Đường lối, quan điểm, chính sách phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng là sự kế thừa và phát triển về tư duy, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, thật sự khoa học, có nhiều nội dung mới, kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Những đường lối, quan điểm, chính sách này có tính khái quát cao; vừa có tính tổng kết lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn, phản ánh ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta về phát triển đất nước nhanh, bền vững.
NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN MỚI
Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thống nhất và nêu rõ: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu” dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”(1).
Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam như trên là sự kế thừa và phát triển nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa qua các Đại hội Đảng từ khi đổi mới đến nay, chủ yếu là 10 năm từ Đại hội XI và thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thứ nhất, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Sự hiện đại, hội nhập quốc tế của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được kế thừa, phát triển từ Đại hội XII và được thể hiện ở nhiều nội dung, tiêu chí khác nhau như sự hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế của thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách; sự hiện đại của quản trị quốc gia; sự đồng bộ, gắn kết với thị trường khu vực và thế giới của hệ thống các loại thị trường, yếu tố thị trường trong nền kinh tế…
Thứ hai, trên cơ sở phát triển nhận thức lý luận về các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định rõ, đầy đủ hơn vị trí, vai trò của các thành phần kinh tế, chú trọng việc gắn kết giữa các thành phần kinh tế trong chỉnh thể nền kinh tế: Kinh tế nhà nước là công cụ, lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, định hướng, điều tiết dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường. Đây là chức năng quan trọng của kinh tế nhà nước, đồng thời cũng là điểm đặc trưng khác biệt, tiến bộ của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có phạm vi hoạt động rộng lớn, với vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã. Kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận quan trọng của kinh tế quốc dân, có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nội dung và mục đích mới. Nếu ở Đại hội XII, việc hoàn thiện thể chế nhằm “nâng cao hiệu lực” quản lý kinh tế và quản lý nhà nước về kinh tế, thì Đại hội XIII nhấn mạnh mục đích xây dựng “thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập”(2) và “tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh”(3).
Ngoài ra, việc hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam được tập trung vào những tháo gỡ những điểm nghẽn, những vấn đề quan trọng đang cản trở sự phát triển đất nước như nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia, xây dựng và thực thi pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch... Đồng thời, trước yêu cầu phát triển mới, đặc biệt tác động của cuộc cách mạng lần thứ tư nhiều ngành nghề mới ra đời cần phải có môi trường pháp lý đảm bảo cho sự phát triển. Văn kiện Đại hội nêu rõ: “Xây dựng khung khổ pháp luật, môi trường thuận lợi thúc đẩy phát triển, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực mới, mô hình kinh doanh mới. Tập trung sửa đổi những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở phát triển kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm cá nhân và nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các cấp, các ngành”(4). Những điểm mới này là một cách tiếp cận vấn đề rất thực tế, một phương hướng hợp lý, tích cực nhằm phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh và bền vững.
Thứ tư, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Điểm mới ở đây là khẳng định thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường đối với hàng hóa dịch vụ, kể cả các dịch vụ công cơ bản.
