Tháng 12-1986, Đảng ta tiến hành Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, chính thức đưa ra đường lối đổi mới, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tại Đại hội này, đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Nhận trọng trách Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khi bối cảnh trong nước và quốc tế cực kỳ phức tạp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng vững tay chèo lái con thuyền cách mạng, nêu cao quyết tâm, kiên trì đổi mới toàn diện cả về kinh tế, tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị. Trong đó nổi bật là tập trung xây dựng, củng cố, chỉnh đốn Đảng, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp đổi mới tiếp tục phát triển đúng định hướng.
Có thể khẳng định, thành công của Đại hội Đảng lần thứ VI tháng 12 năm 1986 trước hết là lựa chọn và trao trọng trách Tổng Bí thư cho đồng chí Nguyễn Văn Linh. Vang mãi trong chúng ta lời phát biểu của đồng chí trong diễn văn đọc tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ VI ngày 15-12-1986: Phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân từng người chúng ta.
Đại hội Đảng lần thứ VI đã tổng kết bài học quan trọng hàng đầu là trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “Dân là gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân lao động. Trong điều kiện cầm quyền, phải đặc biệt chăm lo củng cố sự liên hệ giữa Đảng và Nhân dân, tiến hành thường xuyên cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI cũng cho rằng, Đảng cần đổi mới phong cách làm việc, tác phong đi sâu, đi sát thực tế, nắm bắt thông tin nhanh chóng và chính xác; mở rộng sinh hoạt dân chủ; nghiên cứu những kinh nghiệm sáng tạo của cơ sở; lắng nghe ý kiến của quần chúng; các chủ trương quan trọng đều phải được bàn bạc và quyết định tập thể; người lãnh đạo phải biết nghe ý kiến trái với mình. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI cũng khẳng định: “Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, là nhân tố quyết định sự phát triển của cách mạng nước ta”.(1)
Ngày nay, đọc lại những dòng nghị quyết đúng đắn, mang tính chiến đấu mạnh mẽ của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI gần 30 năm trước -Đại hội Đổi mới như chúng ta vẫn gọi- mà Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người góp phần hoạch định và lãnh đạo thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng, chúng ta càng thấy rõ công tác xây dựng Đảng quan trọng nhường nào và bài học về tư tưởng lấy “Dân là gốc”, tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa đảng với Nhân dân, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân vẫn còn nguyên giá trị.
Như nhận định của đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng: “Anh Linh sinh ra và trưởng thành từ phong trào của Nhân dân, căm ghét áp bức, bóc lột, cái ác, cái xấu, yêu thương những người lầm than đói rách, yêu thương đồng bào cùng chung máu mủ; anh lại được Nhân dân đùm bọc, cưu mang, cho nên cả cuộc đời anh hướng về Nhân dân, đồng cảm với Nhân dân và quần chúng lao khổ. Thấu hiểu nguyện vọng và sức mạnh của Nhân dân, anh đã đúc kết thành phương châm dân chủ xã hội chủ nghĩa rất giản dị, rất dễ hiểu và cũng rất khoa học: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Dân chủ, đầu tiên là người dân phải được biết, phải có thông tin, được thông tin một cách hệ thống và cặn kẽ. Dân có biết thì dân mới bàn được, bàn thật, bàn sâu, lật trái, lật phải, để đi đến một sự lựa chọn chính xác…Dân có bàn thì dân mới làm một cách tự giác, xem mọi công việc cách mạng là việc của chính mình, thống nhất được lợi ích chung và lợi ích chính đáng của mỗi người. Dân biết, dân bàn, dân làm thì dân mới có thể kiểm tra, giám sát…”(2)
Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, sự nghiệp cách mạng của nước ta do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Đảng ta là đảng cầm quyền. Những thắng lợi và thành tựu, những thất bại và tổn thất của cách mạng đều gắn liền với tránh nhiệm của Đảng. Nói cách khác, Đảng là người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng và do đó, Đảng cũng phải chịu tránh nhiệm đối với những sai lầm thất bại. Thực tế, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng cũng phạm sai lầm và đó là điều khó tránh. Vấn đề quan trọng là Đảng đã luôn đề cao tinh thần trách nhiệm trước Nhân dân, dựa vào dân, tin dân, dũng cảm nhận khuyết điểm trước Nhân dân và có quyết tâm sửa chữa. Bản chất tốt đẹp của Đảng chỉ được giữ vững, sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo chỉ có thể phát triển và đạt được những thành tựu vững chắc khi Đảng có dân, được dân ủng hộ, mối quan hệ giữa Đảng với dân thường xuyên được củng cố. Để có được điều đó, Đảng phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình. Và với tinh thần ấy, Đại hội Đảng lần thứ VI đã thẳng thắn thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm, chỉ ra những nguyên nhân và bài học lớn, đồng thời đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, khắc phục tư duy cũ và cách làm cũ. Đó là đường lối hợp quy luật, hợp lòng dân, cho nên được Nhân dân đón nhận và hưởng ứng tích cực. Phong trào hành động cách mạng của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã được khơi dậy.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã tập trung mọi cố gắng và nỗ lực của toàn Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Muốn xây dựng Đảng trong sạch, phải lấy dân làm gốc. Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đảng phải có dũng khí nhìn thẳng vào sự thật và tiến hành đổi mới nhiều mặt, trước hết là đổi mới tư duy nói chung và đổi mới phong cách lãnh đạo nói riêng. Đảng phải thật sự gắn bó với Nhân dân và vì Nhân dân. Trong buổi làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Hà Nam Ninh, tháng 6-1988, đồng chí nhắc nhở: “Lúc này, công tác xây dựng Đảng phải đảm bảo sự nhất trí với phương hướng và bước đi của sự nghiệp đổi mới… Công tác xây dựng Đảng phải đảm bảo cho các tổ chức Đảng và cán bộ đảng viên gắn bó với Nhân dân. Cán bộ cấp nào cũng phải dành thời gian xuống với dân. Họp để chỉ đạo là cần nhưng phải làm gòn gọn để có thời gian xuống cơ sở. Xuống dân không phải là làm theo cách chiếu lệ hình thức mà phải trở thành chế độ. Xuống cơ sở phải vừa nghe dân nói, vừa nói cho dân nghe; cùng với Nhân dân bàn bạc công việc của đất nước, của địa phương. Nên đối thoại cởi mở, trả lời những câu hỏi của Nhân dân. Việc gì chưa trả lời được phải hẹn ngày trả lời và giữ đúng lời hứa. Bí thư chi bộ phải gắn với sản xuất, “không xách túi đi dạo”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rất đúng và luôn luôn rèn luyện đội ngũ cán bộ chúng ta gắn bó với Nhân dân nhưng gần đây cán bộ xa dân, cán bộ đoàn thể cũng “hành chính hóa”. Trong lúc khó khăn càng cần sát với Nhân dân, cùng Nhân dân vượt qua khó khăn”.(3)
Tăng cường mối quan hệ gắn bó với Nhân dân là quan điểm lớn của Đảng luôn được đề cao thường xuyên thực hiện. Nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào để đạt được hiệu quả mong muốn là không đơn giản. Đồng chí Nguyễn Văn Linh suốt đời phấn đấu cho điều đó. Hơn ai hết, là người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thấy rõ: Phải dựa vào dân, huy động sức dân để khắc phục yếu kém, tiêu cực, xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội theo đường lối đổi mới của Đảng. Muốn tạo sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân thì phải làm cho Nhân dân tin tổ chức, tư tưởng, đội ngũ cán bộ của Đảng thật sự trong sạch vững mạnh; Đảng và Nhà nước thật sự bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân và mang lại lợi ích cho Nhân dân, “ngoài lợi ích của Nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác”. Và điều vô cùng quan trọng là phải quyết tâm đẩy lùi bằng được tệ nạn tham nhũng, lãng phí tiền của, tài sản công, thành quả lao động gian khổ của Nhân dân đang diễn ra vô cùng nghiêm trọng. Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Đại hội VI Đảng đã chỉ rõ: “Những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo kinh tế - xã hội bắt nguồn từ những khuyết điểm trong hoạt động tư tưởng-tổ chức và công tác cán bộ của Đảng. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân”. Bám sát thực tiễn, hiểu dân, trọng dân, lo cho dân, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã sớm nhìn ra nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tư lợi, bè phái, cục bộ... có thể trở thành nguy cơ đe dọa sự ổn định, tồn vong của chế độ. Trước tình trạng quan liêu, xa rời dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên, đồng chí Nguyễn Văn Linh thẳng thắn phê phán: Tâm lý thụ động, bàng quan, thái độ vô trách nhiệm, tác phong làm việc theo kiểu bàn giấy còn ngự trị ở nhiều nơi. Có những người không chút động lòng day dứt trước tiếng kêu oan ức, nỗi bất công của người dân. Mối quan tâm hàng ngày của những người này không vượt ra khỏi bản thân và gia đình. Thậm chí ở một số nơi vừa qua, có những đảng viên, cán bộ đi đầu trong việc tập hợp, lừa mị một số quần chúng nhẹ dạ để gây rối trong các vụ tranh chấp ruộng đất, chống đối lại chính quyền. Chúng ta phải xử lý nghiêm khắc và không để tái diễn những trường hợp như vậy. Nguy cơ mất dần quần chúng sẽ tăng lên nếu để kéo dài các tình hình nói trên mà không có biện pháp khắc phục.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Linh, cán bộ phải sát dân, nghe dân như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng. Trong thời gian đảm nhiệm trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã có nhiều chuyến đi khảo sát, nghiên cứu tình hình ở khắp các địa phương trong cả nước. Đến đâu đồng chí cũng nêu lên những băn khoăn, đặt ra những câu hỏi từ những vấn đề cuộc sống để gợi ý cho các cấp ủy Đảng nhằm tìm cách thực hiện thắng lợi đường lối Nghị quyết của Đảng. Mỗi khi ban hành một chính sách mới, đồng chí đều xuất phát từ thực tiễn sinh động, tình hình cụ thể của đất nước. Trước mỗi vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, đồng chí đều lấy thực tiễn để kết luận, đồng thời nhắc nhở các cấp ủy đảng và cán bộ các cấp phải bám sát cuộc sống, tổng kết thực tiễn để không ngừng góp phần hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra. Đồng chí căn dặn cán bộ, đảng viên: Mọi vấn đề đều có thể tranh luận quyết liệt nhưng đã quyết thì phải theo đa số, rồi thực tiễn sẽ là ông thầy phán xét. Chính đường lối đổi mới của Đảng ta cũng đã hình thành, hoàn thiện, phát triển từ việc tổng kết thực tiễn sáng tạo của nhân dân các địa phương, cơ sở. Tại cuộc gặp mặt với cán bộ lãnh đạo tỉnh Minh Hải ngày 8-2-1988, khi tỉnh có những chuyện không bình thường trong nội bộ, có vụ xét xử oan sai gây xôn xao dư luận, đồng chí nghiêm khắc nhắc nhở: “Tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân là một tiêu chuẩn rất quan trọng để đánh giá mỗi tổ chức và mỗi đảng viên, vì Đảng ta không có mục đích gì khác ngoài việc mang lại quyền làm chủ cho Nhân dân. Chúng ta đã nói đến khái niệm này từ lâu nhưng thiếu những hình thức cụ thể để thực hiện đến nơi, đến chốn”. Và đồng chí rất xúc động khi nói: “Đảng ta được Bác Hồ tổ chức và rèn luyện. Người đảng viên phải biết thương, biết ghét, thương cái mới, cái năng động, thương cách làm ăn mới đem lại hiệu quả thiết thực. Ghét những gì bảo thủ, trì trệ, xa hoa, lãng phí, ăn cắp, ức hiếp quần chúng, ghét cách làm láo, báo cáo hay. Thương bao nhiêu thì ghét bấy nhiêu và ngược lại. Có vừa thương, vừa ghét thì mới dám dũng cảm bảo vệ những nhân tố mới cũng như đấu tranh kiên quyết với các hiện tượng tiêu cực thì cũng có cả vừa ghét vừa thương vì không chỉ trừng trị mà cả giáo dục; ngay như đến mức phải thi hành kỷ luật một người nào đó thì cũng còn vì tình thương nhằm giáo dục người đó và ngăn ngừa không để cho các đồng chí khác mắc phải”(4).
