu rõ được những điều
kiện và bản chất sự nghiệp của chính họ - đó là nhiệm vụ của chủ
nghĩa xã hội khoa học, sự thể hiện về mặt lý luận của phong trào công
nhân”[13].
Từ những luận giải trên
có thể khái quát, đối tượng của chủ nghĩa xã hội khoa học: là những qui luật, tính qui luật chính trị-
xã hội của quá trình phát sinh, hình thành và
phát triển của hình thái kinh tế- xã hội cộng sản chủ nghĩa mà giai
đoạn thấp là chủ nghĩa xã hội; những nguyên tắc cơ bản, những điều kiện,
những con đường và hình thức, phương pháp đấu tranh cách mạng của giai cấp
công nhân và nhân dân lao động nhằm hiện thực hóa sự chuyển biến từ chủ nghĩa
tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
3.2. Phương pháp nghiên cứu của Chủ nghĩa xã hội khoa học
Chủ nghĩa xã hội khoa học sử
dụng phương pháp luận chung nhất là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ
nghĩa duy vật lịch sử của triết học Mác - Lênin. Chỉ có dựa trên phương
pháp luận khoa học đó, chủ nghĩa xã hội khoa học mới luận giải đúng
đắn, khoa học về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, về quá trình
phát sinh, hình thành, phát triển của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản
chủ nghĩa và các khái niệm, phạm trù, các nội dung khác của chủ nghĩa
xã hội khoa học.
Trên cơ sở phương pháp luận chung
đó, chủ nghĩa xã hội khoa học đặc biệt chú trọng sử dụng những phương
pháp nghiên cứu cụ thể và những phương pháp có tính liên ngành, tổng hợp:
Phương pháp kết hợp lôgíc và lịch
sử. Đây là phương pháp đặc trưng và đặc biệt quan trọng đối với chủ
nghĩa xã hội khoa học. Phải trên cơ sở những tư liệu thực tiễn của các
sự thật lịch sử mà phân tích để rút ra những nhận định, những khái quát
về lý luận có kết cấu chặt chẽ, khoa học- tức là rút ra được lôgíc của
lịch sử, không dừng lại ở sự liệt kê sự thật lịch sử. Các nhà kinh điển
của chủ nghĩa Mác - Lênin đã là những tấm gương mẫu mực về việc sử
dụng phương pháp này khi phân tích lịch sử nhân loại, đặc biệt là về sự
phát triển các phương thức sản xuất... để rút ra được lôgíc của quá trình
lịch sử, căn bản là quy luật mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ
sản xuất, giữa giai cấp bóc lột và bị bóc lột, quy luật đấu tranh giai cấp
dẫn đến các cuộc cách mạng xã hội và do đó, cuối cùng đấu tranh giai cấp
tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản, dẫn đến chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản. Sau này, chính cái kết luận lôgíc khoa học đó đã vừa được
chứng minh vừa là nhân tố dẫn dắt tiến hành thắng lợi của cách mạng xã
hội chủ nghĩa tháng Mười Nga (1917) và sau đó là hệ thống xã hội chủ
nghĩa thế giới ra đời với những thành tựu không thể phủ nhận. Tất nhiên,
sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu không phải
do cái tất yếu lôgíc của chủ nghĩa xã hội, mà trái lại, do các đảng cộng
sản ở các nước đó xa rời, phản bội cái tất yếu đã được luận giải khoa học
trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin.
Phương pháp khảo sát và phân tích về mặt
chính trị - xã hội dựa trên các điều kiện kinh tế - xã hội cụ thể là
phương pháp có tính đặc thù của chủ nghĩa xã hội khoa học. Khi nghiên
cứu, khảo sát thực tế, thực tiễn một xã hội cụ thể, đặc biệt là trong
điều kiện của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, những người nghiên
cứu, khảo sát... phải luôn có sự nhạy bén về chính trị - xã hội trước tất
cả các hoạt động và quan hệ xã hội, trong nước và quốc tế. Thường là,
trong thời đại còn giai cấp và đấu tranh giai cấp, còn chính trị thì mọi hoạt
động, mọi quan hệ xã hội ở các lĩnh vực, kể cả khoa học công nghệ, tri
thức và sử dụng tri thức, các nguồn lực, các lợi ích... đều có nhân tố
chính trị chi phối mạnh nhất, bởi chính trị không thể không đứng ở vị trí
hàng đầu so với kinh tế. Không chú ý phương pháp khảo sát và phân tích về
mặt chính trị - xã hội, không có nhạy bén chính trị và lập trường - bản
lĩnh chính trị vững vàng, khoa học thì dễ mơ hồ, lầm lẫn, sai lệch khôn
lường.
Phương pháp so sánh được sử dụng
trong nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học nhằm so sánh và làm sáng tỏ
những điểm tương đồng và khác biệt trên phương diện chính trị- xã hội giữa
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa; giữa các
loại hình thể chế chính trị và giữa các chê độ dân chủ, dân chủ tư bản chủ
nghĩa và xã hội chủ nghĩa… phương pháp so sánh còn được thực hiện trong
việc so sánh các lý thuyết, mô hình xã hội chủ nghĩa…
Các phương pháp có tính liên ngành: Chủ
nghĩa xã hội khoa học là một khoa học chính trị - xã hội thuộc khoa học
xã hội nói chung, do đó, cần thiết phải sử dụng nhiều phương pháp nghiên
cứu cụ thể của các khoa học xã hội khác: như phương pháp phân tích, tổng
hợp, thống kê, so sánh, điều tra xã hội học, sơ đồ hoá, mô hình hoá, v.v.
để nghiên cứu những khía cạnh chính trị - xã hội của các mặt hoạt động
trong một xã hội còn giai cấp, đặc biệt là trong chủ nghĩa tư bản và trong
chủ nghĩa xã hội, trong đó có thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Ngoài
ra, chủ nghĩa xã hội khoa học còn gắn bó trực tiếp với phương pháp tổng
kết thực tiễn, nhất là thực tiễn về chính trị - xã hội để từ đó rút ra
những vấn đề lý luận có tính qui luật của công cuộc xây dựng chủ nghĩa
xã hội ở mỗi quốc gia cũng như của hệ thống xã hội chủ nghĩa.
3.3. Ý nghĩa của việc nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học
Về mặt lý luận
Nghiên cứu, học tập và phát triển
chủ nghĩa xã hội khoa học,về mặt lý luận, có ý nghĩa quan trọng trang
bị những nhận thức chính trị - xã hội và phương pháp luận khoa học về quá
trình tất yếu lịch sử dẫn đến sự hình thành, phát triển hình thái kinh tế -
xã hội cộng sản chủ nghĩa, giải phóng xã hội, giải phóng con người... Vì
thế, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin có lý khi xác định
rằng, chủ nghĩa xã hội khoa học là vũ khí lý luận của giai cấp công
nhân hiện đại và đảng của nó để thực hiện quá trình giải phóng nhân loại
và giải phóng bản thân mình. Một khi giai cấp công nhân và nhân lao động không
có nhận thức đúng đắn và đầy đủ về chủ nghĩa xã hội thì không thể
có niềm tin, lý tưởng và bản lĩnh cách mạng vững vàng trong mọi tình huống
vại mọi khúc quanh của lịch sử và cũng không có đủ cơ sở khoa học và bản
lĩnh để vận dụng sáng tạo và phát triển đúng đắn lý luận về chủ
nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Cũng như triết học và kinh tế chính
trị học Mác- Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học không chỉ giải thích thế
giới mà căn bản là ở chỗ cải tạo thế giới theo qui luật tự nhiên, phù hợp
với tiến bộ, văn minh. Nghiên cứu, học tập chủ nghĩa xã hội khoa học
góp phần định hướng chính trị - xã hội cho hoạt động thực tiễn của Đảng
Cộng sản,
Nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhân
dân trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa
xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Nghiên cứu, học tập chủ nghĩa xã hội
khoa học giúp chúng ta có căn cứ nhận thức khoa học để luôn cảnh giác,
phân tích đúng và đấu tranh chống lại những nhận thức sai lệch, những
tuyên truyền chống phá của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động đối với
Đảng ta, Nhà nước, chế độ ta; chống chủ nghĩa xã hội, đi ngược lại xu
thế và lợi ích của nhân dân, dân tộc và nhân loại tiến bộ.
Về
mặt thực tiễn
Bất kỳ một lý thuyết khoa học nào,
đặc biệt là các khoa học xã hội, cũng luôn có khoảng cách nhất định so với
thực tiễn, nhất là những dự báo khoa học có tính quy luật. Nghiên cứu, học
tập chủ nghĩa xã hội khoa học lại càng thấy rõ những khoảng cách đó, bởi
vì chủ nghĩa xã hội trên thực tế, chưa có nước nào xây dựng hoàn
chỉnh. Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ,
cùng với thoái trào của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, lòng tin
vào chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa
Mác-Lênin của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có giảm sút. Đó
là một thực tế. Vì thế, nghiên cứu, học tập và phát triển chủ nghĩa xã
hội khoa học càng khó khăn trong tình hình hiện nay và cũng có ý nghĩa
chính trị cấp bách.
Chỉ có bản lĩnh vững vàng và sự
sáng suốt, kiên định chủ động sáng tạo tìm ra những nguyên nhân cơ bản và
bản chất của những sai lầm, khuyết điểm, khủng hoảng, đổ vỡ và của những
thành tựu to lớn trước đây cũng như của những thành quả đổi mới, cải cách
ở các nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta mới có thể đi tới kết luận chuẩn
xác rằng: không phải do chủ nghĩa xã hội - một xu thế xã hội hoá mọi mặt
của nhân loại; cũng không phải do chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ nghĩa xã
hội khoa học... làm các nước xã hội chủ nghĩa khủng hoảng. Trái lại,
chính là do các nước xã hội chủ nghĩa đã nhận thức và hành động
trên nhiều vấn đề trái với chủ nghĩa xã hội, trái với chủ nghĩa Mác -
Lênin... đã giáo điều, chủ quan duy ý chí, bảo thủ, kể cả việc đố kỵ,
xem nhẹ những thành quả chung của nhân loại, trong đó có chủ nghĩa tư bản;
đồng thời do xuất hiện chủ nghĩa cơ hội – phản bội trong một số đảng
cộng sản và sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc thực hiện chiến lược
“Diễn biến hoà bình” đã làm cho chủ nghĩa xã hội thế giới lâm vào thoái
trào. Thấy rõ thực chất những vấn đề đó một cách khách quan, khoa học;
đồng thời được minh chứng bởi thành tựu rực rỡ của sự nghiệp đổi
mới, cải cách của các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam,
chúng ta càng củng cố bản lĩnh kiên định, tự tin tiếp tục sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Chủ
tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Do đó, việc nghiên cứu học tập
chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, lý luận chính trị -
xã hội nói riêng và các khoa học khác... càng là vấn đề thực tiễn cơ bản và
cấp thiết. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống mọi biểu hiện cơ hội chủ
nghĩa, dao động, thoái hoá, biến chất trong đảng và cả xã hội, giáo dục lý
luận chính trị - xã hội một cách cơ bản khoa học tức là ta tiến hành củng
cố niềm tin thật sự đối với chủ nghĩa xã hội... cho cán bộ, học
sinh, sinh viên, thanh thiếu niên và nhân dân. Tất nhiên đẩy mạnh công nghiệp
hoá, hiện đại hoá đất nước và mở rộng hợp tác quốc tế; tiến hành hội nhập
quốc tế, xây dựng "kinh tế tri thức", xây dựng nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa... đang là những vận hội lớn, đồng
thời cũng có những thách thức lớn đối với nhân dân ta, dân tộc ta. Đó
cũng là trách nhiệm lịch sử rất nặng nề và vẻ vang của cả thế hệ trẻ đối
với sự nghiệp xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa
trên đất nước ta.
Chủ nghĩa xã hội khoa học góp
phần quan trọng việc giáo dục niềm tin khoa học cho nhân dân vào mục tiêu,
lý tưởng xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Niềm
tin khoa học được hình thành trên cơ sở nhận thức khoa học và hoạt động
thực tiễn. Trên cơ sở nhận thức khoa học, thông qua giáo dục, hoạt động
thực tiễn mà niềm tin được hình thành, phát triển. Niềm tin khoa học là sự
thống nhất giữa nhận thức, tình cảm, ý chí và quyết tâm trở thành động lực tinh thần hướng con
người đến hoạt động thực tiễn một cách chủ động, tự giác, sáng tạo và
cách mạng.
C. CÂU HỎI ÔN TẬP
1.
Phân tích điều kiện kinh tế- xã hội và vai
trò của C.Mác và Ph.Ăngghen trong việc hình thành chủ nghĩa xã hội khoa
học?
2.
Phân tích vai trò của V.I.Lênin trong bảo vệ
và phát triển chủ nghĩa xã hội khoa học?
3.
Phân tích đối tượng nghiên cứu của chủ
nghĩa xã hội khoa học? So sánh với đối tượng của triết học?
4.
Phân tích những đóng góp về lý luận chính
trị- xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam qua 30 năm đổi mới?
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Giáo trình
chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb Giáo dục và đào tạo.
2.
Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo
trình quốc gia các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (2002) Giáo
trình chủ nghĩa xã hội khoa học; Nxb CTQG, Hà Nội.
3.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2018),
Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, “Chương trình cao cấp lý luận chính
trị”, Bùi Thị Ngọc Lan, Đỗ Thị Thạch (đồng chủ biên) Nxb Lý luận chính trị,
Hà Nội.
4.
Pedro P. Geiger (2015), Chủ nghĩa tư bản, chủ
nghĩa quốc tế và chủ nghĩa xã hội thời toàn cầu, Tạp chí Thông tin khoa
học lý luận, số 3 (4).
Chương 2
SỨ MỆNH
LỊCH SỬ CỦA GIAI CẤP CÔNG NHÂN
A. MỤC TIÊU
1.
Về
kiến thức: Sinh viên nắm vững quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác -
Lênin về giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân,
nội dung, biểu hiện và ý nghĩa của sứ mệnh đó trong bối cảnh hiện
nay.
2.
Về kỹ
năng: Biết vận dụng phương pháp luận và các phương pháp nghiên cứu
chuyên ngành chủ nghĩa xã hội khoa học vào việc phân tích sứ mệnh
lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong tiến trình cách mạng Việt
Nam, trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay.
3.
Về tư
tưởng: Góp phần xây dựng và củng cố niềm tin khoa học, lập trường
giai cấp công nhân đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên
thế giới cũng như ở Việt Nam.
B. NỘI DUNG
Sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân
là nội dung chủ yếu, điểm căn bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, là phạm
trù trung tâm, nguyên lý xuất phát của chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó
cũng là trọng điểm của cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận trong thời đại
ngày nay.
1.
Quan
điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch
sử thế giới của giai cấp công nhân
1.1. Khái niệm và đặc điểm của giai cấp công nhân
C.Mác và Ph.Ăngghen đã sử dụng nhiều thuật ngữ
khác nhau để chỉ giai cấp công nhân như giai cấp vô sản; giai cấp vô sản
hiện đại; giai cấp công nhân hiện đại; giai cấp công nhân đại công nghiệp…
Đó là những cụm từ đồng nghĩa để chỉ: giai cấp
công nhân - con đẻ của nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa, giai cấp đại
biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến, cho phương thức sản xuất hiện đại.
Các ông còn dùng những thuật ngữ có nội dung hẹp hơn để chỉ các loại công
nhân trong các ngành sản xuất khác nhau, trong những giai đoạn phát triển
khác nhau của công nghiệp: công nhân khoáng sản, công nhân công trường thủ
công, công nhân công xưởng, công nhân nông nghiệp…
Dù diễn đạt bằng những thuật ngữ khác nhau, song
giai cấp công nhân được các nhà kinh điển xác định trên hai phương diện cơ
bản: kinh tế - xã hội và chính trị - xã hội.
a) Giai cấp công nhân trên
phương diện kinh tế - xã hội
Thứ nhất, giai cấp công nhân với phương thức lao
động công nghiệp trong nền sản xuất tư bản chủ nghĩa: đó là những người
lao động trực tiếp hay gián tiếp vận hành các công cụ sản xuất có tính
chất công nghiệp ngày càng hiện đại và xã hội hóa cao.
Mô tả quá trình phát triển của giai cấp công nhân,
C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: trong công trường thủ công và trong nghề
thủ công, người công nhân sử dụng công cụ của mình còn trong công xưởng
thì người công nhân phải phục vụ máy móc[14].
Theo
C.Mác, Ph.Ăngghen, công nhân công
nghiệp công xưởng là bộ phận tiêu biểu cho giai cấp công nhân hiện đại.
Các ông nhấn mạnh rằng, …“Các giai cấp khác đều suy
tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai
cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp”[15]
và “công nhân cũng là một phát minh của thời đại mới, giống như máy móc
vậy”… “công nhân Anh là đứa con đầu lòng của nền công nghiệp hiện đại”[16].
Thứ hai, giai cấp công nhân trong quan hệ sản xuất tư
bản chủ nghĩa. Đó là giai cấp của những người lao động không sở hữu tư
liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Họ phải bán sức lao động cho nhà tư
bản và bị chủ tư bản bóc lột giá trị thặng dư. Đối diện với nhà tư bản,
công nhân là những người lao động tự do, với nghĩa là tự do bán sức
lao động của mình để kiếm sống. Chính điều này khiến cho giai cấp công
nhân trở thành giai cấp đối kháng với giai cấp tư sản.
Những công nhân ấy, buộc phải tự bán mình để kiếm
ăn từng bữa một, là một hàng hóa, tức là một món hàng đem bán như bất
cứ món hàng nào khác, vì thế, họ phải chịu hết mọi sự may rủi của cạnh
tranh, mọi sự lên xuống của thị trường[17].
Như vậy, đối diện với quan hệ sản xuất tư bản chủ
nghĩa, đặc trưng cơ bản của giai cấp công nhân trong chế độ tư bản chủ
nghĩa theo C.Mác, Ph.Ăngghen, là giai cấp vô sản, “giai cấp công nhân làm
thuê hiện đại, vì mất các tư liệu sản xuất của bản thân, nên buộc phải bán
sức lao động của mình để sống”[18].
Mâu thuẫn cơ bản của phương thức sản xuất tư bản
chủ nghĩa là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa ngày càng
rộng lớn với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ tư hữu
tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. Mâu thuẫn cơ bản này thể hiện về
mặt xã hội là mâu thuẫn về lợi ích giữa giai cấp công nhân và giai cấp
tư sản. Lao động sống của công nhân là nguồn gốc của giá trị thặng dư
và sự giàu có
của giai cấp tư sản cũng chủ yếu nhờ
vào việc bóc lột được ngày càng nhiều hơn giá trị thặng dư.
Mâu thuẫn đó cho thấy, tính chất đối kháng không
thể điều hòa giữa giai cấp công nhân (giai cấp vô sản) với giai cấp tư sản
trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa và trong chế độ tư bản chủ
nghĩa.
b) Giai cấp công nhân trên
phương diện chính trị - xã hội
Trong chế độ tư bản chủ nghĩa, sự thống trị của
giai cấp tư sản, đặc biệt của bộ phận tư sản đại công nghiệp là điều
kiện ban đầu cho sự phát triển giai cấp công nhân. “Nói chung, sự phát
triển của giai cấp vô sản công nghiệp được quy định bởi sự phát triển của
giai cấp tư sản công nghiệp. Chỉ có dưới sự thống trị của giai cấp này
thì sự tồn tại của giai cấp vô sản công nghiệp mới có được một quy mô
toàn quốc, khiến nó có thể nâng cuộc cách mạng của nó lên thành một
cuộc cách mạng toàn quốc…”[19].
Nghiên cứu giai cấp công nhân (giai cấp vô sản) từ
phương diện kinh tế - xã hội và chính trị - xã hội trong chủ nghĩa tư
bản, Mác và Ăngghen đã không những đưa lại quan niệm khoa học về giai cấp
công nhân mà còn làm sáng tỏ những đặc điểm quan trọng của nó với tư
cách là một giai cấp cách mạng có sứ mệnh lịch sử thế giới. Có thể
khái quát những đặc điểm chủ yếu của giai cấp công nhân bao gồm:
+ Đặc điểm nổi bật của giai cấp công nhân là lao
động bằng phương thức công nghiệp với đặc trưng công cụ lao động là máy
móc, tạo ra năng suất lao động cao, quá trình lao động mang tính chất xã
hội hóa.
+ Giai cấp công nhân là sản phẩm của bản thân nền
đại công nghiệp, là chủ thể của quá trình sản xuất vật chất hiện đại.
Do đó, giai cấp công nhân là đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến, cho
phương thức sản xuất tiên tiến, quyết định sự tồn tại và phát triển của
xã hội hiện đại.
+ Nền sản xuất đại công nghiệp và phương thức sản
xuất tiên tiến đã rèn luyện cho giai cấp công nhân những phẩm chất đặc biệt
về tính tổ chức, kỷ luật lao động, tinh thần hợp tác và tâm lý lao
động công nghiệp. Đó là một giai cấp cách mạng và có tinh thần cách mạng
triệt để.
Những đặc điểm ấy chính là những phẩm chất cần thiết
để giai cấp công nhân có vai trò lãnh đạo cách mạng. Từ phân tích trên có
thể hiểu về giai cấp công nhân theo khái niệm sau:
Giai cấp công nhân là một tập đoàn xã hội ổn định, hình thành và
phát triển cùng với quá trình phát triển của nền công nghiệp hiện đại;
Là giai cấp đại diện cho lực lượng sản xuất tiên tiến; Là lực lượng chủ yếu
của tiến trình lịch sử quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội; Ở
các nước tư bản chủ nghĩa, giai cấp công nhân
là những người không có hoặc về cơ bản không có tư liệu sản xuất phải
làm thuê cho giai cấp tư sản và bị giai cấp tư sản bóc lột giá trị thặng dư; Ở
các nước xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân cùng nhân dân lao động làm chủ
những tư liệu sản xuất chủ yếu và cùng nhau hợp tác lao động vì lợi ích
chung của toàn xã hội trong đó có lợi ích chính đáng của mình.
1.2. Nội dung và đặc điểm sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
1.2.1. Nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
chính là những nhiệm vụ mà giai cấp công nhân cần phải thực hiện với tư
cách là giai cấp tiên phong, là lực lượng đi đầu trong cuộc cách mạng xác
lập hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. a) Nội dung kinh tế
Là nhân tố hàng đầu của lực lượng sản xuất xã
hội hóa cao, giai cấp công nhân cũng là đại biểu cho quan hệ sản xuất
mới, tiên tiến nhất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, đại
biểu cho phương thức sản xuất tiến bộ nhất thuộc về xu thế phát triển
của lịch sử xã hội.
Vai trò chủ thể của giai cấp công nhân, trước hết
là chủ thể của quá trình sản xuất vật chất để sản xuất ra của cải vật
chất ngày càng nhiều đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của con người và
xã hội. Bằng cách đó, giai cấp công nhân tạo tiền đề vật chất - kỹ
thuật cho sự ra đời của xã hội mới.
Mặt khác, tính chất xã hội hóa cao của lực lượng
sản xuất đòi hỏi một quan hệ sản xuất mới, phù hợp với chế độ công hữu
các tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội là nền tảng, tiêu biểu cho lợi
ích của toàn xã hội. Giai cấp công nhân đại biểu cho lợi ích chung của
xã hội.
Chỉ có giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất không
có lợi ích riêng với nghĩa là tư hữu. Nó phấn đấu cho lợi ích chung của
toàn xã hội. Nó chỉ tìm thấy lợi ích chân chính của mình khi thực
hiện được lợi ích chung của cả xã hội.
Ở các nước xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân
thông qua quá trình công nghiệp hóa và thực hiện “một kiểu tổ chức
xã hội mới về lao động” để tăng năng suất lao động xã hội và thực
hiện các nguyên tắc sở hữu, quản lý và phân phối phù hợp với nhu cầu
phát triển sản xuất, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Trên thực tế, hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa
lại ra đời từ phương thức phát triển rút ngắn, bỏ qua chế độ tư bản chủ
nghĩa. Do đó, để thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình về nội dung
kinh tế, giai cấp công nhân phải đóng vai trò nòng cốt trong quá trình giải
phóng lực lượng sản xuất (vốn bị kìm hãm, lạc hậu, chậm phát triển
trong quá khứ), thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển để tạo cơ sở cho
quan hệ sản xuất mới, xã hội chủ nghĩa ra đời.
Công nghiệp hóa là một tất yếu có tính quy luật
để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội. Thực
hiện sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp công nhân phải là lực lượng đi
đầu thực hiện công nghiệp hóa, cũng như hiện nay, trong bối cảnh đổi
mới và hội nhập quốc tế, yêu cầu mới đặt ra đòi hỏi phải gắn liền công
nghiệp hóa với hiện đại hóa, đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với phát
triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
b) Nội dung chính trị - xã hội
Giai cấp công nhân cùng
với nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, tiến hành
cách mạng chính trị để lật đổ quyền thống trị của giai cấp tư sản, xóa
bỏ chế độ bóc lột, áp bức của chủ nghĩa tư bản, giành quyền lực về
tay giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Thiết lập nhà nước kiểu
mới, mang bản chất giai cấp công nhân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa, thực hiện quyền lực của nhân dân, quyền dân chủ và làm chủ
xã hội của tuyệt đại đa số nhân dân lao động.
Giai cấp công nhân và nhân dân lao động sử dụng
nhà nước của mình, do mình làm chủ như một công cụ có hiệu lực để
cải tạo xã hội cũ và tổ chức xây dựng xã hội mới, phát triển kinh tế
và văn hóa, xây dựng nền chính trị dân chủ - pháp quyền, quản lý kinh
tế - xã hội và tổ chức đời sống xã hội phục vụ quyền và lợi ích
của nhân dân lao động, thực hiện dân chủ, công bằng, bình đẳng và tiến bộ
xã hội, theo lý tưởng và mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
c) Nội dung văn hóa, tư tưởng
Thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình, giai cấp
công nhân trong tiến trình cách mạng cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã
hội mới trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cần phải tập trung xây dựng hệ
giá trị mới: lao động; công bằng; dân chủ; bình đẳng và tự do.
Hệ giá trị mới này là
sự phủ định các giá trị tư sản mang bản chất tư sản và phục vụ cho giai
cấp tư sản; những tàn dư các giá trị đã lỗi thời, lạc hậu của các xã hội
quá khứ,. Hệ giá trị mới thể hiện bản chất ưu việt của chế độ mới xã
hội chủ nghĩa sẽ từng bước phát triển và hoàn thiện.
Giai cấp công nhân thực hiện cuộc cách mạng về văn
hóa, tư tưởng bao gồm cải tạo cái cũ lỗi thời, lạc hậu, xây dựng cái mới,
tiến bộ trong lĩnh vực ý thức tư tưởng, trong tâm lý, lối sống và
trong đời sống tinh thần xã hội. Xây dựng và củng cố ý thức hệ tiên
tiến của giai cấp công nhân, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, đấu tranh để
khắc phục ý thức hệ tư sản và các tàn dư còn sót lại của các hệ tư
tưởng cũ. Phát triển văn hóa, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa,
đạo đức và lối sống mới xã hội chủ nghĩa là một trong những nội
dung căn bản mà cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực văn hóa tư
tưởng đặt ra đối với sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện đại.
1.2.2. Đặc điểm sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
a) Sứ mệnh lịch sử cửa
giai cấp công nhân xuất phát từ những tiền đề kinh tế - xã
hội của sản xuất mang tính xã hội hóa với hai biểu hiện nổi bật là:
Thứ nhất, xã
hội hóa sản xuất làm xuất hiện những tiền đề vật chất, thúc đẩy sự
phát triển của xã hội, thúc đẩy sự vận động của mâu thuẫn cơ bản
trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Sự xung đột giữa tính
chất xã hội hóa của lực lượng sản xuất với tính chất chiếm hữu tư nhân
tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất là nội dung kinh tế - vật chất của
mâu thuẫn cơ bản đó trong chủ nghĩa tư bản.
Thứ hai, quá
trình sản xuất mang tính xã hội hóa đã sản sinh ra giai cấp công nhân và
rèn luyện nó thành chủ thể thực hiện sứ mệnh lịch sử. Do mâu thuẫn
về lợi ích cơ bản không thể điều hòa giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư
sản, nên mâu thuẫn này trở thành động lực chính cho cuộc đấu tranh giai
cấp trong xã hội hiện đại.
Giải quyết mâu thuẫn cơ bản về kinh tế và chính trị
trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa chính là sứ mệnh lịch
sử của giai cấp công nhân. Đó là tính quy định khách quan, yêu cầu khách
quan của sự vận động, phát triển của lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên
chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Có sự thống nhất, tác động biện chứng giữa tính
quy định khách quan về sứ mệnh lịch sử với nỗ lực chủ quan của chủ
thể thực hiện sứ mệnh lịch sử đó. Giai cấp công nhân ở trình độ trưởng
thành trong cuộc đấu tranh giai cấp chống chủ nghĩa tư bản, từ đấu tranh
kinh tế (tự phát) đến đấu tranh tư tưởng lý luận (tự giác, có ý thức hệ
tiên tiến chủ đạo) tiến đến trình độ cao nhất là đấu tranh chính trị, có
đội tiên phong lãnh đạo là Đảng Cộng sản… thì với tư cách chủ thể, nó
thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình một cách tự giác, có tổ chức,
có sự liên kết với quần chúng lao động trong dân tộc và quốc tế, với
chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai cấp công nhân (chủ nghĩa quốc tế
vô sản).
b)
Thực
hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là sự nghiệp cách mạng của bản
thân giai cấp công nhân cùng với đông đảo quần chúng và mang lại lợi ích
cho đa số. Đây là một cuộc cách mạng của đại đa số mưu lợi ích cho
tuyệt đại đa số, nhờ việc hướng tới xây dựng một xã hội mới dựa
trên chế độ công hữu những tư liệu sản xuất chủ yếu của xã hội. Sự
thống nhất cơ bản về lợi ích của giai cấp công nhân với lợi ích của nhân
dân lao động tạo ra điều kiện để đặc điểm quan trọng này về sứ mệnh
lịch sử giai cấp công nhân được thực hiện.
Lực lượng sản xuất xã hội hóa cao, ở trình độ
phát triển hiện đại và chế độ công hữu sẽ tạo ra cơ sở kinh tế để chấm
dứt vĩnh viễn chế độ người bóc lột người.
Giai cấp công nhân chỉ có thể tự giải phóng mình
thông qua việc đồng thời giải phóng các giai cấp bị áp bức bóc lột khác,
giải phóng xã hội, giải phóng con người.
Giai cấp công nhân thông qua đội tiền phong của nó
là Đảng Cộng sản sẽ thực hiện sứ mệnh lịch sử bằng một cuộc cách mạng
triệt để không chỉ xóa bỏ sự thống trị áp bức của chủ nghĩa tư bản
mà còn xây dựng thành công chế độ xã hội mới - xã hội chủ nghĩa và
cộng sản chủ nghĩa, tiến tới một xã hội không còn giai cấp. Thực hiện
cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa để xây dựng
thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, để xác lập hình
thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa (mà giai đoạn đầu là chủ
nghĩa xã hội) - đó là con đường, phương thức để thực hiện sứ mệnh
lịch sử thế giới của giai cấp công nhân. Đó là một tiến trình lịch sử
lâu dài gắn liền với vai trò, trọng trách lãnh đạo của Đảng Cộng sản -
đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Xây dựng
thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, đến lúc đó giai
cấp công nhân mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử thế giới của mình.
c)
Sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không phải là thay thế chế độ sở hữu tư
nhân này bằng một chế độ sở hữu tư nhân khác mà là xóa bỏ triệt để chế độ
tư hữu về tư liệu sản xuất. Đối tượng xóa bỏ ở đây là sở hữu tư nhân
tư bản chủ nghĩa là nguồn gốc sinh ra những áp bức, bóc lột, bất công
trong xã hội hiện đại.
Sự xóa bỏ này hoàn toàn bị quy định một cách
khách quan từ trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
d)
Việc
giai cấp công nhân giành lấy quyền lực thống trị xã hội là tiền đề để cải
tạo toàn diện, sâu sắc và triệt để xã hội cũ và xây dựng thành công xã
hội mới với mục tiêu cao nhất là giải phóng con người.
Nếu các cuộc cách mạng trước đây, điển hình là
cách mạng tư sản coi việc giành được chính quyền là mục tiêu duy nhất để
thực hiện quyền tư hữu thì cuộc cách mạng của giai cấp công nhân nhằm
xóa bỏ tình trạng bóc lột, áp bức và nô dịch con người, xóa bỏ sự
thống trị của giai cấp tư sản để thực hiện quyền làm chủ của giai cấp
công nhân và nhân dân lao động trong chế độ xã hội mới - xã hội chủ
nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Đó là cuộc cách mạng triệt để nhất thực
hiện lý tưởng và mục tiêu của chủ nghĩa cộng sản “sự phát triển tự
do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi
người như C.Mác và F.Ăngghen đã nhấn mạnh trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng
sản”, năm 1848.
1.3. Những điều kiện
quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
1.3.1. Điều kiện khách
quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Khẳng định tính tất yếu khách quan sứ mệnh lịch sử của
giai cấp công nhân,
C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu rõ:
“…Cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên
đó giai cấp tư sản dã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập
dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra người đào
huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai
cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”[20].
Điều kiện khách quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai
cấp công nhân bao gồm:
Thứ nhất, do địa vị kinh tế của giai cấp công nhân quy định
Giai cấp công nhân là con đẻ, là sản phẩm của nền
đại công nghiệp trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, là chủ thể
của quá trình sản xuất vật chất hiện đại. Vì thế, giai cấp công nhân đại
diện cho phương thức sản xuất tiên tiến và lực lượng sản xuất hiện đại.
Nền sản xuất hiện đại với xu thế xã hội hóa cao
đã tạo ra “tiền đề thực tiễn tuyệt đối cần thiết” (C.Mác) cho sự nghiệp
xây dựng xã hội mới.
Điều kiện khách quan này là nhân tố kinh tế, quy
định giai cấp công nhân là lực lượng phá vỡ quan hệ sản xuất tư bản chủ
nghĩa, giành chính quyền về tay mình, chuyển từ giai cấp “tự nó” thành
giai cấp “vì nó”. Giai cấp công nhân trở thành đại biểu cho sự tiến hóa
tất yếu của lịch sử, là lực lượng duy nhất có đủ điều kiện để tổ chức
và lãnh đạo xã hội, xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất và quan
hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng chủ
nghĩa xã hội với tư cách là một chế độ xã hội kiểu mới, không còn
chế độ người áp bức, bóc lột người.
Thứ hai, do địa vị chính trị - xã hội của giai cấp công nhân quy định
Là con đẻ của nền sản xuất đại công nghiệp, giai
cấp công nhân có được những phẩm chất của một giai cấp tiên tiến, giai cấp
cách mạng: tính tổ chức và kỷ luật, tự giác và đoàn kết trong cuộc đấu
tranh tự giải phóng mình và giải phóng xã hội.
Những phẩm chất ấy của
giai cấp công nhân được hình thành từ chính những điều kiện khách quan, được
quy định từ địa vị kinh tế và địa vị chính trị - xã hội của nó trong nền
sản xuất hiện đại và trong xã hội hiện đại mà giai cấp tư sản và chủ
nghĩa tư bản đã tạo ra một cách khách quan, ngoài ý muốn của nó.
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân sở dĩ được
thực hiện bởi giai cấp công nhân, vì nó là một giai cấp cách mạng, đại
biểu cho lực lượng sản xuất hiện đại, cho phương thức sản xuất tiên tiến
thay thế phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, xác lập phương thức sản
xuất cộng sản chủ nghĩa, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Giai cấp công nhân là giai cấp đại biểu cho tương lai, cho xu thế đi lên của
tiến trình phát triển lịch sử. Đây là đặc tính quan trọng, quyết định bản
chất cách mạng của giai cấp công nhân. Hoàn toàn không phải vì nghèo khổ mà
giai cấp công nhân là một giai cấp cách mạng. Tình trạng nghèo khổ của giai
cấp công nhân dưới chủ nghĩa tư bản là hậu quả của sự bóc lột, áp bức
mà giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản tạo ra đối
với công nhân. Đó là trạng thái mà
cách mạng sẽ xóa bỏ để giải phóng giai cấp công nhân và giải phóng xã hội.
1.3.2. Điều kiện chủ quan để giai cấp công nhân thực hiện sứ mệnh
lịch sử
Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra những điều kiện
thuộc về nhân tố chủ quan để giai cấp công nhân hoàn thành sứ mệnh lịch
sử của mình. Đó là:
a)
Sự phát
triển của bản thân giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng. Thông qua sự phát triển
này có thể thấy sự lớn mạnh của giai cấp công nhân cùng với quy mô phát
triển của nền sản xuất vật chất hiện đại trên nền tảng của công nghiệp,
của kỹ thuật và công nghệ.
Sự phát triển về số lượng phải gắn liền với sự
phát triển về chất lượng giai cấp công nhân hiện đại, đảm bảo cho giai cấp
công nhân thực hiện được sứ mệnh lịch sử của mình. Chất lượng giai cấp công
nhân phải thể hiện ở trình độ trưởng thành về ý thức chính trị của một
giai cấp cách mạng, tức là tự giác nhận thức được vai trò và trọng trách
của giai cấp mình đối với lịch sử, do đó giai cấp công nhân phải được
giác ngộ về lý luận khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Là giai cấp đại diện tiêu biểu cho phương thức sản
xuất tiên tiến, chất lượng giai cấp công nhân còn phải thể hiện ở năng lực
và trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, nhất là
trong điều kiện hiện nay. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) đang
tác động sâu sắc vào sản xuất, vào quản lý và đời sống xã hội nói
chung, đang đòi hỏi sự biến đổi sâu sắc tính chất, phương thức lao động
của công nhân, lao động bằng trí óc, bằng năng lực trí tuệ, bằng sức
sáng tạo sẽ ngày càng tăng lên, lao động giản dơn, cơ bắp trong truyền thống
sẽ giảm dần bởi sự hỗ trợ của máy móc, của công nghệ hiện đại, trong đó
có vai trò của công nghệ thông tin. Trình độ học vấn, tay nghề, bậc thợ
của công nhân, văn hóa sản xuất, văn hóa lao động đáp ứng yêu cầu của
kinh tế tri thức là những thước đo quan trọng về sự phát triển chất lượng
của giai cấp công nhân hiện đại.
Chỉ với sự phát triển như vậy về số lượng và
chất lượng, đặc biệt về chất lượng thì giai cấp công nhân mới có thể thực
hiện được sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình.
b)
Đảng Cộng
sản là nhân tố chủ quan quan trọng nhất để
giai cấp công nhân
thực hiện thắng lợi sứ mệnh lịch sử của mình.
Đảng Cộng sản – đội tiên phong của giai cấp công
nhân ra đời và đảm nhận vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng là dấu hiệu về
sự trưởng thành vượt bậc của giai cấp công nhân với tư cách là giai cấp
cách mạng.
Quy luật chung, phổ biến cho sự ra đời của Đảng
Cộng sản là sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học, tức chủ nghĩa
Mác - Lênin với phong trào công nhân[21].
Giai cấp công nhân là cơ sở xã hội và nguồn bổ
sung lực lượng quan trọng nhất của Đảng, làm cho Đảng mang bản chất giai cấp
công nhân trở thành đội tiên phong, bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp.
Đảng Cộng sản đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của
dân tộc và xã hội. Sức mạnh của Đảng không chỉ thể hiện ở bản chất giai
cấp công nhân mà còn ở mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, với
quần chúng lao động đông đảo trong xã hội, thực hiện cuộc cách mạng do
Đảng lãnh đạo để giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội.
c) Ngoài hai điều kiện thuộc về nhân tố chủ quan
nêu trên chủ nghĩa Mác - Lênin còn chỉ rõ, để cuộc cách mạng thực hiện
sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đi tới thắng lợi, phải có sự liên
minh giai cấp giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và các tầng lớp
lao động khác do giai cấp công nhân thông qua đội tiên phong của nó là Đảng
Cộng sản lãnh đạo.
Đây cũng là một điều kiện quan trọng không thể
thiếu để thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
2. Giai cấp công nhân và việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp
công nhân hiện nay
2.1. Giai cấp công nhân hiện nay
Giai cấp công nhân hiện nay là những tập đoàn người
sản xuất và dịch vụ bằng phương thức công nghiệp tạo nên cơ sở vật chất
cho sự tồn tại và phát triển của thế giới hiện nay.
So với giai cấp công nhân truyền thống ở thế kỷ XIX
thì giai cấp công nhân hiện nay vừa có những điểm tương đồng vừa có những
điểm khác biệt, có những biến đổi mới trong điều kiện lịch sử mới. Cần
phải làm rõ những điểm tương đồng và khác biệt đó theo quan điểm lịch sử
- cụ thể của chủ nghĩa Mác - Lênin để một mặt khẳng định những giá trị
của chủ nghĩa Mác - Lênin, mặt khác, cần có những bổ sung, phát triển
nhận thức mới về việc thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân hiện nay.
Thứ
nhất. Về điểm tương đồng
Giai cấp công nhân hiện nay vẫn
đang là lực lượng sản xuất hàng đầu của xã hội hiện đại. Họ là chủ thể
của quá trình sản xuất công nghiệp hiện đại mang tính xã hội hóa ngày càng
cao. Ở các nước phát triển, có một tỷ lệ thuận giữa sự phát triển của
giai cấp công nhân với sự phát triển
kinh tế. Lực lượng lao động bằng phương thức công nghiệp chiếm tỷ lệ cao
ở mức tuyệt đối ở những nước có trình độ phát triển cao về kinh tế,
đó là những nước công nghiệp phát triển (như các nước thuộc nhóm G7).
Cũng vì thế, đa số các nước đang
phát triển hiện nay đều thực hiện chiến lược công nghiệp hóa nhằm đẩy
mạnh tốc độ, chất lượng và quy mô phát triển. Công nghiệp hóa vẫn là cơ
sở khách quan để giai cấp công nhân hiện đại phát triển mạnh mẽ cả về số
lượng và chất lượng.
Cũng giống như thế kỷ XIX, ở các nước tư bản chủ
nghĩa hiện nay, công nhân vẫn bị giai cấp tư sản và chủ nghĩa tư bản bóc
lột giá trị thặng dư. Quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa với chế độ sở hữu
tư nhân tư bản chủ nghĩa sản sinh ra tình trạng bóc lột này vẫn tồn tại.
Thực tế đó cho thấy, xung đột về lợi ích cơ bản giữa giai cấp tư sản và
giai cấp công nhân (giữa tư bản và lao động) vẫn tồn tại, vẫn là nguyên
nhân cơ bản, sâu xa của đấu tranh giai cấp trong xã hội hiện đại ngày nay.
Phong trào cộng sản và công nhân ở nhiều nước vẫn
luôn là lực lượng đi đầu trong các cuộc đấu tranh vì hòa bình, hợp tác và
phát triển, vì dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội.
Từ những điểm tương
đồng đó của công nhân hiện đại so với công nhân thế kỷ XIX, có thể khẳng
định: Lý luận về sứ mệnh lịch sử của
giai cấp công nhân trong chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn mang giá trị khoa học và
cách mạng, vẫn có ý nghĩa thực tiễn to lớn, chỉ đạo cuộc đấu tranh cách
mạng hiện nay của giai cấp công nhân, phong trào công nhân và quần chúng
lao động, chống chủ nghĩa tư bản và lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa trong
sự phát triển của thế giới ngày nay.