Trong những năm qua, cơ chế thị trường của chúng ta còn lúng túng, nhất là xác định giá cả đối với các dịch vụ, nhất là dịch vụ công. Văn kiện Đại hội XIII xác định cần nhất quán thực hiện giá thị trường, phân biệt rõ phúc lợi, ưu đãi hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục nhấn mạnh phát triển thị trường các yếu tố sản xuất để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ và sử sung các nguồn lực. Cụ thể phát triển thị trường hàng hóa, dịch vụ theo các phương thức tổ chức giao dịch văn minh, hiện đại, thương mại điện tử. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát triển đồng bộ thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm…trên nền tảng công nghệ số với kết cấu hạ tầng công nghệ và phương thức giao dịch hiện đại. Phát triển và quản lý chặt chẽ thị trường bất động sản; thị trường sử dụng đất. Phát triển thị trường lao động, cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp tham gia hình thành và điều tiết các quan hệ kinh tế thị trường. Xử lý tốt những bất cập của cơ chế thị trường, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Thứ năm, về mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điểm mới nổi bật chính là trong mối quan hệ này bổ sung thêm nhân tố xã hội so với nhận thức trong các Đại hội trước đó. Trong đó, nêu rõ vai trò, chức năng của nhà nước, thị trường và xã hội trong mối quan hệ chung. Nội dung xã hội được hiện ở chỗ hỗ trợ, bổ sung, khắc phục các khiếm khuyết cho các yếu tố nhà nước, thị trường nhằm tạo cơ chế vận hành hoàn chỉnh, đồng bộ nền kinh tế thị trường định hưỡng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước, thị trường và xã hội có quan hệ chặt chẽ. Nhà nước xây dựng và hoàn thiện thể chế, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đốì lớn của nền kinh tế; tạo môi trường thuận lợi, công khai, minh bạch cho các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và thị trương hoạt động; điều tiết, định hướng, thúc đẩy kinh tế phát triển, gắn kết phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, đời sổng nhân dân, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước quản lý nền kinh tế bằng luật pháp, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, các tiêu chuẩn, định mức và lực lượng kinh tế nhà nước phù hợp với các yêu cầu và quy luật của kinh tế thị trưòng. Thị trường đóng vai trò quyết định trong xác định giá cả hàng hóa, dịch vụ; tạo động lực huy động, phân bổ hiệu quả các nguồn lực; điều tiết sản xuất và lưu thông; điều tiết hoạt động của doanh nghiệp, thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Các tổ chức xã hội có vai trò tạo sự liên kết, phối hợp hoạt động, giải quyết những vấn đề phát sinh giữa các thành viên; đại diện và bảo vệ lợi ích của các thành viên trong quan hệ với các chủ thể, đối tác khác; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các thành viên; phản ánh nguyện vọng, lợi ích của các tầng lớp nhân dân với Nhà nước và tham gia phản biện luật pháp, cơ chế, chính sách của Nhà nước, giám sát các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi pháp luật”(5).
Thứ sáu, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ; nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ: “Giữ vững độc lập tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối chiến lược phát triển kinh tế đất nước; Phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; không ngừng tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia. Đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác. Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ những biến động của bên ngoài; chủ động hoàn thiện hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Thực hiện nhiều hình thức hội nhập kinh tế quốc tế với các lộ trình linh hoạt, phù hợp với điều kiện, mục tiêu của đất nước trong từng giai đoạn. Hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế và cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết. Tăng cường bồi dưỡng đào tạo cán bộ am hiểu sâu về luật pháp quốc tế, thương mại, đầu tư quốc tế, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, trước hết là cán bộ trực tiếp làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết tranh chấp quốc tế”(6).
NHỮNG VẤN ĐỀ THỰC TIỄN MỚI
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(7), trong đó có những đánh giá khách quan, khoa học thực tiễn phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nổi bật là những thành tựu: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục phát triển; kinh tế vĩ mô ổn định, vững chắc hơn, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức khá cao; quy mô và tiềm lực nền kinh tế tăng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đầy đủ hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện phù hợp vối yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Các yếu tố thị trường và các loại thị trường từng bước phát triển đồng bộ, gắn với thị trường khu vực và thế giới. Nhiều rào cản tham gia thị trường được dỡ bỏ; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp khá sôi động. Doanh nghiệp nhà nước từng bưóc được sắp xếp, tổ chức lại có hiệu quả hơn; kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế tập thể từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển nhanh, là bộ phận quan trọng của nền kinh tế nước ta... Hội nhập kinh tế quốc tế phát triển sâu, rộng trên nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới; xuất, nhập khẩu, thu hút vôh đầu tư nước ngoài tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước”(8).
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, Đại hội XIII của Đảng cũng khách quan, thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm: Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn nhiều vướng mắc, bất cập; nhiều doanh nghiệp nhà nước chậm thực hiện cơ cấu lại và đổi mới cơ chế quản trị; phần lớn doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ, trình độ công nghệ thấp, năng lực tài chính và quản trị yếu; nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ trung bình, gia công, lắp ráp, thiếu gắn kết, chuyển giao công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển; đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác còn chậm, nhiều hợp tác xã chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ; thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ công còn lúng túng; một số loại thị trường, phương thức giao dịch thị trường hiện đại chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, chưa hiệu quả, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất; hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả có mặt chưa cao... Những hạn chế, bất cập này được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định cần kiên quyết khắc phục và giải quyết trong thời gian tới.
