TS. LÊ TRUNG KIÊN
TCCS - Tấn công trực diện vào những vấn đề cốt lõi thuộc nền tảng tư tưởng của Đảng ta, nhất là xuyên tạc về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là âm mưu, thủ đoạn thâm độc, nham hiểm của các thế lực thù địch. Do đó, việc xây dựng những luận chứng khoa học để kịp thời phản bác, bẻ gãy những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch và bảo vệ tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận của Đảng ta hiện nay.
Các đối tượng tung thông tin xuyên tạc, sai trái, thù địch về hình ảnh và tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm các tổ chức phản động lưu vong, nhất là những phần tử trong chế độ cũ; một số chính phủ, tổ chức phi chính phủ phương Tây, chính trị gia, nhà tài phiệt có tư tưởng cực hữu chính trị, chống cộng, đi đầu trong âm mưu xóa bỏ chủ nghĩa xã hội; những phần tử cơ hội, cực đoan, bất mãn chính trị trong nước; những đối tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái, biến chất, “trở cờ”,… Phương thức và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, xảo quyệt, nhất là khoác áo “khách quan khoa học”, đội lốt “phản biện xã hội” để ngụy tuyên truyền, đánh tráo học thuật, xảo biện các vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh; triệt để lợi dụng những đặc tính vốn là ưu thế nổi trội của các phương tiện truyền thông xã hội biến thành công cụ đắc lực chống phá con đường và sự nghiệp cách mạng Việt Nam… Việc nhận diện bản chất, bóc trần các thủ đoạn, từ đó xây dựng hệ luận cứ căn bản để phản bác những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc về tư tưởng Hồ Chí Minh, qua đó góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, củng cố địa vị chủ đạo hệ tư tưởng của Đảng ta trong đời sống tinh thần xã hội, có vai trò đặc biệt quan trọng.
Thứ nhất, phản bác luận điệu liên quan đến việc phủ nhận Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng.
Để thực hiện âm mưu xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, “hạ bệ thần tượng”, các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị dùng nhiều chiêu trò, cách thức khác nhau. Họ xuất phát từ quan niệm học thuật phương Tây, cường điệu hóa, tán dương những nhà tư tưởng, triết học tư sản, từ đó cho rằng “Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng” (?!).
Khi định nghĩa về nhà tư tưởng, V.I. Lê-nin lưu ý: “Một người xứng đáng là nhà tư tưởng khi nào biết giải quyết trước người khác tất cả những vấn đề chính trị - sách lược, các vấn đề về tổ chức, về những yếu tố vật chất của phong trào không phải một cách tự phát”(1). Từ chỉ dẫn của V.I. Lê-nin, để nhận thức Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, phải hiểu thấu cả trước tác, hoạt động thực tiễn, phẩm chất cá nhân và sự nghiệp mà Người để lại cho dân tộc và nhân loại.
Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng thiên tài, nhà lý luận kiệt xuất. Tư tưởng của Người không chỉ ở những câu chữ hoặc trước tác mà nằm ở chiều sâu nội dung và ý nghĩa cao cả của nó, vừa kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chứa đựng khát vọng cháy bỏng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thấm đẫm triết lý nhân sinh, thân dân... Ở Hồ Chí Minh thể hiện sự thống nhất, hòa quyện giữa tư tưởng, đạo đức và phong cách; giữa lý luận và thực tiễn; giữa tri và hành; giữa lời nói và việc làm. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, xuất phát từ thực tiễn và nguyện vọng của quần chúng bị áp bức, Hồ Chí Minh đã thực hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc mình và góp phần giải phóng các dân tộc thuộc địa. Do đó, có thể hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh với ý nghĩa là “học thuyết”, là một hệ thống những luận điểm, quan điểm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam được xây dựng trên một nền tảng thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng nhất quán, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, được hình thành theo đúng quy luật phát triển và trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn, cải tạo hiện thực.