Thứ
hai. Những biến đổi và khác biệt của giai cấp công nhân hiện đại
Gắn liền với cách mạng khoa học và công nghệ hiện
đại, với sự phát triển kinh tế tri thức, công nhân hiện đại có xu hướng
trí tuệ hóa. Tri thức hóa và trí thức hóa công nhân là hai mặt của cùng
một quá trình, của xu hướng trí tuệ hóa đối với công nhân và giai cấp công
nhân. Trên thực tế đã có thêm nhiều khái niệm mới để chỉ công nhân theo
xu hướng này. Đó là “công nhân tri thức”, “công nhân trí thức”, “công
nhân áo trắng”, lao động trình độ cao. Nền sản xuất và dịch vụ hiện đại
đòi hỏi người lao động phải có hiểu biết sâu rộng tri thức và kỹ năng
nghề nghiệp.
Báo cáo phát triển nhân lực của Ngân hàng Thế giới
từ đầu thế kỷ XXI (2002) đã nêu rõ: “Tri thức là một động lực cơ bản cho
việc gia tăng năng suất lao động và cạnh tranh toàn cầu. Nó là yếu tố quyết
định trong quá trình phát minh, sáng kiến và tạo ra của cải xã hội”.
Ngày nay, công nhân được đào tạo chuẩn mực và
thường xuyên được đào tạo lại, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng của công
nghệ trong nền sản xuất. Hao phí lao động hiện đại chủ yếu là hao phí về
trí lực chứ không còn thuần túy là hao phí sức lực cơ bắp. Cùng với nhu
cầu về vật chất, nhu cầu về tinh thần và văn hóa tinh thần của công nhân
ngày càng tăng, phong phú đa dạng hơn và đòi hỏi chất lượng hưởng thụ
tinh thần cao hơn.
Với tri thức và khả năng làm chủ công nghệ, với
năng lực sáng tạo trong nền sản xuất hiện đại, người công nhân hiện đại
đang có thêm điều kiện vật chất để tự giải phóng. Công nhân hiện đại
với trình độ tri thức và làm chủ công nghệ cao, với sự phát triển của
năng lực trí tuệ trong kinh tế tri thức, trở thành nguồn lực cơ bản,
nguồn vốn xã hội quan trọng nhất trong các nguồn vốn của xã hội hiện
đại.
Tính chất xã hội hóa của lao động công nghiệp mang
nhiều biểu hiện mới: sản xuất công nghiệp trong thế giới toàn cầu hóa
đang mở rộng thành “chuỗi giá trị toàn cầu”. Quá trình sản xuất một sản
phẩm liên kết nhiều công đoạn của nhiều vùng, miền, quốc gia, khu vực.
Khác với truyền thống, trong nền sản xuất hiện đại dựa trên sự phát
triển của công nghiệp và công nghệ cao, đã xuất hiện những hình thức
liên kết mới, những mô hình về kiểu lao động mới như “xuất khẩu lao động
tại chỗ”, “làm việc tại nhà”, “nhóm chuyên gia quốc tế”, “quốc tế hóa các
tiêu chuẩn sản xuất công nghiệp”
(như ISO 9001, 9002). Tính chất xã
hội hóa của lao động hiện đại ngày càng được mở rộng và nâng cao. Lực
lượng sản xuất hiện đại đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia – dân tộc và mang
tính chất quốc tế, trở thành lực lượng sản xuất của thế giới toàn cầu.
Trong bối cảnh mới của toàn cầu hóa, hội nhập
quốc tế và cách mạng công nghiệp thế hệ mới (4.0), công nhân hiện đại cũng
tăng nhanh về số lượng, thay đổi lớn về cơ cấu trong nền sản xuất hiện
đại.
Với các nước xã hội chủ nghĩa, giai cấp công nhân
đã trở thành giai cấp lãnh đạo và Đảng Cộng sản trở thành Đảng cầm quyền.
Đó là những biến đổi mới của giai cấp công nhân hiện nay so với giai cấp
công nhân thế kỷ XIX.
2.2. Thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trên thế giới
hiện nay
2.2.1. Về nội dung kinh tế - xã hội
Thông qua vai trò của giai cấp công nhân trong quá
trình sản xuất với công nghệ hiện đại, năng suất, chất lượng cao, đảm bảo
cho phát triển bền vững, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đối với
sự phát triển xã hội ngày càng thể hiện rõ, bởi sự phát triển sản xuất
của chủ nghĩa tư bản trong thế giới ngày nay với sự tham gia trực tiếp
của giai cấp công nhân và các lực lượng lao động – dịch vụ trình độ cao
lại chính là nhân tố kinh tế - xã hội thúc đẩy sự chín muồi các tiền đề
của chủ nghĩa xã hội trong lòng chủ nghĩa tư bản. Đó lại là điều
kiện để phát huy vai trò chủ thể của giai cấp công nhân trong cuộc đấu
tranh vì dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội và chủ nghĩa xã hội.
Mặt khác, mâu thuẫn lợi ích cơ bản giữa giai cấp công
nhân với giai cấp tư sản cũng ngày càng sâu sắc ở từng quốc gia và trên
phạm vi toàn cầu. Toàn cầu hóa hiện nay vẫn mang đậm tính chất tư bản chủ
nghĩa với những bất công và bất bình đẳng xã hội lại thúc đẩy cuộc đấu
tranh chống chế độ bóc lột giá trị thặng dư trên phạm vi thế giới, phấn đấu
cho việc xác lập một trật tự xã hội mới công bằng và bình đẳng, đó
là từng bước thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trong
kinh tế - xã hội.
2.2.2. Về nội dung chính trị - xã hội
Ở các nước tư bản chủ nghĩa, mục tiêu đấu tranh
trực tiếp của giai cấp công nhân và lao động là chống bất công và bất
bình đẳng xã hội. Mục tiêu lâu dài là giành chính quyền về tay giai cấp
công nhân và nhân dân lao động, được nêu rõ trong Cương lĩnh chính trị của
các Đảng Cộng sản trong các nước tư bản chủ nghĩa. Đối với các nước xã
hội chủ nghĩa, nơi các Đảng Cộng sản đã trở thành Đảng cầm quyền, nội
dung chính trị - xã hội của sứ mệnh lịch sử giai cấp công nhân là lãnh
đạo thành công sự nghiệp đổi mới, giải quyết thành công các nhiệm vụ
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đặc biệt là xây dựng Đảng
cầm quyền trong sạch vững mạnh, thực hiện thành công sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
2.2.3. Về nội dung văn hóa, tư tưởng
Thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
trong điều kiện thế giới ngày nay trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng trước
hết là cuộc đấu tranh ý thức hệ. Đó là cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa
xã hội với chủ nghĩa tư bản. Cuộc đấu tranh này đang diễn ra phức tạp
và quyết liệt, nhất là trong nền kinh tế thị trường phát triển với những
tác động mặt trái của nó. Mặt khác, khi hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới
tan rã, phong trào cách mạng thế giới đang phải vượt qua những thoái trào tạm
thời thì niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa cũng đứng trước những
thử thách càng làm cho cuộc đấu tranh tư tưởng lý luận giữa chủ nghĩa tư
bản với chủ nghĩa xã hội trở nên phức tạp và gay gắt hơn.
Song các giá trị đặc trưng cho bản chất khoa học và
cách mạng của giai cấp công nhân, của chủ nghĩa xã hội vẫn mang ý
nghĩa chỉ đạo, định hướng trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và quần
chúng lao động chống chủ nghĩa tư bản và lựa chọn con đường xã hội
chủ nghĩa của sự phát triển xã hội.
Các giá trị như lao động, sáng tạo, công bằng, dân
chủ, bình đẳng, tự do vẫn là những giá trị được nhân loại thừa nhận và phấn
đấu thực hiện. Trên thực tế, các giá trị mà nhân loại hướng tới đều tương
đồng với các giá trị lý tưởng, mục tiêu của giai cấp công nhân.
Không chỉ ở các nước xã hội chủ nghĩa mà ở nhiều
nước tư bản chủ nghĩa cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân
lao động vì những giá trị cao cả đó đã đạt được nhiều tiến bộ xã hội
quan trọng.
Đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Cộng sản, giáo dục nhận thức và củng cố niềm tin khoa học đối với lý
tưởng, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội cho giai cấp công nhân và nhân dân
lao động, giáo dục và thực hiện chủ nghĩa quốc tế chân chính của giai
cấp công nhân trên cơ sở phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc
chính là nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân hiện nay về văn
hóa tư tưởng.
3. Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam
3.1. Đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam
Tại Hội nghị lần thứ sáu của Ban Chấp hành Trung
ương khóa X, Đảng ta đã xác định: “Giai cấp công nhân Việt Nam là một lực
lượng xã hội to lớn, đang phát triển, bao gồm những người lao động chân
tay và trí óc, làm công hưởng lương trong các loại hình sản xuất kinh doanh
và dịch vụ công nghiệp hoặc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có tính chất công
nghiệp”[22].
Giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển
gắn liền với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt
Nam. Giai cấp công nhân Việt Nam mang những đặc điểm chủ yếu sau đây:
- Giai
cấp công nhân Việt Nam ra đời trước giai cấp tư sản vào đầu thế kỷ XX, là
giai cấp trực tiếp đối kháng với tư bản thực dân Pháp và bè lũ tay sai
của chúng. Giai cấp công nhân Việt Nam phát triển chậm vì nó sinh ra và
lớn lên ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến, dưới ách thống trị của
thực dân Pháp.
- Trực
tiếp đối kháng với tư bản thực dân Pháp, trong cuộc đấu tranh chống tư bản
thực dân đế quốc và phong kiến để giành độc lập chủ quyền, xóa bỏ ách
bóc lột và thống trị thực dân, giai cấp công nhân đã tự thể hiện mình là
lực lượng chính trị tiên phong để lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân
tộc, giải quyết mâu thuẫn cơ bản giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc thực
dân và phong kiến thống trị, mở đường cho sự phát triển của dân tộc trong
thời đại cách mạng vô sản. Giai cấp công nhân Việt Nam không chỉ thể hiện
đặc tính cách mạng của mình ở ý thức giai cấp và lập trường chính trị mà
còn thể hiện tinh thần dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam gắn bó mật
thiết với nhân dân, với dân tộc có truyền thống yêu nước, đoàn kết và
bất khuất chống xâm lược.
Tuy số lượng giai cấp công nhân
Việt Nam khi ra đời còn ít, những đặc tính của công nhân với tư cách là
sản phẩm của đại công nghiệp chưa thật sự đầy đủ, lại sinh trưởng trong
một xã hội nông nghiệp còn mang nhiều tàn dư của tâm lý tiểu nông
nhưng giai cấp công nhân Việt Nam sớm được tôi luyện trong đấu tranh cách
mạng chống thực dân đế quốc nên đã trưởng thành nhanh chóng về ý thức
chính trị của giai cấp, sớm giác ngộ lý tưởng, mục tiêu cách mạng, tức
là giác ngộ về sứ mệnh lịch sử của giai cấp mình, nhất là từ khi Đảng
ra đời. Lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và của Đảng cũng
như phong trào công nhân Việt Nam do Đảng lãnh đạo gắn liền với lịch sử
và truyền thống đấu tranh của dân tộc, nổi bật ở truyền thống yêu nước và đoàn kết đã cho thấy
giai cấp công nhân Việt Nam trung thành với chủ
nghĩa Mác - Lênin, với Đảng Cộng
sản, với lý tưởng, mục tiêu cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã
hội. Giai cấp công nhân có tinh thần cách mạng triệt để và là giai cấp
lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiên phong của mình là Đảng Cộng sản.
- Giai cấp công nhân Việt Nam gắn bó mật
thiết với các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Lợi ích của giai cấp công
nhân và lợi ích dân tộc gắn chặt với nhau, tạo thành động lực thúc đẩy
đoàn kết giai cấp gắn liền với đoàn kết dân tộc trong mọi thời kỳ đấu
tranh cách mạng, từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ
nghĩa, trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và trong sự nghiệp đổi mới
hiện nay.
Đại bộ phận công nhân Việt Nam xuất thân từ nông dân
và các tầng lớp lao động khác, cùng chung lợi ích, cùng chung nguyện
vọng và khát vọng đấu tranh cho độc lập tự do, để giải phóng dân tộc và
phát triển dân tộc Việt Nam, hướng đích tới chủ nghĩa xã hội nên giai
cấp công nhân Việt Nam có mối liên hệ tự nhiên, chặt chẽ với giai cấp
nông dân và các tầng lớp lao động trong xã hội. Đặc điểm này tạo ra
thuận lợi để giai cấp công nhân xây dựng khối liên minh giai cấp với giai
cấp nông dân, với đội ngũ trí thức làm nòng cốt trong khối đại đoàn kết
toàn dân tộc. Đó cũng là cơ sở xã hội rộng lớn để thực hiện các
nhiệm vụ cách mạng,thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Việt Nam, trước đây cũng như hiện nay.
Những đặc điểm nêu trên bắt nguồn từ lịch sử hình
thành và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam với cơ sở kinh tế - xã
hội và chính trị ở đầu thế kỷ XX.
Ngày nay, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới vừa qua,
những đặc điểm đó của giai cấp công nhân đã có những biến đổi do tác
động của tình hình kinh tế - xã hội trong nước và những tác động của
tình hình quốc tế và thế giới. Bản thân giai cấp công nhân Việt Nam cũng
có những biến đổi từ cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, trình độ học vấn và
tay nghề bậc thợ, đến đời sống, lối sống, tâm lý ý thức. Đội tiên
phong của giai cấp công nhân là Đảng Cộng sản đã có một quá trình trưởng
thành, trở thành Đảng cầm quyền, duy nhất cầm quyền ở Việt Nam, đang nỗ
lực tự đổi mới, tự chỉnh đốn để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức
chiến đấu của Đảng, làm cho Đảng ngang tầm nhiệm vụ.
Có thể nói tới những biến đổi
đó trên những nét chính sau đây:
- Giai
cấp công nhân Việt Nam hiện nay đã tăng nhanh về số lượng và chất lượng,
là giai cấp đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa, gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên và môi
trường.
- Giai
cấp công nhân Việt Nam hiện nay đa dạng về cơ cấu nghề nghiệp, có mặt trong
mọi thành phần kinh tế nhưng đội ngũ công nhân trong khu vực kinh tế nhà
nước là tiêu biểu, đóng vai trò nòng cốt, chủ đạo.
- Công
nhân tri thức, nắm vững khoa học - công nghệ tiên tiến, và công nhân trẻ
được đào tạo nghề theo chuẩn nghề nghiệp, học vấn, văn hóa, được rèn
luyện trong thực tiễn sản xuất và thực tiễn xã hội, là lực lượng chủ
đạo trong cơ cấu giai cấp công nhân, trong lao động và phong trào công
đoàn.
Trong môi trường kinh tế - xã hội đổi mới, trong
đà phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giai cấp công
nhân Việt Nam đứng trước thời cơ phát triển và những thách thức nguy cơ
trong phát triển.
- Để
thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam trong bối cảnh
hiện nay, cùng với việc xây dựng, phát triển giai cấp công nhân lớn
mạnh, hiện đại, phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng,
làm cho Đảng lãnh đạo, cầm quyền thực sự trong sạch vững mạnh. Đó là điểm
then chốt để thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của giai cấp công
nhân ở Việt Nam.
3.2. Nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay
Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định vai trò
giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử to lớn của giai cấp công nhân ở
nước ta.
“Trong thời kỳ đổi mới, giai cấp công nhân nước ta
có sứ mệnh lịch sử to lớn: là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội
tiên phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; giai cấp đại diện cho phương thức
sản xuất tiên tiến, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa
xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ,
văn minh, lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công nhân với giai cấp
nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng”[23].
Thực hiện sứ mệnh lịch sử to lớn đó, giai cấp
công nhân Việt Nam phát huy vai trò của một giai cấp tiên phong, phát huy
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng
suốt của Đảng để giải quyết các nhiệm vụ cụ thể thuộc nội dung sứ
mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
- Về kinh tế:
Giai cấp công nhân Việt Nam với số lượng đông đảo
công nhân có cơ cấu ngành nghề đa dạng, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất
và dịch vụ công nghiệp ở mọi thành phần kinh tế, với chất lượng ngày một
nâng cao về kỹ thuật và công nghệ sẽ là nguồn nhân lực lao động chủ
yếu tham gia phát triển nền kinh tế thị trường hiện đại, định hướng xã
hội chủ nghĩa, lấy khoa học - công nghệ làm động lực quan trọng, quyết
định tăng năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả. Đảm bảo tăng trưởng
kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, thực hiện
hài hòa lợi ích cá nhân - tập thể và xã hội.
Giai cấp công nhân phát huy vai trò và trách nhiệm
của lực lượng đi đầu trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại
hóa đất nước. Đây là vấn đề nổi bật nhất đối với việc thực hiện sứ
mệnh lịch sử giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay. Thực hiện thắng lợi
mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho nước ta trở thành một
nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có nền công nghiệp hiện đại, định
hướng xã hội chủ nghĩa trong một, hai thập kỷ tới, với tầm nhìn tới
giữa thế kỷ XXI (2050) đó là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân mà giai
cấp công nhân là nòng cốt. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam phải
gắn liền với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên và môi
trường. Tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,
giai cấp công nhân có điều kiện khách quan thuận lợi để phát triển cả số
lượng và chất lượng, làm cho những phẩm chất của giai cấp công nhân hiện
đại được hình thành và phát triển đầy đủ trong môi trường xã hội hiện
đại, với phương thức lao động công nghiệp hiện đại. Đó còn là điều
kiện làm cho giai cấp công nhân Việt Nam khắc phục những nhược điểm, hạn
chế vốn có do hoàn cảnh lịch sử và nguồn gốc xã hội sinh ra (tâm lý
tiểu nông, lối sống nông dân, thói quen, tập quán lạc hậu từ truyền
thống xã hội nông nghiệp cổ truyền thâm nhập vào công nhân).
Thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
trên lĩnh vực kinh tế gắn liền với việc phát huy vai trò của giai cấp
công nhân, của công nghiệp, thực hiện khối liên minh công - nông - trí
thức để tạo ra những động lực phát triển nông nghiệp - nông thôn và nông
dân ở nước ta theo hướng phát triển bền vững, hiện đại hóa, chủ động
hội nhập quốc tế, nhất là hội nhập kinh tế quốc tế, bảo vệ tài nguyên
và môi trường sinh thái. Như vậy, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
là một quá trình tạo ra sự phát triển và trưởng thành không chỉ đối
với giai cấp công nhân mà còn đối với giai cấp nông dân, tạo ra nội dung
mới, hình thức mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả khối liên minh công
- nông - trí thức ở nước ta.
- Về chính trị - xã hội:
Cùng với nhiệm vụ giữ vững và tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng thì nhiệm vụ “Giữ vững bản chất giai cấp công nhân của
Đảng, vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ đảng viên” và “tăng cường
xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng
chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong
nội bộ” là những nội dung chính yếu, nổi bật, thể hiện sứ mệnh lịch
sử giai cấp công nhân về phương diện chính trị - xã hội. Thực hiện
trọng trách đó, đội ngũ cán bộ đảng viên trong giai cấp công nhân phải nêu
cao trách nhiệm tiên phong, đi đầu, góp phần củng cố và phát triển cơ sở
chính trị - xã hội quan trọng của Đảng đồng thời giai cấp công nhân
(thông qua hệ thống tổ chức công đoàn) chủ động, tích cực tham gia xây
dựng, chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch vững mạnh, bảo vệ
Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa để bảo vệ nhân dân - đó là trọng
trách lịch sử thuộc về sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam hiện
nay.
- Về văn hóa tư tưởng:
Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên
tiến, đậm đà bản sắc dân tộc có nội dung cốt lõi là xây dựng con
người mới xã hội chủ nghĩa, giáo dục đạo đức cách mạng, rèn luyện
lối sống, tác phong công nghiệp, văn minh, hiện đại, xây dựng hệ giá trị
văn hóa và con người Việt Nam, hoàn thiện nhân cách - Đó là nội dung
trực tiếp về văn hóa tư tưởng thể hiện sứ mệnh lịch sử cửa giai cấp
công nhân, trước hết là trọng trách lãnh đạo của Đảng. Giai cấp công nhân
còn tham gia vào cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng lý luận để bảo
vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đó
là nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại những quan điểm sai trái, những sự
xuyên tạc của các thế lực thù địch, kiên định lý tưởng, mục tiêu và con
đường cách mạng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Muốn thực hiện
được sứ mệnh lịch sử này, giai cấp công nhân Việt Nam phải thường xuyên
giáo dục cho các thế hệ công nhân và lao động trẻ ở nước ta về ý thức
giai cấp, bản lĩnh chính trị, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế,
củng cố mối liên hệ mật thiết giữa giai cấp công nhân với dân tộc, đoàn
kết giai cấp gắn liền với đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế. Đó là
sự kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong thời đại Hồ
Chí Minh.
3.3. Phương hướng và một số giải pháp chủ yếu để xây dựng giai cấp
công nhân Việt Nam hiện nay
3.3.1. Phương hướng
Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã
xác định phương hướng xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam trong quá trình
đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội
chủ nghĩa là: “Đối với giai cấp công nhân, phát triển về số lượng, chất
lượng và tổ chức; nâng cao giác ngộ và bản lĩnh chính trị, trình độ học
vấn nghề nghiệp, xứng đáng là là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giải quyết việc làm, giảm tối đa số
công nhân thiếu việc làm và thất nghiệp. Thực hiện tốt chính sách và pháp
luật đối với công nhân và lao động, như Luật Lao động, Luật Công đoàn,
chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất
nghiệp, bảo hộ lao động, chăm sóc, phục hồi sức khỏe đối với công
nhân; có chính sách ưu đãi nhà ở đối với công nhân bậc cao. Xây dựng
tổ chức, phát triển đoàn viên công đoàn, nghiệp đoàn đều khắp ở các cơ
sở sản xuất kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế…Chăm lo đào tạo cán bộ
và kết nạp đảng viên từ những công nhân ưu tú”[24].
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương
khóa X, Đảng ta đã ra nghị quyết về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân
Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, trong
đó nhấn mạnh: “Xây dựng giai cấp công
nhân lớn mạnh, có giác ngộ giai cấp
và bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, yêu chủ
nghĩa xã hội, tiêu biểu cho tinh hoa văn hóa của dân tộc; nhạy bén và
vững vàng trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những
biến đổi của tình hình trong nước; có tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn
kết, hợp tác quốc tế; thực hiện sứ mệnh lịch sử của giai cấp lãnh đạo
cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam… Xây dựng
giai cấp công nhân lớn mạnh, phát triển nhanh về số lượng, nâng cao chất
lượng, có cơ cấu đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; ngày càng được trí
thức hóa: có trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cao, có
khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại trong
điều kiện phát triển kinh tế tri thức; thích ứng nhanh với cơ chế thị
trường và hội nhập quốc tế;… có tác phong công nghiệp và kỷ luật cao”[25].
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
khẳng định: “Coi trọng giữ vững bản chất giai cấp công nhân và các nguyên tắc
sinh hoạt của Đảng”[26].
Đồng thời, “Chú trọng xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp công nhân,
giai cấp nông nhân, đội ngũ trí thức, đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu
phát triển đất nước trong thời kỳ mới”[27].
Vì vậy, Đảng và Nhà nước phải “quan
tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển giai cấp công nhân cả về số
lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên
môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của
công nhân; bảo đảm việc làm, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ cho công
nhân; sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,… để bảo vệ quyền lợi, nâng
cao đời sống vật chất và tính thần của công nhân”[28].
3.3.2. Một số giải pháp chủ yếu
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta trở
thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng giai cấp công
nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu
sau:
Một là, nâng cao nhận thức kiên định quan điểm giai
cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng thông qua đội tiền phong là Đảng
Cộng sản Việt Nam. Sự lớn mạnh của giai cấp công nhân là một điều kiện
tiên quyết bảo đảm thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước.
Hai là, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh gắn với xây
dựng và phát huy sức
mạnh của liên minh giai cấp công nhân
với giai cấp nông dân và đội ngũ trí trí thức và doanh nhân, dưới sự
lãnh đạo của Đảng. Phát huy vai trò giai cấp công nhân trong khối đại đoàn
kết toàn dân tộc - động lực chủ yếu của sự phát triển đất nước; đồng
thời tăng cường quan hệ đoàn kết, hợp tác quốc tế với giai cấp công nhân trên toàn thế giới.
Ba là, thực hiện chiến lược xây dựng giai cấp công
nhân lớn mạnh, gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã
hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế. Xử lý
đúng đắn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và
công bằng xã hội và chăm lo xây dựng giai cấp công nhân; đảm bảo hài hòa
lợi ích giữa công nhân, người sử dụng lao động, Nhà nước và toàn xã hội;
không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của công nhân, quan tâm
giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân.
Bốn là, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ
mọi mặt cho công nhân, không ngừng trí thức hóa giai cấp công nhân. Đặc biệt
quan tâm xây dựng thế hệ công nhân trẻ, có học vấn, chuyên môn và kỹ năng
nghề nghiệp cao, ngang tầm khu vực và quốc tế, có lập trường giai cấp và
bản lĩnh chính trị vững vàng, trở thành bộ phận nòng cốt của giai cấp công
nhân.
Năm là, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh là
trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và sự nỗ lực
vươn lên của bản thân mỗi người công nhân, sự tham gia đóng góp tích cực
của người sử dụng lao động. Sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà
nước có vai trò quyết định, công đoàn có vai trò quan trọng trực tiếp trong
chăm lo xây dựng giai cấp công nhân. Xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh
gắn liền với xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng,
tổ chức và đạo đức, xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng
sản Hồ Chí Minh và các tổ chức chính trị - xã hội khác trong giai cấp công
nhân.
C. CÂU HỎI ÔN TẬP
1.
Nêu những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác
- Lênin về giai cấp công nhân và nội dung sứ mệnh của lịch sử của giai
cấp công nhân?
2.
Trình bày những điều kiện khách quan và
nhân tố chủ quan quy định sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân?
3.
Phân tích nội dung sứ mệnh lịch sử của
giai cấp công nhân trong thế giới hiện nay?
4.
Phân tích đặc điểm của giai cấp công nhân
Việt Nam và nội dung sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân Việt Nam
hiện nay?
5.
Phương hướng và giải pháp chủ yếu để xây
dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay theo quan điểm của Đảng Cộng
sản Việt Nam?
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X,
Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2008.
2.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, Nxb CTQG - ST, Hà Nội, 2011,
2016.
3.
Hội đồng TW chỉ đạo biên soạn giáo trình
quốc gia các môn khoa học Mác -
Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh (2002) Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học;
Nxb CTQG, Hà Nội.
4.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Chủ nghĩa xã hội khoa học,
dành cho hệ cao cấp lý luận chính trị, H.2018
5.
Hoàng Chí Bảo, Nguyễn Viết Thông, Bùi Đình Bôn
(đồng chủ biên), Một số vấn đề lý luận
về giai cấp công nhân Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, đẩy mạnh
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nxb Lao động, Hà
Nội, 2010.
Chương 3 CHỦ NGHĨA XÃ
HỘI VÀ THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
A. MỤC TIÊU
1.
Về
kiến thức: Sinh viên nắm được những quan điểm của chủ nghĩa Mác -
Lênin về chủ nghĩa xã hội, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và
sự vận dụng sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào điều kiện cụ thể
Việt Nam.
2.
Về kỹ
năng: Sinh viên bước đầu biết vận dụng những tri thức có được vào phân
tích những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ
nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay.
3.
Về tư
tưởng: sinh viên khẳng định niềm tin vào chế độ xã hội chủ nghĩa, luôn
tin và ủng hộ đường lối đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
B. NỘI DUNG
1.
Chủ nghĩa
xã hội Chủ nghĩa xã hội (tiếng
Anh: Socialism) được hiểu theo bốn
nghĩa:1) Là phong trào thực tiễn, phong trào đấu tranh của nhân dân lao
động chống lại áp bức, bất công, chống các giai cấp thống trị; 2) Là
trào lưu tư tưởng, lý luận phản ánh lý tưởng giải phóng nhân dân lao động
khỏi áp bức, bóc lột, bất công; 3) Là một khoa học - Chủ nghĩa xã hội
khoa học, khoa học về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; 4) Là một
chế độ xã hội tốt đẹp, giai đoạn đầu của hình thái kinh tế- xã hội cộng
sản chủ nghĩa.
1.1. Chủ nghĩa xã hội, giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội
cộng sản chủ nghĩa
Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã
hội khoa học, C.Mác Ph.Ăngghen khi nghiên cứu lịch sử phát triển của xã
hội loài người, nhất là lịch sử xã hội tư bản đã xây dựng nên học thuyết
về hình thái kinh tế- xã hội. Học thuyết vạch rõ những qui luật cơ bản của
vận động xã hội, chỉ ra phương pháp khoa học để giải thích lịch sử. Học
thuyết hình thái kinh tế- xã hội của C. Mác không chỉ làm rõ những yếu tố
cấu thành hình thái kinh tế- xã hội mà còn xem xét xã hội trong quá trình
biến đổi và phát triển không ngừng.
Học thuyết về hình thái kinh tế -
xã hội do C.Mác và Ph.Ăngghen khởi xướng được V.I.Lênin bổ sung, phát
triển và hiện thực hoá trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở
nước Nga Xô viết trở thành học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của chủ
nghĩa Mác- Lênin, tài sản vô giá của nhân loại.
Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội
của chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra tính tất yếu sự thay thế hình thái
kinh tế- xã hội tư bản chủ nghĩa bằng hình thái kinh tế - xã hội cộng sản
chủ nghĩa, đó là quá trình lịch sử - tự nhiên. Sự thay thế này được
thực hiện thông qua cách mạng xã hội chủ nghĩa xuất phát từ hai tiền đề
vật chất quan trọng nhất là sự phát triển của lực lượng sản xuất và sự
trưởng thành của giai cấp công nhân.
Học thuyết hình thái kinh tế - xã
hội của chủ nghĩa Mác - Lênin đã cung cấp những tiêu chuẩn thực sự duy
vật, khoa học cho sự phân kỳ lịch sử, trong đó có sự phân kỳ hình thái
kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Khi phân tích hình thái kinh tế - xã
hội cộng sản chủ nghĩa, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, hình thái kinh tế -
xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển từ thấp lên cao qua hai giai đoạn,
giai đoạn thấp và giai đoạn cao, giai đoạn
cộng sản chủ nghĩa; giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội
cộng sản chủ nghĩa là thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa cộng sản. Trong tác
phẩm “Phê phán cương lĩnh Gôta” (1875)
C.Mác đã cho rằng: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản
chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội này sang xã hội
kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và
nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên
chính cách mạng của giai cấp vô sản”[29].
Khẳng định quan điểm của C. Mác, V.I. Lênin cho rằng: “Về lý luận, không
thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản,
có một thời kỳ quá độ nhất định”[30].
Về xã hội của thời kỳ quá độ,
C. Mác cho rằng đó là xã hội vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa,
xã hội chưa phát triển trên cơ sở của chính nó còn mang nhiều dấu vết của
xã hội cũ để lại: “Cái xã hội mà chúng ta nói ở đây không phải là một xã
hội cộng sản chủ nghĩa đã phát triển trên cơ sở của chính nó, mà trái
lại là một xã hội cộng sản chủ nghĩa vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ
nghĩa, do đó là một xã hội về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh
thần - còn mang những dấu vết của xã hội cũ mà nó đã lọt lòng ra”[31].
Sau này, từ thực tiễn nước Nga, V.
I Lênin cho rằng, đối với những nước chưa có chủ nghĩa tư bản phát triển
cao “cần phải có thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ nghĩa tư bản lên chủ
nghĩa xã hội”[32].
Vậy là, về mặt lý luận và thực
tiễn, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản, được
hiểu theo hai nghĩa: thứ nhất, đối với các nước chưa trải qua chủ nghĩa
tư bản phát triển, cần thiết phải có thời kỳ quá độ khá lâu dài từ chủ
nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội- những cơn đau đẻ kéo dài[33];
thứ hai, đối với những nước đã trải qua chủ nghĩa tư bản phát triển,
giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa cộng sản có một thời kỳ quá độ nhất
định, thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội này sang xã hội kia,
thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản
lên chủ nghĩa cộng sản.
1.2. Điều kiện ra đời chủ nghĩa xã hội
Bằng lý luận hình thái kinh tế -
xã hội, C.Mác đã đi sâu phân tích, tìm ra qui luật vận động của hình
thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, từ đó cho phép ông dự báo khoa
học về sự ra đời và tương lai của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản
chủ nghĩa. V.I Lênin cho rằng: C.Mác xuất phát từ chỗ là chủ nghĩa cộng
sản hình thành từ chủ nghĩa tư bản, phát triển lên từ chủ nghĩa tư bản là
kết quả tác động của một lực lượng xã hội do chủ nghĩa tư bản sinh ra -
giai cấp vô sản, giai cấp công nhân hiện đại.
Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã
hội khoa học đã thừa nhận vai trò to lớn của chủ nghĩa tư bản khi khẳng
định: sự ra đời của chủ nghĩa tư bản là một giai đoạn mới trong lịch sử
phát triển mới của nhân loại. Nhờ những bước tiến to lớn của lực lượng
sản xuất, biểu hiện tập trung nhất là sự ra đời của công nghiệp cơ khí
(Cách mạng công nghiệp lần thứ 2), chủ nghĩa tư bản đã tạo ra bước phát
triển vượt bậc của lực lượng sản xuất. Trong vòng chưa đầy một thế kỷ,
chủ nghĩa tư bản đã tạo ra được một lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ
sộ hơn lực lượng sản xuất mà nhân loại tạo ra đến lúc đó[34].
Tuy nhiên, các ông cũng chỉ ra rằng, trong xã hội tư bản chủ nghĩa, lực
lượng sản xuất càng được cơ khi hóa, hiện đại hóa càng mang tính xã hội hóa
cao, thì càng mâu thuẫn với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên
chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Quan hệ sản xuất từ chỗ đóng
vai trò mở đường cho lực lượng sản xuất phát triển, thì ngày càng trở nên
lỗi thời, xiềng xích của lực lượng sản xuất. Mâu thuẫn giữa tính chất xã
hội hóa của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ
nghĩa đối với tư liệu sản xuất trở thành mâu thuẫn kinh tế cơ bản của
chủ nghĩa tư bản, biểu hiện về mặt xã hội là mâu thuẫn giữa giai cấp
công nhân hiện đại với giai cấp tư sản lỗi thời. Cuộc đấu tranh giữa giai
cấp công nhân và giai cấp tư sản xuất hiện ngay từ đầu và ngày càng trở nên
gay gắt và có tính chính trị rõ rét. C. Mác và Ph. Angghen chỉ rõ: “Từ chỗ là
những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ sản
xuất ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt
đầu thời đại môt cuộc cách mạng”2.
Hơn nữa, cùng với sự phát triển
mạnh mẽ của nền đại công nghiệp cơ khí là sự trưởng thành vượt bậc cả
về số lượng và chất lượng của giai cấp công nhân, con để của nền đại công
nghiệp. Chính sự phát triển về lực lượng sản xuất và sự trưởng thành của
giai cấp công nhân là tiền đề kinh tế- xã hội dẫn tới sự sụp đổ không
tránh khỏi của chủ nghĩa tư bản. Diễn đạt tư tưởng đó, C.Mác và
Ph.Ăngghen cho rằng, giai cấp tư sản không chỉ tạo vũ khí để giết mình mà
còn tạo ra những người sử dụng vũ khí đó, những công nhân hiện đại, những
người vô sản[35].
Sự trưởng thành vượt bậc và thực sự
của giai cấp công nhân được đánh dấu
bằng sự ra đời của Đảng cộng sản, đội tiền phong của giai cấp công
nhân, trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh chính trị của giai cấp công nhân
chống giai cấp tư sản.
Sự phát triển của lực lượng sản
xuất và sự trưởng thành thực sự của giai cấp công nhân là tiền đề, điều
kiện cho sự ra đời của hình thái kinh tế- xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Tuy nhiên, do khác về bản chất với tất cả các hình thái kinh tế - xã hội
trước đó, nên hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa không tự
nhiên ra đời, trái lại, nó chỉ được hình thành thông qua cách mạng vô sản
dưới sự lãnh đạo của đảng của giai cấp công nhân - Đảng Cộng sản, thực
hiện bước quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và chủ
nghĩa cộng sản.
Cách mạng vô sản là cuộc cách mạng
của giai cấp công nhân và nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng
Cộng sản, trên thực tế được thực hiện bằng con đường bạo lực cách mạng
nhằm lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa, thiết lập nhà nước chuyên chính
vô sản, thực hiện sự nghiệp cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới, xã
hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Tuy nhiên, cách mạng vô
sản, về mặt lý thuyết cũng có thể được tiến hành bằng con đường hòa bình,
nhưng vô cùng hiếm, quí và trên thực tế chưa xảy ra.
Do tính sâu sắc và triệt để của
nó, cách mạng vô sản chỉ có thể thành công, hình thái kinh tế- xã hội cộng
sản chủ nghĩa chỉ có thể được thiết lập và phát triển trên cơ sở của
chính nó, một khi tính tích cực chính trị của giai cấp công nhân được khơi
dậy và phát huy trong liên minh với các giai cấp và tầng lớp những người
lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
1.3. Những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội
Khi nghiên cứu về hình thái kinh
tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội
khoa học rất quan tâm dự báo những đặc trưng của từng giai đoạn, đặc biệt là
giai đoạn đầu (giai đoạn thấp) của xã hội cộng sản nhằm định hướng phát
triển cho phong trào công nhân quốc tế. Những đặc trưng cơ bản của giai đoạn
đầu, phản ánh bản chất và tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội từng bước
được bộc lộ đầy đủ cùng với quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ
nghĩa. Căn cứ vào những dự báo của C.Mác và Ph.Ăngghen và những quan điểm
của V.I.Lênin về chủ nghĩa xã hội ở nước Nga xô - viết, có thể khái quát
những đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội như sau:
Một là, chủ nghĩa xã hội giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc, giải
phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển
toàn diện.
Trong tác phẩm Tuyên ngôn của Đan̉
g Cộng sản, khi dự báo về xã hội tương lai, xã hội cộng sản chủ nghĩa,
C.Mác và Ph.Ăngghen đã khẳng định: “Thay cho xã hội tư bản cũ, với những giai
cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự
phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của tất
cả mọi người”[36];
khi đó “con người, cuối cùng làm chủ tồn tại xã hội của chính mình,
thì cũng do đó làm chủ tự nhiên, làm chủ cả bản thân mình trở thành
người tự do”[37]..
Đây là sự khác biệt về chất giữa hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ
nghĩa so với các hình thái kinh tế - xã hội ra đời trước, thể hiện ở bản
chất nhân văn, nhân đaọ , vì sự nghiệp giải phóng giai cấp, giải phóng xã
hội, giải phóng con người. Đương nhiên, để đạt được mục tiêu tổng quát
đó, C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng, cách mạng xã hội chủ nghĩa phải tiến
hành triệt để, trước hết là giải phóng giai cấp, xóa bỏ tình trạng giai cấp
này bóc lột, áp bức giai cấp kia, và một khi tình trạng người áp bức, bọc
lột người bị xóa bỏ thì tình trạng dân tộc này đi bóc lột dân tộc khác
cũng bị xóa bỏ”[38].
V.I.Lênin, trong điều kiện mới
của đời sống chính trị - xã hội thế giới đầu thế kỷ XX, đồng thời từ
thực tiễn của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga xô - viết
đã cho rằng, mục đích cao nhất, cuối cùng của những cải tạo xã hội chủ
nghĩa là thực hiện nguyên tắc: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu:
“khi bắt đầu những cải tạo xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đặt rõ cái mục
đích mà những cải tạo xã hội chủ nghĩa đó rút cục nhằm tới, cụ thể là
thiết lập một xã hội cộng sản chủ nghĩa, một xã hội không chỉ hạn chế
ở việc tước đoạt các công xưởng, nhà máy, ruộng đất và tư liệu sản xuất,
không chỉ hạn chế ở việc kiểm kê, kiểm soát một cách chặt chẽ việc sản
xuất và phân phối sản phẩm, mà còn đi xa hơn nữa, đi tới việc thực hiện
nguyên tắc: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Vì thế cái tên gọi “Đảng
Cộng sản là duy nhất chính xác về mặt khoa học”[39]
V.I.Lênin cũng khẳng định mục đích cao cả của chủ nghĩa xã hội cần đạt
đến là xóa bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp, biến tất cả thành viên
trong xã hội thành người lao động, tiêu diệt cơ sở của mọi tình trạng
người bóc lột người. V.I.Lênin còn chỉ rõ trong quá trình phấn đấu để đạt
mục đích cao cả đó, giai cấp công nhân, chính Đảng Cộng sản phải hoàn thành
nhiều nhiệm vụ của các giai đoạn khác nhau, trong đó có mục đích, nhiệm
vụ cụ thể của thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội - tạo ra các điều
kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật và đời sống tinh thần để thiết lập
xã hội cộng sản.
Hai là, chủ nghĩa xã hội là xã hội do nhân dân lao động làm chủ
Đây là đặc trưng thể hiện thuộc
tính ban̉ chất của chủ nghĩa xã hội, xã hội vì con người và do con
người; nhân dân mà nòng cốt là nhân dân lao động là chủ thể của xã hội
thực hiện quyền làm chủ ngày càng rộng rãi và đầy đủ trong quá trình
cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Chủ nghĩa xã hội là một chế độ
chính trị dân chủ, nhà nước xã hội chủ nghĩa với hệ thống pháp luật và
hệ thống tổ chức ngày càng ngày
càng hoàn thiện sẽ quan̉ lý xã hội
ngày càng hiệu quả. C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “… bước thứ nhất trong cách
maṇ g công nhân là giai cấp vô sản biến thành giai cấp thống trị là giành lấy
dân chủ”[40].
V.I.Lênin, từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga Xô viết đã
coi chính quyền Xô viết là một kiểu Nhà nước chuyên chính vô sản, một chế độ
dân chủ ưu việt gấp triệu lần so với chế độ dân chủ tư sản: “Chế độ dân
chủ vô sản so với bất kỳ chế độ dân chủ tư sản nào cũng dân chủ hơn gấp
triệu lần; chính quyền Xô viết so với nước cộng hoà dân chủ nhất thì cũng
gấp triệu lần”[41].
Ba là, chủ nghĩa xã hội có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực
lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu
Đây là đặc trưng về phương diện
kinh tế của chủ nghĩa xã hội. Mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội
là giải phóng con người trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội phát triển,
mà xét đến cùng là trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất. Chủ
nghĩa xã hội là xã hội có nền kinh tế phát triển cao, với lực lượng sản
xuất hiện đại, quan hệ sản xuất dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản
xuất, được tổ chức quản lý có hiệu quả, năng suất lao động cao và phân
phối chủ yếu theo lao động. V.I.Lênin cho rằng:
“từ chủ nghĩa tư bản, nhân loại chỉ
có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, nghĩa là chế độ công hữu về
các tư liệu sản xuất và chế độ phân phối theo lao động của mỗi người”[42].
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của
xã hội cộng sản chủ nghĩa, chủ nghĩa xã hội, theo Ph.Ăngghen không thể
ngay lập tức thủ tiêu chế độ tư hữu. Trả lời câu hỏi: Liệu có thể thủ
tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Ph.Ăngghen dứt khoát cho rằng:
“Không, không thể được cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện
có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng nền kinh tế công
hữu. Cho nên cuộc cách mạng của giai cấp vô sản đang có tất cả những triệu
chứng là sắp nổ ra, sẽ chỉ có thể cải tạo xã hội hiện nay một cách dần
dần, và chỉ khi nào đã tạo nên một khối lượng tư liệu cần thiết cho việc
cải tạo đó là khi ấy mới thủ tiêu được chế độ tư hữu”[43].
