TIN MỚI NHẤT

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

Xây dựng và phát huy vai trò của đời sống văn hóa trong thời kỳ mới

 (LLCT) - Đời sống văn hóa (ĐSVH) là bộ phận quan trọng cấu thành nên đời sống của một xã hội, phản ánh trình độ phát triển của một cộng đồng, một quốc gia, dân tộc gắn với tiến trình lịch sử xã hội và văn hóa. Xây dựng và phát triển ĐSVH không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của đời sống xã hội mà còn có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần vào phát triển đất nước trong thời kỳ mới.



1. Quan niệm về đời sống văn hóa

ĐSVHđược thể hiện trên mọi mặt hoạt động của con người, phản ánh hiện thực sinh động các hoạt động của con người trong mối quan hệ với môi trường sống để sáng tạo ra những giá trị văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, đáp ứng nhu cầu, nâng cao chất lượng sống của con người cũng nhưxã hội. Đời sống văn hóa bao gồm 3 thành tố cơ bản:

Chủ thể hoạt động văn hóa

Trong các yếu tố cấu thành củaĐSVHthì chủ thể hoạt động văn hóa (hay còn gọi là con người văn hóa) là yếu tố quyết định và quan trọng nhất,bởi vì chỉ có con người mới có hoạt động văn hóavà sản phẩm cao nhất của văn hóa chính là con người. Con người trực tiếp tạo ra các sản phẩm, các giá trị văn hóa và chính các sản phẩm, giá trị văn hóa lại góp phần hình thành nhân cách, trí tuệ, ứng xử của mỗi con người.

Chủ thể hoạt động văn hóa bao gồm các cộng đồng dân cư và các cá nhân cư trú trong vùng mà các hoạt động văn hóa, truyền thống văn hóa của họ góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa của vùng đó. Con người tham gia vào đời sống văn hóa với vai trò là chủ thể nhưng đồng thời con người cũng chính là đối tượng chịu sự tác động của văn hóa. Khi đề cập đến chủ thể của hoạt động văn hóa, cần chú ý tới những đặc điểm của một cộng đồng cư dân như: trình độ học vấn, độ tuổi, nghề nghiệp, tín ngưỡng, truyền thống, thói quen, quan niệm, nhu cầu hoặc hành vi ứng xử đối với tự nhiên và xã hội.

Các hoạt động của ĐSVH

Về bản chất, ĐSVH phản ánh các hoạt động văn hóa.Ở đây, hoạt động văn hóa được hiểu là những hoạt động sáng tạo, lưu giữ, quảng bávà tiêu dùng các giá trị văn hóa, thể hiện một cách tập trung nhất năng lực vănhóa, khả năng sáng tạo theo các quy luật của cái đẹp của cá nhân và cộngđồng. Thông qua những hoạt động này, giá trịvăn hóasẽđược sản sinh và lan tỏatrong đời sốngxã hội.

Hoạt động văn hóa là hoạt động đáp ứng trực tiếp nhu cầu văn hóa của nhân dân. Nhu cầu văn hóa của nhân dân rất đa dạng, chính vì vậy các hoạt động để đáp ứng những nhu cầu ấy cũng hết sức phong phú. Một số dạng hoạt động văn hóa phổ biến là: những hoạt động sáng tạo văn hóa như sáng tác văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, hội họa, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh…; những hoạt động hưởng thụ văn hóa như lễ hội, giải trí, thể dục thể thao, thưởng thức các loại hình nghệ thuật, du lịch, tự do tín ngưỡng, tiêu dùng sản phẩm văn hóa…; những hoạt động lưu giữ, phát huy các giá trị văn hóa như khai trí, bảo tồn, bảo tàng, triển lãm…

Hệ thống các thiết chế và cảnh quan văn hóa

Trong các yếu tố cấu thành ĐSVH, hệ thống thiết chế văn hóa đóng vai trò lưu giữ và chuyển tải các giá trị văn hóa của cộng đồngđến từng cá nhân trong xã hội. Đó là môi trường đểbảo đảm cho các hoạt động văn hóa diễn ra trong đời sống xã hội. Mạng lưới các thiết chế văn hóa phải đảmnhận được một số nhiệm vụ quan trọng như: tổ chức cáchoạt động sản xuất (sáng tạo) trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những sản phẩm văn hóa, công trình nghệ thuật; tổ chức sưu tầmvà bảo quản vốn di sản văn hóa của dân tộchaycủa cộng đồng; kịp thời truyềnđạt những giá trị văn hóa; tổ chức các sinh hoạt văn hóatrong cộng đồng dân cư,đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của xã hội.Các thiết chế văn hóa tiêu biểu có thể nhắc đến bao gồm: sân vận động, nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, bảo tàng, nhà truyền thống, rạp hát, rạp chiếu phim, công viên văn hóa, cáccơ quan thông tin đại chúng...