Về dự báo bối cảnh, tình hình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời gian tới, Văn kiện Đại hội XIII cũng đã chú trọng phân tích, cập nhật những vấn đề mới, biểu hiện mới, xu hướng mới, yêu cầu mới, thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đặt ra đối với đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển nhanh, sâu rộng; tình hình thế giới, khu vực thay đổi nhanh, có nhiều đột biến, đặc biệt là sự tác động toàn diện, mạnh mẽ của khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng kinh tế thế giới, của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, già hóa dân số, ô nhiễm môi trường… trước mắt là đại dịch Covid-19.
MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN
Để hưởng đến mục tiêu đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao, trên cơ sở định hướng phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cơ bản:
Một là, tập trung rà soát, sửa đổi những quy định chồng chéo, mâu thuẫn, chưa hợp lý trong hệ thống luật pháp, các thủ tục hành chính gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, gây phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, tạo nên những rào cản cản trở sự phát triển đất nước. Đồng thời, bổ sung luật pháp, cơ chế, chính sách thể chế hóa đầy đủ quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, công khai, minh bạch, thông thoáng để thu hút đầu tư, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là việc tạo môi trường thuận lợi cho hình thành, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo doanh nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích sự ra đời, hoạt động của những lĩnh vực, những mô hình sản xuất kinh doanh mới, công nghệ mới, sản phẩm mới trên cơ sở những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, từng bước thực hiện chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực, phát triển kinh tế số, kinh thế tuần hoàn, kinh tế chia xẻ, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.
Hai là, hoàn thiện thể chế về huy động, phân bổ các nguồn lực, về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước để việc phẩn bổ các nguồn lực của Nhà nước được thực hiện theo cơ chế thị trường, thông qua đấu thầu công khai, minh bạch, có sự tham gia của doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Ba là, hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Thực hiện nhất quán cơ chế giá trị thị trường với các hàng hóa, dịch vụ, kể cả giá các dịch vụ công cơ bản, thu hẹp giá do nhà nước quyết định. Phát triển đồng bộ, với cơ sở hạ tầng và phương thức giao dịch hiện đại, các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường khoa học - công nghệ, thị trường lao động, thị trường bất động sản để các thị trường vận hành thông suốt, kết nối thị trường trong nước với thị trường thế giới.
Bốn là, giải quyết hài hòa mối quan hệ Nhà nước, thị trường và xã hội trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phát huy đầy đủ vai trò của thị trường trong phân bổ các nguồn lực sản xuất, điều tiết sản xuất và lưu thông hàng hóa, điều tiết hoạt động của doanh nghiệp và thanh lọc doanh nghiệp yếu kém. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế của nhà nước; tập trung vào nâng cao chất lượng xây dựng và thực thi luật pháp, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính; giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiến tạo phát triển. Tạo điều kiện và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị xã hội bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên, hội viên, phản biện, góp ý luật pháp, chính sách của nhà nước, giám sát các doanh nghiệp, các cơ quan và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của nhà nước trong việc thực thi pháp luật.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, thúc đẩy phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp nhà nước nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, thoái vốn, cổ phần hóa cơ cấu lại doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ và áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại. Đồng thời, kiểm tra giám sát chặt chẽ không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước. Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ trang trại trong nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn mạnh, nâng cao trình độ công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, mở rộng thị trường, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc của người lao động, và tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường, thực hiện các trách nhiệm xã hội. Nâng cao hiệu quả các dự án đối tác công tư trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng. Ưu tiên những dự án đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao, sẵn sàng chuyển giao công nghệ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển tham gia có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Sáu là, xây dựng, cụ thể hóa hệ tiêu chí xác định những đặc trưng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nội dung: Về cơ cấu sở hữu và thành phần kinh tế: là nền kinh tế đa sở hữu, nhiều thành phần; doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tự chủ, hợp tác, cạnh tranh bình đẳng theo pháp luật. Về cơ chế vận hành: là nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Về trình độ phát triển: Có lực lượng sản xuất phát triển ngày càng hiện đại; cơ cấu hợp lý; tăng trưởng theo chiều sâu; có năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao; là nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế….
GS.TS Nguyễn Quang Thuấn
Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
------------------------
(1) (2) (3) (4) (5) (6) (7) (8) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, tập 1, 2021, tr.128-129, 220, 114, 132, 131-132,135-136, 25, 59.
0 comments:
Đăng nhận xét