Cùng với việc từng bước xác
lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, để nâng cao năng suất lao động
cần phải tổ chức lao động theo một trình độ cao hơn, tổ chức chặt chẽ và
kỷ luật lao động nghiêm., nghĩa là phải tạo ra quan hệ sản xuất tiến bộ,
thích ứng với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. V.I. Lệnin
cho rằng: “thiết lập một chế độ xã hội cao hơn chủ nghĩa tư bản, nghĩa
là nâng cao năng suất lao động và do đó (và nhằm mục đích đó) phải tổ
chức lao động theo một trình độ cao hơn”[44].
Đối với những nước chưa trải qua
chủ nghĩa tư bản di lên chủ nghĩa xã hội, để phát triển lực lượng sản xuất , nâng cao năng suất lao động, V.I.Lênin chỉ
rõ tất yếu phải “bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc” xuyên qua chủ nghĩa tư
bản nhà nước: “Trong một nước tiểu nông, trước hết các đồng chí phải
bắc những chiếc cầu nhỏ vững chắc, đi xuyên qua chủ nghĩa tư bản nhà
nước, tiến lên chủ nghĩa xã hội”[45].
“dưới chính quyền xô- viết thì chủ nghĩa tư bản nhà nước sẽ có thể là ¾
chủ nghĩa xã hội”[46].
Đồng thời, V.I.Lênin chỉ rõ, những nước chưa trải qua chủ nghĩa tư bản di
lên chủ nghĩa xã hội cần thiết phải học hỏi kinh nghiệm tử các nước
phát triển theo cách thức: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt của nước
ngoài: Chính quyền xô-viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách
tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. etc. + + = ∑ (tổng
số) = chủ nghĩa xã hội”3.
Bốn là, chủ nghĩa xã hội có nhà nước kiểu mới mang bản chất giai cấp
công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động.
Các nhà sáng lập chủ nghĩa xã
hội khoa học đã khẳng định trong chủ nghĩa xã hội phải thiết lập nhà
nước chuyên chính vô sản, nhà nước kiểu mới mang bản chất của giai cấp
công nhân, đại biểu cho lợi ích, quyền lực và ý chí của nhân dân lao động.
Theo V.I.Lênin, chuyên chính cách
mạng của giai cấp vô sản là một chính quyền do giai cấp vô sản giành được
và duy trì bằng bạo lực đối với giai cấp tư sản.
Chính quyền đó chính là nhà nước
kiểu mới thực hiện dân chủ cho tuyệt đại đa số nhân dân và trấn áp bằng
vũ lực bọn bóc lột, bọn áp bức nhân dân, thực chất của sự biến đổi của
chế độ dân chủ trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa
cộng sản[47].
Nhà nước vô sản, theo V.I.Lênin phải là một công cụ, một phương tiện;
đồng thời, là một biểu hiện tập trung trình độ dân chủ của nhân dân
lao động, phản ánh trình độ nhân dân tham gia vào mọi công việc của nhà
nước, quần chúng nhân dân thực sự tham gia vào từng bước của cuộc sống
và đóng vai trò tích cực trong việc quản lý. Cũng theo V.I.Lênin, Nhà
nước xô - viết sẽ tập hợp, lôi cuốn đông đảo nhân dân tham gia quản lý Nhà
nước, quản lý xã hội, tổ chức đời sống xã hội vì con người và cho con
người. Nhà nước chuyên chính vô sản đồng thời với việc mở rộng rất
nhiều chế độ dân chủ - lần đầu tiên biến thành chế độ dân chủ cho người
nghèo, chế độ dân chủ cho nhân dân chứ không phải cho bọn nhà giàu - chuyên
chính vô sản còn thực hành một loạt biện pháp hạn chế quyền tự do đối
với bọn áp bức, bọn bóc lột, bọn tư bản.
Năm là, chủ nghĩa xã hội có nền văn hóa phát triển cao, kế thừa và
phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc và tinh hoa văn nhân loại.
Tính ưu việt, sự ổn định và phát
triển của chế độ xã hội chủ nghĩa không chỉ thể hiện ở lĩnh vực kinh
tế, chính trị mà còn ở lĩnh vực văn hóa - tinh thần của xã hội. Trong chủ
nghĩa xã hội, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, mục tiêu,
động lực của phát triển xã hội, trọng tâm là phát triển kinh tế; văn hóa
đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh con người, biến con người
thành con người chân, thiện mỹ.
V.I.Lênin, trong quá trình xây dựng
chủ nghĩa xã hội ở nước Nga xô - viết đã luận giải sâu sắc về “văn hóa
vô sản” - nền văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, rằng, chỉ có xây dựng được
nền văn hóa vô sản mới giải quyết được mọi vấn đề từ kinh tế, chính trị đến
xã hội, con người. Người khẳng định: “…nếu không hiểu rõ rằng chỉ có sự
hiểu biết chính xác về nền văn hóa được sáng tạo ra trong toàn bộ quá trình
phát triển của loài người và việc cải tạo nền văn hóa đó mới có thể xây
dựng được nền văn hóa vô sản thì chúng ta không giải quyết được vấn đề”[48].
Đồng thời, V. I. Lênin cũng cho rằng, trong xã hội xã hội chủ nghĩa,
những người cộng sản sẽ làm giàu tri thức của mình bằng tổng hợp các tri
thức, văn hóa mà loài người đã tạo ra: “Người ta chỉ có thể trở thành
người cộng sản khi biết làm giàu trí óc của mình bằng sự hiểu biết tất cả
những kho tàng tri thức mà nhân loại đã tạo ra”[49].
Do vậy, quá trình xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa phải biết kế thừa
những giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn nhân loại, đồng thời, cần
chống tư tưởng, văn hóa phi vô sản, trái với những giá trị truyền thống
tốt đẹp của dân tộc và của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ
nghĩa xã hội.
Thứ sáu, chủ nghĩa xã hội bảo đảm bình đẳng, đoàn kết giữa các dân
tộc và có quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước trên thế giới.
Vấn đề giai cấp và dân tộc, xây
dựng một cộng đồng dân tộc, giai cấp bình đẳng, đoàn kết, hợp tác, hữu
nghị với nhân dân các nước trên thế giới luôn có vị trí đặc biệt quan
trọng trong hoạch định và thực thi chiến lược phát triển của mỗi dân tộc và
mỗi quốc gia. Theo quan điểm của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội
khoa học, vấn đề giai cấp và dân tộc có quan hệ biện chứng, bởi vậy, giải
quyết vấn đề dân tộc, giai cấp trong chủ nghĩa xã hội có vị trí đặc
biệt quan trọng và phải tuân thủ nguyên tắc:
“xóa bỏ tình trạng người bóc lôt người thì tình trạng dân tộc này
bóc lột dân tộc khác cũng bị xóa bỏ”[50].
Phát triển tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen, trong điều kiện cụ thể ở nước
Nga, V.I.Lênin, trong Cương lĩnh về vấn đề dân tộc trong chủ nghĩa xã
hội đã chỉ ra những nội dung có tính nguyên tắc để giải quyết vấn đề dân
tộc: “Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng; các dân tộc được quyền tự quyết;
liên hiệp công nhân tất cả các
dân tộc lại. Đó là Cương lĩnh dân
tộc mà chủ nghĩa Mác, kinh nghiệm toàn thế giới và kinh nghiệm của nước
Nga dạy cho công nhân”[51].
Giải quyết vấn đề dân tộc theo
Cương lĩnh của V.I.Lênin, trong chủ nghĩa xã hội, cộng đồng dân tộc,
giai cấp bình đẳng, đoàn kết và hợp tác trên cơ sở cơ sở chính trị - pháp lý, đặc biệt là cơ
sở kinh tế- xã hội và văn hóa sẽ từng
bước xây dựng củng cố và phát triển. Đây là sự khác biệt căn bản về
việc giải quyết vấn đề dân tộc theo quan điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin
và quan điểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi hoặc chủ nghĩa
phân biệt chủng tộc. V.I.Lênin khẳng định: “… chỉ có chế độ xô - viết là
chế độ có thể thật sự đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc, bằng
cách thực hiện trước hết sự đoàn kết tất cả những người vô sản, rồi đến
toàn thể quần chúng lao động, trong việc đấu tranh chống giai cấp tư sản”[52].
Chủ nghĩa xã hội, với bản chất
tốt đẹp do con người, vì con người luôn là bảo đảm cho các dân tộc bình
đẳng, đoàn kết và hợp tác hữu nghị; đồng thời có quan hệ với nhân dân tất
cả các nước trên thế giới. Tất nhiên, để xây dựng cộng đồng bình đẳng,
đoàn kết và có quan hệ hợp tác, hữu nghị với nhân dân tất cả các nước trên
thế giới, điều kiện chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, theo
V.I.Lênin cần thiết phải có sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô
sản và toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc
trên toàn thế giới: “Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên
minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa, của toàn thể quần
chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì
không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”[53].
Trong “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” văn kiện về
giải quyết vấn đề dân tộc trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng
vô sản, V. I. Lê-nin chỉ rõ: “Trọng tâm
trong toàn bộ chính sách của Quốc tế Cộng sản về vấn đề dân tộc và vấn
đề thuộc địa là cần phải đưa giai cấp vô sản và quần chúng lao động tất cả
các dân tộc và các nước lại gần nhau trong cuộc đấu tranh cách mạng chung
để lật đổ địa chủ và tư sản. Bởi vì, chỉ có sự gắn bó như thế mới bảo
đảm cho thắng lợi đối với chủ nghĩa tư bản, không có thắng lợi đó thì
không thể tiêu diệt được ách áp bức dân tộc và sự bất bình đẳng”[54].
Đó cũng là cơ sở để Người đưa ra khẩu hiệu: “Vô sản tất cả các nước và
các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.
Bảo đảm bình đẳng, đoàn kết giữa
các dân tộc và có quan hệ hợp tác, hữu nghị với nhân dân tất cả các nước
trên thế giới, chủ nghĩa xã hội mở rộng được ảnh hưởng và góp phần tích
cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập
dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
2. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
2.1. Tính tất yếu khách quan của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội
Học thuyết hình thái kinh tế- xã
hội của chủ nghĩa Mác- Lênin đã chỉ rõ: lịch sử xã hội đã trải qua 5
hình thái kinh tế- xã hội: Cộng sản nguyên thủy, chiếm hữu nô lệ, phong
kiến, tư bản chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. So với các hình thái kinh
tế xã hội đã xuất hiện trong lịch sử, hình thái kinh tế- xã hội cộng sản
chủ nghĩa có sự khác biệt về chất, trong đó không có giai cấp đối
kháng, con người từng bước trở thành người tự do…,. Bởi vậy, theo quan
điểm của chủ nghĩa Mác- Lênin, từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã
hội tất yếu phải trải qua thời kỳ quá độ chính trị. C. Mác khẳng định: “Giữa
xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời
kỳ cải biến cách mạng từ xã hội này sang xã hội kia. Thích ứng với
thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ
ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai
cấp vô sản”[55].
V.I.Lênin trong điều kiện nước Nga xô- viết cũng khẳng định: “Về lý luận,
không thể nghi ngờ gì được rằng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa
cộng sản, có một thời kỳ quá độ nhất định”[56].
Khẳng định tính tất yếu của thời kỳ quá độ, đồng thời các nhà sáng lập chủ
nghĩa xa hội khoa học cũng phân biệt có hai loại quá độ từ chủ nghĩa tư
bản lên chủ nghĩa cộng sản: 1) Quá độ
trực tiếp từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản đối với những
nước đã trải qua chủ nghĩa tư bản phát triển. Cho đến nay thời kỳ quá độ
trực tiếp lên chủ nghĩa cộng sản từ chủ nghĩa tư bản phát triển chưa
từng diễn ra; 2) Quá độ gián tiếp từ
chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản đối với những nước chưa trải
qua chủ nghĩa tư bản phát triển. Trên thế giới một thế kỷ qua, kể cả Liên
Xô và các nước Đông Âu trước đây, Trung Quốc, Việt Nam và một số nước
xã hội chủ nghĩa khác ngày nay, theo đúng lý luận Mác - Lênin, đều đang
trải qua thời kỳ quá độ gián tiếp với những trình độ phát triển khác
nhau.
Xuất phát từ quan điểm cho rằng:
chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần sáng tạo ra , không
phải là một lý tưởng mà hiện thực phải tuân theo mà là kết quả của phong
trào hiện thực, các nhà sáng lập chủ nghĩa xã hội khoa học cho rằng:
Các nước lạc hậu với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản đã chiến thắng có
thể rút ngắn được quá trình phát triển: “với sự giúp đỡ của giai cấp vô
sản đã chiến thắng, các dân tộc lạc hậu có thể rút ngắn khá nhiều quá
trình phát triển của mình lên xã hội xã hội chủ nghĩa và tránh được phần
lớn những đau khổ và phần lớn các cuộc đấu tranh mà chúng ta bắt buộc
phải trải qua ở Tây Âu”[57].
C.Mác, khi tìm hiểu về nước Nga cũng chỉ rõ: “Nước Nga… có thể không cần
trải qua đau khổ của chế độ (chế độ tư bản chủ nghĩa -
TG)
mà vẫn chiếm đoạt được mọi thành quả của chế độ ấy”[58].
Vận dụng và phát triển quan điểm
của C. Mác và Ph.Ăngghen trong điều kiện mới, sau cách mạng tháng Mười,
V.I.Lênin khẳng định: “với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản các nước tiên
tiến, các nước lạc hậu có thể tiến tới chế độ xô - viết, và qua những giai
đoạn phát triển nhất định, tiến tới chủ nghĩa cộng sản không phải trải qua
giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa (hiểu theo nghĩa con đường rút ngắn
- TG)”[59].
Quán triệt và vận dụng, phát
triển sáng tạo những lý của chủ
nghĩa Mác- Lênin, trong thời đại ngay nay, thời đại quá độ từ chủ nghĩa
tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, chúng ta có thể
khẳng định: Với lợi thế của thời đại,
trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, các nước lạc hậu,
sau khi giành được chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản có
thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội chủ nghĩa bỏ qua chế độ tư bản
chủ nghĩa.
2.2. Đặc điểm thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Thực chất của thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội là thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội tiền tư bản
chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa sang xã hội xã hội chủ nghĩa. Xã hội
của thời kỳ quá độ là xã hội có sự đan xen của nhiều tàn dư về mọi
phương diện kinh tế, đạo đức, tinh thần của chủ nghĩa tư bản và những yếu
tố mới mang tính chất xã hội chủ nghĩa của chủ nghĩa xã hội mới phát
sinh chưa phải là chủ nghĩa xã hội đã phát triển trên cơ sở của chính
nó.
Về nội dung, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội là thời kỳ cải tạo
cách mạng sâu sắc, triệt
để xã hội tư bản chủ nghĩa trên
tất cả các lĩnh vực, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, xây dựng từng
bước cơ sở vật chất- kỹ thuật và đời sống tinh thần của chủ nghĩa xã
hội. Đó là thời kỳ lâu dài, gian khổ bắt đầu từ khi giai cấp công nhân và
nhân dân lao động giành được chính quyền đến khi xây dựng thành công chủ
nghĩa xã hội. Có thể khái quát những đặc điểm cơ bản của thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội như sau:
-
Trên lĩnh
vực kinh tế
Thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư
bản lên chủ nghĩa xã hội, về phương diện kinh tế, tất yếu tồn tại nền
kinh tế nhiều thành phần, trong đó có thành phần đối lập. Đề cập tới
đặc trưng này, V.I.Lênin cho rằng: “Vậy thì danh từ quá độ có nghĩa là gì?
Vận dụng vào kinh tế, có phải nó có nghĩa là trong chế độ hiện nay có
những thành phần, những bộ phận, những mảnh của cả chủ nghĩa tư bản lẫn
chủ nghĩa xã hội không? Bất cứ ai cũng thừa nhận là có. Song không phải
mỗi người thừa nhận điểm ấy đều suy nghĩ xem các thành phần của kết cấu
kinh tế- xã hội khác nhau hiện có ở Nga, chính là như thế nào?. Mà tất cả
then chốt của vấn đề lại chính là ở đó”[60].
Tương ứng với nước Nga, V.I
Lênin cho rằng thời kỳ quá độ tồn
tại 5 thành phần kinh tế: Kinh tế gia trưởng; kinh tế hàng hóa nhỏ; kinh tế tư
bản; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế xã hội chủ nghĩa.
-
Trên lĩnh
vực chính trị
Thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên
chủ nghĩa xã hội về phương diện chính trị, là việc thiết lập, tăng
cường chuyên chính vô sản mà thực chất của nó là việc giai cấp công nhân nắm
và sử dụng quyền lực nhà
nước trấn
áp giai cấp tư sản,
tiến hành xây dựng một xã hội không giai cấp. Đây là sự thống trị về chính trị của
giai cấp công nhân với
chức năng thực hiện dân chủ đối
với nhân dân, tổ chức xây dựng và bảo vệ chế độ mới, chuyên chính với
những phần tử thù địch, chống lại nhân dân; là tiếp tục cuộc đấu tranh
giai cấp giữa giai cấp vô sản đã chiến thắng nhưng chưa phải đã toàn thắng
với giai cấp tư sản đã thất bại nhưng chưa phải thất bại hoàn toàn. Cuộc đấu
tranh diễn ra trong điều kiện mới- giai cấp công nhân đã trở thành giai cấp
cầm quyền, với nội dung mới- xây dựng toàn diện xã hội mới, trọng tâm
là xây dựng nhà nước có tính kinh tế, và hình thức mới- cơ bản là hòa bình
tổ chức xây dựng.
-
Trên lĩnh
vực tư tưởng - văn hóa
Thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư
bản lên chủ nghĩa xã hội còn tồn tại nhiều tư tưởng khác nhau, chủ yếu
là tư tưởng vô sản và tư tưởng tư sản. Giai cấp công nhân thông qua đội
tiền phong của mình là Đảng Cộng sản từng bước xây dựng văn hóa vô sản,
nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa, tiếp thu giá trị văn hóa dân tộc và
tinh hoa văn hóa nhân loại, bảo đảm đáp ứng nhu cầu văn hóa- tinh thần ngày
càng tăng của nhân dân.
-
Trên lĩnh
vực xã hội
Do kết cấu của nền kinh tế nhiều
thành phần qui định nên trong thời kỳ quá độ còn tồn tại nhiều giai cấp,
tầng lớp và sự khác biệt giữa các giai cấp tầng lớp xã hội, các giai cấp,
tầng lớp vừa hợp tác, vừa đấu tranh với nhau. Trong xã hội của thời kỳ quá
độ còn tồn tại sự khác biệt giữa nông thôn, thành thị, giữa lao động trí
óc và lao động chân tay. Bởi vậy, thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên
chủ nghĩa xã hội, về phương diện xã hội là thời kỳ đấu tranh giai cấp
chống áp bức, bất công, xóa bỏ tệ nạn xã hội và những tàn dư của xã hội
cũ để lại, thiết lập công bằng xã hội trên cơ sở thực hiện nguyên tắc
phân phối theo lao động là chủ đạo.
3. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
3.1. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa
Việt Nam tiến lên chủ nghĩa xã
hội trong điều kiện vừa thuận lợi vừa khó khăn đan xen, có những đặc
trưng cơ bản:
-
Xuất phát từ một xã hội vốn là thuộc địa,
nửa phong kiến, lực lượng sản xuất rất thấp. Đất nước trải qua chiến tranh
ác liệt, kéo dài nhiều thập kỷ, hậu quả để lại còn nặng nề. Những tàn
dư thực dân, phong kiến còn nhiều. Các thế lực thù địch thường xuyên tìm
cách phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa và nền độc lập dân tộc của
nhân dân ta.
-
Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện
đại đang diễn ra mạnh mẽ, cuốn hút tất cả các nước ở mức độ khác nhau.
Nền sản xuất vật chất và đời sống xã hội đang trong quá trình quốc tế
hoá sâu sắc, ảnh hưởng lớn tới nhịp độ phát triển lịch sử và cuộc sống
các dân tộc. Những xu thế đó vừa tạo thời cơ phát triển nhanh cho các
nước, vừa đặt ra những thách thức gay gắt.
-
Thời đại ngày nay vẫn là thời đại quá độ
từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, cho dù chế độ xã hội chủ
nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ. Các nước với chế độ xã hội và trình
độ phát triển khác nhau cùng tồn tại, vừa hợp tác vừa đấu tranh, cạnh tranh
gay gắt vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Cuộc đấu tranh của nhân dân các
nước vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ, phát triển và tiến bộ
xã hội dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song theo quy luật tiến hoá
của lịch sử, loài người nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ
qua chế độ tư bản chủ nghĩa là sự lựa chọn duy nhất đúng, khoa học, phản
ánh đúng qui luật phát triển khách quan của cách mạng Việt Nam trong thời
đại ngày nay. Cương lĩnh năm 1930 của Đảng đã chỉ rõ: Sau khi hoàn thành
cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đây
là sự lựa chọn dứt khoát và đúng đắn của Đảng, đáp ứng nguyện vọng
thiết tha của dân tộc, nhân dân, phản ánh xu thế phát triển của thời đại,
phù hợp với quan điểm khoa học, cách mạng và sáng tạo của chủ nghĩa Mác -
Lênin.
Quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ
qua chế độ tư bản chủ nghĩa, như Đại hội IX của Đảng Cộng sản Việt Nam
xác định: Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ
nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác
lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư
bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã
đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học và công nghệ,
để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại.
Đây là tư tưởng mới, phản ánh nhận
thức mới, tư duy mới của Đảng ta về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Tư tưởng này cần được
hiểu đầy đủ với những nội dung sau đây:
Thứ
nhất, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa
là con đường cách mạng tất yếu khách quan, con đường xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Thứ
hai, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa,
tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và
kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là trong thời
kỳ quá độ còn nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, song sở
hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và thành phần kinh tế tư nhân tư bản tư bản
chủ nghĩa không chiếm vai trò chủ đạo; thời kỳ quá độ còn nhiều hình
thức phân phối, ngoài phân phối theo lao động vẫn là chủ đạo còn phân
phối theo mức độ đóng góp và quĩ phúc lợi xã hội; thời kỳ quá độ
vẫn còn quan hệ bóc lột và bị bóc lột, song quan hệ bóc lột tư bản
chủ nghĩa không giữ vai trò thống trị.
Thứ
ba, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa đòi
hỏi phải tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới
chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là những thành tựu về khoa học và công
nghệ, thành tựu về quản lý để phát triển xã hội, quản lý phát triển
xã hội, đặc biệt là xây dựng nền kinh tế hiện đại, phát triển nhanh lực
lượng sản xuất.
Thứ
tư, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là
tạo ra sự biến đổi về chất của xã hội trên tất cả các lĩnh vực, là sự
nghiệp rất khó khăn, phức tạp, lâu dài với nhiều chặng đường, nhiều hình
thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ đòi hỏi phái có quyết
tâm chính trị cao và khát vọng lớn của toàn Đảng, toàn dân.
3.2. Những đặc trưng của chủ
nghĩa xã hội và phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện
nay
3.2.1.Những
đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội Việt Nam Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ
nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tổng kết thực
tiễn quá trình cách mạng Việt Nam, nhất là qua hơn 30 năm đổi mới, nhận thức
của Đảng và nhân dân dân ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng rỏ. Đại hội IV (1976), nhận thức của
Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường phát triển của cách mạng
nước ta mới dừng ở mức độ định hướng: Trên cơ sở phương hướng đúng, hãy
hành động thực tế cho câu trả lời. Đến Đại hội VII, nhận thức của Đảng
Cộng sản Việt Nam về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa
đã sáng tỏ hơn, không chỉ dừng ở nhận thức định hướng, định tính mà từng
bước đạt tới trình độ đình hình, định lượng. Cương lĩnh xây dựng đất nước
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991), đã xác định mô hình
chủ nghĩa xã hội ở nước ta với sáu đặc trưng[61].
Đến Đại
hội XI, trên cơ sở tổng kết 25 năm đổi mới, nhận thức của Đảng ta về
chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội đã có bước
phát triển mới. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã phát triển mô hình
chủ nghĩa xã hội
Việt Nam với tám đặc trưng, trong
đó có đặc trưng về mục tiêu, bản
chất, nội dung
của xã hội xã hội chủ nghĩa mà
nhân dân ta xây dựng, đó là:
Một
là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Hai
là: Do nhân dân làm chủ.
Ba
là: Có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện
đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp.
Bốn
là: Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Năm
là: Con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện
phát triển toàn diện.
Sáu
là: Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn
trọng và giúp nhau cùng phát triển.
Bảy
là: Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Tám
là: Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới[62].
3.2.2 Phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam hiện nay
Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu,
đặc trưng của chủ nghĩa xã hôi, những nhiệm vụ của sự nghiệp xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, Đảng ta, đã xác
định tám phương hướng cơ bản đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta cần
nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi
tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức xây dựng
đất nước ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời quá độ lên
chủ nghĩa xã hội (1991) xác định 7 phương hướng cơ bản phản ánh con đường quá độ lên chủ
nghĩa xã hội ở nước ta[63].
Đại hội XI, trong Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời quá độ lên chủ nghĩa xã
hội (Bổ
sung và phát triển năm 2011) xác định 8 phương hướng, phản ánh con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đó là:
Một
là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát
triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường.
Hai
là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba
là, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng
con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng
xã hội.
Bốn là, bảo đảm
vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Năm
là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu
nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Sáu
là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết
toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất.
Bảy
là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do
nhân dân, vì nhân dân.
Tám
là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Trong quá trình
thực hiện các phương hướng cơ bản đó, Đảng yêu cầu phải đặc biệt chú
trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới
kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã
hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn
thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh
tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa
xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa
độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa
Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý,
nhân dân làm chủ;... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí.
Chí Minh giữ vị trí chỉ đạo trong
đời sống tinh thần xã hội. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn
hoá tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn
hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân
chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực
và thẩm mỹ ngày càng cao. Chống tư tưởng, văn hoá phản tiến bộ, trái với
những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của
loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội; 5) thực
hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân
tộc thống nhất, tập hợp mọi lực lượng phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu,
nước mạnh. Thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, hợp tác và hữu nghị
với tất cả các nước; trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp
công nhân, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với tất cả các lực
lượng đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã
hội trên thế giới; 6) xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc
là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong khi đặt lên hàng
đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác,
củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội,
bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng; 7) xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về
chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm cho Đảng làm tròn
trách nhiệm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Thực hiện tám phương hướng và
giải quyết thành công những mối quan hệ lớn chính là đưa cách mạng nước
ta theo đúng con đường phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua
chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta.
Tổng kết 30 năm đổi mới, đất
nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con
đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa
Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam (2016) từ bài học kinh nghiệm của
30 năm đổi mới, trong quá trình đổi mới phải chủ động, không ngừng sáng
tạo trên cơ sở kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,
vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa
nhân loại, vận dụng kinh nghiệm quốc tế phù hợp với Việt Nam, đã xác
định mục tiêu từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức
“ Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh
đạo và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Phát
huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh toàn
diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững,
phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng
hiện đại”[64].
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, toàn Đảng, toàn dân ta cần nêu
cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi
tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quán
triệt và thực hiện tốt 12 nhiệm vụ
cơ bản sau đây:
(1)
Phát triển kinh tế nhanh và bền vững; tăng
trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ
mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công
nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp,
nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tri thức,
nâng cao trình độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực; nâng cao
năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng
nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và
chuỗi giá trị toàn cầu.
(2)
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nâng cao hiệu lực, hiệu quả,
kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế, năng lực quản
lý của Nhà nước và năng lực quản trị doanh nghiệp.
(3)
Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào
tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển,
ứng dụng khoa học, công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của
giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và
phát triển đất nước.
(4)
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp
ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa.
(5)
Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm an
sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách với
người có công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân, chất lượng
dân số, chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt chính sách lao
động, việc làm, thu nhập; xây dựng môi trường sống lành mạnh, văn minh,
an toàn.
(6)
Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài
nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai,
ứng phó với biến đổi khí hậu.
(7)
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững
chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc,
bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an
ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Củng cố, tăng cường quốc phòng,
an ninh. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân vững chắc;
xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng
bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực
lượng.
(8)
Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập,
tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc
tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam
trong khu vực và trên thế giới.
(9)
Hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ
nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức
mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận xã
hội; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận
Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
(10)
Tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh;
hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư
pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng
lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm,
kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan
liêu, tệ nạn xã hội và tội phạm.
(11)
Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao
năng lực lãnh đạo, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên
phong, sức chiến đấu, phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của
Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức,
lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ. Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, coi trọng công
tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường và nâng cao chất
lượng công tác tư tưởng, lý luận, công tác kiểm tra, giám sát và công tác dân
vận của Đảng; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
(12)
Tiếp tục quán triệt và xử lý tốt các quan
hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh
tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm
định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây
dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà
nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực
hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập
quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;...
Đại hội XII cũng xác định 9 mối
quan hệ lớn cần nhận thức và giải quyết: Quan hệ giữa đổi mới, ổn định
và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo
các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát
triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản
xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước và thị trường; giữa tăng trưởng kinh
tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây
dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc
lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý,
nhân dân làm chủ.
C. CÂU HỎI ÔN TẬP
1.
Phân tích điều kiện ra đời và những đặc
trưng của chủ nghĩa xã hội? Liên hệ với thực tiễn Việt Nam?
2.
Phân tích tính tất yếu, đặc điểm của thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội? Liên hệ Việt Nam?
3.
Phân tích luận điểm của Đảng Cộng sản Việt
Nam về con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ
nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa?
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhà xuất bản Sự
Thật, Hà Nội, 1991.
2.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng
đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung và phát
triển năm 2011,Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội 2011.
3.
Hội đồng trung ương chỉ đạo biên soạn giáo
trình quốc gia các bộ môn Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình chủ
nghĩa xã hội. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002.
4.
GS.TS Phùng Hữu Phú, GS, TS Lê Hữu Nghĩa, GS.TS
Vũ Văn Hiền, PGS.TS Nguyễn Viết Thông… (đồng chủ biên), Một số vấn đề lý
luận - thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam qua 30 năm đổi mới. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà
Nội, 2016.
5.
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo
trình Chủ nghĩa xã hội khoa học, dành cho hệ cao cấp lý luận chính trị,
H.2018.
Chương 4
DÂN CHỦ XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA
VÀ NHÀ NƯỚC
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
A. MỤC TIÊU
1.
Về
kiến thức: Sinh viên nắm được bản chất của nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa nói chung, ở Việt Nam nói riêng.
2.
Về kỹ
năng: Sinh viên có khả năng vận dụng lý luận về dân chủ xã hội chủ
nghĩa và nhà nước xã hội chủ nghĩa vào việc phân tích những vấn đề
thực tiễn liên quan, trước hết là trong công việc, nhiệm vụ của cá nhân.
3.
Về tư
tưởng: Sinh viên khẳng định bản chất tiến bộ của nền dân chủ xã hội
chủ nghĩa, nhà nước xã hội chủ nghĩa; có thái độ phê phán những quan
điểm sai trái phủ nhận tính chất tiến bộ của nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa, nhà nước xã hội chủ nghĩa nói chung, ở Việt Nam nói riêng.
B. NỘI DUNG 1. Dân chủ và dân chủ xã hội chủ nghĩa
1.1. Dân chủ và sự ra đời, phát triển của dân chủ
1.1.1. Quan niệm về dân chủ
Thuật ngữ dân chủ ra đời vào khoảng thế kỷ thứ VII – VI
trước công nguyên.
Các nhà tư tưởng Lạp cổ đại đã dùng
cụm từ “demokratos” để nói đến dân chủ, trong đó Demos là nhân dân (danh
từ) và kratos là cai trị (động từ). Theo đó, dân chủ được hiểu là nhân dân cai trị và sau này được các
nhà chính trị gọi giản lược là quyền lực
của nhân dân hay quyền lực thuộc về
nhân dân. Nội dung trên của khái niệm dân chủ về cơ bản vẫn giữ
nguyên cho đến ngày nay. Điểm khác biệt cơ bản giữa cách hiểu về dân chủ
thời cổ đại và hiện nay là ở tính chất trực tiếp của mối quan hệ sở hữu
quyền lực công cộng và cách hiểu về nội hàm của khái niệm nhân dân.
Từ việc nghiên cứu các chế độ dân chủ trong lịch
sử và thực tiễn lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, các nhà sáng lập
chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, dân chủ là sản phẩm và là thành quả của
quá trình đấu tranh giai cấp cho những giá trị tiến bộ của nhân loại, là một
hình thức tổ chức nhà nước của giai cấp cầm quyền, là một trong những
nguyên tắc hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội.
Tựu trung lại, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác –
Lênin dân chủ có một số nội dung cơ bản sau đây:
Thứ nhất, về
phương diện quyền lực, dân chủ là
quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ nhân của nhà nước. Dân chủ là
quyền lợi của nhân dân - quyền dân chủ được hiểu theo nghĩa rộng. Quyền
lợi căn bản nhất của nhân dân chính là quyền lực nhà nước thuộc sở hữu
của nhân dân, của xã hội; bộ máy nhà nước phải vì nhân dân, vì xã hội mà
phục vụ. Và do vậy, chỉ khi mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
thì khi đó, mới có thể đảm bảo về căn bản việc nhân dân được hưởng quyền
làm chủ với tư cách một quyền lợi.
Thứ hai, trên
phương diện chế độ xã hội và trong lĩnh vực chính trị, dân chủ là một hình thức hay hình thái nhà nước,
là chính thể dân chủ hay chế độ dân chủ.
Thứ ba, trên
phương diện tổ chức và quản lý xã hội, dân chủ là một nguyên tắc - nguyên tắc dân chủ. Nguyên tắc này kết hợp
với nguyên tắc tập trung để hình thành nguyên tắc tập trung dân chủ
trong tổ chức và quản lý xã hội.
Chủ nghĩa Mác – Lênin nhấn mạnh, dân chủ với những
tư cách nếu trên phải được coi là mục tiêu, là tiền đề và cũng là phương
tiện để vươn tới tự do, giải phóng con người, giải phóng giai cấp và giải
phóng xã hội. Dân chủ với tư cách một hình thức tổ chức thiết chế chính
trị, một hình thức hay hình thái nhà nước, nó là một phạm trù lịch sử,
ra đời và phát triển gắn liền với nhà nước và mất đi khi nhà nước tiêu
vong. Song, dân chủ với tư cách một giá trị xã hội, nó là một phạm trù
vĩnh viễn, tồn tại và phát triển cùng với sự tồn tại và phát triển của
con người, của xã hội loài người. Chừng nào con người và xã hội loài
người còn tồn tại, chừng nào mà nền văn minh nhân loại chưa bị diệt vong
thì chừng đó dân chủ vẫn còn tồn tại với tư cách một giá trị nhân loại chung.
Trên cơ sở của chủ nghĩa Mác – Lênin và điều kiện
cụ thể của Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển dân chủ theo
hướng (1) Dân chủ trước hết là một giá
trị nhân loại chung. Và, khi coi dân chủ là một giá trị xã hội mang
tính toàn nhân loại,
Người đã khẳng định: Dân chủ là dân là chủ và dân làm chủ.
Người nói: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là
chủ”[65].
(2) Khi coi dân chủ là một thể chế chính
trị, một chế độ xã hội, Người khẳng định: “Chế độ ta là chế độ dân chủ,
tức là nhân dân là người chủ, mà Chính phủ là người đầy tớ trung thành
của nhân dân”[66].
Rằng, “chính quyền dân chủ có nghĩa là chính quyền do người dân làm chủ”;
và một khi nước ta đã trở thành một nước dân chủ, “chúng ta là dân
chủ” thì dân chủ là “dân làm chủ” và “dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ
trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác... làm đầy tớ. Làm đầy tớ cho nhân
dân, chứ không phải là quan cách mạng”[67].
Dân chủ có nghĩa là mọi quyền hạn đều thuộc về
nhân dân. Dân phải thực sự là chủ thể của xã hội và hơn nữa, dân phải
được làm chủ một cách toàn diện: Làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội và
làm chủ chính bản thân mình, làm chủ và sở hữu mọi năng lực sáng tạo của
mình với tư cách chủ thể đích thực của xã hội. Mặt khác, dân chủ phải
bao quát tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, từ dân chủ
trong kinh tế, dân chủ trong chính trị đến dân chủ trong xã hội và dân chủ
trong đời sống văn hóa - tinh thần, tư tưởng, trong đó hai lĩnh vực quan
trọng hàng đầu và nổi bật nhất là dân chủ trong kinh tế và dân chủ trong
chính trị. Dân chủ trong hai lĩnh vực này quy định và quyết định dân chủ
trong xã hội và dân chủ trong đời sống văn hóa – tinh thần, tư tưởng.
Không chỉ thế, dân chủ trong kinh tế và dân chủ trong chính trị còn thể
hiện trực tiếp quyền con người (nhân quyền) và quyền công dân (dân
quyền) của người dân, khi dân thực sự là chủ thể xã hội và làm chủ xã
hội một cách đích thực.
Trên cơ sở những quan niệm dân chủ nêu trên, nhất là tư
tưởng vì dân của Hồ
Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam
chủ trương xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, mở rộng và phát
huy quyền làm chủ của nhân dân. Trong công cuộc đổi mới đất nước theo
định hướng xã hội chủ nghĩa, khi nhấn mạnh phát huy dân chủ để tạo ra
một động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước, Đảng ta đã khẳng định,
“trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân
làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”[68].
Nhất là trong thời kỳ đổi mới, nhận thức về dân chủ của Đảng Cộng sản
Việt Nam có những bước phát triển mới: “Toàn bộ tổ chức và hoạt động
của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và
từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội
chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ gắn liền
với công bằng xã hội phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên
tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua hoạt
động của nhà nước do nhân dân cử ra và bằng các hình thức dân chủ trực
tiếp. Dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương, phải được thể chế hóa bằng
pháp luật và pháp luật bảo đảm”[69].
Từ những cách tiếp cận
trên, dân chủ có thể hiểu Dân chủ là
một giá trị xã hội phản ánh những quyền cơ bản của con người; là một phạm trù
chính trị gắn với các hình thức tổ chức nhà nước của giai cấp cầm quyền; là
một phạm trù lịch sử gắn với quá trình ra đời, phát triển của lịch sử xã
hội nhân loại.
1.1.2 Sự ra đời, phát triển của dân chủ
Nhu cầu về dân chủ xuất hiện từ rất sớm trong xã
hội tự quản của cộng đồng thị tộc, bộ lạc. Trong chế độ cộng sản
nguyên thủy đã xuất hiện hình thức manh nha của dân chủ mà Ph.Ăngghen
gọi là “dân chủ nguyên thủy” hay còn
gọi là “dân chủ quân sự”. Đặc trưng
cơ bản của hình thức dân chủ này là nhân dân bầu ra thủ lĩnh quân sự
thông qua “Đại hội nhân dân”. Trong
“Đại hội nhân dân”, mọi người đều có quyền phát biểu và tham gia quyết
định bằng cách giơ tay hoặc hoan hô, ở đó “Đại hội nhân dân” và nhân dân
có quyền lực thật sự (nghĩa là có dân chủ), mặc dù trình độ sản
xuất còn kém phát triển.
Khi trình độ của lực lượng sản xuất phát triển
dẫn tới sự ra đời của chế độ tư hữu và sau đó là giai cấp đã làm cho
hình thức “dân chủ nguyên thủy” tan rã, nền dân chủ chủ nô ra đời. Nền dân chủ chủ nô được tổ chức
thành nhà nước với đặc trưng là dân tham gia bầu ra Nhà nước. Tuy nhiên,
“Dân là ai?”, theo quy định của giai cấp cầm quyền chỉ gồm giai cấp chủ
nô và phần nào thuộc về các công dân tự do (tăng lữ, thương gia và một số
trí thức). Đa số còn lại không phải là “dân” mà là “nô lệ”. Họ không được
tham gia vào công việc nhà nước. Như vậy, về thực chất, dân chủ chủ nô
cũng chỉ thực hiện dân chủ cho thiểu số, quyền lực của dân đã bó hẹp
nhằm duy trì, bảo vệ, thực hiện lợi ích của “dân” mà thôi.
Cùng với sự tan rã của chế độ chiếm hữu nô lệ,
lịch sử xã hội loài người bước vào thời kỳ đen tối với sự thống trị
của nhà nước chuyên chế phong kiến, chế độ dân chủ chủ nô đã bị xóa bỏ
và thay vào đó là chế độ độc tài
chuyên chế phong kiến. Sự thống trị của giai cấp trong thời kỳ này
được khoác lên chiếc áo thần bí của thế lực siêu nhiên. Họ xem việc tuân
theo ý chí của giai cấp thống trị là bổn phận của mình trước sức mạnh
của đấng tối cao. Do đó, ý thức về dân chủ và đấu tranh để thực hiện
quyền làm chủ của người dân đã không có bước tiến đáng kể nào.
Cuối thế kỷ XIV - đầu XV, giai cấp tư sản với những
tư tưởng tiến bộ về tự do, công bằng, dân chủ đã mở đường cho sự ra
đời của nền dân chủ tư sản. Chủ
nghĩa Mác – Lênin chỉ rõ: Dân chủ tư sản ra đời là một bước tiến lớn
của nhân loại với những giá trị nổi bật về quyền tự do, bình đẳng, dân
chủ. Tuy nhiên, do được xây dựng trên nền tảng kinh tế là chế độ tư hữu về
tư liệu sản xuất, nên trên thực tế, nền dân chủ tư sản vẫn là nền dân
chủ của thiểu số những người nắm giữ tư liệu sản xuất đối với đại đa
số nhân dân lao động.
Khi cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga
thắng lợi (1917), một thời đại mới mở ra – thời đại quá độ từ chủ nghĩa
tư bản lên chủ nghĩa xã hội, nhân dân lao động ở nhiều quốc gia giành
được quyền làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội, thiết lập Nhà nước công –
nông (nhà nước xã hội chủ nghĩa), thiết lập nền dân chủ vô sản (dân chủ xã hội chủ nghĩa) để thực hiện quyền
lực của đại đa số nhân dân. Đặc trưng cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa là thực hiện quyền lực của nhân dân - tức là xây dựng nhà nước
dân chủ thực sự, dân làm chủ nhà nước và xã hội, bảo vệ quyền lợi cho
đại đa số nhân dân.
Như vậy, với tư cách là một hình thái nhà nước,
một chế độ chính trị thì trong lịch sử nhân loại, cho đến nay có ba nền
(chế độ) dân chủ. Nền dân chủ chủ nô,
gắn với chế độ chiếm hữu nô lệ; nền
dân chủ tư sản, gắn với chế độ tư bản chủ nghĩa; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, gắn với chế độ xã hội chủ
nghĩa. Tuy nhiên, muốn biết một nhà nước dân chủ có thực sự hay không
phải xem trong nhà nước ấy dân là ai và
bản chất của chế độ xã hội ấy như thế nào?
1.2. Dân chủ xã hội chủ nghĩa
1.2.1. Quá trình ra đời của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn quá trình hình thành và
phát triển các nền dân chủ trong lịch sử và trực tiếp nhất là nền dân
chủ tư sản, các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng, đấu tranh cho
dân chủ là một quá trình lâu dài, phức tạp và giá trị của nền dân chủ tư
sản chưa phải là hoàn thiện nhất, do đó, tất yếu xuất hiện một nền dân
chủ mới, cao hơn nền dân chủ tư sản và đó chính là nền dân chủ vô sản hay còn gọi là nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa đã được phôi thai từ thực tiễn
đấu tranh giai cấp ở
Pháp và Công xã Pari năm 1871, tuy
nhiên, chỉ đến khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công với sự ra đời của
nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới (1917), nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa mới chính thức được xác lập. Sự ra đời của nền dân chủ
xã hội chủ nghĩa đánh dấu bước phát triển mới về chất của dân chủ. Quá
trình phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa bắt đầu từ thấp đến
cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện. Trong đó, có sự kế thừa những giá
trị của nền dân chủ trước đó, đồng thời bổ sung và làm sâu sắc thêm
những giá trị của nền dân chủ mới.