Cảnh quan văn hóa là những sản phẩm tồn tại trong quan hệ tương tác giữa con người vớimôi trường tự nhiên, môi trường xã hội, bao gồm: các thắng cảnh tự nhiên, các công trình kiến trúc, công trình xây dựng, đường phố, tượng đài, không gian cây xanh, hồ, ao, công viên... Đây chínhlà môi trường vật chất - văn hóa mà con người sinh sống trong đó. Nó biểu hiện bề mặt trực tiếp của ĐSVH, thông qua kiến trúc, cảnh quan môi trường... ít nhiều có thể nhận biết về ĐSVH của dân cư. Tuy chỉ là không gian vật chất do con người tạo ra nhưng cảnh quan văn hóa lại có tác động nâng đỡ, điều chỉnh, giám sát và đánh giá hành vi của con người.

2. Vai trò của đời sống văn hóa

ĐSVH có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, được thể hiện trên những phương diện:

Thứ nhất, ĐSVH góp phần ổn định chính trị

Trong điều kiện phát triển hiện nay, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt ra mối quan tâm hàng đầu là phát triển kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trung tâm; cùng với đó là việc cải thiện đời sống vật chất tinh thần, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, ổn định chính trị - xã hội để tạo cho người dân cuộc sống ấm no và hạnh phúc.

Việc xây dựng ĐSVH trong bối cảnh hiện nay không chỉ có ảnh hưởng tích cực đến mọi hoạt động sáng tạo của con người, nâng cao trí tuệ và văn hóa, mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát huy những mặt tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường. Xây dựng ĐSVH là để tạo lập sự ổn định về mặt chính trị, định hướng những mục tiêu cụ thể và lựa chọn hướng đi phù hợp, bảo đảm giữ vững ổn định trong suốt tiến trình đổi mới.

Thứ hai, ĐSVH lành mạnh tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội

Xây dựng ĐSVH nhằm hướng tới mục tiêu cao nhất,vì sự tiến bộ, công bằng xã hội, vì sự phồn vinh của đất nước và hạnh phúc củanhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế. ĐSVH lành mạnh tạo ramôi trường thuận lợi, phát huy sức sáng tạo của mỗi cá nhân, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đời sống văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng; xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh, nếp sống văn minh, có kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật… Các hủ tục lạc hậu dần dần được loại bỏ khỏi đời sống xã hội, ý thức chấp hành kỷ cương pháp luật của phần lớn dân cư được nâng lên rõ rệt.

Hiện nay, phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” ở các địa phương trong cả nước đang phát triển mạnh mẽ. Các địa phương đặc biệt quan tâm đến phát triển đời sống kinh tế gia đình, kinh tế tập thể, xây dựng cơ sở hạ tầng…với các hình thức như hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ giống, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật, sử dụng lao động tại địa phương..., tạo điều kiện để người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Những chuyển biến trên đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của địa phương, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Thứ ba, ĐSVH góp phần xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực và môi trường văn hóa

ĐSVH phát triển sẽ góp phần xây dựng con người toàn diện có đủ phẩm chất về tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hóa trong đời sống xã hội. Việc xây dựng ĐSVH cho người dân góp phần bảo vệ trật tự an toàn xã hội, cải thiện môi trường và tạo điều kiện bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đây chính là những yếu tố giúp cho môi trường xã hội trở nên lành mạnh và an toàn, là yếu tố thuận lợi để mỗi người dân phát triển toàn diện.

Xây dựng ĐSVH có tác động to lớn đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa ở địa bàn dân cư. Mọi hoạt động xây dựng ĐSVH đều nhằm xây dựng con người phát triển toàn diện về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, có văn hóa, có thể chất, có năng lực sáng tạo và có ý thức cộng đồng. ĐSVH phát triển sẽ tác động tích cực đến xây dựng con người, loại bỏ các tệ nạn xã hội, làm cho môi trường văn hóa ngày càng “trong sạch, lành mạnh”, từ đó cải tạo môi trường tự nhiên, giữ gìn môi trường đạo đức, bảo tồn và truyền thụ các giá trị văn hóa của dân tộc.

Đối với cư dân trong các địa phương đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, ĐSVH đang ở trong bước chuyển từ văn hóa nông thôn sang văn hóa đô thị và hội nhập, thì ĐSVH có vai trò to lớn trong việc hình thành nếp sống mới, con người mới và môi trường văn hóa mới. Chính vì vậy, ĐSVH phát triển sẽ tạo ra chất lượng nguồn nhân lực hướng tới xây dựng con người toàn diện về tư tưởng, đạo đức lối sống và nhân cách văn hóa.

Thứ tư, ĐSVH tạo điều kiện mở rộng giao lưu và hội nhập

Giao lưu văn hóa đang là xu thế chung của thời đại, thông qua tiếp xúc văn hóa, các cộng đồng xã hội có cơ hội học hỏi lẫn nhau cùng tiến bộ. ĐSVHphát triển sẽ trở thành tiền đề quan trọng để tăng cường giao lưu hợp tác giữa các quốc gia, các dân tộc, các vùng miền.