Các thế lực thù địch công kích, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, coi tư tưởng của Người chỉ là sự sao chép nguyên bản, áp dụng khiên cưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin hoặc “đi trên cỗ xe Nho giáo đến với chủ nghĩa Mác - Lê-nin” (?!). Luận điệu này không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc sự thật về tính thống nhất, vận dụng sáng tạo và bổ sung phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với kho tàng lý luận kinh điển. Mác - Ăng-ghen bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, Lê-nin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc. Xuất phát từ yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn cách mạng châu Âu, các nhà lý luận Mác - Lê-nin tập trung vào giải quyết vấn đề giai cấp. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa, giải quyết mâu thuẫn dân tộc, làm cách mạng dân tộc giải phóng. Hồ Chí Minh là một trong số ít các tác giả trong lịch sử có được một công trình đồ sộ nghiên cứu về chủ nghĩa thực dân. Trong tác phẩm: “Hồ Chủ tịch - Nhà lý luận xuất sắc về chủ nghĩa thực dân và phong trào giải phóng dân tộc”, ông Handache Gilbert viết: “Sự phân tích về chủ nghĩa thực dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến lúc đó vượt hẳn tất cả những gì mà những nhà lý luận mác-xít đề cập đến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nên một tổng hợp những lý thuyết về sự giải phóng khỏi sự áp bức thực dân, có sức mạnh không thể chối cãi được”(2). Giáo sư Nhật Bản Shingo Shibata khẳng định Hồ Chí Minh đã góp phần đào sâu và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin đối với các vấn đề dân tộc thuộc địa và “cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”(3). Vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng ở Việt Nam, mở đường cho các dân tộc và thuộc địa vùng lên thực hiện sự nghiệp giải phóng.
Những học giả chân chính trên thế giới đều khẳng định “Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng”(4) và nhấn mạnh: “Những quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh và khả năng của Người trong việc sử dụng sáng tạo phương pháp lịch sử và duy vật để giải quyết các hiện tượng xã hội là nguồn gốc của những tư tưởng lỗi lạc của Người. Những tư tưởng của Người đã được kiểm nghiệm trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, mở ra những tiềm năng chưa từng có cho các phong trào giải phóng dân tộc”(5).
Thứ hai, phản bác luận điệu khẳng định không có tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội.
Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc rằng, Hồ Chí Minh có quan điểm sâu sắc về giải phóng dân tộc, nhưng hoàn toàn không có tư tưởng về chủ nghĩa xã hội (?!). Họ xảo biện rằng, toàn bộ sự nghiệp cách mạng do Hồ Chí Minh lãnh đạo tập trung cho giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước... Những luận điệu xuyên tạc trên không chỉ bài bác tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn nham hiểm tách biệt tư tưởng Hồ Chí Minh với bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin.
Sự thật là, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, để đấu tranh chống ách áp bức, bóc lột tàn bạo, vô nhân đạo, đấu tranh xóa bỏ nghèo nàn, “giặc dốt” và lạc hậu, nhằm tạo ra một xã hội mới theo mục tiêu, lý tưởng tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội. Đây là vấn đề hiện hữu trên thế giới, có ý nghĩa thời đại cấp bách cần phải giải quyết. Cống hiến lớn của Hồ Chí Minh cho cách mạng Việt Nam là tư tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là sự lựa chọn duy nhất đúng, một đột phá lý luận rất cơ bản về con đường, mục tiêu và phương thức phát triển của cách mạng. Từ cách mạng giải phóng dân tộc phải đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong khi tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa vẫn tiến hành giải phóng dân tộc theo phương thức thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng. Theo Người, trong hoàn cảnh một nước thuộc địa thì trước hết phải giành cho kỳ được độc lập dân tộc. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì. Muốn có độc lập, tự do thực sự thì phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Người chỉ rõ: “Từng bước một, trong cuộc đấu tranh, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lê-nin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu được rằng chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(6). Về lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội trong di sản Hồ Chí Minh, Giáo sư Shingo Shibata viết: “Một trong những cống hiến quan trọng của Cụ Hồ Chí Minh và của Đảng Lao động Việt Nam là đã đề ra lý luận về chủ nghĩa xã hội trong khi vẫn tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân. Theo tôi được biết, Đảng Lao động Việt Nam là đảng đầu tiên trong các đảng mác xít trên thế giới áp dụng lý luận này”(7).
Chỉ riêng trong bản Di chúc của Người có tới ba lần viết về cụm từ “chủ nghĩa xã hội”: Đảng cần chăm lo đào tạo thanh niên “thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”; Đảng và Chính phủ chọn một số chiến sĩ trẻ tuổi trong lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong ưu tú nhất cho đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc, “là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”; Người có ý định “thay mặt nhân dân đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước bầu bạn khắp năm châu”... Điều quan trọng hơn, toàn bộ Di chúc chứa đựng tinh thần, tầm nhìn đổi mới, hội nhập, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa. Và, cái đích của chủ nghĩa xã hội được khẳng định trong Di chúc là “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(8). Người mong muốn xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu; nói đến “thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”. Khát vọng của Người là xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội.