Theo chủ nghĩa Mác – Lênin: Giai cấp vô sản không
thể hoàn thành cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, nếu họ không được chuẩn bị
để tiến tới cuộc cách mạng đó thông qua cuộc đấu tranh cho dân chủ.
Rằng, chủ nghĩa xã hội không thể duy trì và thắng lợi, nếu không thực
hiện đầy đủ dân chủ.
Quá trình phát triển của nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa là từ thấp tới cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện; có sự kế thừa
một cách chọn lọc giá trị của các nền dân chủ trước đó, trước hết là
nền dân chủ tư sản. Nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
là không ngừng mở rộng dân chủ, nâng cao mức độ giải phóng cho những
người lao động, thu hút họ tham gia tự giác vào công việc quản lý nhà
nước, quản lý xã hội. Càng hoàn thiện bao nhiêu, nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa lại càng tự tiêu vong bấy nhiêu. Thực chất của sự tiêu vong này theo
V.I.Lênin, đó là tính chính trị của dân chủ sẽ mất đi trên cơ sở không
ngừng mở rộng dân chủ đối với nhân dân, xác lập địa vị chủ thể quyền
lực của nhân dân, tạo điều kiện để họ tham gia ngày càng đông đảo và
ngày càng có ý nghĩa quyết định vào sự quản lý nhà nước, quản lý xã
hội (xã hội tự quản). Quá trình đó làm cho dân chủ trở thành một thói
quen, một tập quán trong sinh hoạt xã hội... để đến lúc nó không còn tồn
tại như một thể chế nhà nước, một chế độ, tức là mất đi tính chính trị
của nó.
Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác – Lênin cũng lưu ý đây là
quá trình lâu dài, khi xã hội đã đạt trình độ phát triển rất cao, xã hội
không còn sự phân chia giai cấp, đó là xã hội cộng sản chủ nghĩa đạt
tới mức độ hoàn thiện, khi đó dân chủ xã hội chủ nghĩa với tư cách là
một chế độ nhà nước cũng tiêu vong, không còn nữa.
Từ những phân tích trên
đây, có thể hiểu dân chủ xã hội chủ
nghĩa là nền dân chủ cao hơn về chất so với nền dân chủ tư sản, là nền dân chủ mà ở đó, mọi quyền lực thuộc
về nhân dân, dân là chủ và dân làm chủ; dân chủ và pháp luật nằm trong sự thống
nhất biện chứng; được thực hiện bằng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa,
đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Cũng cần lưu ý rằng, cho đến nay, sự ra đời của
nền dân chủ xã hội chủ nghĩa mới chỉ trong một thời gian ngắn, ở một
số nước có xuất phát điểm về kinh tế, xã hội rất thấp, lại thường xuyên
bị kẻ thù tấn công, gây chiến tranh, do vậy, mức độ dân chủ đạt được ở
những nước này hiện nay còn nhiều hạn chế ở hầu hết các lĩnh vực của đời
sống xã hội. Ngược lại, sự ra đời, phát triển của nền dân chủ tư sản có
thời gian cả mấy trăm năm, lại ở hầu hết các nước phát triển (do điều kiện
khách quan, chủ quan). Hơn nữa, trong thời gian qua, để tồn tại và thích
nghi, chủ nghĩa tư bản đã có nhiều lần điều chỉnh về xã hội, trong đó
quyền con người đã được quan tâm ở một mức độ nhất định (tuy nhiên, bản
chất của chủ nghĩa tư bản không thay đổi). Nền dân chủ tư sản có nhiều
tiến bộ, song nó vẫn bị hạn chế bởi bản chất của chủ nghĩa tư bản.
Để chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa thực sự
quyền lực thuộc về nhân dân, ngoài yếu tố giai cấp công nhân lãnh đạo
thông qua Đảng Cộng sản (mặc dù là yếu tố quan trọng nhất), đòi hỏi cần
nhiều yếu tố như trình độ dân trí, xã hội công dân, việc tạo dựng cơ chế
pháp luật đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền làm chủ nhà nước và quyền
tham gia vào các quyết sách của nhà nước, điều kiện vật chất để thực
thi dân chủ.
1.2.2. Bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
Như mọi loại hình dân chủ khác, dân chủ vô sản, theo V.I.Lênin, không phải là chế độ dân chủ cho
tất cả mọi người; nó chỉ là dân chủ đối
với quần chúng lao động và bị bóc lột; dân chủ vô sản là chế độ dân chủ vì lợi ích của đa số.
Rằng, dân chủ trong chủ nghĩa xã hội
bao quát tất cả các mặt của đời sống xã hội, trong đó, dân chủ trên lĩnh
vực kinh tế là cơ sở; dân chủ đó càng hoàn thiện bao nhiêu, càng nhanh
tới ngày tiêu vong bấy nhiêu. Dân chủ vô sản loại bỏ quyền dân chủ của
tất cả các giai cấp là đối tượng của nhà nước vô sản, nó đưa quảng đại
quần chúng nhân dân lên địa vị của người chủ chân chính của xã hội.
Với tư cách là đỉnh cao trong toàn bộ lịch sử tiến
hóa của dân chủ, dân chủ xã hội chủ
nghĩa có bản chất cơ bản sau:
Bản chất chính
trị: Dưới sự lãnh đạo duy nhất của một đảng của giai cấp công nhân
(đảng Mác - Lênin) mà trên mọi lĩnh vực xã hội đều thực hiện quyền lực
của nhân dân, thể hiện qua các quyền dân chủ, làm chủ, quyền con người,
thỏa mãn ngày càng cao hơn các nhu cầu và các lợi ích của nhân dân.
Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ rõ: Bản chất chính trị
của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là sự lãnh đạo chính trị của giai cấp
công nhân thông qua đảng của nó đối với toàn xã hội, nhưng không phải chỉ
để thực hiện quyền lực và lợi ích riêng cho giai cấp công nhân, mà chủ
yếu là để thực hiện quyền lực và lợi ích của toàn thể nhân dân, trong
đó có giai cấp công nhân. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa do đảng Cộng sản
lãnh đạo - yếu tố quan trọng để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân
dân, bởi vì, đảng Cộng sản đại biểu cho trí tuệ, lợi ích của giai cấp công
nhân, nhân dân lao động và toàn dân tộc. Với nghĩa này, dân chủ xã hội
chủ nghĩa mang tính nhất nguyên về chính trị. Sự lãnh đạo của giai cấp
công nhân thông qua đảng Cộng sản đối với toàn xã hội về mọi mặt V.I.Lênin
gọi là sự thống trị chính trị.
Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhân dân lao
động là những người làm chủ những quan hệ chính trị trong xã hội. Họ có
quyền giới thiệu các đại biểu tham gia vào bộ máy chính quyền từ trung
ương đến địa phương, tham gia đóng góp ý kiến xây dựng chính sách, pháp
luật, xây dựng bộ máy và cán bộ, nhân viên nhà nước. Quyền được tham gia
rộng rãi vào công việc quản lý nhà nước của nhân dân chính là nội dung
dân chủ trên lĩnh vực chính trị. V.I.Lênin còn nhấn mạnh rằng: Dân chủ xã
hội chủ nghĩa là chế độ dân chủ của đại đa số dân cư, của những người
lao động bị bóc lột, là chế độ mà nhân dân ngày càng tham gia nhiều vào
công việc Nhà nước. Với ý nghĩa đó, V.I.Lênin đã diễn đạt một cách
khái quát về bản chất và mục tiêu của dân chủ xã hội chủ nghĩa rằng:
đó là nền dân chủ “gấp triệu lần dân chủ tư sản”[70].
Bàn về quyền làm chủ của nhân dân trên lĩnh vực
chính trị, Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: Trong chế độ dân chủ xã hội chủ
nghĩa thì bao nhiêu quyền lực đều là của dân, bao nhiêu sức mạnh đều ở
nơi dân, bao nhiêu lợi ích đều là vì dân[71]…
Chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước xã hội chủ nghĩa do đó về
thực chất là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cuộc cách mạng xã
hội chủ nghĩa, khác với các cuộc cách mạng xã hội trước đây là ở chỗ nó
là cuộc cách mạng của số đông, vì lợi ích của số đông nhân dân. Cuộc
Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946) theo
Hồ Chí Minh là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người
có tài, có đức để gánh vác công việc nhà nước, “… hễ là người muốn
lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì đều có
quyền đi bầu cử[72].
Quyền được tham gia rộng rãi vào công việc quản lý nhà nước chính là nội
dung dân chủ trên lĩnh vực chính trị.
Xét về bản chất chính trị, dân chủ xã hội chủ nghĩa
vừa có bản chất giai cấp công nhân, vừa có tính nhân dân rộng rãi, tính dân
tộc sâu sắc. Do vậy, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa khác về chất so với
nền dân chủ tư sản ở bản chất giai cấp (giai
cấp công nhân và giai cấp tư sản); ở cơ
chế nhất nguyên và cơ chế đa nguyên; một đảng hay nhiều đảng; ở bản chất nhà
nước (nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền
tư sản).
Bản chất kinh tế:
Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa dựa trên chế độ sở hữu xã hội về những tư
liệu sản xuất chủ yếu của toàn xã hội đáp ứng sự phát triển ngày càng
cao của lực lượng sản xuất dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ hiện đại
nhằm thỏa mãn ngày càng cao những nhu cầu vật chất và tinh thần của toàn
thể nhân dân lao động.
Bản chất kinh tế đó chỉ được bộc lộ đầy đủ qua
một quá trình ổn định chính trị, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống
của toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của đảng Mác - Lênin và quản lý,
hướng dẫn, giúp đỡ của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trước hết đảm bảo
quyền làm chủ của nhân dân về các tư liệu sản xuất chủ yếu; quyền làm
chủ trong quá trình sản xuất kinh doanh, quản lý và phân phối, phải coi lợi
ích kinh tế của người lao động là động lực cơ bản nhất có sức thúc đẩy
kinh tế - xã hội phát triển.
Bản chất kinh tế của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa
dù khác về bản chất kinh tế của các chế độ tư hữu, áp bức, bóc lột, bất
công, nhưng cũng như toàn bộ nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, nó không
hình thành từ “hư vô” theo mong muốn của bất kỳ ai. Kinh tế xã hội chủ
nghĩa cũng là sự kế thừa và phát triển mọi thành tựu nhân loại đã tạo ra
trong lịch sử, đồng thời lọc bỏ những nhân tố lạc hậu, tiêu cực, kìm
hãm… của các chế độ kinh tế trước đó, nhất là bản chất tư hữu, áp bức,
bóc lộ,t bất công… đối với đa số nhân dân.
Khác với nền dân chủ
tư sản, bản chất kinh tế của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực hiện chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ
yếu và thực hiện chế độ phân phối lợi ích theo kết quả lao động là chủ yếu.
Bản chất tư tưởng
- văn hóa - xã hội: Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa lấy hệ tư tưởng Mác
- Lênin - hệ tư tưởng của giai cấp công nhân, làm chủ đạo đối với mọi hình
thái ý thức xã hội khác trong xã hội mới. Đồng thời nó kế thừa, phát huy
những tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc; tiếp thu những giá trị tư
tưởng - văn hóa, văn minh, tiến bộ xã hội… mà nhân loại đã tạo ra ở tất cả
các quốc gia, dân tộc… Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhân dân được
làm chủ những giá trị văn hoá tinh thần; được nâng cao trình độ văn hoá, có
điều kiện để phát triển cá nhân. Dưới góc độ này dân chủ là một thành
tựu văn hoá, một quá trình sáng tạo văn hoá, thể hiện khát vọng tự do được
sáng tạo và phát triển của con người.
Trong nền dân chủ xã hội chủ nghĩa có sự kết hợp
hài hòa về lợi ích giữa cá nhân, tập
thể và lợi ích của toàn xã hội. Nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ra sức
động viên, thu hút mọi tiềm năng sáng tạo, tính tích cực xã hội của nhân
dân trong sự nghiệp xây dựng xã hội mới.
Với những bản chất nêu trên, dân chủ xã hội chủ
nghĩa trước hết và chủ yếu được thực hiện bằng nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa, là kết quả hoạt động tự giác của quần chúng nhân dân
dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, dân chủ xã hội chủ nghĩa chỉ có được với điều kiện tiên quyết là bảo
đảm vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản. Bởi lẽ, nhờ nắm vững
hệ tư tưởng cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin và đưa nó
vào quần chúng, Đảng mang lại cho phong trào quần chúng tính tự giác cao
trong quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; thông qua công tác
tuyên truyền, giáo dục của mình, Đảng nâng cao trình độ giác ngộ chính
trị, trình độ văn hóa dân chủ của nhân dân để họ có khả năng thực hiện
hữu hiệu những yêu cầu dân chủ phản ánh đúng quy luật phát triển xã hội.
Chỉ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân mới đấu tranh có hiệu
quả chống lại mọi mưu đồ lợi dụng dân chủ vì những động cơ đi ngược lại
lợi ích của nhân dân.
Với những ý
nghĩa như vậy, dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhất nguyên về chính trị, bảo đảm vai trò lãnh đạo duy nhất
của Đảng Cộng sản không loại trừ nhau mà ngược lại, chính sự lãnh đạo của
Đảng là điều kiện cho dân chủ xã hội chủ nghĩa ra đời, tồn tại và phát
triển.
Với tất cả những đặc
trưng đó, dân chủ xã hội chủ nghĩa là
nền dân chủ cao hơn về chất so với nền dân chủ tư sản, là nền dân chủ mà ở đó, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, dân là chủ và
dân làm chủ; dân chủ và pháp luật nằm trong sự thống nhất biện chứng; được
thực hiện bằng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đặt dưới sự lãnh đạo của
Đảng Cộng sản.
2. Nhà nước xã hội chủ nghĩa
2.1. Sự ra đời, bản chất, chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa
2.1.1. Sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa
Khát vọng về
một xã hội công bằng, dân chủ, bình đẳng và bác ái đã xuất hiện từ lâu
trong lịch sử. Xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân lao động muốn thoát
khỏi sự áp bức, bất công và chuyên chế, ước mơ xây dựng một xã hội dân
chủ, công bằng và những giá trị của con người được tôn trọng, bảo vệ và
có điều kiện để phát triển tự do tất cả năng lực của mình, nhà nước
xã hội chủ nghĩa ra đời là kết quả của cuộc cách mạng do giai cấp vô sản
và nhân dân lao động tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Tuy nhiên, chỉ đến khi xã hội tư bản chủ nghĩa xuất
hiện, khi mà những mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất tư bản tư nhân về tư
liệu sản xuất với tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản
xuất trở nên ngày càng gay gắt dẫn tới các cuộc khủng hoảng về kinh tế và
mâu thuẫn sâu sắc giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản làm xuất hiện các
phong trào đấu tranh của giai cấp vô sản, thì trong cuộc đấu tranh của giai
cấp vô sản, các Đảng Cộng sản mới được thành lập để lãnh đạo phong trào
đấu tranh cách mạng và trở thành nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi
của cách mạng. Bên cạnh đó, giai cấp vô sản được trang bị bởi vũ khí lý
luận là chủ nghĩa Mác - Lênin với tư cách cơ sở lý luận để tổ chức,
tiến hành cách mạng và xây dựng nhà nước của giai cấp mình sau chiến
thắng. Cùng với đó, các yếu tố dân tộc và thời đại cũng tác động mạnh mẽ
đến phong trào cách mạng của giai cấp vô sản và nhân dân lao động của mỗi
nước. Dưới tác động của các yếu tố khác nhau và cùng với đó là mâu
thuẫn gay gắt giữa giai cấp vô sản và nhân dân lao động với giai cấp bóc
lột, cách mạng vô sản có thể xảy ra ở những nước có chế độ tư bản chủ nghĩa
phát triển cao hoặc trong các nước dân tộc thuộc địa.
Nhà nước xã hội chủ nghĩa ra đời là kết quả của
cuộc cách mạng do giai cấp vô sản và nhân dân lao động tiến hành dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, tùy vào đặc điểm và điều kiện
của mỗi quốc gia, sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa cũng như
việc tổ chức chính quyền sau cách mạng có những đặc điểm, hình thức và
phương pháp phù hợp. Song, điểm chung giữa các nhà nước xã hội chủ nghĩa
là ở chỗ, đó là tổ chức thực hiện quyền lực của nhân dân, là cơ quan
đại diện cho ý chí của nhân dân, thực hiện việc tổ chức quản lý kinh tế,
văn hóa, xã hội của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Như vậy, nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước mà ở
đó, sự thống trị chính trị thuộc về giai cấp công nhân, do cách mạng xã hội
chủ nghĩa sản sinh ra và có sứ mệnh xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, đưa
nhân dân lao động lên địa vị làm chủ trên tất cả các mặt của đời sống xã hội
trong một xã hội phát triển cao – xã hội xã hội chủ nghĩa.
2.1.2. Bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa
So với các kiểu nhà nước khác trong lịch sử, nhà
nước xã hội chủ nghĩa là kiểu nhà nước mới, có bản chất khác với bản
chất của các kiểu nhà nước bóc lột trong lịch sử. Tính ưu việt về mặt
bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa được thể hiện trên các phương
diện:
Về chính trị,
nhà nước xã hội chủ nghĩa mang bản chất của giai cấp công nhân, giai cấp
có lợi ích phù hợp với lợi ích chung của quần chúng nhân dân lao động.
Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, giai cấp vô sản là lực lượng giữ địa vị
thống trị về chính trị. Tuy nhiên, sự thống trị của giai cấp vô sản có sự
khác biệt về chất so với sự thống trị của các giai cấp bóc lột trước
đây. Sự thống trị của giai cấp bóc lột là sự thống trị của thiểu số
đối với tất cả các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động trong xã hội nhằm
bảo vệ và duy trì địa vị của mình. Còn sự thống trị về chính trị của
giai cấp vô sản là sự thống trị của đa số đối với thiểu số giai cấp bóc
lột nhằm giải phóng giai cấp mình và giải phóng tất cả các tầng lớp nhân dân
lao động khác trong xã hội. Do đó, nhà nước xã hội chủ nghĩa là đại
biểu cho ý chí chung của nhân dân lao động.
Về kinh tế,
bản chất của nhà nước xã hội chủ nghĩa chịu sự quy định của cơ sở kinh
tế của xã hội xã hội chủ nghĩa, đó là chế độ sở hữu xã hội về tư
liệu sản xuất chủ yếu. Do đó, không còn tồn tại quan hệ sản xuất bóc lột.
Nếu như tất cả các nhà nước bóc lột khác trong lịch sử đều là nhà nước
theo đúng nghĩa của nó, nghĩa là bộ máy của thiểu số những kẻ bóc
lột để trấn áp đa số nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, thì nhà nước
xã hội chủ nghĩa vừa là một bộ máy chính trị - hành chính, một cơ quan
cưỡng chế, vừa là một tổ chức quản lý kinh tế - xã hội của nhân dân lao
động, nó không còn là nhà nước theo đúng nghĩa, mà chỉ là “nửa nhà
nước”. Việc chăm lo cho lợi ích của đại đa số nhân dân lao động trở thành
mục tiêu hàng đầu của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Về văn hóa, xã
hội, nhà nước xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên nền tảng tinh thần
là lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin và những giá trị văn hóa tiên tiến,
tiến bộ của nhân loại, đồng thời mang những bản sắc riêng của dân tộc.
Sự phân hóa giữa các giai cấp, tầng lớp từng bước được thu hẹp, các giai
cấp, tầng lớp bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn lực và cơ hội để
phát triển.
2.1.3. Chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa
Tùy theo góc độ tiếp cận, chức năng của nhà
nước xã hội chủ nghĩa được chia thành các chức năng khác nhau.
Căn cứ vào phạm vi tác động của quyền lực nhà
nước, chức năng của nhà nước được chia thành chức năng đối nội và chức
năng đối ngoại.
Căn cứ vào lĩnh vực tác động của quyền lực nhà
nước, chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa được chia thành chức năng chính trị, kinh tế, văn hóa, xã
hội,…
Căn cứ vào tính chất của quyền lực nhà nước, chức
năng của nhà nước được chia thành chức
năng giai cấp (trấn áp) và chức năng
xã hội (tổ chức và xây dựng).
Xuất phát từ bản chất của nhà nước xã hội chủ
nghĩa, nên việc thực hiện các chức năng của nhà nước cũng có sự khác
biệt so với các nhà nước trước đó. Đối với các nhà nước bóc lột, nhà
nước của thiểu số thống trị đối với đa số nhân dân lao động, nên việc
thực hiện chức năng trấn áp đóng vai trò quyết định trong việc duy trì
địa vị của giai cấp nắm quyền chiếm hữu tư liệu sản xuất chủ yếu của xã
hội. Còn trong nhà nước xã hội xã hội chủ nghĩa, mặc dù vẫn còn chức
năng trấn áp, nhưng đó là bộ máy do giai cấp công nhân và nhân dân lao
động tổ chức ra để trấn áp giai cấp bóc lột đã bị lật đổ và những phần
tử chống đối để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững an ninh chính trị,
tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù trong thời kỳ quá độ, sự
trấn áp vẫn còn tồn tại như một tất yếu, nhưng đó là sự thật trấn áp
của đa số nhân dân lao động đối với thiếu số bóc lột. V.I.Lênin khẳng
định: “Bất cứ một nhà nước nào cũng đều có nghĩa là dùng bạo lực;
nhưng toàn bộ sự khác nhau là ở chỗ dùng bạo lực đối với những người bị
bóc lột hay đối với kẻ đi bóc lột”[73].
Theo V.I.Lênin, mặc dù trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản, “cơ quan
đặc biệt, bộ máy trấn áp đặc biệt là “nhà nước” vẫn còn cần thiết, nhưng nó đã là nhà nước quá độ, mà không
còn là nhà nước theo đúng nghĩa của nó nữa”[74].
V.I. Lênin cho rằng, giai cấp vô sản sau khi giành
được chính quyền, xác lập địa vị thống trị cho đại đa số nhân dân lao
động, thì vấn đề quan trọng không chỉ là trấn áp lại sự phản kháng của
giai cấp bóc lột, mà điều quan trọng hơn cả là chính quyền mới tạo ra được
năng suất sản xuất cao hơn chế độ xã hội cũ, nhờ đó mang lại cuộc sống
tốt đẹp hơn cho đại đa số các giai cấp, tầng lớp nhân dân lao động. Vì
vậy, vấn đề quản lý và xây dựng kinh tế là then chốt, quyết định. Nhà
nước xã hội chủ nghĩa
“không phải chỉ là bạo lực đối với
bọn bóc lột, và cũng không phải chủ yếu là bạo lực. Cơ sở kinh tế của bạo
lực cách mạng đó, cái bảo đảm sức sống và thắng lợi của nó chính là việc
giai cấp vô sản đưa ra được và thực hiện được kiểu tổ chức lao động cao
hơn so với chủ nghĩa tư bản. Đấy là thực chất của vấn đề. Đấy là nguồn
sức mạnh, là điều kiện bảo đảm cho thắng lợi hoàn toàn và tất nhiên của
chủ nghĩa cộng sản”[75].
Cải tạo xã hội cũ, xây dựng thành công xã hội mới
là nội dung chủ yếu và mục đích cuối cùng của nhà nước xã hội chủ
nghĩa. Đó là một sự nghiệp vĩ đại, nhưng đồng thời cũng là công việc
cực kỳ khó khăn và phức tạp. Nó đòi hỏi nhà nước xã hội chủ nghĩa
phải là một bộ máy có đầy đủ sức mạnh để trấn áp kẻ thù và những phần tử
chống đối cách mạng, đồng thời nhà nước đó phải là một tổ chức có
đủ năng lực để quản lý và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, trong đó
việc tổ chức quản lý kinh tế là quan trọng, khó khăn và phức tạp
nhất.
2.2. Mối quan hệ giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước xã hội chủ
nghĩa
Một là: Dân chủ xã
hội chủ nghĩa là cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng và hoạt động của nhà nước
xã hội chủ nghĩa. Chỉ trong xã hội dân chủ xã hội chủ nghĩa, người
dân mới có đầy đủ các điều kiện cho việc thực hiện ý chí của mình
thông qua việc lựa chọn một cách công bằng, bình đẳng những người đại
diện cho quyền lợi chính đáng của mình vào bộ máy nhà nước, tham gia một
cách trực tiếp hoặc giản tiếp vào hoạt động quản lý của nhà nước, khai
thác và phát huy một cách tốt nhất sức mạnh trí tuệ của nhân dân cho hoạt
động của nhà nước. Với những tính ưu việt của mình, nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa sẽ kiểm soát một cách có hiệu quả quyền lực của nhà
nước, ngăn chặn được sự tha hóa của quyền lực nhà nước, có thể dễ dàng
đưa ra khỏi cơ quan nhà nước những người thực thi công vụ không còn đáp
ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực, đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu
hướng đến lợi ích của người dân. Ngược lại, nếu
các nguyên tắc của nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa bị vi phạm, thì việc xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa
cũng sẽ không thực hiện được. Khi đó, quyền lực của nhân dân sẽ bị biến
thành quyền lực của một nhóm người, phục vụ cho lợi ích của một nhóm
người.
Hai là: Ra
đời trên cơ sở nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước xã hội chủ nghĩa trở thành công cụ quan trọng cho việc thực
thi quyền làm chủ của người dân. Bằng việc thể chế hóa ý chí của nhân
dân thành các hành lang pháp lý, phân định một cách rõ ràng quyền và trách
nhiệm của mỗi công dân, là cơ sở để người dân thực hiện quyền làm chủ
của mình, đồng thời là công cụ bạo
lực để ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích
chính đáng của người dân, bảo vệ nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước xã hội chủ nghĩa nằm trong nền dân
chủ xã hội chủ nghĩa là phương thức thể hiện và thực hiện dân chủ. Theo
V.I.Lênin, con đường vận động và phát triển của nhà nước xã hội chủ
nghĩa là ngày càng hoàn thiện các hình thức đại diện nhân dân thực
hiện và mở rộng dân chủ, nhằm lôi cuốn ngày càng đông đảo nhân dân tham
gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Thông qua hoạt động quản lý của nhà
nước, các nguồn lực xã hội được tập hợp, tổ chức và phát huy hướng đến
lợi ích của nhân dân. Ngược lại, nếu nhà nước xã hội chủ nghĩa đánh mất
bản chất của mình sẽ tác động tiêu cực đến nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa, sẽ dễ dẫn tới vệc xâm phạm quyền làm chủ của người dân, dẫn
tới chuyên chế, độc tài, thủ tiêu nền dân chủ hoặc dân chủ chỉ còn là
hình thức.
Trong hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa, nhà nước
là thiết chế có chức năng trực tiếp nhất trong việc thể chế hóa và tổ
chức thực hiện những yêu cầu dân chủ chân chính của nhân dân. Nó cũng là
công cụ sắc bén nhất trong cuộc đấu tranh với mọi mưu đồ đi ngược lại lợi
ích của nhân dân; là thiết chế tổ chức có hiệu quả việc xây dựng xã hội
mới; là công cụ hữu hiệu để vai trò lãnh đạo Đảng trong quá trình xây
dựng chủ nghĩa xã hội được thực hiện… Chính vì vậy trong hệ thống
chính trị xã hội chủ nghĩa Đảng ta xem Nhà nước là “trụ cột”, “một
công cụ chủ yếu, vững mạnh” của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
3. Dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
3.1. Dân
chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
3.1.1. Sự ra đời, phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam
Chế độ dân chủ nhân dân ở nước ta được xác lập sau
Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Đến năm 1976, tên nước được đổi thành Cộng hòa
xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng trong các Văn kiện Đảng hầu như chưa sử
dụng cụm từ "dân chủ XHCN" mà thường nêu quan điểm "xây
dựng chế độ làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa" gắn với "nắm
vững chuyên chính vô sản". Bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa,
mối quan hệ giữa dân chủ xã hội chủ nghĩa và nhà nước pháp quyền xã
hội chủ nghĩa, cũng chưa được xác định rõ ràng. Việc xây dựng nền dân
chủ xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là thực hiện dân chủ trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như thế nào cho phù hợp với đặc điểm
kinh tế, xã hội, văn hóa, đạo đức của xã hội Việt Nam, gắn với hoàn
thiện hệ thống pháp luật, kỷ cương cũng chưa được đặt ra một cách cụ
thể, thiết thực. Nhiều lĩnh vực liên quan mật thiết đến dân chủ xã hội
chủ nghĩa như dân sinh, dân trí, dân quyền… chưa được đặt đúng vị trí và
giải quyết đúng để thúc đẩy việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa.
Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã đề ra đường lối
đổi mới toàn diện đất nước đã nhấn mạnh phát huy dân chủ để tạo ra một
động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước. Đại hội khẳng định “trong toàn
bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc,
xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động”[76];
Bài học “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” bao giờ cũng quan trọng.
Thực tiễn cách mạng chứng minh rằng: ở đâu, nhân dân lao động có ý thức làm
chủ và được làm chủ thật sự, thì ở đấy xuất hiện phong trào cách mạng”[77].
Hơn 30 năm đổi mới, nhận thức về dân chủ xã hội
chủ nghĩa, vị trí, vai trò của dân chủ ở nước ta đã có nhiều điểm
mới. Qua mỗi kỳ đại hội của Đảng thời kỳ đổi mới, dân chủ ngày càng
được nhận thức, phát triển và hoàn thiện đúng đắn, phù hợp hơn với điều
kiện cụ thể của nước ta.
Trước hết, Đảng ta khẳng định một trong những đặc
trưng của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là do
nhân dân làm chủ. Dân chủ đã được đưa vào mục tiêu tổng quát của cách
mạng Việt Nam: Dân giàu, nước mạnh, dân
chủ, công bằng, văn minh. Đồng thời khẳng định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục
tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Xây dựng và từng
bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm dân chủ được
thực hiện trong thực tế cuộc sống ở mỗi cấp, trên tất cả các lĩnh vực.
Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và phải được thể chế hóa bằng
pháp luật, được pháp luật bảo đảm…”[78].
3.1.2. Bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt nam
Cũng như bản chất của nền dân chủ xã hội chủ
nghĩa nói chung, ở Việt Nam, bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa là dựa
vào Nhà nước xã hội chủ nghĩa và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân.
Đây là nền dân chủ mà con người là thành viên trong xã hội với tư cách
công dân, tư cách của người làm chủ. Quyền làm chủ của nhân dân là tất cả
quyền lực đều thuộc về nhân dân, dân là gốc, là chủ, dân làm chủ. Điều
này đã được Hồ Chí Minh khẳng định:
“Nước ta là nước dân chủ.
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều là của dân.
Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc
là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung
ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực
lượng đều ở dân”[79].
Kế thừa tư tưởng dân chủ trong lịch
sử và trực tiếp là tư tưởng dân chủ của Hồ
Chí Minh, từ khi ra đời cho đến nay,
nhất là trong thời kỳ đổi mới, Đảng luôn xác định xây dựng nền dân chủ xã
hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển xã hội, là
bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Dân chủ gắn liền với kỷ cương
và phải thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm… Nội dung này
được được hiểu là:
Dân chủ là mục tiêu của chế độ xã hội chủ nghĩa
(dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh).
Dân chủ là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa
(do nhân dân làm chủ, quyền lực thuộc về nhân dân).
Dân chủ là động lực để xây dựng chủ nghĩa xã
hội (phát huy sức mạnh của nhân dân, của toàn dân tộc).
Dân chủ gắn với pháp luật (phải
đi đổi với kỷ luật, kỷ cương).
Dân chủ phải được thực hiện trong đời sống thực
tiễn ở tất cả các cấp, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội về lĩnh vực
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Bản chất dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt nam được
thực hiện thông qua các hình thức dân
chủ gián tiếp và dân chủ trực tiếp.
Hình thức dân
chủ gián tiếp là hình thức dân chủ đại diện, được thực hiện do nhân
dân “ủy quyền”, giao quyền lực của mình cho tổ chức mà nhân dân trực
tiếp bầu ra. Những con người và tổ chức ấy đại diện cho nhân dân, thực
hiện quyền làm chủ cho nhân dân. Nhân dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội là
cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất hoạt động theo nhiệm kỳ 5 năm. Quyền
lực nhà nước ta là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa
các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp
và tư pháp.
Hình thức dân
chủ trực tiếp là hình thức thông qua đó, nhân dân bằng hành động trực
tiếp của mình thực hiện quyền làm chủ nhà nước và xã hội. Hình thức
đó thể hiện ở các quyền được thông tin về hoạt động của nhà nước, được
bàn bạc về công việc của nhà nước và cộng đồng dân cư; được bàn đến
những quyết định về dân chủ cơ sở,
nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động
của cơ quan nhà nước từ Trung ương cho đến cơ sở. Dân chủ ngày càng được
thể hiện trong tất cả các mối quan hệ xã hội, trở thành quy chế, cách
thức làm việc của mọi tổ chức trong xã hội.
Trong quá trình
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, một yêu cầu tất yếu là không ngừng củng
cố, hoàn thiện những điều kiện đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân và
chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Thực tiễn xây dựng đất
nước cho thấy dân chủ xã hội chủ nghĩa được thể hiện ở việc bảo đảm và
phát huy quyền làm chủ của nhân dân theo hướng ngày càng mở rộng và hoạt
động có hiệu quả. Ý thức làm chủ của nhân dân, trách nhiệm công dân của
người dân trong xã hội ngày càng được đề cao trong pháp luật và cuộc
sống. Mọi công dân đều có quyền tham gia quản lý xã hội bằng nhiều cách
khác nhau, tùy theo trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Dân chủ công dân
gắn liền với kỷ cương của đất nước, được thể chế hóa bằng luật của nhà
nước pháp quyền, trong các nguyên tắc hoạt động của các cơ quan, tổ
chức. Các quy chế dân chủ từ cơ sở cho đến Trung ương và trong các tổ chức
chính trị - xã hội đều thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra”. Đảng ta khẳng định: “Mọi đường lối, chính sách của Đảng và
pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý
kiến của nhân dân”[80].
Bên cạnh đó, việc xây dựng dân chủ xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam diễn ra trong điều kiện xuất phát từ một nền kinh tế kém
phát triển, lại chịu hậu quả chiến tranh tàn phá nặng nề. Cùng với đó là
những tiêu cực trong đời sống xã hội chưa được khắc phuc triệt để… làm
ảnh hưởng đến bản chất tốt đẹp của chế độ dân chủ nước ta, làm suy giảm
động lực phát triển của đất nước. Mặt khác, âm mưu “diễn biến hòa bình”,
gây bạo loạn, lật đổ, sử dụng chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” của các
thế lực thù địch, vấn đề tự diễn biến, tự chuyển hóa nảy sinh và diễn
biến hết sức phức tạp đang là trở ngại đối với quá trình thực hiện dân
chủ ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Thực tiễn cho thấy, bản chất tốt đẹp và tính ưu
việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam càng ngày càng thể
hiện giá trị lấy dân làm gốc. Kể từ khi khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ
cộng hòa cho đến nay, nhân dân thực sự trở thành người làm chủ, tự xây
dựng, tổ chức quản lý xã hội. Đây là chế độ bảo đảm quyền làm chủ trong
đời sống của nhân dân từ chính trị, kinh tế cho đến văn hóa, xã hội;
đồng thời phát huy tính tích cực, sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
3.2. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
3.2.1. Quan niệm và đặc điểm của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
ở Việt Nam
Theo quan
niệm chung, nhà nước pháp quyền là nhà nước thượng tôn pháp luật,
nhà nước hướng tới những vấn đề
về phúc lợi cho mọi người, tạo điều kiện cho cá nhân được tự do, bình
đẳng, phát huy hết năng lực của chính mình. Trong hoạt động của nhà nước
pháp quyền, các cơ quan của nhà nước được phân quyền rõ ràng và được mọi
người chấp nhận trên nguyên tắc bình đẳng của các thế lực, giai cấp và
tầng lớp trong xã hội.
Trong giai đoạn hiện
nay, cách tiếp cận và những đặc trưng về nhà nước pháp quyền vẫn có những
cách hiểu khác nhau. Song, từ những cách tiếp cận đó, nhà nước pháp quyền được hiểu là nhà nước mà ở đó, tất cả mọi công dân
đều được giáo dục pháp luật và phải hiểu biết pháp luật, tuân thủ pháp luật,
pháp luật phải đảm bảo tính nghiêm minh; trong hoạt động của các cơ quan nhà
nước, phải có sự kiểm soát lẫn nhau, tất cả vì mục tiêu phục vụ nhân dân.
Cương lĩnh xây dựng đất
nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của
Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa ra
những nội dung khái quát liên quan đến nhà nước pháp quyền: Đề cao vai trò
tối thượng của Hiến pháp và pháp luật; đề cao quyền lợi và nghĩa vụ của
công dân, đảm bảo quyền con người; tổ chức bộ máy vừa đảm bảo tập trung,
thống nhất, vừa có sự phân công giữa các nhánh quyền lực, phân cấp quyền
hạn và trách nhiệm giữa các cấp chính quyền nhằm đảm bảo quyền dân chủ
của nhân dân, tránh lạm quyền. Nhà nước có mối quan hệ thường xuyên và
chặt chẽ với nhân dân, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, chịu sự
giám sát của nhân dân. Có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng
trị tệ quan liêu, tham nhũng, lộng quyền, vô trách nhiệm, xâm phạm quyền
dân chủ của công dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước
theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thống nhất quyền lực, có phân công,
phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.
Theo tiến trình của công cuộc đổi mới đất nước,
nhận thức của Đảng ta về Nhà nước pháp quyền ngày càng sáng tỏ. Với
chủ trương: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của dân, do dân, vì
dân”. Đảng ta đã xác định: Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, mọi cơ
quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành
Hiến pháp và pháp luật. Nhận thức đó là tiền đề để Đại hội XII của
Đảng làm rõ hơn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát
giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành
pháp, tư pháp”[81].
Từ thực tiễn nhận thức và xây dựng Nhà nước pháp
quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, có thể thấy
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta có một số đặc điểm cơ
bản của như sau:
Thứ nhất, xây
dựng nhà nước do nhân dân lao động làm chủ, đó là Nhà nước của dân,
do dân, vì dân.
Thứ hai, Nhà
nước được tổ chức và hoạt động dựa trên cơ sở của Hiến pháp và pháp
luật. Trong tất cả các hoạt động của xã hội, pháp luật được đặt ở vị trí
tối thượng để điều chỉnh các quan hệ xã hội.
Thứ ba,
quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rõ ràng, có cơ chế
phối hợp nhịp nhàng và kiểm soát giữa các cơ quan: lập pháp, hành pháp và
tư pháp.
Thứ tư, Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải do Đảng Cộng sản Việt
Nam lãnh đạo, phù hợp với điều 4 Hiến pháp năm 2013. Hoạt động của Nhà
nước được giám sát bởi nhân dân với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm,
dân kiểm tra” thông qua các tổ chức, các cá nhân được nhân dân ủy nhiệm.
Thứ năm, Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam tôn trọng quyền con người,
coi con người là chủ thể, là trung tâm của sự phát triển. Quyền dân chủ
của nhân dân được thực hành một cách rộng rãi; “nhân dân có quyền bầu và
bãi miễn những đại biểu không xứng đáng”; đồng thời tăng cường thực hiện
sự nghiêm minh của pháp luật.
Thứ sáu, tổ
chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân
chủ, có sự phân công, phân cấp, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau, nhưng bảo
đảm quyền lực là thống nhất và sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương.
Như vậy, những đặc điểm của Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa mà Việt
Nam chúng ta đang xây dựng đã thể
hiện được các tinh thần cơ bản của một nhà nước pháp quyền nói chung. Bên
cạnh đó, nó còn thể hiện sự khác biệt so với các nhà nước pháp quyền
khác Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mang bản chất giai
cấp công nhân, phục vụ lợi ích cho nhân dân; nhà nước là công cụ chủ yếu
để Đảng Cộng sản Việt Nam định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.
3.3. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền
xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
3.3.1. Phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay
Một là, xây
dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
tạo ra cơ sở kinh tế vững chắc cho xây dựng dân chủ xã hội chủ
nghĩa.
Trước hết cần thể chế hóa quan điểm của Đảng về phát triển đa dạng các hình thức sở hữu,
thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp; bảo hộ các quyền và lợi
ích hợp pháp của chủ sở hữu tài sản thuộc các hình thức sở hữu, loại hình
doanh nghiệp trong nền kinh tế. Xây dựng, hoàn thiện luật pháp về sở hữu
đối với các tài sản mới như sở hữu trí tuệ, cổ phiếu, trái phiếu… quy định
rõ, quyền trách nhiệm của các chủ sở hữu đối với xã hội. Cùng với đó
là có nhận thức đúng đắn về vai trò
quan trọng của thể chế, xây dựng và hoàn thiện thể chế phải được tiến
hành đồng bộ cả ba khâu: Ban hành văn bản, quy định của thể chế; xây
dựng cơ chế vận hành, thực thi thể chế trong hoạt động kinh doanh cụ
thể; hoàn thiện tổ chức bộ máy theo dõi, giám sát việc thi hành thể chế,
xử lý vi phạm và tranh chấp trong thực thi thể chế. Trong khi triển khai
đồng bộ thể chế môi trường kinh doanh phải tập trung cải cách hành chính,
từ bộ máy hành chính đến thủ tục hành chính. Thắng lợi của cải cách hành
chính sẽ nhanh chóng thúc đẩy cải thiện nhiều về môi trường kinh doanh.
Đồng thời, phải phát triển đồng bộ các
yếu tố thị trường và các loại thị trường. Hình thành việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp
luật về kinh doanh phù hợp với Việt Nam.
Hai là, xây
dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch, vững mạnh với tư cách điều kiện
tiên quyết để xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Để đảm bảo vai trò lãnh đạo của mình, Đảng phải
vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; thường xuyên tự đổi mới,
tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị,
phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo. Đảng phải dân chủ hóa trong sinh
hoạt, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình.
Có như vậy, Đảng mới đảm bảo sự
lãnh đạo trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng nền
dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Ba là, xây dựng
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vững mạnh với tư cách điều kiện
để thực thi dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta
đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam phải thực thi quyền dân
chủ của nhân dân trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thể
hiện bằng Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước phải đảm bảo quyền con người
là giá trị cao nhất. Chính vì vậy, tất cả các chính sách, pháp luật đều phải
dựa vào ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nhà nước đảm bảo quyền tự do
của công dân, đảm bảo danh dự, nhân phảm, quyền và lợi ích hợp pháp của
công dân bằng pháp luật và trên thực tế đời sống xã hội.
Bốn là, nâng
cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nền dân
chủ xã hội chủ nghĩa.
Các tổ chức chính - xã hội ở nước ta cần phải đổi
mới mạnh mẽ phương thức hoạt động để nâng cao vị trí, vai trò của mình,
để tham gia giám sát, phản biện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng
và Nhà nước. Tạo ra khối đoàn kết toàn dân, chăm lo đời sống nhân dân,
thực hiện dân chủ trong đời sống xã hội. Đồng thời tham gia vào bảo vệ
chính quyền, xây dựng Đảng, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân.
Năm là, xây
dựng và từng bước hoàn thiện các hệ thống giám sát, phản biện xã hội để
phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội là
yếu tố đảm bảo xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, nó ảnh
hưởng tới đời sống tâm lý của nhân dân khi nhìn nhận đánh giá các chủ
trường, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó,
cần công khai hóa, minh bạch hóa, dân chủ hóa về thông tin, về chủ trương,
chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến
lợi ích chính đáng của nhân dân. Cần cụ thể hóa hơn nữa các quy chế và hình
thức thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân đối với các
vấn đề phát triển của đất nước.
