Số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc hôm 17/3/2022 cho thấy tỷ lệ ly hôn ở những người từ 60 tuổi trở lên tăng đáng kể khi quốc gia này đang tiến nhanh đến một xã hội siêu già.
Độ tuổi trung bình của nam và nữ đã từng trải qua ly hôn đều tăng 0,8 so với cùng kỳ năm ngoái (từ 46,8 lên 50,1).
Trong thập kỷ vừa qua, tỷ lệ đàn ông trên 60 tuổi quyết định ly dị tăng 4,3%, còn với phụ nữ là 8,5%. Ở các nhóm tuổi khác, con số này giảm rõ rệt so với năm 2021.
Xu hướng này được gọi là “gray divorce” (tạm dịch: ly hôn xám) – chỉ những cặp vợ chồng muốn kết thúc cuộc hôn nhân khi tuổi đã già. Ngoài ra, cụm từ “ly hôn ở tuổi xế chiều” hay “tốt nghiệp khỏi kết hôn” cũng được nhiều người biết đến, theo Korea Herald.
Số lượng các đôi vợ chồng muốn ly thân sau hơn 30 năm chung sống đã tăng 7,5% và hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước đó. Dữ liệu này được đưa ra khi Hàn Quốc ngày càng có nhiều vụ “ly hôn xám” hơn trong những năm gần đây.
Theo Korea Herald, xứ sở kim chi sẽ nhanh chóng tiến đến một “xã hội siêu già”, trong đó những người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 20% dân số. Năm ngoái, nhóm tuổi này chiếm 16,5% trong khoảng 50 triệu người Hàn.
“Chúng tôi ghi nhận sự gia tăng trong việc kết hôn lẫn ly dị ở những người trên 60 tuổi. Điều này gắn liền với một xã hội già hóa. Nếu có tuổi thọ cao, họ sẽ có rất nhiều sự lựa cho cuộc đời của mình”, ông Noh Hyung-joon, một thành viên thuộc Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, nói trong một cuộc họp báo. Ông Noh cho biết thêm tình trạng “tốt nghiệp khỏi hôn nhân” cũng khá phổ biến hiện nay – điều mà trước đó vốn hiếm thấy.
Đây là xu hướng chỉ những người ly thân sau nhiều năm chung sống cùng bạn đời nhưng không ly dị hoàn toàn. Thuật ngữ này lần đầu tiên được đưa ra bởi nhà văn Nhật Bản Yumiko Sugiyama vào năm 2004.
Thống kê trên còn chỉ ra rằng số người kết hôn tụt xuống mức thấp nhất mọi thời đại, chỉ đạt 193.000 và giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này được so sánh với các chỉ số từ năm 1970, khi Cơ quan Thống kê Hàn Quốc bắt đầu tổng hợp dữ liệu. Thay vì lập gia đình, nhiều người trẻ chấp nhận sống thử để cắt giảm chi phí nhà ở, sinh hoạt và hẹn hò. Họ cũng không đặt nặng vấn đề kết hôn, sinh con trong tương lai. Theo EToday, quan niệm truyền thống về hôn nhân tại Hàn Quốc đang dần thay đổi.
Vì thế, chính phủ nước này phải thúc đẩy cải cách các luật liên quan để xây dựng điều lệ phù hợp với những kiểu cấu trúc gia đình khác nhau, bao gồm cặp vợ chồng sống thử nhưng không kết hôn.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
0 comments:
Đăng nhận xét