Thứ ba, phản bác luận điệu cho rằng không có nghị quyết của UNESCO tôn vinh Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất.
Luận điệu xuyên tạc trên không chỉ nhằm bôi nhọ, hạ thấp hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh, mà còn tấn công vào những giá trị của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên cơ sở hệ giá trị tư tưởng cách mạng của giai cấp công nhân, kế thừa, phát triển tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, mà ở Người chính là sự hội tụ và phát huy đến mức cao nhất những tinh hoa văn hóa đó.
Sự thực là, Quyển 1 của Nghị quyết trong “Tập biên bản của Đại hội đồng UNESCO Khóa họp 24 tại Pari, ngày 20-10 - 20-11-1987” có đầy đủ nội dung liên quan đến việc tổ chức kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Việt Nam”. Quyển 1 Nghị quyết được xuất bản bằng 6 thứ tiếng, có kích thước khổ giấy A4 (20cm x 30cm), bìa màu xanh lá cây đậm, dày 220 trang. Ngoài trang mở đầu và mục lục (từ trang I đến trang IX), tập Nghị quyết gồm 13 mục và phần Phụ lục(9). Trong mục III: Chương trình hành động giai đoạn 1988 - 1989 có ghi: A: Các chương trình hành động lớn; và B: Các hoạt động tổng thể của chương trình, trong đó có hoạt động các ngày kỷ niệm (mục 18.6). Mục 18.6.5. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nghị quyết 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam là một văn kiện quan trọng của UNESCO ghi nhận những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Năm 2010, liên quan đến sự kiện Nghị quyết của UNESCO, ông Hans D’Orville, Phó Tổng Giám đốc UNESCO đã phát biểu tại lễ mít-tinh tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp: “Năm 2010 là dịp kỷ niệm lần thứ 120 Ngày sinh của Người, và đây cũng là dịp để chúng ta ôn lại sự kiện cách đây hơn 20 năm, vào năm 1987, tổ chức UNESCO đã quyết định kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990) như một trong những nhân vật quan trọng và kiệt xuất của lịch sử”(10). Cũng nhân dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay”, bà Katherine Muller Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội nhấn mạnh: “Tôi có mặt tại đây hôm nay để hoàn thành sứ mệnh của Nghị quyết được Đại hội đồng UNESCO thông qua tại khóa họp lần thứ 24 của cơ quan này tại Pari năm 1987, về việc kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất”(11).
Thứ tư, phản bác luận điệu cho rằng tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh đã “lỗi thời”, không còn phù hợp.
Các thế lực thù địch xuyên tạc rằng, hiện nay là thời đại của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, khoa học - công nghệ hiện đại..., nên những tư tưởng hay những quan niệm về đạo đức của Hồ Chí Minh đã bộc lộ những “sự lỗi thời”, “lạc hậu”, “khắc kỷ”, “không còn phù hợp” với thời đại (?!)...
Sự thật là, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên sức sống và giá trị thời đại, bởi bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của chính những tư tưởng, đạo đức đó và bởi sự vận dụng sáng tạo những tư tưởng vượt trước thời đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa chiến lược và sách lược cách mạng trong toàn bộ tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trải qua hơn 91 năm từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh;... là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(12).
Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh thể hiện tấm gương ngời sáng của người cộng sản mẫu mực, người chiến sĩ suốt đời đấu tranh, dâng hiến cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho lý tưởng và mục tiêu giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Người đã thâu thái những giá trị văn hóa đạo đức của nhân loại để làm giàu trí tuệ của mình, định hướng giá trị đạo đức trong thời đại mới về tinh thần quốc tế trong sáng, chống chia rẽ, bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc. Bạn bè năm châu khâm phục và coi Người là biểu tượng cao đẹp của những giá trị về tư tưởng, lương tri và phẩm giá làm người, hướng con người tới chân, thiện, mỹ. Giá trị thời đại trong tư tưởng, đạo đức của Người còn được đánh giá cao bởi sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích dân tộc và lợi ích cộng đồng quốc tế, giữa chủ nghĩa yêu nước chân chính với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, phù hợp với xu thế vận động, phát triển của quan hệ quốc tế hiện đại. Đạo đức và tinh thần quốc tế trong sáng, thủy chung, trước sau như một của Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại.