Ngoài ra cần nâng cao dân trí, văn hóa pháp luật cho
toàn thể xã hội (cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, nhân dân…).
3.3.2. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa
Một là, xây
dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của
Đảng.
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
mang bản chất giai cấp công nhân, đồng thời cũng gắn bó chặt chẽ với dân
tộc, với nhân dân. Tổ chức quyền lực của Nhà nước pháp quyền xã hội
chủ nghĩa đảm bảo quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và
phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập
pháp, hành pháp, tư pháp.
Hai
là, cải cách thể chế và phương thức hoạt động của Nhà nước.
Kiện toàn tổ
chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội
để đảm bảo đây là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Quốc hội là
cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở nước ta, là cơ quan duy nhất có
quyền lập hiến và lập pháp; thực hiện một số nhiệm vụ thuộc quyền
hành pháp và tư pháp, quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động
của Nhà nước.
Xây dựng nền hành chính nhà nước dân chủ, trong
sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hoá. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm
mạnh và bãi bỏ các thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công
dân. Nâng cao năng lực, chất lượng và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính
sách. Đẩy mạnh xã hội hóa các ngành dịch vụ công phù hợp với cơ chế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ba
là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực.
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức về
bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, điều hành quản
lý đất nước. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công
chức hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời cũng phải xây dựng được cơ chế
loại bỏ, miễn nhiệm những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ
luật, đạo đức công vụ.
Bốn
là, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm.
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành
tiết kiệm là nhiệm vụ cấp bách, lâu dài của quá trình xây dựng Nhà nước
pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Với quan điểm đó, Đảng và Nhà
nước ta chủ trương: Tiếp tục hoàn thiện các thể chế và đẩy mạnh cải cách
hành chính phục vụ nhiệm vụ, phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng
và hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo vệ những người đấu tranh chống
tham nhũng; xây dựng các chế tài để xử lý các cá nhân và tổ chức vi phạm;
động viên và khuyến khích toàn Đảng, toàn dân thực hành tiết kiệm.
C. CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Khái
niệm, bản chất của dân chủ xã hội chủ nghĩa?
2. Bản
chất và chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa?
3. Bản
chất và định hướng xây dựng chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam?
4. Nội
dung và định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở
Việt Nam?
5. Liên
hệ trách nhiệm cá nhân trong việc góp phần xây dựng nền dân chủ xã hội
chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay?
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Hoàng Chí Bảo, Thái Ninh (1991), Dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa,
Nxb Sự thật, Hà Nội.
2.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Nxb Chính
trị Quốc gia, Hà Nội.
3.
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ chí Minh
(2014), Giáo trình cao cấp lý luận chính
trị, tập 3 - Chủ nghĩa xã hội khoa học, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội.
4.
Nguyễn Quang Mạnh (2010), Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa: lý luận và thực tiễn,
Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
5.
Đào Trí Úc (2015), Giáo trình Nhà nước pháp quyền, Nxb Đại học Đại học Quốc gia Hà
Nội, Hà Nội.
Chương 5 CƠ CẤU XÃ
HỘI - GIAI CẤP VÀ LIÊN MINH GIAI CẤP, TẦNG LỚP TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ
NGHĨA XÃ HỘI
A. MỤC TIÊU
1.
Về
kiến thức: Sinh viên nắm được những kiến thức nền tảng về cơ cấu xã
hội - giai cấp và liên minh giai cấp, tầng lớp trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội.
2.
Về kỹ
năng: Sinh viên có kỹ năng nhận diện những biến đổi trong cơ cấu xã hội
– giai cấp và nội dung liên minh giai cấp, tầng lớp ở nước ta trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
3.
Về tư
tưởng: Sinh viên nhận thức được về tầm quan trọng và thấy được sự cần
thiết phải góp sức tăng cường xây dựng khối liên minh giai cấp, tầng lớp
vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ
nghĩa ở Việt Nam.
B. NỘI DUNG 1. Cơ cấu xã hội - giai cấp trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội
1.1. Khái niệm và vị trí của cơ cấu xã hội - giai cấp trong cơ cấu
xã hội
Khái niệm cơ cấu xã hội và cơ cấu xã hội - giai cấp
Cơ cấu xã hội là những cộng đồng người cùng toàn
bộ những mối quan hệ xã hội do sự tác động lẫn nhau của các cộng đồng
ấy tạo nên.
Cơ cấu xã hội có nhiều loại, như: cơ cấu xã hội -
dân cư, cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, cơ cấu xã hội - giai cấp, cơ cấu xã
hội - dân tộc, cơ cấu xã hội - tôn giáo, v.v… Dưới góc độ chính trị - xã
hội, môn Chủ nghĩa xã hội khoa học tập trung nghiên cứu cơ cấu xã hội -
giai cấp vì đó là một trong những cơ sở để nghiên cứu vấn đề liên minh
giai cấp, tầng lớp trong một chế độ xã hội nhất định.
Cơ cấu xã hội - giai cấp là hệ thống các giai cấp,
tầng lớp xã hội tồn tại khách quan trong một chế độ xã hội nhất định,
thông qua những mối quan hệ về sở hữu tư liệu sản xuất, về tổ chức quản
lý quá trình sản xuất, về địa vị chính trị - xã hội…giữa các giai cấp và tầng
lớp đó.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cơ cấu
xã hội - giai cấp là tổng thể các giai cấp, tầng lớp, các nhóm xã hội có
mối quan hệ hợp tác và gắn bó chặt chẽ với nhau. Yếu tố quyết định mối
quan hệ đó là họ cùng chung sức cải tạo xã hội cũ và xây dựng xã hội
mới trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Các giai cấp, tầng lớp xã
hội và các nhóm xã hội cơ bản trong cơ cấu xã hội - giai cấp của thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội bao gồm: giai cấp công nhân, giai cấp nông
dân, tầng lớp trí thức, tầng lớp doanh nhân, tầng lớp tiểu chủ, tầng lớp
thanh niên, phụ nữ v.v… Mỗi giai cấp, tầng lớp và các nhóm xã hội này có
những vị trí và vai trò xác định song dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản -
đội tiền phong của giai cấp công nhân cùng hợp lực, tạo sức mạnh tổng hợp
để thực hiện những mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ của thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội, tiến tới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và
chủ nghĩa cộng sản với tư cách là một hình thái kinh tế - xã hội mới
thay thế hình thái kinh tế - xã hội cũ đã lỗi thời.
Vị trí của cơ cấu xã hội - giai cấp trong cơ cấu xã hội
Trong hệ thống xã hội, mỗi loại hình cơ cấu xã hội
đều có vị trí, vai trò xác định và giữa chúng có mối quan hệ, phụ thuộc
lẫn nhau. Song vị trí, vai trò của các loại cơ cấu xã hội không ngang nhau,
trong đó, cơ cấu xã hội - giai cấp có vị trí quan trọng hàng đầu, chi phối
các loại hình cơ cấu xã hội khác vì những lý do cơ bản sau:
Cơ cấu xã hội - giai cấp liên quan đến các đảng phái
chính trị và nhà nước; đến quyền sở hữu tư liệu sản xuất, quản lý tổ
chức lao động, vấn đề phân phối thu nhập… trong một hệ thống sản xuất
nhất định. Các loại hình cơ cấu xã hội khác không có được những mối quan hệ
quan trọng và quyết định này.
Sự biến đổi
của cơ cấu xã hội - giai cấp tất yếu sẽ ảnh hưởng đến sự biến đổi của các
cơ cấu xã hội khác và tác động đến sự biến đổi của toàn bộ cơ cấu xã
hội. Những đặc trưng và xu hướng biến đổi của cơ cấu xã hội – giai cấp
tác động đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, mọi hoạt động xã
hội và mọi thành viên trong xã hội, qua đó thấy rõ thực trạng, qui mô, vai
trò, sứ mệnh và tương lai của các giai cấp, tầng lớp trong sự biến đổi
cơ cấu xã hội và phát triển xã hội. Vì vậy, cơ cấu xã hội – giai cấp là
căn cứ cơ bản để từ đó xây dựng chính sách phát triển kinh tế, văn hóa,
xã hội của mỗi xã hội trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.
Mặc dù cơ cấu xã hội - giai cấp giữ vị trí quan trọng
song không vì thế mà tuyệt đối hóa nó, xem nhẹ các loại hình cơ cấu xã hội
khác, từ đó có thể dẫn đến tùy tiện, muốn xóa bỏ nhanh chóng các giai
cấp, tầng lớp xã hội một cách giản đơn theo ý muốn chủ quan.
1.2. Sự biến đổi có tính qui luật của cơ cấu xã hội – giai cấp trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Cơ cấu xã hội - giai cấp của thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội thường xuyên có những biến đổi mang tính qui luật sau
đây:
Một là, cơ
cấu xã hội - giai cấp biến đổi gắn liền và bị quy định bởi cơ cấu kinh tế
của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Trong một hệ thống sản xuất nhất định, cơ cấu xã
hội - giai cấp thường xuyên biến đổi do tác động của nhiều yếu tố, đặc
biệt là những thay đổi về phương thức sản xuất, về cơ cấu ngành nghề,
thành phần kinh tế, cơ cấu kinh tế, cơ chế kinh tế….
Ph.Ăngghen chỉ rõ: “Trong mọi thời
đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do
sản xuất kinh tế mà ra, - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính
trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy…”[82].
Sau thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ
nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân cùng toàn
thể các giai cấp, tầng lớp xã hội, các nhóm xã hội bước vào thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ mới, cơ cấu kinh tế - tất yếu có
những biến đổi và những thay đổi đó cũng tất yếu dẫn đến những thay đổi
trong cơ cấu xã hội theo hướng phục vụ thiết thực lợi ích của giai cấp
công nhân và nhân dân lao động do Đảng cộng sản lãnh đạo. Cơ cấu kinh tế
trong thời kỳ quá độ tuy vận động theo cơ chế thị trường, song có sự quản
lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhằm xây dựng thành công
chủ nghĩa xã hội.
Ở những nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội với xuất phát điểm thấp, cơ cấu kinh tế sẽ có những biến
đổi đa dạng: từ một cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và công
nghiệp còn ở trình độ sơ khai chuyển sang cơ cấu kinh tế theo hướng tăng
tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp; chuyển từ cơ
cấu vùng lãnh thổ còn chưa định hình sang hình thành các vùng, các trung tâm kinh
tế lớn; chuyển từ cơ cấu lực lượng sản xuất hiện đại nhưng không cân đối,
trình độ công nghệ nhìn chung còn lạc hậu hoặc trung bình chuyển sang phát
triển lực lượng sản xuất với trình độ công nghệ cao, tiên tiến theo xu
hướng ứng dụng những thành quả của cách mạng khoa học và công nghệ hiện
đại, của kinh tế tri thức, kinh tế số, cách mạng công nghiệp lần thứ
tư…, từ đó hình thành những cơ cấu kinh tế mới hiện đại hơn, với trình
độ xã hội hóa cao và đồng bộ hài hòa hơn giữa các vùng, các khu vực,
giữa nông thôn và thành thị, đô thị… Quá trình biến đổi trong cơ cấu kinh tế
đó tất yếu dẫn đến những biến đổi trong cơ cấu xã hội - giai cấp, cả trong
cơ cấu tổng thể cũng như những biến đổi trong nội bộ từng giai cấp, tầng
lớp xã hội, nhóm xã hội. Từ đó, vị trí, vai trò của các giai cấp, tầng
lớp, các nhóm xã hội cũng thay đổi theo. Mặt khác, nền kinh tế thị trường
phát triển mạnh với tính cạnh tranh cao, cộng với xu thế hội nhập ngày
càng sâu rộng khiến cho các giai cấp, tầng lớp xã hội cơ bản trong thời kỳ
này trở nên năng động, có khả năng thích ứng nhanh, chủ động sáng tạo
trong lao động sản xuất để tạo ra những sản phẩm có giá trị, hiệu quả cao và
chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh mới.
Xu hướng biến đổi này diễn ra rất khác nhau ở mỗi
quốc gia khi bắt đầu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do bị qui định
bởi những khác biệt về trình độ phát triển kinh tế, về hoàn cảnh, điều
kiện lịch sử cụ thể của mỗi nước.
Hai là, cơ
cấu xã hội - giai cấp biến đổi phức tạp, đa dạng, làm xuất hiện các tầng
lớp xã hội mới.
Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng, hình thái kinh tế
- xã hội cộng sản chủ nghĩa đã được “thai nghén” từ trong lòng xã hội tư
bản chủ nghĩa, do vậy ở giai đoạn đầu của nó vẫn còn những “dấu vết của
xã hội cũ” được phản ánh “về mọi phương diện - kinh tế, đạo đức, tinh thần”[83].
Bên cạnh những dấu vết của xã hội cũ, xuất hiện những yếu tố của xã hội
mới do giai cấp công nhân và các giai cấp, tầng lớp trong xã hội bắt tay
vào tổ chức xây dựng, do vậy tất yếu sẽ diễn ra sự tồn tại “đan xen” giữa
những yếu tố cũ và yếu tố mới. Đây là vấn đề mang tính qui luật và được
thể hiện rõ nét nhất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Về mặt
kinh tế, đó là còn tồn tại kết cấu kinh tế nhiều thành phần. Chính cái kết
cấu kinh tế đa dạng, phức tạp này dẫn đến những biến đổi đa dạng, phức tạp
trong cơ cấu xã hội – giai cấp mà biểu hiện của nó là trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội còn tồn tại các giai cấp, tầng lớp xã hội khác
nhau. Ngoài giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức, giai
cấp tư sản
(tuy đã bị đánh bại nhưng vẫn còn sức
mạnh - V.I.Lênin) đã xuất hiện sự tồn tại và phát triển của các tầng lớp
xã hội mới như: tầng lớp doanh nhân, tiểu chủ, tầng lớp những người
giàu có và trung lưu trong xã hội…
Ba là, cơ cấu
xã hội - giai cấp biến đổi trong mối quan hệ vừa đấu tranh, vừa liên minh,
từng bước xóa bỏ bất bình đẳng xã hội dẫn đến sự xích lại gần nhau.
Trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ
nghĩa xã hội, cơ cấu xã hội - giai cấp biến đổi và phát triển trong mối
quan hệ vừa có mâu thuẫn, đấu tranh, vừa có mối quan hệ liên minh với
nhau, dẫn đến sự xích lại gần nhau giữa các giai cấp, tầng lớp cơ bản trong
xã hội, đặc biệt là giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp
trí thức. Mức độ liên minh, xích lại gần nhau giữa các giai cấp, tầng lớp
trong xã hội tùy thuộc vào các điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước
trong từng giai đoạn của thời kỳ quá độ. Tính đa dạng và tính độc lập
tương đối của các giai cấp, tầng lớp sẽ diễn ra việc hòa nhập, chuyển
đổi bộ phận giữa các nhóm xã hội và có xu hướng tiến tới từng bước xóa
bỏ dần tình trạng bóc lột giai cấp trong xã hội, vươn tới những giá trị
công bằng, bình đẳng. Đây là một quá trình lâu dài thông qua những cải biến
cách mạng toàn diện của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là xu
hướng tất yếu và là biện chứng của sự vận động, phát triển cơ cấu xã
hội - giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Trong cơ cấu xã hội - giai cấp ấy,
giai cấp công nhân, lực lượng tiêu biểu cho phương thức sản xuất mới giữ
vai trò chủ đạo, tiên phong trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa
đất nước, cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới. Vai trò chủ đạo của
giai cấp công nhân còn được thể hiện ở sự phát triển mối quan hệ liên
minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức ngày
càng giữ vị trí nền tảng chính trị - xã hội, từ đó tạo nên sự thống nhất
của cơ cấu xã hội - giai cấp trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội.
2. Liên minh giai cấp, tầng lớp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội
Khi nghiên cứu thực tiễn các phong trào đấu tranh
của giai cấp công nhân chống lại sự áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản ở
châu Âu, nhất là ở nước Anh và nước Pháp từ giữa thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăngghen đã nêu ra nhiều
lý luận nền tảng định hướng cho cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đi
đến thắng lợi, trong đó lý luận về liên minh công, nông và các tầng lớp
lao động khác đã được các ông khái quát thành vấn đề mang tính nguyên tắc.
Các ông đã chỉ ra rằng, nhiều cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân ở
những nước này thất bại chủ yếu là do giai cấp công nhân “đơn độc” vì đã
không tổ chức liên minh với “người bạn đồng minh tự nhiên” của mình là
giai cấp nông dân. Do vậy, các cuộc đấu tranh đó đã trở thành những “bài
đơn ca ai điếu”[84]. Như vậy, xét
dưới góc độ chính trị, trong một chế độ xã hội nhất định, chính cuộc
đấu tranh giai cấp của các giai cấp có lợi ích đối lập nhau đặt ra nhu cầu
tất yếu khách quan mỗi giai cấp đứng ở vị trí trung tâm đều phải tìm cách
liên minh với các giai cấp, tầng lớp xã hội khác có những lợi ích phù hợp
với mình để tập hợp lực lượng thực hiện những nhu cầu và lợi ích chung -
đó là quy luật mang tính phổ biến và là động lực lớn cho sự phát triển
của các xã hội có giai cấp. Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, dưới sự
lãnh đạo của Đảng Cộng sản, giai cấp công nhân phải liên minh với giai cấp
nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động để tạo sức mạnh tổng hợp đảm
bảo cho thắng lợi của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa cả trong giai đoạn
giành chính quyền và giai đoạn xây dựng chế độ xã hội mới.
Vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của
C.Mác và Ph.Ăngghen trong giai đoạn chủ nghĩa tư bản đã phát triển cao,
bước sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, V.I.Lênin cũng khẳng định liên minh
công, nông là vấn đề mang tính nguyên tắc để đảm bảo cho thắng lợi của
cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga năm 1917. V.I.Lênin chỉ
rõ: “Nếu không liên minh với nông dân thì không thể có được chính quyền
của giai cấp vô sản, không thể nghĩ được đến việc duy trì chính quyền
đó... Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính là duy trì khối liên minh giữa
giai cấp vô sản và nông dân để giai cấp vô sản có thể giữ được vai trò lãnh
đạo và chính quyền nhà nước”[85].
Trên thực tế, trong bước đầu của
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin đã chủ trương mở rộng
khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và các tầng lớp
xã hội khác. Ông xem đây là một hình thức liên minh đặc biệt không chỉ trong giai đoạn dành chính quyền,
mà phải được đảm bảo trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
V.I.Lênin chỉ rõ: “Chuyên chính vô sản là một hình thức đặc biệt của liên
minh giai cấp giữa giai cấp vô sản, đội tiền phong của những người lao
động, với đông đảo những tầng lớp lao động không phải vô sản (tiểu tư sản,
tiểu chủ, nông dân, trí thức, v.v…), hoặc với phần lớn những tầng lớp
đó, liên minh nhằm chống lại tư bản,
liên minh nhằm lật đổ hoàn toàn tư
bản, tiêu diệt hoàn toàn sự chống cự của giai cấp tư sản và những mưu toan
khôi phục của giai cấp ấy, nhằm thiết lập và củng cố vĩnh viễn chủ
nghĩa xã hội”[86].
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, giai
cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp lao động khác vừa là lực lượng
sản xuất cơ bản, vừa là lực lượng chính trị - xã hội to lớn. Nếu thực hiện
tốt khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và các tầng
lớp nhân dân lao động khác, trong đó trước hết là với trí thức thì không
những xây dựng được cơ sở kinh tế vững mạnh mà chế độ chính trị xã hội chủ
nghĩa cũng ngày càng được củng cố vững chắc. Khẳng định vai trò của trí
thức trong khối liên minh, V.I.Lênin viết: “Trước sự liên minh của các đại
biểu khoa học, giai cấp vô sản và giới kỹ thuật, không một thế lực đen
tối nào đứng vững được”[87].
Xét từ góc độ
kinh tế, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - tức là cách
mạng đã chuyển sang giai đoạn mới, cùng với tất yếu chính trị - xã hội,
tính tất yếu kinh tế của liên minh lại nổi lên với tư cách là nhân tố
quyết định nhất cho sự thắng lợi hoàn toàn của chủ nghĩa xã hội. Liên
minh này được hình thành xuất phát từ yêu cầu khách quan của quá trình đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ một
nền sản xuất nhỏ nông nghiệp là chính sang sản xuất hàng hóa lớn, phát
triển công nghiệp, dịch vụ và khoa học - công nghệ…, xây dựng nền tảng
vật chất - kỹ thuật cần thiết cho chủ nghĩa xã hội. Mỗi lĩnh vực của
nền kinh tế chỉ phát triển được khi gắn bó chặt chẽ, hỗ trợ cho nhau để
cùng hướng tới phục vụ phát triển sản xuất và tạo thành nền cơ cấu kinh
tế quốc dân thống nhất. Chính những biến đổi trong cơ cấu kinh tế này đã
và đang từng bước tăng cường khối liên minh giữa giai cấp công nhân với
giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức và các tầng lớp xã hội khác.
Việc hình thành khối liên minh giai cấp công nhân
với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức cũng xuất phát từ chính nhu cầu
và lợi ích kinh tế của họ nên các chủ thể của các lĩnh vực công nghiệp,
nông nghiệp, dịch vụ, khoa học và công nghệ… tất yếu phải gắn bó, liên minh
chặt chẽ với nhau để cùng thực hiện những nhu cầu và lợi ích kinh tế chung
của mình. Song quan hệ lợi ích giữa công nhân, nông dân và trí thức cũng có
những biểu hiện mới, phức tạp: bên cạnh sự thống nhất về lợi ích kinh
tế, xuất hiện những mâu thuẫn lợi ích ở những mức độ khác nhau. Điều này
có ảnh hưởng nhất định đến sự đoàn kết, thống nhất của khối liên minh. Do
vậy, quá trình thực hiện liên minh giai cấp, tầng lớp, đồng thời là quá trình
liên tục phát hiện ra mâu thuẫn và có giải pháp kịp thời, phù hợp để giải
quyết mâu thuẫn nhằm tạo sự đồng thuận và tạo động lực thúc đẩy quá
trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đồng thời tăng cường khối
liên minh ngày càng bền chặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản của giai
cấp công nhân.
Như vậy, liên minh giai cấp, tầng lớp trong thời kỳ
quá độ lên chủ nghĩa xã hội là sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ nhau… giữa
các giai cấp, tầng lớp xã hội nhằm thực hiện nhu cầu và lợi ích của các
chủ thể trong khối liên minh, đồng thời tạo động lực thực hiện thắng
lợi mục tiêu của chủ nghĩa xã hội.
3. Cơ cấu xã hội - giai cấp và liên minh giai cấp, tầng lớp trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
3.1. Cơ cấu xã hội - giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam
Sau thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân, đánh đuổi thực dân đế quốc và thống nhất đất nước, cả nước
bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong thời kỳ này, cơ
cấu xã hội - giai cấp ở Việt Nam có những đặc điểm nổi bật sau:
- Sự
biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp vừa đảm bảo tính qui luật phổ biến, vừa mang tính đặc thù của xã hội Việt Nam
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước
ta, cơ cấu xã hội - giai cấp cũng vận động, biến đổi theo đúng qui luật:
đó là sự biến đổi của cơ cấu xã hội - giai cấp bị chi phối bởi những
biến đổi trong cơ cấu kinh tế. Từ Đại hội VI (1986), dưới sự lãnh đạo của
Đảng, Việt Nam chuyển mạnh sang cơ chế thị trường phát triển kinh tế nhiều
thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa. Sự chuyển đổi trong cơ cấu kinh
tế đã dẫn đến những biến đổi trong cơ cấu xã hội - giai cấp với việc hình
thành một cơ cấu xã hội - giai cấp đa dạng thay thế cho cơ cấu xã hội đơn
giản gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức của thời
kỳ trước đổi mới. Sự biến đổi phức tạp, đa dạng của cơ cấu xã hội -
giai cấp Việt Nam diễn ra trong nội bộ từng giai cấp, tầng lớp cơ bản của
xã hội; thậm chí có sự chuyển hóa lẫn nhau giữa các giai cấp, tầng lớp xã
hội, đồng thời xuất hiện những tầng lớp xã hội mới. Chính những biến đổi
mới này cũng là một trong những yếu tố có tác động trở lại làm cho nền
kinh tế đất nước phát triển trở nên năng động, đa dạng hơn và trở thành
động lực góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa
xã hội.
- Trong
sự biến đổi của cơ cấu xã hội - giai cấp, vị trí, vai trò của các giai
cấp, tầng lớp xã hội ngày càng được khẳng định
Cơ cấu xã hội - giai cấp của Việt Nam ở thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội bao gồm những giai cấp, tầng lớp cơ bản sau:
Giai cấp công
nhân Việt Nam có vai trò quan trọng đặc biệt, là giai cấp lãnh đạo cách
mạng thông qua đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam; đại diện cho
phương thức sản xuất tiên tiến; giữ vị trí tiên phong trong sự nghiệp xây
dựng chủ nghĩa xã hội, là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp
hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh và là lực lượng nòng cốt trong liên minh giai cấp công
nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức[88].
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nhiệm
vụ trung tâm là phát triển kinh tế, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại
hóa. Giai cấp công nhân - lực lượng đi đầu của quá trình này sẽ có những biến
đổi nhanh cả về số lượng, chất lượng và có sự thay đổi đa dạng về cơ cấu.
Sự đa dạng của giai cấp công nhân không chỉ phát triển theo thành phần kinh
tế mà còn phát triển theo ngành nghề. Bộ phận “công nhân hiện đại”, “công
nhân tri thức” sẽ ngày càng lớn mạnh. Trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ
năng nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật lao động, tác phong công
nghiệp của công nhân cũng ngày càng được nâng lên nhằm đáp ứng yêu cầu
của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với kinh tế tri thức và
cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) đang có xu hướng phát triển mạnh.
Bên cạnh đó, sự phân hóa giàu - nghèo trong nội bộ công nhân cũng ngày
càng rõ nét. Một bộ phận công nhân thu nhập thấp, giác ngộ ý thức chính
trị giai cấp chưa cao và còn nhiều khó khăn về mọi mặt vẫn tồn tại.
Giai cấp nông dân
cùng với nông nghiệp, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công
nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông
thôn mới, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan
trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị,
đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và
bảo vệ môi trường sinh thái; là chủ thể của quá trình phát triển, xây
dựng nông thôn mới gắn với xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ và
phát triển đô thị theo quy hoạch; phát triển toàn diện, hiện đại hóa nông
nghiệp…1.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, giai
cấp nông dân cũng có sự biến đổi, đa dạng về cơ cấu giai cấp; có xu hướng
giảm dần về số lượng và tỉ lệ trong cơ cấu xã hội - giai cấp. Một bộ
phận nông dân chuyển sang lao động trong các khu công nghiệp, hoặc dịch vụ
có tính chất công nghiệp và trở thành công nhân. Trong giai cấp nông dân xuất
hiện những chủ trang trại lớn, đồng thời vẫn còn những nông dân mất
ruộng đất, nông dân đi làm thuê…và sự phân hóa giàu nghèo trong nội bộ
nông dân cũng ngày càng rõ.
Đội ngũ trí
thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến
trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc
tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến,
đậm đà bản sắc dân tộc; là lực lượng trong khối liên minh. Xây dựng đội
ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức
mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Ðảng
và chất lượng hoạt động của hệ thống
chính trị2.
Hiện nay, cùng với yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức trong điều kiện khoa
học - công nghệ và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ
thì vai trò của đội ngũ trí thức càng trở nên quan trọng.
Đội ngũ doanh
nhân. Hiện nay ở Việt Nam, đội ngũ doanh nhân đang phát triển nhanh cả
về số lượng và qui mô với vai trò không ngừng tăng lên. Đây là tầng lớp xã
hội đặc biệt được Đảng ta chủ trương xây dựng thành một đội ngũ vững
mạnh. Trong đội ngũ doanh nhân có các doanh nhân với tiềm lực kinh tế
lớn, có những doanh nhân vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế khác nhau,
đội ngũ này đang đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển
kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và tham gia giải
quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
Vì vậy, xây dựng đội ngũ doanh nhân
lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích
cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền
vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế…[89].
Phụ nữ là
một lực lượng quan trọng và đông đảo trong đội ngũ những người lao động
tạo dựng nên xã hội và đóng góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng
chủ nghĩa xã hội. Phụ nữ thể hiện vai trò quan trọng của mình trong mọi
lĩnh vực của đời sống xã hội và trong gia đình. Ở bất cứ thời đại nào, quốc gia, dân tộc
nào, phụ nữ cũng phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức vươn lên đóng
góp tích cực vào các hoạt động xã hội, duy trì ảnh hưởng của mình trên
nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Đội ngũ thanh
niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là
lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chăm lo, phát triển
thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và
phát triển vững bền của đất nước. Tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức
cách mạng, lối sống văn hóa, ý thức công dân cho thanh niên, nhất là học
sinh, sinh viên để hình thành thế hệ thanh niên có phẩm chất tốt đẹp, có khí
phách và quyết tâm hành động thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá2, có trách nhiệm với sự nghiệp bảo vệ Tổ
quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Tóm lại, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam, các giai cấp, tầng lớp xã hội biến đổi liên tục trong
nội tại mỗi giai cấp, tầng lớp, hoặc xuất hiện thêm các nhóm xã hội mới.
Trong quá trình này, cần phải có những giải pháp sát thực, đồng bộ và tác
động tích cực để các giai cấp, tầng lớp có thể khẳng định vị trí xứng
đáng và
phát huy đầy đủ, hiệu quả vai trò
của mình trong cơ cấu xã hội và trong sự nghiệp phát triển đất nước theo
định hướng xã hội chủ nghĩa.
3.2. Liên minh giai cấp, tầng lớp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội ở Việt Nam
Trên cơ sở những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác
- Lênin về liên minh giai cấp, tầng lớp, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch
Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng liên minh giai cấp công
nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức đã được hình thành từ rất
sớm ở nước ta và được khẳng định qua các kỳ Đại hội của Đảng. Tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Đại đoàn kết
toàn dân tộc là đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam, là động
lực và nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường
khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân
với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo”[90].
3.2.1. Nội dung của liên minh giai cấp, tầng lớp trong thời kỳ quá độ
lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, việc
tổ chức khối liên minh vững mạnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để
thực hiện những nội dung cơ bản của liên minh.
Nội dung kinh tế của liên minh
Đây là nội dung cơ bản quyết định nhất, là cơ sở
vật chất – kỹ thuật của liên minh trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội. Khi bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, V.I.Lênin chỉ
rõ nội dung cơ bản nhất của thời kỳ này là: chính trị đã chuyển trọng tâm
sang chính trị trong lĩnh vực kinh tế,
đấu tranh giai cấp mang những nội dung và hình thức mới[91].
Nội dung này cần thực hiện nhằm thỏa mãn các nhu cầu, lợi ích kinh tế
thiết thân của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí và các
tầng lớp khác trong xã hội, nhằm tạo cơ sở vật chất – kỹ thuật cần thiết
cho chủ nghĩa xã hội.
Nội dung kinh tế của liên minh giai cấp công nhân với
giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức ở nước ta thực chất là sự hợp tác
giữa họ, đồng thời mở rộng liên kết hợp tác với các lực lượng khác, đặc
biệt là đội ngũ doanh nhân… để xây dựng nền kinh tế mới xã hội chủ
nghĩa hiện đại. Nhiệm vụ và cũng là nội dung kinh tế xuyên suốt của
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là: “Phát triển kinh tế
nhanh và bền vững;… giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng
trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú
trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với xây
dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình độ khoa
học, công nghệ của các ngành, các lĩnh vực; nâng cao
năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức
cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tham
gia có hiệu quả vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Tiếp tục hoàn
thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa…”[92].
Dưới góc độ kinh tế, xác định đúng tiềm lực kinh
tế và nhu cầu kinh tế của công nhân, nông dân, trí thức và toàn xã hội, trên
cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư và tổ chức triển khai các hoạt động
kinh tế đúng trên tinh thần đảm bảo lợi ích của các bên và tránh sự đầu tư
không hiệu quả, lãng phí. Xác định đúng cơ cấu kinh tế
(của cả nước, của ngành, địa
phương, cơ sở sản xuất, v.v.), từ đó, các địa phương, cơ sở, vận dụng linh
hoạt và phù hợp vào địa phương mình, ngành mình để xác định cơ cấu kinh tế
cho đúng.
Tổ chức các hình thức giao lưu, hợp tác, liên kết
kinh tế giữa công nghiệp - nông nghiệp - khoa học và công nghệ - dịch vụ…;
giữa các ngành kinh tế; các thành phần kinh tế, các vùng kinh tế; giữa trong
nước và quốc tế… để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho
công nhân, nông dân, trí thức và toàn xã hội. Chuyển giao và ứng dụng khoa
học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại, nhất là công nghệ cao vào quá trình
sản xuất kinh doanh nông nghiệp và công nghiệp, dịch vụ nhằm gắn kết chặt
chẽ các lĩnh vực kinh tế cơ bản của quốc gia, qua đó gắn bó chặt chẽ công
nhân, nông dân, trí thức và các lực lượng khác trong xã hội làm cơ sở kinh
tế - xã hội cho sự phát triển của quốc gia.
Nội dung chính trị của liên minh
Khối liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp
nông dân và tầng lớp trí thức cần thực hiện nhằm tạo cơ sở chính trị - xã
hội vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân, tạo thành sức mạnh tổng hợp
vượt qua mọi khó khăn thử thách và đập tan mọi âm mưu chống phá sự
nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời bảo vệ vững chắc Tổ
quốc xã hội chủ nghĩa.
Ở nước ta, nội dung chính trị của liên minh thể
hiện ở việc giữ vững lập trường chính trị - tư tưởng của giai cấp công
nhân, đồng thời giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối
với khối liên minh và đối với toàn xã hội để xây dựng và bảo vệ vững
chắc chế độ chính trị, giữ vững độc lập dân tộc và định hướng đi lên
chủ nghĩa xã hội.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội vẫn còn tồn tại những hệ tư tưởng cũ, những phong tục tập
quán cũ lạc hậu; các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách chống phá chính
quyền cách mạng, chống phá chế độ mới, vì vậy trên lập trường tư tưởng -
chính trị của giai cấp công nhân, để thực hiện liên minh giai cấp, tầng
lớp, phải “hoàn thiện, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm
chủ của nhân dân; không ngừng củng cố, phát huy sức mạnh của khối đại
đoàn kết toàn dân tộc; tăng cường sự đồng thuận
xã hội…”[93],
“Xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường
bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, sức chiến đấu, phát huy
truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng…”[94].
Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đảm bảo các lợi ích chính trị, các
quyền dân chủ, quyền công dân, quyền làm chủ, quyền con người của công
nhân, nông dân, trí thức và của nhân dân lao động, từ đó, thực hiện
quyền lực thuộc về nhân dân. Động viên các lực lượng trong khối liên
minh gương mẫu chấp hành đường lối chính trị của Đảng; pháp luật và chính
sách của nhà nước; sẵn sàng tham gia chiến đấu bảo vệ những thành quả cách
mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh
chống mọi biểu hiện tiêu cực và âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế
lực thù địch và phản động.
Nội dung văn hóa xã hội của liên minh
Tổ chức liên minh để các lực lượng dưới sự lãnh
đạo của Đảng cùng nhau xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa, giá trị văn hóa của
nhân loại và thời đại.
Nội dung văn hoá, xã hội của liên minh giai cấp,
tầng lớp đòi hỏi phải đảm bảo “gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn
hóa, phát triển, xây dựng con người và thực hiện tiến bộ, công bằng xã
hội”[95].
Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng
đến chân – thiện – mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và
khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã
hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và
bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh”[96].
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xoá đói giảm
nghèo; thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với công nhân, nông dân,
trí thức và các tầng lớp nhân dân; chăm sóc sức khoẻ và nâng cao chất lượng
sống cho nhân dân; nâng cao dân trí, thực hiện tốt an sinh xã hội. Đây là
nội dung cơ bản, lâu dài tạo điều kiện cho liên minh giai cấp, tầng lớp phát
triển bền vững.
3.2.2. Phương hướng cơ bản để xây dựng cơ cấu xã hội - giai cấp và
tăng cường liên minh giai cấp, tầng lớp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội ở Việt Nam
Một là, đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng
trưởng kinh tế với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội tạo môi trường và
điều kiện thúc đẩy biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp theo hướng tích
cực.
Cơ cấu xã hội muốn biến đổi theo hướng tích cực phải
dựa trên cơ sở tăng trưởng
và phát triển kinh tế nhanh, bền
vững. Bởi vì chỉ có một nền kinh tế phát triển năng động, hiệu quả, dựa
trên sự phát triển của khoa học công nghệ hiện đại mới có khả năng huy
động các nguồn lực cho phát triển xã hội một cách thường xuyên và bền
vững. Vì vậy, cần tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông
nghiệp sang phát triển công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa đất nước gắn với kinh tế tri thức để tạo môi trường, điều
kiện và động lực thúc đẩy sự biến đổi cơ cấu xã hội theo hướng ngày
càng phù hợp và tiến bộ hơn.
Tăng trưởng kinh
tế gắn với phát triển văn hóa, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và bảo
vệ tài nguyên môi trường là cơ sở và điều kiện thuận lợi cho những biến
đổi tích cực của cơ cấu xã hội, đồng thời hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực
của nó đến biến đổi cơ cấu xã hội, nhất là cơ cấu xã hội - giai cấp. Quan
tâm thích đáng và phù hợp với mỗi giai cấp, tầng lớp trong xã hội, đặc
biệt là với tầng lớp yếu thế của xã hội. Tạo ra cơ hội công bằng cho mọi
thành phần xã hội để tiếp cận đến sự phát triển về sở hữu tư liệu sản
xuất, về giáo dục, y tế, các chính sách an sinh xã hội v.v…
Hai là, xây
dựng và thực hiện hệ thống chính sách xã hội tổng thể nhằm tác động
tạo sự biến đổi tích cực cơ cấu xã hội, nhất là các chính sách liên quan
đến cơ cấu xã hội - giai cấp.
Trong hệ thống chính sách xã hội, các chính sách
liên quan đến cơ cấu xã hội - giai cấp cần được đặt lên vị trí hàng đầu. Các
chính sách này không chỉ liên quan đến từng giai cấp, tầng lớp trong xã hội,
mà còn chú ý giải quyết tốt mối quan hệ trong nội bộ từng giai cấp, tầng
lớp cũng như mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp với nhau để hướng
tới đảm bảo công bằng xã hội, thu hẹp dần khoảng cách phát triển và sự
phân hóa giàu nghèo giữa các giai cấp, tầng lớp, hoặc trong nội bộ từng giai
cấp, tầng lớp xã hội. Cần có sự quan tâm thích đáng và phù hợp đối với
mỗi giai cấp, tầng lớp trong xã hội. Cụ thể:
Đối với giai cấp công nhân, quan tâm giáo dục, đào
tạo, bồi dưỡng phát triển cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh
chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong
công nghiệp, kỷ luật lao động; bảo đảm việc làm, nâng cao thu nhập, cải
thiện điều kiện làm việc, nhà ở, các công trình phúc lợi phục vụ công
nhân; sửa đổi bổ sung các chính sách, pháp luật về tiền lương, bảo hiểm
xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,… để bảo vệ quyền lợi, nâng
cao đời sống vật chất và tinh thần của công nhân.
Đối với giai cấp nông dân, xây dựng và phát huy vai
trò chủ thể của họ trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông
thôn mới. Hỗ trợ, khuyến khích nông dân học nghề, chuyển dịch cơ cấu lao
động, tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, tạo điều kiện
thuận lợi để nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ. Nâng cao
năng suất lao động trong nông nghiệp, mở rộng và nâng cao chất lượng cung
ứng các dịch vụ cơ bản về điện, nước sạch, y tế, giáo dục, thông tin…,
cải thiện chất lượng cuộc sống của dân cư nông thôn; thực hiện có hiệu
quả và bền vững công cuộc xóa đói giảm nghèo, khuyến khích làm giàu hợp
pháp.
Đối với đội ngũ trí thức, xây dựng đội ngũ ngày
càng lớn mạnh, chất lượng cao. Tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong
hoạt động nghiên cứu, sáng tạo. Trọng dụng trí thức trên cơ sở đánh giá
đúng phẩm chất, năng lực và kết quả cống hiến. Bảo vệ quyền sở hữu trí
tuệ, đãi ngộ và tôn vinh xứng đáng những cống hiến của họ. Có cơ chế,
chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài xây dựng đất nước.
Đối với đội ngũ doanh nhân, tạo cơ chế, môi trường
thuận lợi cho doanh nhân phát triển cả về số lượng và chất lượng, có
trình độ quản lý, kinh doanh giỏi, có đạo đức nghề nghiệp và trách
nhiệm xã hội cao. Có cơ chế, chính sách đảm bảo quyền lợi của đội ngũ
doanh nhân. Tôn vinh những doanh nhân có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát
triển đất nước.
Đối với phụ nữ, nâng cao trình độ mọi mặt và đời
sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo
điều kiện và cơ hội cho phụ nữ phát triển toàn diện, phát triển tài
năng, thực hiện tốt vai trò của mình. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện
luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội
để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; tăng tỉ lệ phụ nữ tham gia
vào cấp ủy và bộ máy quản lý các cấp. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn
xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán,
xâm hại nhân phẩm phụ nữ[97].
Đối với thế hệ trẻ, đổi mới nội dung, phương
thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý
tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý
thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Tạo môi
trường và điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ học tập, nghiên cứu, lao
động, giải trí, phát triển trí tuệ, kỹ năng, thể lực. Khuyến khích thanh
niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học,
công nghệ hiện đại. Phát huy vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc[98].
Ba là, tạo sự
đồng thuận và phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất giữa các lực lượng
trong khối liên minh và toàn xã hội.
Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khối liên
minh, của việc phát huy vai trò của mọi thành phần trong cơ cấu xã hội - giai
cấp, từ đó xây dựng chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp với từng
đối tượng để tạo động lực và tạo sự đồng thuận xã hội.
Tiếp tục giải quyết tốt các mâu thuẫn, các khác biệt và
phát huy sự thống nhất
trong các giai cấp, tầng lớp xã hội
nhằm tạo sự đồng thuận, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện sự nghiệp
đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu vì một nước
Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Bốn là, hoàn
thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh
phát triển khoa học và công nghệ, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi
để phát huy vai trò của các chủ thể trong khối liên minh.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các giai
cấp, tầng lớp xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất
nước; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế tri thức, nâng cao trình
độ khoa học, công nghệ của các ngành, lĩnh vực là phương thức căn bản và
quan trọng để thực hiện và tăng cường liên minh giai cấp công nhân với
giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức ở Việt Nam hiện nay.
Đẩy mạnh nghiên cứu sáng tạo và ứng dụng các thành
tựu của khoa học- công nghệ hiện đại, những thành tựu mới của cách mạng
công nghiệp lần thứ tư trong tất cả các ngành, nhất là trong lĩnh vực sản
xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ… làm cơ sở vững chắc cho sự phát
triển của nền kinh tế thống nhất. Để thực hiện tốt giải pháp này, vai
trò của đội ngũ trí thức, của đội ngũ doanh nhân là rất quan trọng.
Năm là, đổi
mới hoạt động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm tăng
cường khối liên minh giai cấp, tầng lớp và xây dựng khối đại đoàn kết
toàn dân.
Nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt
Nam đối với tăng cường liên minh giai cấp, tầng lớp và mở rộng khối đại
đoàn kết toàn dân, phát triển bền vững đất nước.
Nâng cao chất lượng hoạt động của Nhà nước theo
hướng tinh giản, hiệu quả, Xây dựng Nhà nước phục vụ, kiến tạo phát triển
nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho tất cả các thành viên
trong xã hội được phát triển một cách công bằng trước pháp luật. Mọi
chính sách, pháp luật của Nhà nước phải nhằm phục vụ, bảo vệ và vì lợi
ích căn bản chính đáng của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động
của Mặt trận Tổ quốc với việc tăng cường khối liên minh giai cấp, tầng
lớp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Mặt Trận Tổ quốc thường
xuyên giữ mối liên hệ và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức Công đoàn,
Hội nông dân, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam, các hoạt
động của đội ngũ doanh nhân… Trong liên minh cần đặc biệt chú trọng hình
thức liên minh của thế hệ trẻ. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội
Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cần chủ động hướng dẫn các hình thức hoạt
động, các phong trào thi đua yêu nước, phát huy tài năng sáng tạo của tuổi
trẻ vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
C. CÂU HỎI ÔN TẬP
1.
Phân tích rõ cơ cấu xã hội - giai cấp trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và liên hệ ở Việt Nam?
2.
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
vì sao phải thực hiện liên minh giai cấp, tầng lớp? Phân tích vị trí, vai
trò của các giai cấp, tầng lớp cơ bản trong cơ cấu xã hội - giai cấp Việt
nam?
3.
Phân tích nội dung của liên minh giai cấp,
tầng lớp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và đề
xuất phương hướng, giải pháp nhằm tăng cường khối liên minh giai cấp, tầng
lớp ở nước ta hiện nay?
4.
Làm rõ trách nhiệm của thanh niên, sinh viên
trong việc góp phần củng cố khối liên minh giai cấp, tầng lớp và xây dựng
khối đại đoàn kết toàn dân?
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội
nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội.
2.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2008), Văn kiện Hội
nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb Chính trị quốc gia,
Hà Nội.
3.
Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng
đất trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển
2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
4.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,
tr.156-166.
5.
Tạ Ngọc Tấn (Chủ biên) (2010), Một số vấn đề
về biến đổi cơ cấu xã hội Việt Nam hiện nay, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà
Nội.
Chương 6
VẤN ĐỀ DÂN
TỘC VÀ TÔN GIÁO TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
A. MỤC TIÊU
Về kiến thức:
Sinh viên nắm được quan điểm cơ bản chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề dân
tộc, tôn giáo; mối quan hệ dân tộc và tôn giáo và nội dung chính sách
dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tầm quan trọng của vấn
đề dân tộc, tôn giáo đối với sự nghiệp cách mạng của toàn dân ta dưới
sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về kỹ năng: Sinh
viên rèn luyện kỹ năng tư duy và năng lực vận dụng những nội dung đã
học để phân tích, giải thích những vấn đề trong thực tiễn một cách khách
quan, có cơ sở khoa học.
Về tư tưởng:
Sinh viên thấy rõ tính khoa học trong quan điểm và cách thức giải quyết vấn
đề dân tộc, tôn giáo của chủ nghĩa Mác – Lênin, của Đảng Cộng sản Việt
Nam; từ đó xác định trách nhiệm của bản thân góp phần tuyên truyền và
thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo của
Đảng, Nhà nước.
B. NỘI DUNG
1. Dân tộc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
1.1.
Chủ nghĩa Mác – Lênin về dân tộc Khái
niệm, đặc trưng cơ bản của dân tộc
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, dân tộc
là quá trình phát triển lâu dài của xã hội loài người, trải qua các hình
thức cộng đồng từ thấp đến cao, bao gồm: thị tộc, bộ lạc, bộ tộc, dân
tộc. Sự biến đổi của phương thức sản xuất chính là nguyên nhân quyết
định sự biến đổi của cộng đồng dân tộc.
Ở phương Tây, dân tộc xuất hiện khi phương thức sản
xuất tư bản chủ nghĩa được xác lập thay thế phương thức sản xuất phong
kiến. Ở phương Đông, dân tộc được hình thành trên cơ sở một nền văn hoá,
một tâm lý dân tộc đã phát triển tương đối chín muồi và một cộng
đồng kinh tế tuy đã đạt tới một mức độ nhất định song nhìn chung còn
kém phát triển và ở trạng thái phân tán.
Dân tộc được hiểu theo hai nghĩa
cơ bản:
Thứ nhất: Dân
tộc (nation) hay quốc gia dân tộc là cộng đồng chính trị - xã hội có
những đặc trưng cơ bản sau đây:
- Có chung phương thức sinh hoạt kinh tế. Đây là đặc trưng quan trọng nhất
của dân tộc và là cơ sở liên kết các bộ phận, các thành viên của dân
tộc, tạo nên nền tảng vững chắc của dân tộc.
- Có lãnh thổ chung ổn định không bị chia
cắt, là địa bàn sinh tồn và phát triển của cộng đồng dân tộc. Khái
niệm lãnh thổ bao gồm cả vùng đất, vùng biển, hải đảo, vùng trời
thuộc chủ quyền của quốc gia dân tộc và thường được thể chế hoá thành
luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế. Vận mệnh dân tộc một phần rất
quan trọng gắn với việc xác lập và bảo vệ lãnh thổ quốc gia dân tộc.
- Có sự quản lý của một nhà nước, nhà nước - dân tộc độc
lập.
- Có ngôn ngữ chung của quốc gia làm công
cụ giao tiếp trong xã hội và trong cộng đồng (bao gồm cả ngôn ngữ nói và
ngôn ngữ viết).
- Có nét tâm lý biểu hiện qua nền văn
hóa dân tộc và tạo nên bản sắc riêng của nền văn hóa dân tộc. Đối với
các quốc gia có nhiều tộc người thì tính thống nhất trong đa dạng văn
hóa là đặc trưng của nền văn hoá dân tộc.
Thứ hai: Dân tộc
– tộc người (ethnies). Ví dụ dân tộc Tày, Thái, Ê Đê… ở Việt Nam hiện
nay.
Theo nghĩa này, dân tộc là cộng đồng người được
hình thành lâu dài trong lịch sử và có ba đặc trưng cơ bản sau:
- Cộng
đồng về ngôn ngữ (bao gồm ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết; hoặc chỉ riêng ngôn
ngữ nói). Đây là tiêu chí cơ bản để phân biệt các tộc người khác nhau và
là vấn đề luôn được các dân tộc coi trọng giữ gìn. Tuy nhiên, trong quá trình
phát triển tộc người vì nhiều nguyên nhân khác nhau, có những tộc người
không còn ngôn ngữ mẹ đẻ mà sử dụng ngôn ngữ khác làm công cụ giao
tiếp.
- Cộng
đồng về văn hóa. Văn hóa bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể ở mỗi
tộc người phản ánh truyền thống, lối sống, phong tục, tập quán, tín
ngưỡng, tôn giáo của tộc người đó. Lịch sử phát triển của các tộc
người gắn liền với truyền thống văn hóa của họ. Ngày nay, cùng với xu
thế giao lưu văn hóa vẫn song song tồn tại xu thế bảo tồn và phát huy bản
sắc văn hóa của mỗi tộc người.
- Ý
thức tự giác tộc người. Đây là tiêu chí quan trọng nhất để phân định
một tộc người và có vị trí quyết định đối với sự tồn tại và phát triển
của mỗi tộc người. Đặc trưng nổi bật là các tộc người luôn tự ý thức
về nguồn gốc, tộc danh của dân tộc mình; đó còn là ý thức tự khẳng
định sự tồn tại và phát triển của mỗi tộc người dù cho có những tác động
làm thay đổi địa bàn cư trú, lãnh thổ, hay tác động ảnh hưởng của giao
lưu kinh tế, văn hóa… Sự hình thành và phát triển của ý thức tự giác tộc
người liên quan trực tiếp đến các yếu tố của ý thức, tình cảm, tâm lý tộc
người.
Ba tiêu chí này tạo nên sự ổn định trong mỗi tộc người
trong quá trình phát triển.
Đồng thời căn cứ vào ba tiêu chí
này để xem xét và phân định các tộc người ở Việt Nam hiện nay.
Trong một
quốc gia có nhiều tộc người, căn cứ vào số lượng của mỗi cộng đồng,
người ta phân thành tộc người đa số và tộc người thiểu số. Cách gọi
này không căn cứ vào trình độ phát triển của mỗi cộng đồng.
Như vậy, khái niệm dân tộc cần phải được hiểu theo
hai nghĩa khác nhau. Thực chất, hai vấn đề này tuy khác nhau nhưng lại gắn
bó rất mật thiết với nhau và không thể tách rời nhau.
Hai xu hướng khách quan của sự phát triển quan hệ dân tộc
Nghiên cứu vấn đề dân tộc, V.I.Lênin phát hiện ra
hai xu hướng khách quan trong sự phát triển quan hệ dân tộc.
Xu hướng thứ
nhất, cộng đồng dân cư muốn tách ra để hình thành cộng đồng dân tộc độc lập.
Nguyên nhân là do sự thức tỉnh, sự trưởng thành về ý thức dân tộc, ý
thức về quyền sống của mình, các cộng đồng dân cư đó muốn tách ra để
thành lập các dân tộc độc lập.
Xu hướng này thể hiện rõ nét trong phong trào đấu
tranh giành độc lập dân tộc của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc
muốn thoát khỏi sự áp bức, bóc lột của các nước thực dân, đế
quốc.
Xu hướng thứ hai,
các dân tộc trong từng quốc gia, thậm chí các dân tộc ở nhiều quốc gia muốn
liên hiệp lại với nhau. Xu hướng này nổi lên trong giai đoạn chủ
nghĩa tư bản đã phát triển thành chủ nghĩa đế quốc đi bóc lột thuộc
địa; do sự phát triển của lực lượng sản xuất, của khoa học và công nghệ,
của giao lưu kinh tế và văn hoá trong xã hội tư bản chủ nghĩa đã làm
xuất hiện nhu cầu xóa bỏ hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc, thúc đẩy
các dân tộc xích lại gần nhau.
Trong thời đại ngày nay, hai xu hướng này diễn ra
với những biểu hiện rất đa dạng và phong phú.
Xu hướng này thể hiện trong phong trào đấu tranh
giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức nhằm xóa bỏ ách đô hộ
của thực dân đế quốc, khẳng định quyền tự quyết dân tộc; hoặc đấu tranh
để thoát khỏi sự kỳ thị dân tộc, phân biệt chủng tộc; hoặc đấu tranh để
thoát khỏi tình trạng bị đồng hóa cưỡng bức của các dân tộc nhỏ dưới
ách áp bức của các nước tư bản chủ nghĩa. Ví dụ phong trào này đã
diễn ra mạnh mẽ vào những năm 60 của thế kỷ XX và kết quả là khoảng 100
quốc gia đã giành được độc lập dân tộc.
Ngày nay, xu hướng xích lại gần nhau thể hiện ở
sự liên minh của các dân tộc trên cơ sở lợi ích chung về kinh tế, về
chính trị, văn hoá, quân sự… để hình thành các hình thức liên minh đa
dạng, như liên minh khu vực: ASEAN, EU…
Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin
Dựa trên quan điểm của chủ nghĩa Mác về mối quan
hệ giữa dân tộc với giai cấp; kết hợp phân tích hai xu hướng khách quan
trong sự phát triển dân tộc; dựa vào kinh nghiệm của phong trào cách
mạng thế giới và thực tiễn cách mạng Nga trong việc giải quyết vấn đề dân
tộc những năm đầu thế kỷ XX, V.I.Lênin đã khái quát Cương lĩnh dân tộc như
sau: “Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng, các dân tộc được quyền tự quyết, liên
hiệp công nhân tất cả các dân tộc lại”.
Một là: Các dân tộc hoàn toàn bình đẳng
Đây là quyền
thiêng liêng của các dân tộc, không phân biệt dân tộc lớn hay nhỏ, ở
trình độ phát triển cao hay thấp. Các dân tộc đều có nghĩa vụ và quyền
lợi ngang nhau trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, không dân
tộc nào được giữ đặc quyền, đặc lợi về kinh tế, chính trị, văn hóa.
Trong quan hệ xã hội cũng như trong quan hệ quốc
tế, không một dân tộc nào có quyền đi áp bức, bóc lột dân tộc khác.
Trong một quốc gia có nhiều dân tộc, quyền bình đẳng dân tộc phải được
thể hiện trên cơ sở pháp lý, nhưng quan trọng hơn nó phải được thực hiện
trên thực tế.
Để thực hiện được quyền bình đẳng dân tộc,
trước hết phải thủ tiêu tình trạng áp bức giai cấp, trên cơ sở đó xoá bỏ
tình trạng áp bức dân tộc; phải đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng
tộc, chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Quyền bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở để thực
hiện quyền dân tộc tự quyết và xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác
giữa các dân tộc.
Hai là: Các dân tộc được quyền tự quyết
Đó là quyền của các dân tộc tự quyết định lấy
vận mệnh của dân tộc mình, quyền tự lựa chọn chế độ chính trị và con
đường phát triển của dân tộc mình.
Quyền tự quyết dân tộc bao gồm quyền tách ra
thành lập một quốc gia dân tộc độc lập, đồng thời có quyền tự
nguyện liên hiệp với dân tộc khác trên cơ sở bình đẳng. Tuy nhiên, việc
thực hiện quyền dân tộc tự quyết phải xuất phát từ thực tiễn - cụ thể
và phải đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, đảm bảo sự
thống nhất giữa lợi ích dân tộc và lợi ích của giai cấp công nhân.
V.I.Lênin đặc biệt chú trọng quyền tự quyết của các dân tộc bị áp bức,
các dân tộc phụ thuộc.
Quyền tự quyết dân tộc không đồng nhất với
“quyền” của các tộc người thiểu số trong một quốc gia đa tộc người,
nhất là việc phân lập thành quốc gia độc lập. Kiên quyết đấu tranh
chống lại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch lợi dụng
chiêu bài “dân tộc tự quyết” để can thiệp vào công việc nội bộ của
các nước, hoặc kích động đòi ly khai dân tộc.
Ba là: Liên hiệp công nhân tất cả các dân tộc
Liên hiệp công nhân các dân tộc phản ánh sự thống
nhất giữa giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp; phản ánh sự gắn bó
chặt chẽ giữa tinh thần của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế
chân chính.
Đoàn kết, liên hiệp công nhân các dân tộc là cơ sở
vững chắc để đoàn kết các tầng lớp nhân dân lao động thuộc các dân tộc
trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc vì độc lập dân tộc và
tiến bộ xã hội. Vì vậy, nội dung này vừa là nội dung chủ yếu vừa là
giải pháp quan trọng để liên kết các nội dung của Cương lĩnh dân tộc thành
một chỉnh thể.
Cương lĩnh dân tộc của chủ nghĩa Mác – Lênin là
cơ sở lý luận quan trọng để các Đảng cộng sản vận dụng thực hiện chính
sách dân tộc trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây
dựng chủ nghĩa xã hội.
1.2. Dân tộc và quan hệ dân tộc ở Việt Nam
Đặc điểm dân tộc Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia đa
tộc người có những đặc điểm nổi bật sau đây:
Thứ nhất: Có sự chênh lệch về số dân giữa các tộc người
Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó, dân tộc người
Kinh có 73.594.341 người chiếm 85,7% dân số cả nước; 53 dân tộc thiểu số
có 12.252.656 người, chiếm 14,3% dân số. Tỷ lệ số dân giữa các dân tộc
cũng không đồng đều, có dân tộc với số dân lớn hơn 1 triệu người (Tày,
Thái, Mường, Khơ me, Mông...), nhưng
có dân tộc với số dân chỉ vài ba trăm (Si la, Pu péo, Rơ măm, Brâu, Ơ
đu). Thực tế cho thấy nếu một dân tộc mà số dân chỉ có hàng trăm sẽ gặp
rất nhiều khó khăn cho việc tổ chức cuộc sống, bảo tồn tiếng nói và
văn hoá dân tộc, duy trì và phát triển giống nòi. Do vậy, việc phát
triển số dân hợp lý cho các dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với những
dân tộc thiểu số rất ít người đang được Đảng và Nhà nước Việt Nam có
những chính sách quan tâm đặc biệt.
Thứ hai: Các dân tộc cư trú xen kẽ nhau
Việt Nam vốn là nơi chuyển cư của nhiều dân tộc
ở khu vực Đông Nam Á. Tính chất chuyển cư như vậy đã tạo nên bản đồ cư
trú của các dân tộc trở nên phân tán, xen kẽ và làm cho các dân tộc ở
Việt Nam không có lãnh thổ tộc người riêng. Vì vậy, không có một dân
tộc nào ở Việt Nam cư trú tập trung và duy nhất trên một địa bàn.
Đặc điểm này một mặt tạo điều kiện thuận lợi để
các dân tộc tăng cường hiểu biết lẫn nhau, mở rộng giao lưu giúp đỡ nhau
cùng phát triển và tạo nên một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng. Mặt
khác, do có nhiều tộc người sống xen kẽ nên trong quá trình sinh sống
cũng dễ nảy sinh mâu thuẫn, xung đột, tạo kẽ hở để các thế lực thù địch
lợi dụng vấn đề dân tộc phá hoại an ninh chính trị và sự thống nhất của
đất nước.
Thứ ba: Các dân tộc thiểu số ở Việt Nam phân bố chủ yếu ở địa bàn có
vị trí chiến lược quan trọng
Mặc dù chỉ chiếm 14,3% dân số, nhưng 53 dân tộc
thiểu số Việt Nam lại cư trú trên ¾ diện tích lãnh thổ và ở những vị
trí trọng yếu của quốc gia cả về kinh tế, an ninh, quốc phòng, môi trường
sinh thái – đó là vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa của đất
nước. Một số dân tộc có quan hệ dòng tộc với các dân tộc ở các nước
láng giềng và khu vực. Ví dụ: dân tộc Thái, dân tộc Mông, dân tộc
Khơme, dân tộc Hoa… do vậy, các thế lực phản động thường lợi dụng vấn đề
dân tộc để chống phá cách mạng Việt Nam.
Thứ tư: Các dân tộc ở Việt Nam có trình độ phát triển không đều
Các dân tộc ở nước ta còn có sự chênh lệch khá
lớn về trình độ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Về phương diện
xã hội, trình độ tổ chức đời sống, quan hệ xã hội của các dân tộc
thiểu số khác nhau. Về phương diện kinh tế, có thể phân loại các dân tộc
thiểu số Việt Nam ở những trình độ phát triển rất khác nhau: Một số ít
các dân tộc còn duy trì kinh tế chiếm đoạt, dựa vào khai thác tự nhiên; tuy
nhiên, đại bộ phận các dân tộc ở Việt Nam đã chuyển sang phương thức sản
xuất tiến bộ, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Về văn
hóa, trình độ dân trí, trình độ chuyên môn kỹ thuật của nhiều dân tộc
thiểu số còn thấp.
Muốn thực hiện bình đẳng dân tộc, phải từng bước
giảm, tiến tới xoá bỏ khoảng cách phát triển giữa các dân tộc về kinh tế,
văn hóa, xã hội. Đây là nội dung quan trọng trong đường lối, chính sách
của Đảng và Nhà nước Việt Nam để các dân tộc thiểu số phát triển
nhanh và bền vững.
Thứ năm: Các dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết gắn bó lâu đời
trong cộng đồng dân tộc - quốc gia thống nhất
Đặc trưng này được hình thành do yêu cầu của quá
trình cải biến tự nhiên và nhu cầu phải hợp sức, hợp quần để cùng đấu
tranh chống ngoại xâm nên dân tộc Việt Nam đã hình thành từ rất sớm và
tạo ra độ kết dính cao giữa các dân tộc.
Đoàn kết dân tộc trở thành truyền thống quý báu
của các dân tộc ở Việt Nam, là một trong những nguyên nhân và động lực
quyết định mọi thắng lợi của dân tộc trong các giai đoạn lịch sử; đánh
thắng mọi kẻ thù xâm lược để giành độc lập thống nhất Tổ quốc. Ngày
nay, để thực hiện thắng lợi chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ
quốc Việt Nam, các dân tộc thiểu số cũng như đa số phải ra sức phát huy
nội lực, giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, nâng cao
cảnh giác, kịp thời đập tan mọi âm mưu và hành động chia rẽ, phá hoại
khối đại đoàn kết dân tộc.
Thứ sáu: Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự
phong phú, đa dạng của nền văn hóa Việt Nam thống nhất
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc. Trong văn
hóa của mỗi dân tộc đều có những sắc thái độc đáo riêng góp phần làm
cho nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Sự thống nhất đó, suy
cho cùng là bởi, các dân tộc đều có chung một lịch sử dựng nước và
giữ nước, đều sớm hình thành ý thức về một quốc gia độc lập, thống
nhất.
Xuất phát từ đặc điểm cơ bản của dân tộc Việt Nam,
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến chính sách dân tộc, xem đó là
vấn đề chính trị - xã hội rộng lớn và toàn diện gắn liền với các
mục tiêu trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
1.2.2. Quan điểm và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam
Quan điểm của Đảng, Nhà
nước Việt Nam về dân tộc và giải quyết quan hệ dân tộc
Đảng cộng sản Việt Nam ngay từ khi mới ra đời đã
thực hiện nhất quán những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin về
dân tộc. Căn cứ vào thực tiễn lịch sử đấu tranh cách mạng để xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam cũng như dựa vào tình hình thế giới trong
giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi trọng vấn đề dân
tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc có tầm quan trọng đặc
biệt. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng và Nhà nước ta coi việc giải
quyết đúng đắn vấn đề dân tộc là nhiệm vụ có tính chiến lược nhằm
phát huy sức mạnh tổng hợp, cũng như tiềm năng của từng dân tộc và đưa
đất nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội XII khẳng định: “Đoàn kết
các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn
trọng, đoàn kết giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau
cùng phát triển, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, văn
hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Tăng cường kiểm tra,
giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, chính sách dân tộc
của Đảng và Nhà nước ở các cấp. Chống kỳ thị dân tộc, nghiêm trị những âm
mưu hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”[99].
Tựu trung lại, quan điểm cơ bản của Đảng ta về vấn
đề dân tộc thể hiện ở các nội dung sau:
- Vấn
đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài,
đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam.
- Các
dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp
nhau cùng phát triển, cùng nhau phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ
dân tộc.
- Phát
triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc
phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế
với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc;
quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ
cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn
hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung
của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất.
- Ưu
tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các vùng dân tộc và miền núi,
trước hết, tập trung vào phát triển giao thông và cơ sở hạ tầng, xóa
đói, giảm nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng
vùng, đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái; phát huy nội lực,
tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc, đồng thời tăng
cường sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và sự giúp đỡ của các địa
phương trong cả nước.
- Công
tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc là nhiệm vụ của toàn
Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống
chính trị” [100].
Chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước Việt Nam
Chính sách dân
tộc cơ bản của Đảng và Nhà nước ta được thể hiện cụ thể ở những điểm
sau:
Về chính trị:
thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển giữa
các dân tộc. Chính sách dân tộc góp phần nâng cao tính tích cực chính
trị của công dân; nâng cao nhận thức của đồng bào các dân tộc thiểu số
về tầm quan trọng của vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc, thống nhất
mục tiêu chung là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, dân giàu,
nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Về kinh tế,
nội dung, nhiệm vụ kinh tế trong chính sách dân tộc là các chủ trương,
chính sách phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng đồng bào các dân
tộc thiểu số nhằm phát huy tiềm năng phát triển, từng bước khắc phục
khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, giữa các dân tộc. Thực hiện các nội
dung kinh tế thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế ở các
vùng dân tộc thiểu số, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh
tế - xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng căn
cứ địa cách mạng.
Về
văn hóa: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân
tộc. Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các tộc
người, phát triển ngôn ngữ, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, nâng cao
trình độ văn hóa cho nhân dân các dân tộc. Đào tạo cán bộ văn hóa, xây
dựng môi trường, thiết chế văn hóa phù hợp với điều kiện của các tộc
người trong quốc gia đa dân tộc. Đồng thời, mở rộng giao lưu văn
hóa với các quốc gia, các khu vực
và trên thế giới. Đấu tranh chống tệ nạn xã hội, chống diễn biến hòa
bình trên mặt trận tư tưởng- văn hóa ở nước ta hiện nay.
Về xã hội:
thực hiện chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trong vùng đồng
bào dân tộc thiểu số. Từng bước thực hiện bình đẳng xã hội, công
bằng thông qua việc thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội,
xóa đói giảm nghèo, dân số, y tế, giáo dục trên cơ sở chú ý đến tính
đặc thù mỗi vùng, mỗi dân tộc. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị
cơ sở và các tổ chức chính trị - xã hội ở miền núi, vùng dân tộc
thiểu số.
Về an ninh quốc
phòng, tăng cường sức mạnh bảo vệ tổ quốc trên cơ sở đảm bảo ổn định
chính trị, thực hiện tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Phối hợp chặt chẽ các lực lượng trên từng địa bàn. Tăng cường quan hệ quân
dân, tạo thế trận quốc phòng toàn dân trong vùng đồng bào dân tộc sinh sống.
Thực hiện đúng chính sách dân tộc hiện nay ở
Việt Nam là phải phát triển toàn diện về chính trị, kinh tế, văn hóa,
xã hội, an ninh-quốc phòng các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, vùng
biên giới, rừng núi, hải đảo của tổ quốc.
Như vậy, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước
ta mang tính chất toàn diện, tổng hợp, bao trùm tất cả các lĩnh vực của
đời sống xã hội, liên quan đến mỗi dân tộc và quan hệ giữa các dân tộc
trong cộng đồng quốc gia. Phát triển kinh tế - xã hội của các dân tộc
là nền tảng để tăng cường đoàn kết và thực hiện quyền bình đẳng dân
tộc, là cơ sở để từng bước khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát
triển giữa các dân tộc. Do vậy, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà
nước ta mang tính cách mạng và tiến bộ, đồng thời còn mang tính nhân văn
sâu sắc. Bởi vì, chính sách đó không bỏ sót bất kỳ dân tộc nào, không
cho phép bất cứ tư tưởng kỳ thị, chia rẽ dân tộc nào; đồng thời nó còn
nhằm phát huy nội lực của mỗi dân tộc kết hợp với sự giúp đỡ có hiệu
quả của các dân tộc anh em trong cả nước.
2. Tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã
hội 2.1. Chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn
giáo
Bản chất, nguồn gốc và tính chất của tôn giáo
Thứ
nhất: Bản chất của tôn giáo
Chủ nghĩa Mác - Lênin cho rằng tôn giáo là một
hình thái ý thức xã hội phản ánh hư ảo hiện thực khách quan. Thông qua
sự phản ánh đó, các lực lượng tự nhiên và xã hội trở thành siêu nhiên, thần
bí... Ph.Ăngghen cho rằng: “… tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản
ánh hư ảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên
ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong
đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần
thế ”[101].
Ở một cách tiếp cận khác, tôn giáo là một thực thể xã hội – các tôn giáo
cụ thể (ví dụ: Công Giáo, Tin lành, Phật giáo…), với các tiêu chí cơ
bản sau: có niềm tin sâu sắc vào đấng siêu nhiên, đấng tối cao, thần linh
để tôn thờ (niềm tin tôn giáo); có hệ thống giáo thuyết (giáo lý, giáo
luật, lễ nghi) phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan, đạo đức, lễ nghi của
tôn giáo; có hệ thống cơ sở thờ tự; có tổ chức nhân sự, quản lý điều
hành việc đạo (người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp hay không chuyên
nghiệp); có hệ thống tín đồ đông đảo, những người tự nguyện tin theo
một tôn giáo nào đó, và được tôn giáo đó thừa nhận.
Chỉ rõ bản chất của tôn giáo, chủ nghĩa Mác –
Lênin khẳng định rằng: Tôn giáo là một
hiện tượng xã hội - văn hoá do con người sáng tạo ra. Con người sáng
tạo ra tôn giáo vì mục đích, lợi ích của họ, phản ánh những ước mơ,
nguyện vọng, suy nghĩ của họ. Nhưng, sáng tạo ra tôn giáo, con người lại bị
lệ thuộc vào tôn giáo, tuyệt đối hoá và phục tùng tôn giáo vô điều
kiện. Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng cho rằng, sản xuất vật chất và các quan
hệ kinh tế, xét đến cùng là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát
triển của các hình thái ý thức xã hội, trong đó có tôn giáo. Do đó,
mọi quan niệm về tôn giáo, các tổ chức, thiết chế tôn giáo đều được sinh
ra từ những hoạt động sản xuất, từ những điều kiện sống nhất định trong xã
hội và thay đổi theo những thay đổi của cơ sở kinh tế. Về phương diện thế giới quan, các tôn
giáo mang thế giới quan duy tâm, có sự khác biệt với thế giới quan duy
vật biện chứng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Mặc dù có sự khác
biệt về thế giới quan, nhưng những người cộng sản với lập trường mác
xít không bao giờ có thái độ xem thường hoặc trấn áp những nhu cầu tín
ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; ngược
lại, luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo
của nhân dân. Trong những điều kiện cụ thể của xã hội, những người
cộng sản và những người có tín ngưỡng tôn giáo có thể cùng nhau xây
dựng một xã hội tốt đẹp hơn ở thế giới hiện thực. Xã hội ấy chính
là xã hội mà quần chúng tín đồ cũng từng mơ ước và phản ánh nó qua
một số tôn giáo.
Tôn giáo và tín ngưỡng không đồng nhất, nhưng có
giao thoa nhất định. Tín ngưỡng là hệ
thống những niềm tin, sự ngưỡng mộ, cũng như cách thức thể hiện niềm
tin của con người trước các sự vật, hiện tượng, lực lượng có tính thần
thánh, linh thiêng để cầu mong sự che chở, giúp đỡ. Có nhiều loại hình
tín ngưỡng khác nhau như:
tín ngưỡng Thờ cúng tổ tiên; tín
ngưỡng Thờ anh hùng dân tộc; tín ngưỡng Thờ Mẫu...
Mê tín là niềm tin mê muội, viển vông, không dựa
trên một cơ sở khoa học nào. Nói cách khác là niềm tin về mối quan hệ
nhân quả giữa các sự kiện, sự vật, hiện tượng, nhưng thực tế không có
mối liên hệ cụ thể, rõ ràng, khách quan, tất yếu, nhưng được bao phủ bởi
các yếu tố siêu nhiên, thần thánh, hư ảo. Dị đoan là sự suy đoán, hành
động một cách tùy tiện, sai lệch những điều bình thường, chuẩn mực trong
cuộc sống.
Mê tín dị đoan là niềm tin của con người vào các
lực lượng siêu nhiên, thần thánh đến mức độ mê muội, cuồng tín, dẫn đến
những hành vi cực đoan, sai lệch quá mức, trái với các giá trị văn hóa,
đạo đức, pháp luật, gây tổn hại cho cá nhân, xã hội và cộng đồng.
Thứ
hai: Nguồn gốc của tôn giáo
Nguồn gốc tự nhiên, kinh tế -
xã hội
Trong xã hội công xã nguyên thuỷ, do lực lượng sản
xuất chưa phát triển, trước thiên nhiên hùng vĩ tác động và chi phối
khiến cho con người cảm thấy yếu đuối và bất lực, không giải thích được,
nên con người đã gán cho tự nhiên những sức mạnh, quyền lực thần bí.
Khi xã hội xuất hiện các giai cấp đối kháng, có
áp bức bất công, do không giải thích được nguồn gốc của sự phân hoá giai
cấp và áp bức bóc lột bất công, tội ác v.v..., cộng với lo sợ trước sự
thống trị của các lực lượng xã hội, con người trông chờ vào sự giải
phóng của một lực lượng siêu nhiên ngoài trần thế.
Nguồn gốc nhận thức
Ở một giai đoạn lịch sử nhất định, sự nhận thức
của con người về tự nhiên, xã hội và chính bản thân mình là có giới
hạn. Khi mà khoảng cách giữa “biết” và “chưa biết” vẫn tồn tại, khi những
điều mà khoa học chưa giải thích được, thì điều đó thường được giải
thích thông qua lăng kính các tôn giáo. Ngay cả những vấn đề đã được khoa
học chứng minh, nhưng do trình độ dân trí thấp, chưa thể nhận thức đầy
đủ, thì đây vẫn là điều kiện, là mảnh đất cho tôn giáo ra đời, tồn tại
và phát triển. Thực chất nguồn gốc nhận thức của tôn giáo chính là
sự tuyệt đối hoá, sự cường điệu mặt chủ thể của nhận thức con
người, biến cái nội dung khách quan thành cái siêu nhiên, thần thánh.
Nguồn gốc tâm lý
Sự sợ hãi trước những hiện tượng tự nhiên, xã
hội, hay trong những lúc ốm đau, bệnh tật; ngay cả những may, rủi bất
ngờ xảy ra, hoặc tâm lý muốn được bình yên khi làm một việc lớn (ví
dụ: ma chay, cưới xin, làm nhà, khởi đầu sự nghiệp kinh doanh…), con
người cũng dễ tìm đến với tôn giáo. Thậm chí cả những tình cảm tích cực
như tình yêu, lòng biết ơn, lòng kính trọng đối với những người có công
với nước, với dân cũng dễ dẫn con người đến với tôn giáo (ví dụ: thờ
các anh hùng dân tộc, thờ các thành hoàng làng…).
Thứ
ba: Tính chất của tôn giáo
Tính lịch sử của tôn giáo
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội có tính lịch
sử, nghĩa là nó có sự hình thành, tồn tại và phát triển và có khả
năng biến đổi trong những giai đoạn lịch sử nhất định để thích nghi với
nhiều chế độ chính trị - xã hội. Khi các điều kiện kinh tế – xã hội,
lịch sử thay đổi, tôn giáo cũng có sự thay đổi theo. Trong quá trình vận
động của các tôn giáo, chính các điều kiện kinh tế – xã hội, lịch sử
cụ thể đã làm cho các tôn giáo bị phân liệt, chia tách thành nhiều tôn
giáo, hệ phái khác nhau.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đến một
giai đoạn lịch sử nào đó, khi khoa học và giáo dục giúp cho đại đa số
quần chúng nhân dân nhận thức được bản chất các hiện tượng tự nhiên và
xã hội thì tôn giáo sẽ dần dần mất đi vị trí của nó trong đời sống xã
hội và cả trong nhận thức, niềm tin của mỗi người.
Tính quần chúng của tôn giáo
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội phổ biến ở tất
cả các dân tộc, quốc gia, châu lục. Tính quần chúng của tôn giáo không
chỉ biểu hiện ở số lượng tín đồ rất đông đảo (gần 3/4 dân số thế giới);
mà còn thể hiện ở chỗ, các tôn giáo là nơi sinh hoạt văn hoá, tinh thần
của một bộ phận quần chúng nhân dân. Dù tôn giáo hướng con người vào
niềm tin hạnh phúc hư ảo của thế giới bên kia, song nó luôn luôn phản ánh
khát vọng của những người lao động về một xã hội tự do, bình đẳng, bác
ái. Mặt khác, nhiều tôn giáo có tính nhân văn, nhân đạo và hướng thiện,
vì vậy, được nhiều người ở các tầng lớp khác nhau trong xã hội, đặc
biệt là quần chúng lao động, tin theo.
Tính chính trị của tôn giáo
Khi xã hội chưa có giai cấp, tôn giáo chỉ phản ánh
nhận thức hồn nhiên, ngây thơ của con người về bản thân và thế giới
xung quanh mình, tôn giáo chưa mang tính chính trị. Tính chất chính trị
của tôn giáo chỉ xuất hiện khi xã hội đã phân chia giai cấp, có sự khác
biệt, sự đối kháng về lợi ích giai cấp. Trước hết, do tôn giáo là sản
phẩm của những điều kiện kinh tế - xã hội, phản ánh lợi ích, nguyện vọng
của các giai cấp khác nhau trong cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc,
nên tôn giáo mang tính chính trị. Mặt khác, khi các giai cấp bóc lột,
thống trị sử dụng tôn giáo để phục vụ cho lợi ích giai cấp mình, chống
lại các giai cấp lao động và tiến bộ xã hội, tôn giáo mang tính chính
trị tiêu cực, phản tiến bộ.
Vì vậy, cần nhận rõ rằng, đa số quần chúng tín
đồ đến với tôn giáo nhằm thoả mãn nhu cầu tinh thần; song, trên thực tế,
tôn giáo đã và đang bị các thế lực chính trị – xã hội lợi dụng thực
hiện mục đích ngoài tôn giáo của họ.
2.1.2. Nguyên tắc giải quyết vấn đề tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tôn
giáo vẫn còn tồn tại, tuy đã có sự biến đổi trên nhiều mặt. Vì vậy, khi
giải quyết vấn đề tôn giáo cần đảm bảo các nguyên tắc sau;
Tôn trọng, bảo đảm
quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân
Tín ngưỡng tôn giáo là niềm tin sâu sắc của quần
chúng vào đấng tối cao, đấng thiêng liêng nào đó mà họ tôn thờ, thuộc
lĩnh vực ý thức tư tưởng. Do đó, tự do tín ngưỡng và tự do không tín
ngưỡng thuộc quyền tự do tư tưởng của nhân dân. Quyền này nói lên rằng
việc theo đạo, đổi đạo, hay không theo đạo là thuộc quyền tự do lựa chọn
của mỗi người dân, không một cá nhân, tổ chức nào, kể cả các chức sắc
tôn giáo, tổ chức giáo hội… được quyền can thiệp vào sự lựa chọn này.
Mọi hành vi cấm đoán, ngăn cản tự do theo đạo, đổi đạo, bỏ đạo hay đe dọa,
bắt buộc người dân phải theo đạo đều xâm phạm đến quyền tự do tư tưởng
của họ.
Tôn trọng tự do tín ngưỡng cũng chính là tôn
trọng quyền con người, thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội
chủ nghĩa. Nhà nước xã hội chủ nghĩa không can thiệp và không cho bất
cứ ai can thiệp, xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng, quyền lựa chọn
theo hay không theo tôn giáo của nhân dân. Các tôn giáo và hoạt động tôn
giáo bình thường, các cơ sở thờ tự, các phương tiện phục vụ nhằm thoả
mãn nhu cầu tín ngưỡng của người dân được Nhà nước xã hội chủ nghĩa
tôn trọng và bảo hộ.
- Khắc phục dần những ảnh hưởng tiêu cực
của tôn giáo phải gắn liền với quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã
hội mới
Nguyên tắc này để khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin
chỉ hướng vào giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của tôn giáo đối với
quần chúng nhân dân mà không chủ trương can thiệp vào công việc nội bộ
của các tôn giáo. Chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra rằng, muốn thay đổi ý
thức xã hội, trước hết cần phải thay đổi bản thân tồn tại xã hội; muốn
xoá bỏ ảo tưởng nảy sinh trong tư tưởng con người, phải xoá bỏ nguồn gốc
sinh ra ảo tưởng ấy. Điều cần thiết trước hết là phải xác lập được một thế
giới hiện thực không có áp bức, bất công, nghèo đói và thất học… cũng
như những tệ nạn nảy sinh trong xã hội. Đó là một quá trình lâu dài,
và không thể thực hiện được nếu tách rời việc cải tạo xã hội cũ, xây
dựng xã hội mới.
- Phân biệt hai mặt chính trị và tư tưởng;
tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo trong quá trình giải
quyết vấn đề tôn giáo
Trong xã hội công xã nguyên thuỷ, tín ngưỡng, tôn
giáo chỉ biểu hiện thuần tuý về tư tưởng. Nhưng khi xã hội đã xuất
hiện giai cấp thì dấu ấn giai cấp - chính trị ít nhiều đều in rõ trong
các tôn giáo. Từ đó, hai mặt chính trị và tư tưởng thường thể hiện và
có mối quan hệ với nhau trong vấn đề tôn giáo và bản thân mỗi tôn giáo.
Mặt chính trị phản ánh mối quan hệ giữa tiến bộ
với phản tiến bộ, phản ánh mâu thuẫn đối kháng về lợi ích kinh tế, chính
trị giữa các giai cấp, mâu thuẫn giữa những thế lực lợi dụng tôn giáo chống
lại sự nghiệp cách mạng với lợi ích của nhân dân lao động. Mặt tư tưởng
biểu hiện sự khác nhau về niềm tin, mức độ tin giữa những người có tín
ngưỡng tôn giáo và những người không theo tôn giáo, cũng như những người
có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, phản ánh mâu thuẫn không mang tính đối
kháng.
Phân biệt hai mặt chính trị và tư tưởng trong giải
quyết vấn đề tôn giáo thực chất là phân biệt tính chất khác nhau của hai
loại mâu thuẫn luôn tồn tại trong bản thân tôn giáo và trong vấn đề tôn
giáo. Sự phân biệt này, trong thực tế không đơn giản, bởi lẽ, trong đời
sống xã hội, hiện tượng nhiều khi phản ánh sai lệch bản chất, mà vấn đề
chính trị và tư tưởng trong tôn giáo thường đan xen vào nhau. Mặt khác,
trong xã hội có đối kháng giai cấp, tôn giáo thường bị yếu tố chính trị
chi phối rất sâu sắc, nên khó nhận biết vấn đề chính trị hay tư tưởng
thuần tuý trong tôn giáo. Việc phân biệt hai mặt này là cần thiết nhằm
tránh khuynh hướng cực đoan trong quá trình quản lý, ứng xử những vấn đề
liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo.
- Quan điểm lịch sử cụ thể trong giải quyết
vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo
Tôn giáo không phải là một hiện tượng xã hội bất
biến, ngược lại, nó luôn luôn vận động và biến đổi không ngừng tuỳ thuộc
vào những điều kiện kinh tế - xã hội - lịch sử cụ thể. Mỗi tôn giáo
đều có lịch sử hình thành, có quá trình tồn tại và phát triển nhất
định. Ở những thời kỳ lịch sử khác nhau, vai trò, tác động của từng tôn
giáo đối với đời sống xã hội không giống nhau. Quan điểm, thái độ của
các giáo hội, giáo sĩ, giáo dân về những lĩnh vực của đời sống xã hội
luôn có sự khác biệt. Vì vậy, cần phải có quan điểm lịch sử cụ thể
khi xem xét, đánh giá và ứng xử đối với những vấn đề có liên quan đến tôn giáo và đối với
từng tôn giáo cụ thể.
2.2. Tôn giáo ở Việt Nam và chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta
hiện nay
Đặc
điểm tôn giáo ở Việt Nam
Thứ
nhất: Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo
Nước ta hiện nay có 13 tôn giáo đã được công nhận
tư cách pháp nhân (Phật giáo, Công Giáo, Hồi giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật
Giáo Hòa Hảo, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Baha’i, Minh Lý đạo - Tam
Tông miếu, Giáo hội Phật đường Nam Tông Minh Sư Đạo, Tịnh độ Cư sĩ Phật
hội, Bà la môn) và trên 40 tổ chức tôn giáo đã được công nhận về mặt
tổ chức hoặc đã đăng ký hoạt động với khoảng 24 triệu tín đồ, 95.000
chức sắc, 200.000 chức việc và hơn 23.250 cơ sở thờ tự[102].
Các tổ chức tôn giáo có nhiều hình thức tồn tại khác nhau. Có tôn giáo
du nhập từ bên ngoài, với những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau, như Phật
giáo, Công Giáo, Tin lành, Hồi giáo; có tôn giáo nội sinh, như Cao Đài,
Hòa Hảo.