Đồng chí Nguyễn Văn Linh cảm thấy đau lòng, như chính mình có lỗi khi không ít cán bộ, đảng viên tham nhũng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh (vòng 2) họp từ ngày 22 đến ngày 26-10-1991, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh đến một trong những vấn đề cấp bách cần được quan tâm giải quyết là tệ quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, cán bộ lợi dụng chức quyền hà hiếp, áp bức dân… Nhớ lời Bác dặn: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng... Làm cán bộ tức là suốt đời làm đầy tớ trung thành của nhân dân. Mấy chữ a, b, c này không phải ai cũng thuộc đâu, phải học mãi, học suốt đời mới thuộc được”. Đồng chí bổ sung thêm: Phải học lại từng chữ, gắn với ý thức tôn trọng quyền làm chủ tập thể của quần chúng, lấy dân là gốc”(5).
Từ những chuyến đi thực tế đến với Nhân dân, đồng chí Nguyễn Văn Linh được người dân cho biết những hiện tượng thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, xa rời nhân dân. Và chính đồng chí Nguyễn Văn Linh đã là người chiến sĩ xung kích trên trận địa chống tiêu cực. Ngày 25-5-1987 trên trang nhất báo Nhân Dân lần đầu xuất hiện bài báo chạy tít đậm Những việc cần làm ngay với bút danh N.V.L. Ngay khi xuất hiện, những bài báo đề xuất, chỉ ra “những việc cần làm ngay” đăng trên báo Nhân Dân, ký tên N.V.L vào năm 1987 trở thành một luồng gió mới trong xã hội. Đó là không khí dân chủ, công khai, nói thẳng, nói thật, lời nói đi đôi với việc làm, góp phần đấu tranh chống tiêu cực, làm trong sạch các cơ quan Đảng, Nhà nước. Những bài báo phê phán những hành vi quan liêu, tham nhũng, hống hách, cửa quyền, ức hiếp quần chúng…của một số cán bộ có chức có quyền mà lâu nay vì sợ ảnh hưởng đến thanh danh của Đảng, không ai dám nói đã thổi bùng thành một phong trào chống tiêu cực rộng lớn trên khắp cả nước. Những bài viết ngắn gọn mà rực lửa chiến đấu tuyên chiến không khoan nhượng với cái xấu, cái tiêu cực trong Đảng và trong xã hội ký tên N.V.L đã tác động rất mạnh đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Thông điệp mà xã hội tiếp nhận từ những bài báo đó là người đứng đầu của Đảng cảnh báo về sự hệ trọng và cấp bách của cuộc đấu tranh chống tiêu cực trong Đảng và trong xã hội. "Phải quyết liệt chống tiêu cực thì nhân tố mới mới thật sự có chỗ đứng, giống như có nhổ sạch cỏ dại, diệt sâu rầy thì lúa mới mọc lên". Giờ đây, nhớ lại sự kiện đồng chí Nguyễn Văn Linh tự tay viết bài, tự đến cơ quan báo Nhân Dân để gửi bài viết về "Những việc cần làm ngay", ký tên N.V.L, chúng ta càng thấm thía tầm nhìn xa trong chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Bởi như chính đồng chí ý thức một cách sâu sắc rằng: “Một N.V.L hay vài N.V.L không thể biết hết mọi việc, nói hết mọi việc và làm hết mọi việc. Chỉ có sự nhất trí hành động của toàn Đảng, toàn dân mới có thể tạo nên chuyển biến thật sự cho đất nước”. Điều đó không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến Nhân dân, bảo vệ lợi ích chính đáng hợp pháp và quyền làm chủ của Nhân dân mà còn thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước không cho phép bất cứ cá nhân, tập thể nào vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân lao động. Muốn chống tiêu cực tham nhũng có kết quả thì vấn đề cơ bản, quyết định là phải huy động lực lượng quần chúng tích cực tham gia dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ sau Đại hội Đảng lần thứ IV, Nhà nước phát động phong trào nói thẳng, nói thật, ai làm tốt thì khen, ai làm không tốt thì phê bình, sửa chữa. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI đã yêu cầu đấu tranh chống các biểu hiện lạc hậu, trì trệ, biểu hiện tiêu cực khác và đưa công khai trên báo, đài hoặc qua các sinh hoạt của tổ chức Đảng và đoàn thể quần chúng những vụ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ cấp cao mắc sai lầm nghiêm trọng về phẩm chất. Điều đó chỉ làm tăng thêm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Để làm gương về chống tác phong quan liêu, xa dân, từ bỏ những đặc quyền đặc lợi, đồng chí đã bỏ chế độ Tổng Bí thư đi chuyên cơ trong nước, hàng ngày đi làm việc, đi công tác bằng xe Lada không có máy điều hòa - xe tiêu chuẩn dùng cho cấp Thứ trưởng; vào Nam ra Bắc đi máy bay chung với mọi người; cắt giảm xe bảo vệ...(6)
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là dịp để chúng ta ôn lại, trân trọng tự hào và biết ơn nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương sáng ngời về phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản "tận trung với nước, tận hiếu với dân". Cuộc đời hoạt động, cống hiến xuất sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để lại cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân ta nhiều bài học quý báu, đặc biệt là bài học tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, chăm lo nâng cao quyền làm chủ của Nhân dân, sống trung thực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi mọi người, giản dị và cần kiệm, ghét thói phô trương, hình thức. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong một nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã đưa ra những ý tưởng mới, quan niệm mới, cách làm mới, góp phần có ý nghĩa quyết định làm xoay chuyển tình thế, khắc phục những bất cập, lạc hậu của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp mở đường cho sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Chúng ta học tập, noi gương đồng chí Nguyễn Văn Linh về tinh thần đổi mới, phát huy dân chủ, gắn bó máu thịt với Nhân dân; bám sát thực tiễn, gần dân, tin dân, trọng dân, hiểu dân, lo cho dân là động lực và mục tiêu của sự sáng tạo, là phương châm, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng càng cần phải phát huy cao tinh thần đổi mới, nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo để hoạch định đường lối, chính sách phù hợp các quy luật khách quan và đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.
Chúng ta học tập tinh thần nói thẳng, nói thật với dân của đồng chí Nguyễn Văn Linh để từ đó cởi mở được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, thu hẹp được khoảng cách, suy nghĩ của lãnh đạo và Nhân dân; huy động được tinh thần và trí tuệ, sức người, sức của, sức sáng tạo của Nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Chúng ta học tập và nỗ lực làm theo tấm gương của đồng chí Nguyễn Văn Linh ở sự luôn vững tin vào sức mạnh của Nhân dân. Trong bất cứ tình thế khó khăn, phức tạp nào thì dân luôn là gốc; có dân là có tất cả. Nhân dân sẽ hiến kế, sáng tạo để Đảng nắm bắt đề ra chủ trương sát hợp, thúc đẩy phong trào, tập hợp Nhân dân vượt qua mọi khó khăn, tìm ra hướng đi đúng nhất.
Chúng ta học tập thái độ nghiêm túc lắng nghe ý kiến nói lên sự thật của Nhân dân, tiếp thu, xử lý đến nơi đến chốn ý kiến của Nhân dân với Đảng. Chúng ta biết rằng, không phải tất cả mọi ý kiến của Nhân dân đều luôn hoàn toàn đúng nhưng Đảng không thể bỏ qua bất cứ ý kiến nào của Nhân dân, đặc biệt là những vấn đề người dân có ý kiến nhiều lần thì càng cần phải tỉnh táo lắng nghe, chọn lọc tiếp thu, phân tích kỹ, từ đó để kịp thời sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm nhằm hoàn thiện đường lối, chính sách của mình.