Ngày nay, trong điều kiện của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, giao lưu hội nhập quốc tế sâu rộng thì yếu tố quyết định cho sự phát triển chính là trí tuệ, là thông tin, là sáng tạo và đổi mới không ngừng nhằm tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu đa dạng và phong phú của mỗi con người cũng như của toàn xã hội.

ĐSVHđóng vai trò là hệ điều tiết của sự phát triển, góp phần phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố khách quan và chủ quan, của các điều kiện bên trong và bên ngoài để bảo đảm phát triển hài hòa, cân đối, bền vững. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường như hiện nay, ĐSVH dựa vào chuẩn mực “chân - thiện - mỹ” để thúc đẩy người lao động không ngừng phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và nâng cao tay nghề, đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng lên của xã hội. Đồng thời, ĐSVH cũng sử dụng sức mạnh của các giá trị truyền thống để hạn chế xu hướng tiêu cực của mặt trái nền kinh tế thị trường.

3. Phát huy vai trò của ĐSVHtrong thời kỳ mới

Sau 25 năm thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (1995), hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) và thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (2000), đến nay sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực với những kết quả quan trọng. ĐSVH của nhân dân ngày càng phát triển đa dạng và phong phú; trình độ dân trí không ngừng được nâng cao. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được bảo tồn và phát huy; các giá trị, chuẩn mực văn hóa mới được hình thành. Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội. Người dân có nhiều cơ hội để sáng tạo cũng như hưởng thụ các giá trị văn hóa. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa được mở rộng, góp phần xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, cảnh quan văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa trong cộng đồng ngày càng chất lượng, hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả to lớn đạt được, vẫn còn những vấn đề cần phải nhìn nhận: thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với thành tựu trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, chưa thực sự tác động mạnh mẽ xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh. ĐSVH và khoảng cách hưởng thụ văn hóa còn chênh lệch giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng... Nhiều nơi ĐSVH còn nghèo nàn, đơn điệu, môi trường văn hóa chưa thực sự lành mạnh. Nhiều phong trào xây dựng ĐSVH còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất, ít tính hiệu quả…

Để tiếp tục phát huy vai trò của ĐSVH, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một lànâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về vai trò của văn hóa nói chung và ĐSVH nói riêng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, Đảng ta xác định tiến hành đồng bộ và gắn kết chặt chẽ ba lĩnh vực: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt cùng với việc xây dựng văn hóa, nền tảng tinh thần của xã hội nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước. Trong đó, nội dung xây dựng văn hóa được xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” - một định hướng quan trọng để đất nước phát triển bền vững. Các cấp ủy đảng phải quán triệt quan điểm này và đưa vào các Nghị quyết để các cấp chính quyền tổ chức triển khai, thực hiện trong đời sống.

Hai là, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền

Tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân ở thôn, bản, tổ dân phố thực hiện nội dung hương ước, quy ước của cộng đồng; các quy định về nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang; tích cực xây dựng gia đình văn hóa và phòng, chống bạo lực gia đình; tuyên truyền tiêu chuẩn công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, khu dân cư văn hóa đến từng gia đình, khu dân cư trên địa bàn; tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến…Đây là những công việc cụ thể, quan trọng, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống.

Ba là, tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở cộng đồng dân cư

Hằng năm, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn tổ chức các nội dung hoạt động Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc bảo đảm thiết thực, hiệu quả như: ôn lại truyền thống ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; báo cáo đánh giá kết quả xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết quả thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng; tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho gia đình chính sách, gia đình hộ nghèo, gia đình tiêu biểu; tổ chức các hoạt động giao ước thi đua ở cộng đồng dân cư…; ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tạo không khí sôi nổi. Thông qua tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc để tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới.

Bốn là, phối hợp nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa

Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, các khu dân cư đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa theo Nghị định 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng đạo đức, lối sống con người; góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội tại địa phương.

__________________TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoàng Vinh: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn xây dựng đời sống văn hóa ở nước ta”, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1999.

2. GS,TS. Trần Văn Bính (Chủ biên): Giáo trình lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng”, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000

3. PGS,TS Đỗ Đình Hãng: Lý luận văn hóa và đường lối văn hóa của Đảng”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

4. Đinh Thị Vân Chi (Chủ biên): Những vấn đề lý luận và thực tiễn về đời sống văn hóa, môi trường văn hóa”, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2015.

 

Phùng Thị Thu Trang

Học viên cao học Viện Văn hóa và Phát triển

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Xây dựng và phát huy vai trò của đời sống văn hóa trong thời kỳ mới
  • Title : Xây dựng và phát huy vai trò của đời sống văn hóa trong thời kỳ mới
  • Posted by :
  • Date : 05:07
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Đăng nhận xét

Top