Thứ hai: Tôn
giáo ở Việt Nam đa dạng, đan xen, chung sống hòa bình và không có xung
đột, chiến tranh tôn giáo
Việt Nam là nơi giao lưu của nhiều luồng văn hóa
thế giới. Các tôn giáo ở Việt Nam có sự đa dạng về nguồn gốc và truyền
thống lịch sử. Mỗi tôn giáo ở Việt Nam có quá trình lịch sử tồn tại và
phát triển khác nhau, nên sự gắn bó với dân tộc cũng khác nhau. Tín đồ
của các tôn giáo khác nhau cùng chung sống hòa bình trên một địa bàn,
giữa họ có sự tôn trọng niềm tin của nhau và chưa từng xảy ra xung đột,
chiến tranh tôn giáo. Thực tế cho thấy, không có một tôn giáo nào du nhập
vào Việt Nam mà không mang
dấu ấn, không chịu ảnh hưởng của bản
sắc văn hóa Việt Nam.
Thứ ba: Tín
đồ các tôn giáo Việt Nam phần lớn là nhân dân lao động, có lòng yêu
nước, tinh thần dân tộc
Tín đồ các tôn giáo Việt Nam có thành phần rất đa
dạng, chủ yếu là người lao động... Đa số tín đồ các tôn giáo đều có
tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, tôn trọng công lý, gắn bó với
dân tộc, đi theo Đảng, theo cách mạng, hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ
Tổ quốc Việt Nam. Trong các giai đoạn lịch sử, tín đồ các tôn giáo cùng
với các tầng lớp nhân dân làm nên những thắng lợi to lớn, vẻ vang của dân
tộc và có ước vọng sống “tốt đời, đẹp
đạo”.
Thứ tư: Hàng
ngũ chức sắc các tôn giáo có vai trò, vị trí quan trọng trong giáo hội,
có uy tín, ảnh hưởng với tín đồ
Chức sắc tôn giáo là tín đồ có chức vụ, phẩm
sắc trong tôn giáo, họ tự nguyện thực hiện thường xuyên nếp sống riêng
theo giáo lý, giáo luật của tôn giáo mà mình tin theo. Về mặt tôn giáo,
chức năng của họ là truyền bá, thực hành giáo lý, giáo luật, lễ nghi,
quản lý tổ chức của tôn giáo, duy trì, củng cố, phát triển tôn giáo,
chuyên chăm lo đến đời sống tâm linh của tín đồ.
Trong giai đoạn hiện nay, hàng ngũ chức sắc các
tôn giáo ở Việt Nam luôn chịu sự tác động của tình hình chính trị - xã
hội trong và ngoài nước, nhưng nhìn chung xu hướng tiến bộ trong hàng
ngũ chức sắc ngày càng phát triển.
Thứ năm: Các
tôn giáo ở Việt Nam đều có quan hệ với các tổ chức, cá nhân tôn giáo ở
nước ngoài
Nhìn chung các tôn giáo ở nước ta, không chỉ các
tôn giáo ngoại nhập, mà cả các tôn giáo nội sinh đều có quan hệ với các
tổ chức, cá nhân tôn giáo ở nước ngoài hoặc các tổ chức tôn giáo quốc
tế.
Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước Việt
Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia và vùng lãnh
thổ trên toàn thế giới. Đây chính là điều kiện gián tiếp củng cố và
phát sinh mối quan hệ giữa các tôn giáo Việt Nam với tôn giáo ở các nước
trên thế giới. Vì vậy, việc giải quyết vấn đề tôn giáo ở Việt Nam phải
đảm bảo kết hợp giữa mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế với việc bảo đảm độc
lập, chủ quyền, không để cho kẻ địch lợi dụng dân chủ, nhân quyền, tự
do tôn giáo để chống phá, can thiệp vào công việc nội bộ của Nhà nước
Việt Nam.
Thứ
sáu: Tôn giáo ở Việt Nam thường bị các thế lực phản động lợi dụng
Trong những năm trước đây cũng như giai đoạn hiện
nay, các thế lực thực dân, đế quốc luôn chú ý ủng hộ, tiếp tay cho các
đối tượng phản động ở trong nước lợi dụng tôn giáo để thực hiện âm mưu
“diễn biến hòa bình” đối với nước ta. Lợi dụng đường lối đổi mới, mở
rộng dân chủ của Đảng và Nhà nước ta, các thế lực thù địch bên ngoài
thúc đẩy các hoạt động tôn giáo, tập hợp tín đồ, tạo thành một lực
lượng để cạnh tranh ảnh hưởng và làm đối trọng với Đảng Cộng sản, đấu
tranh đòi hoạt động của tôn giáo thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước;
tìm mọi cách quốc tế hóa “vấn đề tôn giáo” ở Việt Nam để vu cáo Việt Nam
vi phạm dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo.
2.1.2.Chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với tín ngưỡng, tôn
giáo, hiện nay
Quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà
nước Việt Nam bao gồm những nội dung cơ bản sau:
- Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần
của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình
xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta
Đảng ta khẳng định, tín ngưỡng, tôn giáo sẽ tồn tại
lâu dài cùng dân tộc trong quá
trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự khẳng định đó mang tính khoa học
và cách mạng, hoàn toàn khác với cách nhìn nhận chủ quan, tả khuynh khi
cho rằng có thể bằng các biện pháp hành chính, hay khi trình độ dân
trí cao, đời sống vật chất được bảo đảm là có thể làm cho tín ngưỡng,
tôn giáo mất đi; hoặc duy tâm, hữu khuynh khi nhìn nhận tín ngưỡng, tôn
giáo là hiện tượng bất biến, độc lập, thoát ly với mọi cơ sở kinh tế - xã
hội, thể chế chính trị.
Vì vậy, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng
và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tín ngưỡng,
tôn giáo nào, quyền sinh hoạt ín ngưỡng, tôn giáo bình thường theo đúng
pháp luật. Các tôn giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, bình đẳng
trước pháp luật.
- Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính
sách đại đoàn kết dân tộc.
Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau;
đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Nhà
nước xã hội chủ nghĩa, một mặt, nghiêm cấm mọi hành vi chia rẽ, phân
biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; mặt khác, thông
qua quá trình vận động quần chúng nhân dân tham gia lao động sản xuất,
hoạt động xã hội thực tiễn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng
cao trình độ kiến thức... để tăng cường sự đoàn kết vì mục tiêu “dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, để cùng nhau xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Mọi công dân không phân biệt tín
ngưỡng, tôn giáo, đều có quyền và nghĩa vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của
truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh những người có công với Tổ
quốc và nhân dân. Đồng thời, nghiêm cấm lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo
để hoạt động mê tín dị đoan, hoạt động trái pháp luật và chính sách của
Nhà nước, kích động chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, gây rối, xâm
phạm an ninh quốc gia.
- Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là
công tác vận động quần chúng.
Công tác vận động quần chúng các tôn giáo nhằm
động viên đồng bào nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập
và thống nhất đất nước; thông qua việc thực hiện tốt các chính sách
kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, bảo đảm lợi ích vật chất và tinh
thần của nhân dân nói chung, trong đó có đồng bào tôn giáo.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa vùng
đồng bào theo các tôn giáo, nhằm nâng cao trình độ, đời sống mọi mặt cho
đồng bào, làm cho quần chúng nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn
đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tích cực,
nghiêm chỉnh thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật, trong đó có
chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
- Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ
thống chính trị. Công tác tôn giáo có liên quan đến nhiều lĩnh vực
của đời sống xã hội, các cấp, các ngành, các địa bàn, liên quan đến
chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Công tác tôn giáo
không chỉ liên quan đến quần chúng tín đồ, chức sắc các tôn giáo, mà còn
gắn liền với công tác đấu tranh với âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo
gây phương hại đến lợi ích Tổ quốc, dân tộc. Làm tốt công tác tôn giáo
là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, bao gồm hệ thống tổ
chức đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị do Đảng
lãnh đạo. Cần củng cố và kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ
chuyên trách làm công tác tôn giáo các cấp. Tăng cường công tác quản lý nhà
nước đối với các tôn giáo và đấu tranh với hoạt động lợi dụng tôn giáo
gây phương hại đến lợi ích Tổ quốc và dân tộc.
- Vấn đề theo đạo và truyền đạo. Mọi
tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp
pháp theo quy định của pháp luật. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa
nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ. Việc theo
đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến
pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền tà đạo,
hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm
cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền
đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật.
3. Quan hệ dân tộc và tôn giáo
ở Việt Nam
3.1. Đặc điểm quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam
Quan hệ dân tộc và tôn giáo là sự liên kết, tác
động qua lại, chi phối lẫn nhau giữa dân tộc với tôn giáo trong nội bộ
một quốc gia, hoặc giữa các quốc gia với nhau trên mọi lĩnh vực của đời
sống xã hội. Việc giải quyết mối
quan hệ này như thế nào có ảnh hưởng lớn đến sự ổn định chính trị và
phát triển bền vững của mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia đa dân tộc
và đa tôn giáo.
Quan hệ dân tộc và tôn giáo được biểu hiện dưới
nhiều cấp độ, hình thức và phạm vi khác nhau. Ở nước ta hiện nay, mối
quan hệ này có những đặc điểm mang tính đặc thù cơ bản sau:
- Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn
giáo; quan hệ dân tộc và tôn giáo được thiết lập và củng cố trên cơ sở cộng
đồng quốc gia – dân tộc thống nhất
Trong lịch sử cũng như hiện tại, các tôn giáo ở Việt
Nam có truyền thống gắn bó chặt chẽ với dân tộc, đồng hành cùng dân
tộc, gắn đạo với đời. Mọi công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc,
tín ngưỡng và tôn giáo nhìn chung đều đoàn kết ý thức rõ về cội
nguồn, về một quốc gia – dân tộc thống nhất cùng chung sức xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời gian gần đây ở nhiều nước, nhiều nơi
trên thế giới nổi lên xu hướng xung đột dân tộc, tôn giáo gây mất ổn định
chính trị - xã hội, thậm chí chiến tranh nội chiến bùng phát. (Ví dụ ở
Ixraen, Palétxtin và một số quốc gia Đông Âu…). Trong bối cảnh đó, ở
Việt Nam - ngoại trừ giai đoạn thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lợi dụng tôn
giáo như một phương tiện để áp bức dân tộc, xâm lược nước ta, - thì
trong lịch sử phát triển của dân tộc, nhất là từ khi đất nước giành được
độc lập dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quan hệ
dân tộc và tôn giáo luôn được coi trọng và nhìn chung được giải quyết khá
tốt, không dẫn đến những xung đột lớn trong nội bộ quốc gia. Mặc dù
vậy, trong triển khai hoạt động thực tiễn, do nhận thức hoặc do thực
hiện chưa đúng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà
nước về dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo, nên có nơi có lúc quan hệ
này vẫn nảy sinh những mâu thuẫn cần phải nhận diện rõ và đánh giá một
cách khách quan, khoa học để tiếp tục tăng cường giải quyết tốt mối quan
hệ dân tộc và tôn giáo nhằm một mặt, phát huy những giá trị tốt đẹp của
các dân tộc và những giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo, tín
ngưỡng, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam, mặt khác, đảm
bảo sự ổn định chính trị quốc gia.
- Quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam chịu
sự chi phối mạnh mẽ bởi tín ngưỡng truyền thống
Ở Việt Nam, tín ngưỡng truyền thống biểu hiện ở
nhiều cấp độ, trên phạm vi cả nước, diễn ra trong mọi gia đình, dòng họ
không phân biệt dân tộc, tôn giáo. Trong đó, tín ngưỡng thờ cúng tổ
tiên, thờ anh hùng dân tộc, những người có công với dân, với nước có
ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt.
Ở cấp độ gia đình, thờ cúng tổ tiên là hoạt động
phổ biến, thậm chí trở thành truyền thống, nét đẹp văn hóa của mỗi gia
đình, dòng họ; đồng thời là sợi dây kết dính các thành viên trong dòng
họ, dòng tộc, kể cả họ có thể sinh sống ở mọi miền của đất nước.
Ở cấp độ Làng xã. Hầu hết các làng xã của người
Việt đều thờ cúng Thành hoàng
làng, Thần Làng rất đa dạng. Đa phần đó là các vị có công gây dựng làng
xã, đem lại một nghề cho dân làng, hoặc là người có công với nước được
sinh ra tại làng xã đó v.v… Chính hoạt động tín ngưỡng này trở thành
sợi dây gắn kết chặt chẽ các thành viên trong gia đình với làng xã, gắn
kết các làng xã với nhau và với triều đình trung ương - đại diện cho
cộng đồng quốc gia dân tộc thống nhất.
Ở cấp độ quốc gia, đỉnh cao của sự hội tụ đoàn
kết thống nhất cộng đồng dân tộc của người Việt Nam được biểu hiện
dưới dạng tín ngưỡng, tôn giáo. Đó là người Việt Nam dù sinh sống ở
bất cứ nơi đâu trên mọi miền của Tổ quốc hay định cư ở nước ngoài, dù có
khác nhau về ngôn ngữ, về tín ngưỡng, tôn giáo, thế hệ…. thì đều hướng
về cội nguồn dân tộc chung – nơi các Vua Hùng đã có công dựng nước –
thực hiện các nghi lễ tế tự, thờ cúng thể hiện lòng tôn kính, niềm tự
hào dân tộc về con Lạc cháu Hồng, về nghĩa “đồng bào” đoàn kết gắn
bó chặt chẽ trong một cộng đồng quốc gia - dân tộc thống nhất.
Như vậy, chính tín ngưỡng truyền thống đã làm
nên nét đặc thù trong quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam, thậm chí,
nó còn chi phối mạnh mẽ làm biến đổi các nền văn hóa, hay các tôn giáo
bên ngoài khi du nhập vào Việt Nam. Việt Nam là nơi hội tụ của nhiều
nền văn hóa trên thế giới và phần lớn các tôn giáo đều là tôn giáo ngoại
sinh. Các nền văn hóa hay các tôn giáo từ bên ngoài du nhập vào muốn
“cắm rễ” vào dân tộc và phát triển được trên lãnh thổ Việt Nam đều
phải biến đổi ít nhiều để phù hợp với truyền thống dân tộc, với nền
tảng văn hóa bản địa, trong đó có sự chi phối của tín ngưỡng truyền
thống, nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Sự biến đổi của Nho giáo,
Phật giáo, Đạo giáo, Công giáo khi vào Việt Nam là những ví dụ điển
hình.
- Các hiện tượng tôn giáo mới có xu hướng
phát triển mạnh làm ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng và khối đại đoàn kết
toàn dân tộc
Từ khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới
toàn diện, kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu
rộng thì đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt Nam phát triển,
trong đó xuất hiện một số hiện tượng tôn giáo mới như Long hoa Di Lặc,
Tin Lành Vàng Chứ, Thanh Hải vô thượng sư, Tiên rồng…; các tổ chức đội
lốt tôn giáo như Tin Lành Đề Ga, Hà Mòn ở Tây Nguyên. Tính chất mê tín
của các hiện tượng tôn giáo mới khá rõ. Thậm chí, một số nhóm lợi dụng
niềm tin tôn giáo để tuyên truyền những nội dung gây hoang mang trong quần
chúng, hay thực hành những nghi lễ phản văn hóa, truyền đạo trái phép,
phát tán các tài liệu có nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của
Đảng và Nhà nước, làm phương hại đến mối quan hệ dân tộc và tôn giáo,
làm ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; gây ra
nhiều vấn đề phức tạp và tác động tiêu cực đến tình hình an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội ở nhiều vùng dân tộc. Do vậy, các hiện
tượng tôn giáo mới phát triển mạnh hiện nay cần phải được quản lý tốt
nhằm đảm bảo sự ổn định chính trị quốc gia và đảm bảo giải quyết tốt
mối quan hệ dân tộc và tôn giáo ở nước ta.
- Các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng
vấn đề dân tộc và vấn đề tôn giáo nhằm thực hiện “diễn biến hòa bình”, nhất
là tập trung ở 4 khu vực trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây
duyên hải miền Trung
Trong những năm gần đây, thế giới xuất hiện những
vấn đề mới trong dân tộc và tôn giáo, trong các hoạt động kinh tế, chính
trị, văn hóa, xã hội… Các thế lực xấu, thù địch đã triệt để lợi dụng
những vấn đề này, kết hợp với những hoạt động trong nước ta về dân tộc
và tín ngưỡng, tôn giáo với âm mưu tạo ra những “điểm nóng”, gây mất ổn
định xã hội... Đây là những vấn đề
bức xúc, đang nổi lên ở một số địa bàn trọng yếu, nhạy cảm, những khu
vực biên giới, vùng sâu, vùng xa có sự đa dạng về thành phần tộc
người và tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là tập trung ở các khu vực Tây
Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và Tây duyên hải miền Trung. Lợi dụng vấn đề
dân tộc và tôn giáo, các thế lực thù địch thực hiện chiến lược “diễn biến
hòa bình”, tuyên truyền xuyên tạc, kích động tư tưởng tự trị, ly khai,
chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi nhằm thực hiện ý đồ phá hoại mối quan hệ
dân tộc và tôn giáo, từ đó âm mưu phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và
đoàn kết tôn giáo ở nước ta.
3.2. Định hướng giải quyết mối quan hệ dân tộc và tôn giáo ở Việt Nam
hiện nay
Để giải quyết tốt mối quan hệ dân tộc và tôn
giáo, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “… Nghiêm trị những âm mưu, hành động
chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc… Đồng thời chủ động phòng
ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo
để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc hoặc những hoạt động tín
ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”[103].
Trên cơ sở nhận diện rõ các đặc điểm của quan hệ
dân tộc và tôn giáo ở nước ta hiện nay, quá trình giải quyết mối quan hệ
này cần quán triệt một số quan điểm sau:
- Tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa dân tộc
và tôn giáo, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và đoàn kết tôn giáo là
vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài và cấp bách của cách mạng Việt Nam
Trong lịch sử phát triển, từ khi nước nhà độc
lập, Đảng ta luôn khẳng định: xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn
dân tộc và đoàn kết tôn giáo là vấn đề chiến lược, cơ bản, lâu dài và
cấp bách của cách mạng Việt Nam; phát huy những giá trị văn hóa truyền
thống của các dân tộc, đồng thời “phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức
tốt đẹp và nguồn lực của tôn giáo cho quá trình phát triển đất nước”[104].
Hiện nay, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã
hội chủ nghĩa của Việt Nam càng cần có một sự đoàn kết rộng rãi
của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn
giáo và tăng cường mối quan hệ tốt
đẹp giữa dân tộc và tôn giáo… để tạo động lực to lớn thúc đẩy công cuộc
kiến tạo đất nước phồn vinh, phát triển bền vững và bảo vệ nền độc
lập, chủ quyền của quốc gia. Với yêu cầu đó, xã hội xã hội chủ
nghĩa ở nước ta phải luôn là môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho
tất cả các dân tộc, các tôn giáo được tự do phát triển theo đúng qui định
của pháp luật, phát huy mọi nguồn lực đóng góp ngày càng nhiều cho sự
nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thực tiễn này cũng đặt ra yêu cầu: ở mỗi giai đoạn
lịch sử, việc giải quyết mối quan hệ dân tộc và tôn giáo cần có cách
tiếp cận và lựa chọn ưu tiên giải quyết phù hợp với bối cảnh, tình hình
của giai đoạn đó; đồng thời phải luôn nhận diện đầy đủ và giải quyết
một cách hiệu quả những vấn đề mới nảy sinh trong mối quan hệ dân tộc
và tôn giáo.
- Giải quyết mối quan hệ dân tộc và tôn giáo
phải đặt trong mối quan hệ với cộng đồng quốc gia – dân tộc thống nhất theo
định hướng xã hội chủ nghĩa
Tôn giáo và dân tộc là hai vấn đề rất nhạy cảm.
Những vấn đề liên quan đến dân tộc, tôn giáo nếu không được giải quyết một
cách thỏa đáng sẽ dẫn tới nguy cơ gây mất ổn định chính trị, xã hội, dễ
tạo cớ cho các thế lực chính trị bên ngoài can thiệp vào công việc nội
bộ của đất nước. Vì vậy, để giải quyết tốt mối quan hệ dân tộc và
tôn giáo cần phải tuân thủ nguyên tắc: giải quyết vấn đề tôn giáo trên cơ sở
vấn đề dân tộc, tuyệt đối không được lợi dụng vấn đề tôn giáo đòi ly khai
dân tộc, hay chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc làm tổn hại đến lợi ích
quốc gia – dân tộc, mà phải đảm bảo giữ vững độc lập chủ quyền, thống
nhất đất nước. “Tập hợp đồng bào theo tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào
không theo tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc,
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[105].
Thực hiện quan điểm có tính nguyên tắc này nhằm đảm bảo sự ổn định
chính trị, trật tự an toàn xã hội ở mỗi địa bàn, nhất là ở vùng dân
tộc thiểu số, vùng có đạo, cũng như đảm bảo sự thống nhất toàn vẹn
lãnh thổ trong một cộng đồng quốc gia - dân tộc thống nhất theo định
hướng xã hội chủ nghĩa.
- Giải quyết mối quan hệ dân tộc và tôn giáo
phải bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, quyền của các dân
tộc thiểu số, đồng thời kiên quyết đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn
giáo vào mục đích chính trị.
Trong các mối quan hệ xã hội thì quan hệ dân
tộc, tôn giáo và nhân quyền là những quan hệ hết sức nhạy cảm, giữa
chúng có sự tác động tương hỗ, thống nhất với nhau, đồng thời qui định
lẫn nhau. Do vậy, việc giải quyết tốt mối quan hệ này là nhằm đảm bảo
cho con người những quyền cơ bản về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội
và tín ngưỡng, tôn giáo. Song quyền phải gắn liền với pháp luật, do
vậy đảm bảo
quyền của các dân tộc, quyền tự
do tôn giáo, tín ngưỡng cũng chính là đảm bảo thực hiện những nội dung
cốt yếu của quyền con người trong khuôn khổ của pháp luật.
Tăng cường củng cố an ninh quốc phòng, làm tốt
công tác vận động quần chúng, đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện các
chương trình phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an
toàn xã hội. Xây dựng quy chế phối hợp giữa lực lượng công an, quân đội
với các đoàn thể trong công tác dân tộc, tôn giáo để nắm bắt chắc tình
hình, quản lý chặt đối tượng, sẵn sàng các phương án chủ động đấu tranh
ngăn chặn các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch. Tranh thủ, vận
động chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo xây
dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”.
Chủ động vạch trần những âm mưu thâm độc của các
thế lực thù địch trong việc lợi dụng vấn đề dân tộc và tôn giáo, hoặc
kết hợp vấn đề dân tộc với vấn đề tôn giáo nhằm “tôn giáo hóa dân tộc”
của chúng. Kiên quyết đấu tranh, xử lý các tổ chức, các đối tượng có
các hoạt động vi phạm pháp luật truyền đạo trái phép, hoặc lợi dụng vấn
đề dân tộc, tôn giáo và nhân quyền để kích động quần chúng, chia rẽ
tình đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.
Tóm lại, nhận
diện rõ những đặc điểm của quan hệ dân tộc và tôn giáo ở nước ta hiện
nay để một mặt tiếp tục phát huy hiệu quả và tăng cường mối quan hệ
tốt đẹp giữa dân tộc và tôn giáo tạo sự đồng thuận, đoàn kết dân tộc,
đoàn kết tôn giáo nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh. Mặt khác, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn mọi
tác động tiêu cực và kiên quyết đấu tranh chống mọi hành động lợi dụng
quan hệ dân tộc và tôn giáo gây mất trật tự an toàn xã hội, gây mất ổn
định chính trị và phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã
hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
C. CÂU HỎI ÔN TẬP
1.
Phân tích quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin
về dân tộc và giải quyết vấn đề dân tộc trong cách mạng xã hội chủ
nghĩa?
2.
Trình bày những quan điểm, tư tưởng, chính
sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam về dân tộc và giải quyết
vấn đề dân tộc trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
3.
Phân tích, làm rõ quan điểm của chủ nghĩa
Mác – Lênin về tôn giáo và giải quyết vấn đề tôn giáo trong cách mạng xã
hội chủ nghĩa
4.
Trình bày những quan điểm, tư tưởng, chính
sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo và giải quyết
vấn đề tôn giáo trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
5.
Phân tích mối quan hệ giữa dân tộc với tôn
giáo ở Việt Nam và ảnh hưởng của mối quan hệ đó đến sự ổn định chính
trị - xã hội của đất nước, đến độc lập, chủ quyền của Tổ quốc?
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Cương lĩnh xây
dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát
triển năm 2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
2.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội.
3.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Nghị quyết số
24 - NQ/TƯ, ngày 12/3/2003 của BCHTƯ (khóa IX) Về công tác dân tộc, Nxb.
CTQG, Hà Nội.
4.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Nghị quyết số
25 - NQ/TƯ, ngày 12/3/2003 của BCHTƯ (khóa IX) Về công tác tôn giáo,
Nxb.CTQG, Hà Nội.
5.
Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (2018), Vấn đề
dân tộc và chính sách dân tộc, Nxb.Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà
Nội.
6.
Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (khóa XIV),
Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Luật số 02/2016/QH14, ngày 18/11/2016.
7.
Dương Xuân Ngọc (2017), Giáo trình Chủ nghĩa
xã hội khoa học, dùng cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, Nxb
CAND.
Chương 7
VẤN ĐỀ
GIA ĐÌNH TRONG THỜI KỲ QUÁ ĐỘ
LÊN CHỦ
NGHĨA XÃ HỘI
A.MỤC TIÊU
1.
Về
kiến thức: Sinh viên nắm được những quan điểm cơ bản, của chủ nghĩa
MácLênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về gia đình, xây
dựng gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng gia
đình ở Việt Nam hiện nay.
2.
Về kỹ
năng: Sinh viên có kỹ năng, phương pháp khoa học trong nghiên cứu những
vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vấn đề gia đình và xây dựng
gia đình, từ đó có nhận thức đúng đắn về vấn đề này.
3.
Về tư
tưởng: Sinh viên có thái độ và hành vi đúng đắn trong nhận thức và
có trách nhiệm xây dựng gia đình, xây dựng mối quan hệ giữa cá nhân, gia
đình và xã hội.
B. NỘI DUNG 1. Khái niệm, vị trí và chức năng của gia đình
1.1. Khái niệm gia đình
Gia đình là một cộng đồng người đặc biệt, có vai
trò quyết định đến sự tồn tại và phát triển của xã hội. C.Mác và
Ph.Ăngghen, khi đề cập đến gia đình đã cho rằng: “Quan hệ thứ ba tham
dự ngay từ đầu vào quá trình phát triển lịch sử: hàng ngày tái tạo ra đời
sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh
sôi, nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình”[106].
Cơ sở hình thành gia đình là hai mối quan hệ cơ bản, quan hệ hôn nhân
(vợ và chồng) và quan hệ huyết thống (cha mẹ và con cái…). Những mối quan
hệ này tồn tại trong sự gắn bó, liên kết, ràng buộc và phụ thuộc lẫn
nhau, bởi nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người, được quy định
bằng pháp lý hoặc đạo lý.
Quan hệ hôn nhân là cơ sở, nền tảng hình thành nên
các mối quan hệ khác trong gia đình, là cơ sở pháp lý cho sự tồn tại của
mỗi gia đình. Quan hệ huyết thống là quan hệ giữa những người cùng một
dòng máu, nảy sinh từ quan hệ hôn nhân. Đây là mối quan hệ tự nhiên, là
yếu tố mạnh mẽ nhất gắn kết các thành viên trong gia đình với nhau.
Trong gia đình, ngoài hai mối quan hệ cơ bản là
quan hệ giữa vợ và chồng, quan hệ giữa cha mẹ với con cái, còn có các mối
quan hệ khác, quan hệ giữa ông bà với cháu chắt, giữa anh chị em với nhau,
giữa cô, dì, chú bác với cháu v.v..[107]
Ngày nay, ở
Việt Nam cũng như trên thế giới còn
thừa nhận quan hệ cha mẹ nuôi (người đỡ đầu) với con nuôi (được công nhận
bằng thủ tục pháp lý) trong quan hệ gia đình. Dù hình thành từ hình
thức nào, trong gia đình tất yếu nảy sinh quan hệ nuôi dưỡng, đó là sự
quan tâm chăm sóc nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình cả về vật
chất và tinh thần. Nó vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là một quyền lợi
thiêng liêng giữa các thành viên trong gia đình. Trong xã hội hiện đại,
hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc của gia đình được xã hội quan tâm chia sẻ,
xong không thể thay thế hoàn toàn sự chăm sóc, nuôi dưỡng của gia
đình.
Các quan hệ này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và
biến đổi, phát triển phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế và thể
chế chính trị-xã hội
Như vậy, gia đình là một hình thức cộng đồng xã hội
đặc biệt, được hình thành, duy trì và củng cố chủ yếu dựa trên cơ sở hôn nhân,
quan hệ huyết thống và quan hệ nuôi dưỡng, cùng với những quy định về quyền
và nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình.
1.2. Vị trí của gia đình trong xã hội
Gia đình là tế bào của xã hội
Gia đình có
vai trò quyết định đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của xã
hội. Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Theo quan điểm duy vật thì nhân tố quyết định
trong lịch sử, quy cho đến cùng, là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống
trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó lại có hai loại. Một mặt là sản
xuất ra tư liệu sinh hoạt: thực phẩm, quần áo, nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra
những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền
nòi giống. Những trật tự xã hội, trong đó những con người của một thời
đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại
sản xuất quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và
mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình”[108].
Với việc sản xuất ra tư liệu tiêu dùng, tư liệu
sản xuất, tái sản xuất ra con người, gia đình như một tế bào tự nhiên, là
một đơn vị cơ sở để tạo nên cơ thể - xã hội. Không có gia đình để tái
tạo ra con người thì xã hội không thể tồn tại và phát triển được. Vì vậy,
muốn có một xã hội phát triển lành mạnh thì phải quan tâm xây dựng tế bào
gia đình tốt, như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “… nhiều gia đình cộng
lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt
thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội chính là gia đình”[109].
Tuy nhiên, mức độ tác động của gia đình đối
với xã hội lại phụ thuộc vào bản chất của từng chế độ xã hội, vào
đường lối, chính sách của giai cấp cầm quyền, và phụ
thuộc vào chính bản thân mô hình, kết
cấu, đặc điểm của mỗi hình thức gia đình trong lịch sử. Vì vậy, trong mỗi
giai đoạn của lịch sử, tác động của gia đình đối với xã hội không hoàn
toàn giống nhau. Trong các xã hội dựa trên cơ sở của chế độ tư hữu về tư
liệu sản xuất, sự bất bình đẳng trong quan hệ xã hội và quan hệ gia đình đã hạn chế rất lớn đến sự tác
động của gia đình đối với xã hội. Chỉ khi con người được yên ấm, hòa
thuận trong gia đình, thì mới có thể yên tâm lao động, sáng tạo và đóng
góp sức mình cho xã hội và ngược lại. Chính vì vậy, quan tâm xây dựng
quan hệ xã hội, quan hệ gia đình bình đẳng, hạnh phúc là vấn đề hết sức
quan trọng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Gia đình là tổ ấm, mang lại các giá trị hạnh phúc, sự hài hòa trong
đời sống cá nhân của mỗi thành viên
Từ khi còn nằm trong bụng mẹ, đến lúc lọt lòng và
suốt cả cuộc đời, mỗi cá nhân đều gắn bó chặt chẽ với gia đình. Gia
đình là môi trường tốt nhất để mỗi cá nhân được yêu thương, nuôi dưỡng,
chăm sóc, trưởng thành, phát triển. Sự yên ổn, hạnh phúc của mỗi gia đình
là tiền đề, điều kiện quan trọng cho sự hình thành, phát triển nhân
cách, thể lực, trí lực để trở thành công dân tốt cho xã hội. Chỉ trong
môi trường yên ấm của gia đình, cá nhân mới cảm thấy bình yên, hạnh phúc,
có động lực để phấn đấu trở thành con người xã hội tốt.
Gia đình là cầu nối giữa cá nhân với xã hội
Gia đình là cộng đồng xã hội đầu tiên mà mỗi cá
nhân sinh sống, có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển nhân
cách của từng người. Chỉ trong gia đình, mới thể hiện được quan hệ tình
cảm thiêng liêng, sâu đậm giữa vợ và chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em
với nhau mà không cộng đồng nào có được và có thể thay thế.
Tuy nhiên, mỗi cá nhân lại không thể chỉ sống trong
quan hệ tình cảm gia đình, mà còn có nhu cầu quan hệ xã hội, quan hệ với
những người khác, ngoài các thành viên trong gia đình. Mỗi cá nhân không chỉ
là thành viên của gia đình mà còn là thành viên của xã hội. Quan hệ
giữa các thành viên trong gia đình đồng thời cũng là quan hệ giữa các
thành viên của xã hội. Không có cá nhân bên ngoài gia đình, cũng không
thể có cá nhân bên ngoài xã hội. Gia đình là cộng đồng xã hội đầu tiên
đáp ứng nhu cầu quan hệ xã hội của mỗi cá nhân. Gia đình cũng chính là môi
trường đầu tiên mà mỗi cá nhân học được và thực hiện quan hệ xã hội.
Ngược lại, gia đình cũng là một trong những cộng
đồng để xã hội tác động đến cá nhân. Nhiều thông tin, hiện tượng của xã hội thông qua lăng kính gia đình
mà tác động tích cực hoặc tiêu cực đến sự phát triển của mỗi cá nhân về
tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách v.v.. Xã hội nhận thức đầy đủ và
toàn diện hơn về mỗi cá nhân khi xem xét họ trong các quan hệ xã hội và
quan hệ với gia đình. Có những vấn đề quản lý xã hội phải thông qua hoạt
động của gia đình để tác động đến cá nhân. Nghĩa vụ và quyền lợi của
mỗi cá nhân được thực hiện với sự hợp tác của các thành viên trong gia
đình. Chính vì vậy, ở bất cứ xã hội nào, giai cấp cầm quyền muốn quản
lý xã hội theo yêu cầu của mình, cũng đều coi trọng việc xây dựng và
củng cố gia đình. Vậy nên, đặc điểm của gia đình ở mỗi chế độ xã hội
có khác nhau. Trong xã hội phong kiến, để củng cố, duy trì chế độ bóc lột,
với quan hệ gia trưởng, độc đoán, chuyên quyền đã có những quy định rất
khắt khe đối với phụ nữ, đòi hỏi người phụ nữ phải tuyệt đối trung
thành với người chồng, người cha - những người đàn ông trong gia đình.
Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, để xây dựng một xã hội
thật sự bình đẳng, con người được
giải phóng, giai cấp công nhân chủ trương bảo vệ chế độ hôn nhân một vợ
một chồng, thực hiện sự bình đẳng trong gia đình, giải phóng phụ nữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng
chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[110].
Vì vậy, quan hệ gia đình trong chủ nghĩa xã hội có đặc điểm khác về
chất so với các chế độ xã hội trước đó.
1.3. Chức năng cơ bản của gia đình
Chức năng tái sản xuất ra con người
Đây là chức năng đặc thù của gia đình, không một
cộng đồng nào có thể thay thế. Chức năng này không chỉ đáp ứng nhu cầu
tâm, sinh lý tự nhiên của con người, đáp ứng nhu cầu duy trì nòi giống của
gia đình, dòng họ mà còn đáp ứng nhu cầu về sức lao động và duy trì sự
trường tồn của xã hội.
Việc thực hiện chức năng tái sản xuất ra con người
diễn ra trong từng gia đình, nhưng
không chỉ là việc riêng của gia đình mà là vấn đề xã hội. Bởi
vì, thực hiện chức năng này quyết định đến mật độ dân cư và nguồn lực
lao động của một quốc gia và quốc tế, một yếu tố cấu thành của tồn tại
xã hội. Thực hiện chức năng này liên quan chặt chẽ đến sự phát triển mọi
mặt của đời sống xã hội. Vì vậy, tùy theo từng nơi, phụ thuộc vào nhu
cầu của xã hội, chức năng này được thực hiện theo xu hướng hạn chế hay
khuyến khích. Trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ảnh hưởng đến
chất lượng nguồn lực lao động mà gia đình cung cấp.
Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục
Bên cạnh chức năng tái sản xuất ra con người, gia
đình còn có trách nhiệm nuôi dưỡng, dạy dỗ con cái trở thành người có
ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội. Chức năng này thể hiện tình cảm
thiêng liêng, trách nhiệm của cha mẹ với con cái, đồng thời thể hiện
trách nhiệm của gia đình với xã hội. Thực hiện chức năng này, gia
đình có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự hình thành nhân cách, đạo
đức, lối sống của mỗi người. Bởi vì, ngay khi sinh ra, trước tiên mỗi
người đều chịu sự giáo dục trực tiếp của cha mẹ và người thân trong gia
đình. Những hiểu biết đầu tiên, mà gia đình đem lại thường để lại dấu ấn
sâu đậm và bền vững trong cuộc đời
mỗi người. Vì vậy, gia đình là một môi trường văn hóa, giáo dục, trong
môi trường này, mỗi thành viên đều là những chủ thể sáng tạo những giá trị
văn hóa, chủ thể giáo dục đồng thời cũng là những người thụ
hưởng giá trị văn hóa, và là khách
thể chịu sự giáo dục của các thành viên khác trong gia đình.
Chức năng nuôi dưỡng, giáo dục có ảnh hưởng lâu dài
và toàn diện đến cuộc đời của mỗi thành viên, từ lúc lọt lòng cho đến khi trưởng
thành và tuổi già. Mỗi thành viên trong gia đình đều có vị trí, vai trò nhất
định, vừa là chủ thể vừa là khách thể trong việc nuôi dưỡng, giáo dục
của gia đình. Đây là chức năng hết sức quan trọng, mặc dù, trong xã hội
có nhiều cộng đồng khác (nhà trường, các đoàn thể, chính quyền v.v..)
cũng thực hiện chức năng này, nhưng không thể thay thế chức năng giáo
dục của gia đình. Với chức năng này, gia đình góp phần to lớn vào việc
đào tạo thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của xã hội, cung cấp và nâng cao chất
lượng nguồn lao động để duy trì sự trường tồn của xã hội, đồng thời
mỗi cá nhân từng bước được xã hội hóa. Vì vậy, giáo dục của gia đình gắn
liền với giáo dục của xã hội. Nếu giáo dục của gia đình không gắn với
giáo dục của xã hội, mỗi cá nhân sẽ khó khăn khi hòa nhập với xã hội, và
ngược lại, giáo dục của xã hội sẽ không đạt được hiệu quả cao khi không kết
hợp với giáo dục của gia đình, không lấy giáo dục của gia đình là nền
tảng. Do vậy, cần tránh khuynh hướng
coi trọng giáo dục gia đình mà hạ thấp giáo dục của xã hội hoặc ngược
lại. Bởi cả hai khuynh hướng hướng ấy, mỗi cá nhân đều không phát triển
toàn diện.
Thực hiện tốt chức năng nuôi dưỡng, giáo dục, đòi
hỏi mỗi người làm cha, làm mẹ phải có kiến thức cơ bản, tương đối toàn
diện về mọi mặt, văn hóa, học vấn, đặc biệt là phương pháp giáo dục.
Chức năng kinh tế và tổ chức tiêu dùng
Cũng như các đơn vị kinh tế khác, gia đình tham gia
trực tiếp vào quá trình sản xuất và tái sản sản xuất ra tư liệu sản xuất và
tư liệu tiêu dùng. Tuy nhiên, đặc thù của gia đình mà các đơn vị kinh tế
khác không có được, là ở chỗ, gia đình là đơn vị duy nhất tham gia vào quá
trình sản xuất và tái sản xuất ra sức lao động cho xã hội.
Gia đình không chỉ tham gia trực tiếp vào sản xuất
và tái sản xuất ra của cải vật chất và sưc slao động, mà còn là một đơn vị
tiêu dùng trong xã hội. Gia đình thực hiện chức năng tổ chức tiêu dùng
hàng hóa để duy trì đời sống của gia đình về lao động sản xuất cũng
như các sinh hoạt trong gia đình. Đó là việc sử dụng hợp lý các khoản thu
nhập của các thành viên trong gia đình vào việc đảm bảo đời sống vật
chất và tinh thần của mỗi thành viên cùng với việc sử dụng quỹ thời gian
nhàn rỗi để tạo ra một môi trường văn hóa lành mạnh trong gia đình, nhằm
nâng cao sức khỏe, đồng thời để duy trỉ sở thích, sắc thái riêng của
mỗi người.
Cùng với sự phát triển của xã hội, ở các hình thức
gia đình khác nhau và ngay cả ở một hình thức gia đình, nhưng tùy theo
từng giai đoạn phát triển của xã hội, chức năng kinh tế của gia đình có
sự khác nhau, về quy mô sản xuất, sở hữu tư liệu sản xuất và cách thức tổ
chức sản xuất và phân phối. Vị trí, vai trò của kinh tế gia đình và mối
quan hệ của kinh tế gia đình với các đơn vị kinh tế khác trong xã hội cũng
không hoàn toàn giống nhau.
Thực hiện chức năng này, gia đình đảm bảo nguồn
sinh sống, đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của các thành viên trong
gia đình. Hiệu quả hoạt động kinh tế của gia đình quyết định hiệu quả
đời sống vật chất và tinh thần của mỗi thành viên gia đình. Đồng thời,
gia đình đóng góp vào quá trình sản xuất và tái sản xuất ra của cải, sự
giàu có của xã hội. Gia đình có thể phát huy một cách có hiệu quả mọi
tiềm năng của mình về vốn, về sức lao động, tay nghề của người lao
động, tăng nguồn của cải vật chất cho gia đình và xã hội. Thực hiện
tốt chức năng này, không những tạo cho gia đình có cơ sở để tổ chức
tốt đời sống, nuôi dạy con cái, mà còn đóng góp to lớn đối với sự
phát triển của xã hội.
Chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, duy trì tình cảm gia đình
Đây là chức năng thường xuyên của gia đình, bao
gồm việc thỏa mãn nhu cầu tình cảm, văn hóa, tinh thần cho các thành viên,
đảm bảo sự cân bằng tâm lý, bảo vệ chăm sóc sức khỏe người ốm, người
già, trẻ em. Sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau giữa các thành viên trong gia
đình vừa là nhu cầu tình cảm vừa là trách nhiệm, đạo lý, lương tâm của mỗi
người. Do vậy, gia đình là chỗ dựa tình cảm cho mỗi cá nhân, là nơi nương
tựa về mặt tinh thần chứ không chỉ là nơi nương tựa về vật chất của
con người.Với việc duy trì tình cảm giữa các thành viên, gia đình có ý
nghĩa quyết định đến sự ổn định và phát triển của xã hội. Khi quan hệ
tình cảm gia đình rạn nứt, quan hệ tình cảm trong xã hội cũng có nguy cơ
bị phá vỡ.
Ngoài những chức năng trên, gia đình còn có chức
năng văn hóa, chức năng chính trị… Với chức năng văn hóa, gia đình là
nơi lưu giữ truyền thống văn hóa của dân tộc cũng như tộc người. Những
phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng được thực hiện
trong gia đình. Gia đình không chỉ là nơi lưu giữ mà còn là nơi sáng tạo
và thụ hưởng những giá trị văn hóa
của xã hội. Với chức năng chính trị, gia đình là một tổ chức chính
trị của xã hội, là nơi tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của
nhà nước và quy chế (hương ước) của làng xã và hưởng lợi từ hệ thống
pháp luật, chính sách và quy chế đó. Gia đình là cầu nối của mối quan
hệ giữa nhà nước với công dân.
2. Cơ sở xây dựng gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
2.1. Cơ sở kinh tế - xã hội Cơ sở
kinh tế - xã hội để xây dựng gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ
nghĩa xã hội là sự phát triển của lực lượng sản xuất và tương ứng trình
độ của lực lượng sản xuất là quan hệ sản xuất mới, xã hội chủ nghĩa.