Chúng ta học tập đồng chí Nguyễn Văn Linh ở thái độ trách nhiệm, phương pháp tập hợp, quy tụ lòng dân bằng đường lối, chính sách đúng của Đảng, tổ chức thực hiện tốt đường lối chính sách đúng đắn đó. Bản chất tốt đẹp của Đảng chỉ được giữ vững, sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo chỉ có thể phát triển và đạt được những thành tựu vững chắc khi Đảng có dân, được dân ủng hộ, mối quan hệ giữa Đảng với dân thường xuyên được củng cố. Để có được điều đó, Đảng phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nâng cao và hoàn thiện sự lãnh đạo của mình. Để đường lối, chính sách đúng của Đảng đi vào cuộc sống phải được đông đảo Nhân dân đồng tình hưởng ứng, tạo ra phong trào cách mạng rộng lớn trong Nhân dân. Khi đời sống của Nhân dân còn khó khăn, ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm; bệnh tật, thất nghiệp còn đe dọa mà Đảng và Nhà nước không trăn trở, không tìm mọi giải pháp giải quyết thì chắc chắn lòng dân sẽ không yên. Muốn đi được vào lòng dân lúc này, phải ưu tiên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống Nhân dân, ổn định trật tự xã hội.
Chúng ta học tập đồng chí Nguyễn Văn Linh ở tinh thần luôn bảo đảm trên thực tế quyền làm chủ của người dân trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Rõ ràng là, từ sau Đại hội VI của Đảng đến nay, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đều đã có những chuyển động tích cực theo hướng ngày càng phát huy dân chủ trong Đảng, mở rộng dân chủ trong xã hội, nền dân chủ của xã hội ngày càng phát triển gắn liền với việc xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Để thật sự bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, cùng với việc kiên quyết chuyên chính với kẻ thù của Nhân dân, Đảng tự đổi mới, tự chỉnh đốn. Đổi mới và chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành đồng bộ trên tất cả các mặt: Tư tưởng, tổ chức, cán bộ, phương thức hoạt động. Trước mắt, Đảng cần tiếp tục triển khai một cách tích cực và mạnh mẽ chủ trương chống tham nhũng; xử lý thật nghiêm từ trên xuống dưới những người mắc sai lầm, khuyết điểm, bất kể người đó ở cương vị công tác nào. Bên cạnh đó, phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, bởi vì đó chính là chiếc cầu nối liền Đảng với dân. Dân có tin Đảng hay không, mối quan hệ giữa Đảng với dân có mật thiết hay không phụ thuộc rất lớn vào các tổ chức cơ sở Đảng. Dân chỉ tin Đảng và thật sự theo Đảng khi trong hoạt động thực tiễn, các tổ chức Đảng và đảng viên ở cơ sở thật sự là tấm gương sáng để Nhân dân noi theo. Với tinh thần “Dân là gốc”, phải đổi mới mạnh mẽ phong cách công tác của Đảng. Mỗi cấp ủy Đảng, mỗi tổ chức Đảng và mỗi đảng viên đều phải xây dựng một phong cách đi sâu, đi sát quần chúng, sống giản dị, chan hòa với quần chúng. Đảng viên giữ cương vị càng cao, càng phải gương mẫu về phong cách của người cộng sản. Cần bãi bỏ các các quy định, các thủ tục tạo nên sự xa cách giữa Đảng và Nhân dân(7).
Tư tưởng “Dân là gốc” và bài học tăng cường mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, chăm lo nâng cao quyền làm chủ của Nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh còn nguyên giá trị bền vững và thật sự có ý nghĩa đối với việc tăng cường vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng hiện nay.
_______________________________________
(1) Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam (15-18/12/1986)- Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 25/04/2006
(2) Nguyễn Văn Linh nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo-NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội- 2003, trang 27
(3) Anh Linh với cơ sở-Hữu Thọ- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 16
(4) Anh Linh với cơ sở-Hữu Thọ- Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 17.
(5) “Đồng chí Nguyễn Văn Linh - Tấm gương sáng về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”- Ninh Thị Hồng Hạnh- Tạp chí Xây dựng Đảng online 1/7/2011
(6) “Cố TBT Nguyễn Văn Linh qua hồi ức ông Phạm Quang Nghị” TUANVIETNAM.NET ,7 / 1 / 2010
(7) “Đảng ta là Đảng của dân, do dân, dựa vào dân và vì dân”- Tiến Hải- Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương-16/02/2015
Nguyễn Thành Phong
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh
0 comments:
Đăng nhận xét