Sinh thời, Người từng nói: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêxu có ưu điểm là lòng nhân ái cao cả. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước ta. Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ họp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của các vị ấy”(13). Đúng như nhà nghiên cứu Hélène Tourmaire đã khẳng định: “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lê-nin và tình cảm của người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”(14). Giá trị đạo đức Hồ Chí Minh không phải là con số cộng cơ học của những giá trị trên, mà là sự tổng hòa, hội tụ, hòa hợp tự nhiên tất cả lại để làm giàu trí tuệ và phẩm chất của mình. Đó là một giá trị đạo đức phổ quát mà nhân loại đang nỗ lực xây dựng, phát huy, tôn vinh và học hỏi để nâng tầm thời đại và tiến bộ trong xã hội văn minh hiện đại ngày nay.
Những chuẩn mực “trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính”... là những khái niệm thuộc hệ đạo đức Nho giáo, chứa đựng nội dung hạn hẹp, nhưng được Người đưa vào nội dung mới, có ý nghĩa khoa học, cách mạng và nhân văn. “Trung với nước, hiếu với dân” là mối quan hệ thể hiện trách nhiệm hành động, quyết tâm, suốt đời, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; Người đấu tranh với mọi cái ác, cái xấu, tham ô, lãng phí, quan liêu, để hướng đến xây dựng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, “thanh khiết từ to đến nhỏ”(15). Vì vậy, Tổng thống Chile đã trả lời nhà báo về ba phẩm chất của nhà hoạt động chính trị mà ông muốn có là “Nhất quán, nhân đạo, khiêm tốn cao cả của Hồ Chí Minh”(16).
Người luôn căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ cần phải rèn luyện đạo đức hằng ngày, tu dưỡng suốt đời, để tránh sa vào chủ nghĩa cá nhân. Dù với cuộc đời nào và sống như thế nào, đạo đức và lối sống của Người vẫn giữ đúng nguyên tắc: lấy khiêm tốn giản dị làm nền, lấy chừng mực điều độ làm chuẩn, lấy trong sạch, thanh cao làm vui, lấy yêu thương con người làm trọng, lấy gắn bó giữa con người với thiên nhiên làm niềm say mê vô tận. Đúng như một nhận xét sâu sắc, tinh tế về Người “là một cuộc đời thanh tao, không gợn chút riêng tư, luôn tôn trọng nguyên tắc, có niềm tin vào sự thật và chính nghĩa”(17).
Đảng ta khẳng định, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi đến thắng lợi; hơn thế còn dẫn đường cho nhân loại đi đến hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới, ông Romesh Chandra viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”(18).
Để đưa dân tộc ta vững bước tới tương lai, một nhiệm vụ quan trọng đặt ra là phải đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đồng thời kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng tất cả sức mạnh của vũ khí phê phán, làm cho học thuyết khoa học và cách mạng của chúng ta luôn tỏa sáng./.
--------------------
(1) Võ Nguyên Giáp (chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 72-73
(2) Handache Gilbert: “Hồ Chủ tịch - nhà lý luận xuất sắc về chủ nghĩa thực dân và phong trào giải phóng dân tộc”, Tạp chí Hành tinh - Hành động, Pari, 1970, số tháng 3
(3) Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân thế giới, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tr. 96
(4) Bu-rốp: “Hồ Chí Minh - nhà tư tưởng”, in trong sách: Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr. 277
(5) Tê-shôm Kê-bê-đe: “Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay”, in trong sách: Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, Sđd, tr. 88
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 12, tr. 563
(7) Tạp chí Rô-ki-xi Hy-ô-rông, số 232, Tô-ki-ô, tháng 5-1969
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 612
(9) Xem: Mạch Quang Thắng - Bùi Đình Phong - Chu Đức Tính: UNESCO với sự kiện tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013
(10) Hans D’Orville: “Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời đại”, in trong Bảo tàng Hồ Chí Minh: Đặc san Thông tin tư liệu, số 27, số tháng 6, 2010, tr.10
(11) Katherine Muller Marin: “Những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực hoạt động của UNESCO”, trong Bảo tàng Hồ Chí Minh: Đặc san Thông tin tư liệu, số 27, số tháng 6, 2010, tr. 14
(12) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 33
(13) Võ Nguyên Giáp (chủ biên): Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Sđd, tr. 53-54
(14) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb. Lao động - Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1993, tr. 109
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 75
(16) Văn Thị Thanh Mai - Nguyễn Văn Đạo: “Hồ Chí Minh - Người là nguồn cảm hứng muôn đời”, https://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/ho-chi-minh-nguoi-la-nguon-cam-hung-muon-doi-127958, ngày 17-5-2020
(17) Song Phil-Kyung: Tại sao là Hồ Chí Minh? Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2020, tr. 53
(18) Báo Nhân Dân, ngày 21-5-1980
0 comments:
Đăng nhận xét