Cốt lõi của quan hệ sản xuất mới ấy là chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa
đối với tư liệu sản xuất từng bước hình thành và củng cố thay thế chế độ
sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Nguồn gốc của sự áp bức bóc lột và
bất bình đẳng trong xã hội và gia đình dần dần bị xóa bỏ, tạo cơ sở kinh
tế cho việc xây dựng quan hệ bình đẳng trong gia đình và giải phóng phụ
nữ trong trong xã hội.
V.I.Lênnin đã viết: “Bước thứ hai và
là bước chủ yếu là thủ tiêu chế độ tư hữu về ruộng đất, công xưởng và
nhà máy. Chính như thế và chỉ có như thế mới mở được con đường giải phóng
hoàn toàn và thật sự cho phụ nữ, mới thủ tiêu được “chế độ nô lệ gia
đình” nhờ có việc thay thế nền kinh tế gia đình cá thể bằng nền kinh tế
xã hội hóa quy mô lớn”[111].
Xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất là xóa bỏ
nguồn gốc gây nên tình trạng thống trị của người đàn ông trong gia đình,
sự bất bình đẳng giữa nam và nữ, giữa vợ và chồng, sự nô dịch đối với
phụ nữ. Bởi vì sự thống trị của người đàn ông trong gia đình là kết quả
sự thống trị của họ về kinh tế, sự thống trị đó tự nó sẽ tiêu tan khi
sự thống trị về kinh tế của đàn ông không còn. Xóa bỏ chế độ tư hữu về
tư liệu sản xuất đồng thời cũng là cơ sở để biến lao động tư nhân trong
gia đình thành lao động xã hội trực tiếp, người phụ nữ dù tham gia lao
động xã hội hay tham gia lao động gia đình thì lao động của họ đóng
góp cho sự vận động và phát triển, tiến bộ của xã hội. Như Ph.Ăngghen
đã nhấn mạnh: “Tư liệu sản xuất chuyển thành tài sản chung, thì gia đình
cá thể sẽ không còn là đơn vị kinh tế của xã hội nữa. Nền kinh tế tư nhân
biến thành một ngành lao động xã hội. Việc nuôi dạy con cái trở thành công
việc của xã hội”2. Do vậy, phụ nữ có địa vị bình đẳng với
đàn ông trong xã hội. Xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất cũng là
cơ sở làm cho hôn nhân được thực hiện dựa trên cơ sở tình yêu chứ không
phải vì lý do kinh tế, địa vị xã hội hay một sự tính toán nào khác.
2.2. Cơ sở chính trị - xã hội
Cơ sở chính trị để xây dựng gia đình trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội là việc thiết lập chính quyền nhà nước của
giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong
đó, lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân lao động được thực hiện quyền
lực của mình không có sự phân biệt giữa nam và nữ. Nhà nước cũng chính là
công cụ xóa bỏ những luật lệ cũ kỹ, lạc hậu, đè nặng lên vai người phụ
nữ đồng thời thực hiện việc giải phóng phụ nữ và bảo vệ hạnh phúc gia
đình. Như V.I.Lênin đã khẳng định: “Chính quyền xô viết là chính quyền đầu
tiên và duy nhất trên thế giới đã hoàn toàn thủ tiêu tất cả pháp luật cũ
kỹ, tư sản, đê tiện, những pháp luật đó đặt người phụ nữ vào tình trạng
không bình đẳng với nam giới, đã dành đặc quyền cho nam giới… Chính
quyền xô viết, một chính quyền của nhân dân lao động, chính quyền đầu
tiên và duy nhất trên thế giớ đã hủy bỏ tất cả những đặc quyền gắn liền
với chế độ tư hữu, những đặc quyền của người đàn ông trong gia đình…”[112].
Nhà nước xã hội chủ nghĩa với tính cách là cơ sở
của việc xây dựng gia đình trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội,
thể hiện rõ nét nhất ở vai trò của hệ thống pháp luật, trong đó có
Luật Hôn nhân và Gia đình cùng với hệ thống chính sách xã hội
đảm bảo lợi ích của công dân, các
thành viên trong gia đình, đảm bảo sự bình đẳng giới, chính sách dân số,
việc làm, y tế, bảo hiểm xã hội… Hệ thống pháp luật và chính sách xã hội
đó vừa định hướng vừa thúc đẩy quá trình hình thành gia đình mới trong
thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Chừng nào và ở đâu, hệ thống
chính sách, pháp luật chưa hoàn thiện thì việc xây dựng gia đình và đảm
bảo hạnh phúc gia đình còn hạn chế.
2.3. Cở sở văn hóa
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, cùng
với những biến đổi căn bản trong đời sống chính trị, kinh tế, thì đời
sống văn hóa, tinh thần cũng không ngừng biến đổi. Những giá trị văn hóa
được xây dựng trên nền tảng hệ tư tưởng chính trị của giai cấp công nhân
từng bước hình thành và dần dần giữ vai trò chi phối nền tảng văn hóa, tinh
thần của xã hội, đồng thời những yếu tố văn hóa, phong tục tập quán,
lối sống lạc hậu do xã hội cũ để lại từng bước bị loại bỏ.
Sự phát triển hệ thống giáo dục, đào tạo, khoa
học và công nghệ góp phần nâng cao trình độ dân trí, kiến thức khoa học và
công nghệ của xã hội, đồng thời cũng cung cấp cho các thành viên trong
gia đình kiến thức, nhận thức mới, làm nền tảng cho sự hình thành những
giá trị, chuẩn mực mới, điều chỉnh các mối quan hệ gia đình trong quá
trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thiếu đi cơ sở văn hóa, hoặc cơ sở văn hóa không đi
liền với cơ sở kinh tế, chính trị, thì việc xây dựng gia đình sẽ lệch
lạc, không đạt hiệu quả cao.
2.4. Chế độ hôn nhân tiến bộ
Hôn nhân
tự nguyện
Hôn nhân tiến bộ là hôn nhân xuất phát từ tình yêu
giữa nam và nữ. Tình yêu là khát vọng của con người trong mọi thời đại.
Chừng nào, hôn nhân không được xây dựng trên cơ sở tình yêu thì chừng đó,
trong hôn nhân, tình yêu, hạnh phúc gia đình sẽ bị hạn chế.
Hôn nhân xuất phát từ tình yêu tất yếu dẫn đến hôn
nhân tự nguyện. Đây là bước phát triển tất yếu của tình yêu nam nữ, như
Ph.Ăngghen nhấn mạnh: “…nếu nghĩa vụ của vợ và chồng là phải thương yêu
nhau thì nghĩa vụ của những kẻ yêu nhau há chẳng phải là kết hôn với nhau
và không được kết hôn với người khác”[113].
Hôn nhân tự nguyện là đảm bảo cho nam nữ có quyền tự do trong việc lựa chọn
người kết hôn, không chấp nhận sự áp đặt của cha mẹ. Tất nhiên, hôn nhân
tự nguyện không bác bỏ việc cha mẹ quan tâm, hướng dẫn giúp đỡ con cái
có nhận thức đúng, có trách nhiệm trong việc kết hôn.
Hôn nhân tiến bộ còn bao hàm cả quyền tự do ly hôn
khi tình yêu giữa nam và nữ không còn nữa. Ph.Ăngghen viết: “Nếu chỉ riêng hôn
nhân dựa trên cơ sở tình yêu mới
hợp đạo đức thì cũng chỉ riêng hôn
nhân trong đó tình yêu được duy trì, mới là hợp đạo đức mà thôi… và nếu
tình yêu đã hoàn toàn phai nhạt hoặc bị một tình yêu say đắm mới át đi,
thì ly hôn sẽ là điều hay cho cả đôi bên cũng như cho xã hội”[114].
Tuy nhiên, hôn nhân tiến bộ không khuyến khích việc ly hôn, vì ly hôn để
lại hậu quả nhất định cho xã hội, cho cả vợ, chông và đặc biệt là con cái.
Vì vậy, cần ngăn chặn những trường hợp nông nổi khi ly hôn, ngăn chặn hiện
tượng lợi dụng quyền ly hôn và những lý do ích kỷ hoặc vì mục đích vụ lợi.
Hôn nhân một vợ một chồng, vợ
chồng bình đẳng
Bản chất của tình yêu là không thể chia sẻ được, nên
hôn nhân một vợ một chồng là kết quả tất yếu của hôn nhân xuất phát từ tình
yêu. Thực hiện hôn nhân một vợ một chồng là điều kiện đảm bảo hạnh phúc
gia đình, đồng thời cũng phù hợp với quy luật tự nhiên, phù hợp với tâm
lý, tình cảm, đạo đức con người.
Hôn nhân một vợ một chồng đã xuất hiện từ sớm
trong lịch sử xã hội loài người, khi có sự thắng lợi của chế độ tư hữu
đối với chế độ công hữu nguyên thủy. Tuy nhiên, trong các xã hội trước,
hôn nhân một vợ một chồng thực chất chỉ đối với người phụ nữ. “Chế độ
một vợ một chồng sinh ra tự sự tập trung nhiều của cải vào tay một
người, - vào tay người đàn ông, và từ nguyện vọng chuyển của cải ấy lại
cho con cái của người đàn ông ấy, chứ không phải của người nào khác. Vì
thế, cần phải có chế độ một vợ một chồng về phía người vợ, chứ không
phải về phía người chồng”2. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa
xã hội, thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng là thực hiện sự
giải phóng đối với phụ nữ, thực hiện sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau
giữa vợ và chồng. Trong đó vợ và chồng đều có quyền lợi và nghĩa vụ
ngang nhau về mọi vấn đề của cuộc sống gia đình. Vợ và chồng được tự do
lựa chọn những vấn đề riêng, chính đáng như nghề nghiệp, công tác xã hội,
học tập và một số nhu cầu khác v.v.. Đồng thời cũng có sự thống nhất
trong việc giải quyết những vấn đề chung của gia đình như ăn, ở, nuôi dạy
con cái… nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc.
Quan hệ vợ chồng bình đẳng là cơ sở cho sự bình
đẳng trong quan hệ giữa cha xu thế mẹ
với con cái và quan hệ giữa anh chị em với nhau. Nếu như cha mẹ có nghĩa
vụ yêu thương con cái, ngược lại, con cái cũng có nghĩa vụ biết ơn, kính
trọng, nghe lời dạy bảo của cha mẹ. Tuy nhiên, quan hệ giữa cha mẹ và con
cái, giữa anh chị em sẽ có những mâu thuẫn không thể tránh khỏi do sự chênh
lệch tuổi tác, nhu cầu, sở thích riêng của mỗi người. Do vậy, giải quyết
mâu thuẫn trong gia đình là vấn đề cần được mọi người quan tâm, chia sẻ.
Hôn nhân được đảm bảo về pháp lý
Quan hệ hôn nhân, gia đình thực chất không phải là vấn đề
riêng tư của mỗi gia
đình mà là quan hệ xã hội. Tình
yêu giữa nam và nữ là vấn đề riêng của mỗi người, xã hội không can thiệp,
nhưng khi hai người đã thỏa thuận để đi đến kết hôn, tức là đã đưa quan
hệ riêng bước vào quan hệ xã hội, thì phải có sự thừa nhận của xã hội,
điều đó được biểu hiện bằng thủ tục pháp lý trong hôn nhân. Thực hiện
thủ tục pháp lý trong hôn nhân, là thể hiện sự tôn trọng trong tình tình
yêu, trách nhiệm giữa nam và nữ, trách nhiệm của cá nhân với gia đình và
xã hội và ngược lại. Đây cũng là biện pháp ngăn chặn những cá nhân lợi
dụng quyền tự do kết hôn, tự do ly hôn để thảo mãn những nhu cầu không
chính đáng, để bảo vệ hạnh phúc của cá nhân và gia đình. Thực hiện thủ
tục pháp lý trong hôn nhân không ngăn cản quyền tự do kết hôn và tự do ly
hôn chính đáng, mà ngược lại, là cơ sở để thực hiện những quyền đó một
cách đầy đủ nhất.
3. Xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, dưới
tác động của nhiều yếu tố khách quan
và chủ quan: phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức,
xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, cách mạng khoa học và công
nghệ hiện đại, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia
đình…,- gia đình Việt Nam đã có sự biến đổi tương đối toàn diện, về
quy mô, kết cấu, các chức năng cũng như quan hệ gia đình. Ngược lại, sự
biến đổi của gia đình cũng tạo ra động lực mới thúc đẩy sự phát triển
của xã hội.
3.1. Sự biến đổi của gia đình Việt Nam trong
thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội Biến đổi quy mô, kết cấu của gia đình
Gia đình Việt Nam ngày nay có thể được coi là
“gia đình quá độ” trong bước chuyển biến từ xã hội nông nghiệp cổ
truyền sang xã hội công nghiệp hiện đại. Trong quá trình này, sự giải
thể của cấu trúc gia đình truyền thống và sự hình thành hình thái
mới là một tất yếu. Gia đình đơn hay còn gọi là gia đình hạt nhân đang
trở nên rất phổ biến ở các đô thị và cả ở nông thôn - thay thế cho kiểu gia
đình truyền thống từng giữ vai trò chủ đạo trước đây.
Quy mô gia đình ngày nay tồn tại xu hướng thu nhỏ
hơn so với trước kia, số thành viên trong gia đình trở nên ít đi. Nếu như
gia đình truyền thống xưa có thể tồn tại đến ba bốn thế hệ cùng chung
sống dưới một mái nhà thì hiện nay, quy mô gia đình hiện đại đã ngày
càng được thu nhỏ lại. Gia đình Việt Nam hiện đại chỉ có hai thế hệ cùng
sống chung: cha mẹ - con cái, số con trong gia đình cũng không nhiều như
trước, cá biệt còn có số ít gia đình đơn thân, nhưng phổ biến nhất vẫn
là loại hình gia đình hạt nhân quy mô nhỏ.
Quy mô gia đình Việt Nam ngày càng thu nhỏ, đáp
ứng những nhu cầu và điều kiện của thời đại mới đặt ra. Sự bình đẳng
nam nữ được đề cao hơn, cuộc sống riêng tư của con người được tôn trọng
hơn, tránh được những mâu thuẫn trong đời sống của gia đình truyền
thống. Sự biến đổi của gia đình cho thấy chính nó đang làm chức năng
tích cực, thay đổi chính bản thân gia đình và cũng là thay đổi hệ
thống xã hội, làm cho xã hội trở nên thích nghi và phù hợp hơn với tình
hình mới, thời đại mới.
Tất nhiên, quá trình biến đổi đó cũng gây những phản
chức năng như tạo ra sự ngăn cách không gian giữa các thành viên trong gia
đình, tạo khó khăn, trở lực trong việc gìn giữ tình cảm cũng như các giá
trị văn hóa truyền thống của gia đình. Xã hội ngày càng phát triển, mỗi
người đều bị cuốn theo công việc của riêng mình với mục đích kiếm thêm
thu nhập, thời gian dành cho gia đình cũng vì vậy mà ngày càng ít đi.
Con người dường như rơi vào vòng xoáy của đồng tiền và vị thế xã hội mà
vô tình đánh mất đi tình cảm gia đình. Các thành viên ít quan tâm lo lắng
đến nhau và giao tiếp với nhau hơn, làm cho mối quan hệ gia đình trở nên
rời rạc, lỏng lẻo...
Biến đổi các chức năng của gia đình
- Chức năng tái sản xuất ra con người
Với những thành tựu của y học hiện đại, hiện nay
việc sinh đẻ được các gia đình tiến hành một cách chủ động, tự giác khi
xác định số lượng con cái và thời điểm sinh con. Hơn nữa, việc sinh con
còn chịu sự điều chỉnh bởi chính sách xã hội của Nhà nước, tùy theo
tình hình dân số và nhu cầu về sức lao động của xã hội. Ở nước ta,
từ những năm 70 và 80 của thế kỷ XX, Nhà nước đã tuyên truyền, phổ biến
và áp dụng rộng rãi các phương tiện và biện pháp kỹ thuật tránh thai
và tiến hành kiểm soát dân số thông qua Cuộc vận động sinh đẻ có kế
hoạch, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con. Sang thập
niên đầu thế kỷ XXI, dân số Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn giá hóa.
Để đảm bảo lợi ích của gia đình và sự phát triển bền vững của xã
hội, thông điệp mới trong kế hoạch hóa gia đình là mỗi cặp vợ chồng nên
sinh đủ hai con.
Nếu như trước kia, do ảnh hưởng của phong tục, tập
quán và nhu cầu sản xuất nông nghiệp, trong gia đình Việt Nam truyền
thống, nhu cầu về con cái thể hiện trên ba phương diện: phải có con,
càng đông con càng tốt và nhất thiết phải có con trai nối dõi thì ngày
nay, nhu cầu ấy đã có những thay đổi căn bản: thể hiện ở việc giảm mức
sinh của phụ nữ, giảm số con mong muốn và giảm nhu cầu nhất thiết phải có
con trai của các cặp vợ chồng. Trong gia đình hiện đại, sự bền vững của
hôn nhân phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố tâm lý, tình cảm, kinh tế,
chứ không phải chỉ là các yếu tố có con hay không có con, có con trai hay
không có con trai như gia đình truyền thống.
Biến
đổi chức năng kinh tế và tổ chức tiêu dùng
Xét một cách khái quát, cho đến nay kinh tế gia
đình đã có hai bước chuyển mang tính bước ngoặt[115]:
Thứ nhất, từ kinh tế tự cấp tự túc
thành kinh tế hàng hóa, tức là từ một đơn vị kinh tế khép kín sản xuất
để đáp ứng nhu cầu của gia đình thành đơn
vị mà sản xuất chủ yếu để đáp ứng
nhu cầu của người khác hay của xã hội. Thứ
hai, từ đơn vị kinh tế mà đặc trưng là sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu
cầu của thị trường quốc gia thành tổ chức kinh tế của nền kinh tế thị
trường hiện đại đáp ứng nhu cầu của thị trường toàn cầu.
Hiện nay, kinh tế gia đình đang trở thành một bộ
phận quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội
nhập kinh tế và cạnh tranh sản phẩm hàng hóa với các nước trong khu vực
và trên thế giới, kinh tế gia đình gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong
việc chuyển sang hướng sản xuất kinh doanh hàng hóa theo hướng chuyên sâu
trong kinh tế thị trường hiện đại. Nguyên nhân là do kinh tế gia đình phần
lớn có quy mô nhỏ, lao động ít và tự sản xuất là chính.
Sự phát triển của kinh tế hàng hóa và nguồn thu
nhập bằng tiền của gia đình tăng lên làm cho gia đình trở thành một đơn
vị tiêu dùng quan trọng của xã hội. Các gia đình Việt Nam đang tiến tới
“tiêu dùng sản phẩm do người khác làm ra”, tức là sử dụng hàng hóa và
dịch vụ xã hội.
Biến
đổi chức năng giáo dục (xã hội hóa).
Trong xã hội Việt Nam truyền thống, giáo dục gia
đình là cơ sở của giáo dục xã hội thì ngày nay, giáo dục xã hội bao
trùm lên giáo dục gia đình và đưa ra những mục tiêu, những yêu cầu của
giáo dục xã hội cho giáo dục gia đình[116].
Điểm tương đồng giữa giáo dục gia đình truyền thống và giáo dục của
xã hội mới là tiếp tục nhấn mạnh sự hy sinh của cá nhân cho cộng
đồng.
Giáo dục gia đình hiện nay phát triển theo xu
hướng sự đầu tư tài chính của gia đình cho giáo dục con cái tăng lên.
Nội dung giáo dục gia đình hiện nay không chỉ nặng về giáo dục đạo đức,
ứng xử trong gia đình, dòng họ, làng xã, mà hướng đến giáo dục kiến
thức khoa học hiện đại, trang bị công cụ để con cái hòa nhập với thế
giới.
Tuy nhiên, sự phát triển của hệ thống giáo dục
xã hội, cùng với sự phát triển kinh tế hiện nay, vai trò giáo dục của
các chủ thể trong gia đình có xu hướng giảm. Nhưng sự gia tăng của các
hiện tượng tiêu cực trong xã hội và trong nhà trường, làm cho sự kỳ
vọng và niềm tin của các bậc cha mẹ vào hệ thống giáo dục xã hội
trong việc rèn luyện đạo đức, nhân cách cho con em của họ đã giảm đi rất
nhiều so với trước đây. Mâu thuẫn
này là một thực tế chưa có lời giải hữu hiệu ở Việt Nam hiện nay. Những
tác động trên đây làm giảm sút đáng kể vai trò của gia đình trong thực
hiện chức năng xã hội hóa, giáo dục trẻ em ở nước ta thời gian qua.
Hiện tượng trẻ em hư, bỏ học sớm, lang thang,
nghiện hút ma túy, mại dâm… cũng cho thấy phần nào sự bất lực của xã
hội và sự bế tắc của một số gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục
trẻ em.
Biến
đổi chức năng thỏa mãn nhu cầu tâm sinh lý, duy trì tình cảm
Trong xã hội hiện đại, độ bền vững của gia đình
không chỉ phụ thuộc vào sự ràng buộc của các mối quan hệ về trách
nhiệm, nghĩa vụ giữa vợ và chồng; cha mẹ và con cái; sự hy sinh lợi ích cá
nhân cho lợi ích gia đình, mà nó còn bị chi phối bởi các mối quan hệ hòa
hợp tình cảm giữa chồng và vợ; cha mẹ và con cái, sự đảm bảo hạnh phúc cá
nhân, sinh hoạt tự do, chính đáng của mỗi thành viên gia đình trong cuộc
sống chung.
Trong gia đình Việt Nam hiện nay, nhu cầu thỏa mãn
tâm lý - tình cảm đang tăng lên, do gia đình có xu hướng chuyển đổi từ
chủ yếu là đơn vị kinh tế sang chủ yếu là đơn vị tình cảm. Việc thực hiện
chức năng này là một yếu tố rất quan trọng tác động đến sự tồn tại,
bền vững của hôn nhân và hạnh phúc gia đình, đặc biệt là việc bảo vệ
chăm sóc trẻ em và người cao tuổi, nhưng hiện nay, các gia đình đang đối
mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong tương lai gần, khi
mà tỷ lệ các gia đình chỉ có một con tăng lên thì đời sống tâm lý - tình
cảm của nhiều trẻ em và kể cả người lớn cũng sẽ kém phong phú hơn, do
thiếu đi tình cảm về anh, chị em trong cuộc sống gia đình.
Tác động của công nghiệp hóa và toàn cầu hóa
dẫn tới tình trạng phân hóa giàu nghèo sâu sắc, làm cho một số hộ
gia đình có cơ may mở rộng sản xuất, tích lũy tài sản, đất đai, tư liệu
sản xuất thì trở nên giàu có, trong khi đại bộ phận các gia đình trở
thành lao động làm thuê do không có cơ hội phát triển sản xuất, mất đất
đai và các tư liệu sản xuất khác, không có khả năng tích lũy tài sản, mở
rộng sản xuất. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các hô nghèo, khắc
phục khoảng cách giàu nghèo đang có xu hướng ngày càng gia tăng.
Cùng với đó, vấn đề đặt ra là cần phải thay đổi
tâm lý truyền thống về vai trò của con trai, tạo dựng quan niệm bình
đẳng giữa con trai và con gái trong trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ
già và thờ phụng tổ tiên. Nhà nước cần có những giải pháp, biện pháp
nhằm bảo đảm an toàn tình dục, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh
sản cho các thành viên sẽ là chủ gia đình tương lai; củng cố chức năng
xã hội hóa của gia đình, xây dựng những chuẩn mực và mô hình mới về
giáo dục gia đình, xây dựng nội dung và phương pháp mới về giáo dục gia
đình, giúp cho các bậc cha mẹ có định hướng trong giáo dục và hình
thành nhân cách trẻ em; giải quyết thỏa đáng mâu thuẫn giữa nhu cầu tự do,
tiến bộ của người phụ nữ hiện đại với trách nhiệm làm dâu theo quan
niệm truyền thống, mâu thuẫn về lợi ích giữa các thế hệ, giữa cha mẹ và
con cái. Nó đòi hỏi phải hình thành những chuẩn mực mới, bảo đảm sự hài
hòa lợi ích giữa các thành viên trong gia đình cũng như lợi ích giữa gia
đình và xã hội.
Sự biến đổi quan hệ gia đình
-Biến đổi quan hệ hôn nhân và quan hệ vợ
chồng
Trong thực tế, hôn nhân và gia đình Việt Nam đang
phải đối mặt với những thách thức, biến đổi lớn. Dưới tác động của cơ
chế thị trường, khoa học công nghệ hiện đai, toàn cầu hóa… khiến các gia
đình phải gánh chịu nhiều mặt trái như: quan hệ vợ chồng - gia đình lỏng
lẻo; gia tăng tỷ lệ ly hôn, ly thân, ngoại tình, quan hệ tình dục trước hôn
nhân và ngoài hôn nhân, chung sống không kết hôn. Đồng thời, xuất hiện
nhiều bi kịch, thảm án gia đình, người già cô đơn, trẻ em sống ích kỷ,
bạo hành trong gia đình, xâm hại tình dục… Từ đó, dẫn tới hệ lụy là
giá trị truyền thống trong gia đình bị coi nhẹ, kiểu gia đình truyền
thống bị phá vỡ, lung lay và hiện tượng gia tăng số hộ gia đình đơn
thân, độc thân, kết hôn đồng tính, sinh con ngoài giá thú… Ngoài ra, sức
ép từ cuộc sống hiện đại (công việc căng thẳng, không ổn định, di chuyển
nhiều…) cũng khiến cho hôn nhân trở nên khó khăn với nhiều người trong xã
hội.
Trong gia đình truyền thống, người chồng là trụ
cột của gia đình, mọi quyền lực trong gia đình đều thuộc về người
đàn ông. Người chồng là người chủ sở hữu tài sản của gia đình, người
quyết định các công việc quan trọng của gia đình, kể cả quyền dạy vợ, đánh
con.
Trong gia đình Việt Nam hiện nay, không còn một mô
hình duy nhất là đàn ông làm chủ gia đình. Ngoài mô hình người đàn
ông - người chồng làm chủ gia đình ra thì còn có ít nhất hai mô hình
khác cùng tồn tại[117].
Đó là mô hình người phụ nữ - người vợ làm chủ gia đình và mô hình cả
hai vợ chồng cùng làm chủ gia đình. Người chủ gia đình được quan niệm
là người có những phẩm chất, năng lực và đóng góp vượt trội, được các
thành viên trong gia đình coi trọng. Ngoài ra, mô hình người chủ gia đình
phải là người kiếm ra nhiều tiền cho thấy một đòi hỏi mới về phẩm chất
của người lãnh đạo gia đình trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường
và hội nhập kinh tế.
- Biến đổi quan hệ giữa các thế
hệ, các giá trị, chuẩn mực văn hóa của gia đình
Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, quan hệ
giữa các thế hệ cũng như các giá trị,
chuẩn mực văn hóa của gia đình cũng không ngừng biến đổi. Trong gia đình
truyền thống, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên dưới sự dạy bảo thường
xuyên của ông bà, cha mẹ ngay từ khi còn nhỏ. Trong gia đình hiện đại,
việc giáo dục trẻ em gần như phó mặc cho nhà trường, mà thiếu đi sự dạy
bảo thường xuyên của ông bà, cha mẹ. Ngược lại, người cao tuổi trong gia
đình truyền thống thường sống cùng với con cháu, cho nên nhu cầu về tâm
lý, tình cảm được đáp ứng đầy đủ. Còn khi quy mô gia đình bị biến đổi,
người cao tuổi phải đối mặt với sự cô đơn thiếu thốn về tình cảm.
Những biến đổi trong quan hệ gia đình cho thấy,
thách thức lớn nhất đặt ra cho gia đình Việt Nam là mâu thuẫn giữa các
thế hệ, do sự khác biệt về tuổi tác, khi cùng chung sống với nhau.
Người già thường hướng về các giá trị truyền thống, có xu hướng bảo
thủ, áp đặt nhận thức của mình đối với người trẻ. Ngược lại, tuổi trẻ
thường hướng tới những giá trị hiện đại, có xu hướng phủ nhận yếu tố
truyền thống. Gia đình càng nhiều thế hệ, mâu thuẫn thế hệ càng lớn.
Ngày càng xuất hiện nhiều hiện tượng mà trước đây
chưa hề hoặc ít có như: bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, ngoại tình,
sống thử... Chúng đã làm rạn nứt, phá hoại sự bền vững của gia đình,
làm cho gia đình trở nên mong manh, dễ tan vỡ hơn. Ngoài ra, các tệ nạn
như trẻ em lang thang, nghiện hút, buôn bán phụ nữ qua biên giới... cũng
đang đe dọa, gây nhiều nguy cơ làm tan rã gia đình.
3.2. Phương hướng cơ bản xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao nhận thức của xã
hội về xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp
ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ trung ương đến cơ sở nhận thức
sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của gia đình và công tác xây
dựng, phát triển gia đình Việt Nam hiện nay, coi đây là một trong những
động lực quan trọng quyết định thành công sự phát triển bền vững kinh tế -
xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và
bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cấp ủy và chính quyền các
cấp phải đưa nội dung, mục tiêu của công tác xây dựng và phát triển gia
đình vào chiến lược phát triển kinh tế- xã hội và chương trình kế hoạch
công tác hàng năm của các bộ, ngành, địa phương.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật
chất, kinh tế hộ gia đình
Xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển kinh tế
- xã hội để góp phần củng cố, ổn định và phát triển kinh tế gia đình;
có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình cho các gia đình
liệt sỹ, gia đình thương binh bệnh binh, gia đình các dân tộc ít người,
gia đình nghèo, gia đình đang sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó
khăn.
Có chính sách kịp thời hỗ trợ các gia đình phát
triển kinh tế, sản xuất kinh doanh các sản phẩm mới, sản phẩm sử dụng
nguyên liệu tại chỗ, hỗ trợ các gia đình tham gia sản xuất phục vụ xuất
khẩu.
Tích cực khai thác và tạo điều kiện thuận lợi cho
các hộ gia đình vay vốn ngắn hạn và dài hạn nhằm xóa đói giảm nghèo,
chuyển dịch cơ cấu sản xuất, mở rộng phát triển kinh tế, đẩy mạnh loại hình
kinh tế trang trại, vươn lên làm giàu chính đáng.
Thứ ba, kế thừa những giá trị của gia đình truyền thống đồng thời
tiếp thu những tiến bộ của nhân loại về gia đình trong xây dựng gia đình
Việt Nam hiện nay
Gia đình truyền thống được hun đúc từ lâu đời
trong lịch sử dân tộc. Bước vào thời kỳ mới gia đình ấy bộc lộ cả những
mặt tích cực và tiêu cực. Do vậy, Nhà nước cũng như các cơ quan văn hóa,
các ban ngành liên quan cần phải xác định, duy trì những nét đẹp có ích;
đồng thời, tìm ra những hạn chế và tiến tới khắc phục những hủ tục của
gia đình cũ. Xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay là xây dựng mô hình gia
đình hiện đại, phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất
nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam hiện nay
vừa phải kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp
của gia đình Việt Nam, vừa kết hợp với những giá trị tiên tiến của gia
đình hiện đại để phù hợp với sự vận động phát triển tất yếu của xã
hội. Tất cả nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu làm cho gia đình thực
sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người.
Thứ ta, tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng phong trào xây
dựng gia đình văn hóa
Gia đình văn hóa là một mô hình gia đình tiến
bộ, một danh hiệu hay chỉ tiêu mà nhiều gia đình Việt Nam mong muốn
hướng đến. Đó là, gia đình ấm no, hoà thuận, tiến bộ, khoẻ mạnh và hạnh
phúc; Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; Thực hiện kế hoạch hoá gia đình;
Đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư.
Được hình thành từ những năm 60 của thế kỷ XX, tại
một địa phương của tỉnh Hưng Yên, đến nay, xây dựng gia đình văn hóa đã
trở thành phong trào thi đua có độ bao phủ hầu hết các địa phương ở Việt
Nam. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã thực sự tác động đến nền
tảng gia đình với những quy tắc ứng xử tốt đẹp, phát huy giá trị đạo đức
truyền thống của gia đình Việt Nam. Chất lượng cuộc sống gia đình ngày
càng được nâng cao. Do vậy, để phát triển gia đình Việt Nam hiện nay cần
tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng xây dựng các mô hình gia đình văn hóa
trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những giá trị mới tiên
tiến cần tiếp thu và dự báo những biến đổi về gia đình trong thời kỳ mới,
đề xuất hướng giải quyết những thách thức trong lĩnh vực gia đình.
Ở đây, cần tránh xu hướng chạy theo thành tích, phản
ánh không thực chất phong trào và chất lượng gia đình văn hóa. Các tiêu chí
xây dựng gia đình văn hóa phải phù hợp và có ý nghĩa thiết thực với
đời sống của nhân dân, công tác bình xét danh hiệu gia đình văn hóa phải
được tiến hành theo tiêu chí thống nhất, trên nguyên tắc công bằng, dân
chủ, đáp ứng được nguyện vọng, tâm tư, tình cảm, tạo được sự đồng tình
hưởng ứng của nhân dân.
C. CÂU HỎI ÔN TẬP
1.
Phân tích vị trí, chức năng của gia đình?
2.
Trình bày những cơ sở của gia đình trong thời
kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội?
3.
Những biến đổi cơ bản của gia đình Việt Nam
trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội?
4.
Trình bày những phương hướng xây dựng và phát
triển gia đình ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội?
D. TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần
thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
2.
Quốc hội số 52/2014/QH13, Luật Hôn nhân và Gia đình, ban hành
ngày 19 tháng 6 năm 2014.
3.
Chiến lược
phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 - Quyết định
số 629/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 29 tháng 5 năm 2012.
4.
Đặng Cảnh Khanh, Lê Thị Quý (2007), Gia đình học, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
5.
Lê Ngọc Văn (2011), Gia đình và biến đổi gia đình ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội.
[1] V.I.Lênin,
Toàn tập, Nxb, Tiến bộ, M. 1974, t.1, tr.226
[2]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb, Tiến bộ, M. 1980, t.23, tr.50
[3] C.
Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, t. 4, tr. 603
[4]
Học thuyết Tiến hóa (1859) của người Anh Charles Robert Darwin (1809-1882);
Định luật Bảo toàn và chuyển hóa năng lượng (1842-1845), của người Nga
Mikhail Vasilyevich Lomonosov (1711- 1765) và Người Đức Julius Robert Mayer
(1814 -1878); Học thuyết tế bào (1838-1839) của nhà thực vật học người Đức
Matthias Jakob Schleiden (1804-1881) và nhà vật lý học người Đức Theodor
Schwam (1810 - 1882).
[5]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1974, t.1, tr.166
[6]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1974, t.1, tr.166
[7]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, M.1975, T.6, tr.33
[8]
C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội 1995, t.20 tr. 393
[9]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb.CTQG, Hà Nội, 1995, t.22, tr.761
[10]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M. 1978, t. 23, tr. 50
[11]
Viện Mác - Lênin, V. I. Lênin và Quốc tế Cộng sản, Nxb. Sách chính trị,
Mát-xcơ-va, 1970, Tiếng
Nga, tr. 130
[12]
Xem http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/cac-ban-dang-trung-uong/books
[13]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội. 1994, t.17, t. 456
[14]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính
trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 23, tr.605.
[15]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4,
tr.610.
[16]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tập 12,
tr.11.
[17]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4,
tr.605.
[18]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 4,
tr.596.
[19]
C.Mác và F.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1993, tập
7, tr.29.
[20]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Sđd, Hà Nội, 1995, tập 4, tr.613.
[21]
Đảng Cộng sản là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa xã hội khoa học
với phong trào công nhân. Ở Việt Nam, quy luật phổ biến này được biểu
hiện trong tính đặc thù, xuất phát từ hoàn cảnh và điều kiện lịch sử -
cụ thể của Việt Nam. Đó là: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả
của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và
phong trào yêu nước của dân tộc. Đây là phát kiến rất quan trọng của Hồ
Chí Minh.
[22]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội
nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương, khóa X, Nxb. CTQG, H.2008,
tr.43.
[23]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội
nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương, khóa X, Nxb. CTQG, H.2008.
[24]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr. 118.
[25]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội
nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2008,
tr. 50.
[26]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lầm thứ XII, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr.
186.
[27]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lầm thứ XII, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr. 37
- 38.
[28]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lầm thứ XII, Nxb. CTQG-ST, Hà Nội, 2016, tr.
160.
[29] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, tập
19, tr.47.
[30]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ,
Matxcơva. 1977, tập. 39, tr. 309-310.
[31] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, tập
19, tr.33 .
[32]
V.I Lênin , Sdd, 1977, t 38, tr 464.
[33] Xem
: V. I.Lênin, Sdd, 1976, tập 33, tr223.
[34]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995,
tập 4, tr.603. 2 C.Mác và
Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, tập 3, tr.15.
[35] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, tập
4, tr.605.
[36]
C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, tập. 4, tr.628.
[37]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, tập. 4, tr.33.
[38]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, tập.4, tr.624.
[39] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tập
36, tr.57.
[40] .Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, tập.
4, tr.626.
[41]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tập. 37, tr.312-313.
[42]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ,
Matxcơva.1977, tập. 31, tr.220.
[43] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, tập
4, tr.469.
[44]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tập. 36, tr.228-229.
[45]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tập.44, tr. 89.
[46]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tập.36, tr. 313. 3
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2005, tập. 36, tr.684.
[47]
V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva. 1978, tập. 33, tr.109.
[48]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva,
1976, tập 41, tr.361.
[49]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tập 41, tr.362.
[50] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1995, tập
4, tr.624.
[51] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva. 1976,
tập. 25, tr.375.
[52] V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1976,
tập. 41, tr.202.
[53]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1976, tập.
41 tr.206.
[54]
Viện Mác - Lênin, V. I. Lênin và Quốc tế Cộng sản, Nxb. Sách chính trị,
Mát-xcơ-va, 1970, Tiếng Nga, tr199.
[55]
C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1983, tập 19, tr. 47.
[56]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ,
Matxcơva. 1977, tập 39, tr. 309-310.
[57]
Từ điển Chủ nghĩa cộng sản khoa học, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1986, tr. 55.
[58]
C. Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1983, tập. 22, tr. 636.
[59]
V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ,
Matxcơva. 1977, tập. 41, tr. 295.
[60]
V.I. Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ,
Matxcơva. 1978, tập. 36, tr. 362.
[61]
1) Do nhân dân lao động làm chủ; 2) Có một nền kinh tế phát triển cao dựa
trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về các tư liệu sản
xuất chủ yếu; 3) Có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; 4)
Con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng
lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc, có điều
kiện phát triển toàn diện cá nhân; 5) Các dân tộc trong nước bình đẳng,
đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ; 6) Có quan hệ hữu nghị và hợp
tác với nhân dân tất cả các nước trên thế giới”.
[62]
http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xi/cuonglinh-xay-dung-dat-nuoc-trong-thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-bo-sung-phat-trien-nam-20111528
[63] 1)
xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của nhân dân, do nhân
dân, vì nhân dân, lấy liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và
tầng lớp trí thức làm nền tảng, do đảng cộng sản lãnh đạo. Thực hiện
đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên
chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân;
2) phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hoá đất nước theo hướng
hiện đại gắn liền với phát triển một nền nông nghiệp toàn diện là
nhiệm vụ trung tâm nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật
của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội
và cải thiện đời sống nhân dân; 3) phù hợp với sự phát triển của lực
lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ
thấp đến cao với sự đa dạng về hình thức sở hữu. Phát triển nền kinh tế
hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vận hành
theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Kinh tế quốc doanh
và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc
dân. Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao
động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu;4) tiến hành cách mạng xã hội chủ
nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá làm cho thế giới quan Mác - Lênin
và tư tưởng, đạo đức Hồ
[64]
http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xii/baocao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xi-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiicua-dang-1600
[65]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1996, tập.6. tr.515.
[66]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.1996, tập.7, tr.499.
[67]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb.CTQG, H. 1996, tập.6, tr.365; tập.8, tr.375.
[68]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Nxb CTQG,
H.2005, tr.28.
[69]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới. Nxb CTQG,
H.2005, tr.327.
[70]
V.I.Lênin, Toàn tâp, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.1980, tập.35, tr. 39.
[71]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, tập. 6, tr. 232.
[72]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2000, tập. 4, tr. 133.
[73]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2005, tập 43, tr. 380.
[74]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2005, tập 33, tr. 111.
[75]
Xem: V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2005, tập 39, tr. 15-16.
[76]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb.
CTQG, H 2005, tr.28.
[77]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb.
CTQG, H 2005, tr.115.
[78]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới, Nxb.
CTQG, H 2005, tr. 84-85.
[79]
Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. CTQG, H.2011, tập 6, tr. 232.
[80]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X.
Nxb. CTQG, H.2006, tr.125.
[81]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,
Văn phòng Trung ương Đảng, H. 2006, tr. 171.
[82]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb.
CTQG, H.1995, tập.21, tr.11.
[83]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb
CTQG, H.1995, tập 19, tr. 33.
[84]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb.CTQG-ST, H. 1993, tập 8, tr. 762.
[85]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, M. 1978, t. 44, tr. 57.
[86]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.1977, tập 38, tr. 452.
[87]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb.Tiến bộ, Matxcơva.1978, tập 40, tr. 218.
[88] Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị
lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. CTQG, H. 2008, tr.43-44.
2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn
kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. CTQG.
2008.
[89]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày
21/01/2013. 2 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ
bảy Ban chấp hành Trung ương khóa X, Nxb. CTQG, H. 2008.
[90]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII,
Nxb. CTQG, H. 2016, tr.158.
[91]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva.1977, tập 36, tr.214.
[92] Đảng Cộng
sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại
biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.77.
[93]
Đảng
Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr.79.
[94]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.80.
[95]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.124.
[96]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.126.
[97]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.163.
[98]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. CTQG, H. 2016, tr.162-163.
[99]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. CTQG, H. 2016, tr.164-165.
[100]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội
nghị lần thứ Bảy Ban chấp hành Trung ương, khóa IX, Nxb. CTQG, H. 2003,
tr.33 - 34.
[101]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb.
CTQG, H. 2000, tập 20, tr. 437.
[102]
Nguồn: Ban Tôn giáo Chính phủ, 12/2017.
[103]
Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội,
2016, tr.165.
[104]
Chỉ thị 18-CT/TW của Bộ Chính trị, ngày 10/01/2018 về tiếp tục thực hiện
Nghị quyết số 25NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn
giáo trong tình hình mới.
[105]
Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam, Luật Tín
ngưỡng, tôn giáo, Luật số: 02/2016/QH14, ngày 18 tháng 11 năm 2016.
[106]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb
CTQG, H. 1995, tập. 3, tr.41.
[107]
Quốc hội, Luật Hôn nhân và Gia đình,
2014.
[108]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H. 1995, tập. 21, tr.44.
[109]
Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, t.9, tr.531.
[110]
Hồ
Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 2011, tập.9. tr.531.
[111]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva.1977, tập 42, tr.464, 2 C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn
tập, Nxb. CTQG, H. 1995, tập 21, tr.118.
[112]
V.I.Lênin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Matxcơva. 1977, t.40, tr.182.
[113]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb. CTQG, H. 1995, tập. 21, tr.125.
[114]
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập. 21, tr.128. 2
C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, tập. 21, tr.118.
[115]
Xem: Lê Ngọc Văn, Gia đình và biến đổi
gia đình ở Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 2012, tr. 176.
[116]
Xem:
Lê Ngọc Văn, Gia đình và biến đổi gia
đình ở Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 2012, tr. 238.
[117]
Xem: Lê Ngọc Văn, Gia đình và biến đổi
gia đình ở Việt Nam, Nxb. KHXH, H. 2012, tr. 335.
0 comments:
Đăng nhận xét