TIN MỚI NHẤT

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

Chủ nghĩa tư bản và chiến tranh: Những người lính chỉ là nạn nhân

    Mỗi khi nước Mỹ tham gia chiến tranh, những người lính đều được tuyên dương như những người hùng vì đã có sự hy sinh lớn lao cho lợi ích “của quốc gia”.



    Trích từ cuốn “Sự khó nắm bắt của hòa bình trong một hệ thống toàn cầu đáng ngờ” (The Elusiveness of Peace in a Suspect Global System) của tác giả Tatah Mentan, xuất bản năm 2016.

Nguồn: Capitalism and War / Angelfire.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

    Giới truyền thông do các doanh nghiệp thao túng luôn luôn khẳng định rằng các khái niệm “tự do”, “dân chủ” ở một quốc gia nào đó đang được phó thác cho nước Mỹ, và việc đem quân đánh các nước này là cần thiết. Chúng ta thậm chí có một ngày nghỉ, ngày Cựu chiến binh (Veteran’s Day) để tôn vinh những hành động “anh hùng” của những người lính “của chúng ta”.

    Liệu đó có thật sự là những người lính anh hùng, hay chúng ta nên gọi họ bằng một từ khác, ví dụ như “nạn nhân”?

    Đó là mục đích của bài viết này. Bài viết sẽ phân tích ý nghĩa chiến tranh dưới trào chủ nghĩa tư bản dưới góc nhìn của giai cấp công nhân, lý do thật sự buộc họ chiến đấu, vai trò của người lính.

    Đầu tiên, trái ngược với những gì chúng ta thường xuyên được người Mỹ tuyên truyền về chiến tranh, các cuộc chiến của họ không bao giờ được thực hiện dựa trên lý tưởng đạo đức hoặc việc ủng hộ một loại khát vọng “công lý” trừu tượng nào đó. Các cuộc chiến trong thế giới bị tư bản kiểm soát luôn luôn là sự chiến đấu để giành quyền kiểm soát các nguồn lực tiền tệ và lãnh thổ giữa hai hay nhiều tập hợp các tầng lớp cai trị quốc gia riêng rẽ.

    Khát khao “tự do” chính trị của những dân tộc bị áp bức sẽ không bao giờ có mặt trong nghị trình mà các nhà chính trị (tư bản) quan ngại. Đó là lý do vì sao Mỹ bỏ qua các vụ bạo lực gây chết chóc ở nhiều quốc gia (như Indonesia và Sri Lanka) khi điều đó không liên quan đến các lợi nhuận của các nhà tư bản Mỹ.

    Điều này trái ngược với khi các lợi ích bị đe dọa, ví dụ như khi Saddam Hussein giành quyền kiểm soát Kuwait và nguồn cung dầu của nước này, đe dọa dòng chảy êm ả của nguồn tài nguyên giá trị vào túi tiền của các doanh nghiệp Mỹ. Khi đó, tổng thống Bush cha, người đã đầu tư nhiều khoản tài chính cá nhân vào dầu mỏ Kuwait, đã ngay lập tức ra lệnh “đưa quân đội tới”, thậm chí không buồn xin ý kiến Quốc hội (do đó, cuộc chiến tranh Vùng Vịnh thập niên 1990, cũng như chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên trước đó, và các cuộc chiến sau này ở Kosovo và Iraq những năm 1998 và 2003, về mặt kỹ thuật đều trái với hiến pháp).

    Cũng cần lưu ý rằng, ở Kuwait chưa từng tồn tại một loại hình dân chủ nào dù là dân chủ kinh tế hay chính trị. Mối quan tâm chủ yếu của Mỹ và đồng minh của họ không phải dân chủ mà là bảo đảm sự liên tục của một giá dầu hợp lý. Các nhà cầm quyền “thân thiện” như ở Kuwait cực kỳ giàu có, dù nhiều lần bị kết tội vi phạm nhân quyền (trong đó có việc kỳ thị phụ nữ), họ đã không hề làm bận tâm giới cầm quyền Mỹ bởi vì họ vẫn còn có lợi cho việc kinh doanh của Mỹ.

    Tuy nhiên, để giành được sự ủng hộ của các công dân Mỹ, hệ thống truyền thông đã tuyên truyền rằng Hussien là kẻ độc ác và ám chỉ một cách dối trá rằng chính phủ Mỹ đang thực hiện một sứ mệnh nhân đạo, vị tha dựa trên các lợi ích luân lý thuần túy. Thực sự thì cuộc chiến này không đem lại bất cứ lợi ích gì cho người lao động ở Kuwait.

    Còn nhiều ví dụ từ các cuộc chiến tranh khác. Như chiến tranh Việt Nam được thực hiện chủ yếu dựa trên thực tế là người lao động Việt Nam đã lựa chọn lật đổ sự cai trị độc ác của tư bản Pháp để thiết lập một hệ thống theo chủ nghĩa Marx-Lenin mà giới cầm quyền Mỹ e sợ rằng sẽ khiến Việt Nam phụ thuộc vào quỹ đạo kinh tế – chính trị của Xô-viết. Do đó, các nhà chính trị Mỹ, dẫn đầu bởi tổng thống chiến bại Lyndon B. Johnson, đã gửi hàng trăm nghìn công dân thuộc tầng lớp lao động Mỹ đến để bắn hạ những người anh em thuộc tầng lớp lao động Việt Nam mà họ vốn không có xung đột gì, chủ yếu vì lợi ích của tư bản Mỹ.

    Nhiều lính Mỹ ở Việt Nam (bị buộc đi nghĩa vụ trái với lương tâm cá nhân và ý chí của họ) được lệnh thực hiện những tội ác không thể biện minh được với những em bé và phụ nữ vô tội, rồi bị chính phủ của chính họ đầu độc bằng chất độc da cam. Những trải nghiệm khủng khiếp khiến họ chấn động đến mức không thể tận hưởng nổi một giấc ngủ thanh thản nào trong suốt phần đời còn lại. Cũng có nhiều cựu binh đang nằm trong nhóm vô số công dân bị tâm thần và vô gia cư của xã hội tư bản. Dĩ nhiên, nhiều người lính khác đã bị giết hoặc thương tật vĩnh viễn.

    Và tất cả những điều này đã xảy ra vì đâu? Đó là cuộc cạnh tranh, phân chia ảnh hưởng với hệ thống Xô viết vì lợi nhuận của giới tư bản.

    Những người đàn ông chết cho các cuộc chiến đó không phải anh hùng mà là nạn nhân của một hệ thống phân chia giai cấp khủng khiếp đã lạm dụng họ cho mục đích bạo lực, tàn phá và kết liễu cuộc đời họ một cách tàn nhẫn bằng cách cưỡng bức họ cầm vũ khí chống lại những người anh em thuộc tầng lớp lao động ở các quốc gia khác.

    Những người ủng hộ chiến tranh hay những người biện hộ cho chủ nghĩa tư bản thường hay cố gắng bào chữa cho chiến tranh bằng câu ngạn ngữ cũ kỹ “Còn Hitler thì sao?”. Câu hỏi này hoàn toàn phớt lờ sự thật rằng Hitler sẽ không bao giờ gia tăng quyền lực ngay từ đầu nếu không phải vì sự suy yếu của chủ nghĩa tư bản ở Đức và việc giai cấp công nhân của đất nước này cho phép một chính trị gia như Adolph Hitler lôi kéo họ vào chiến dịch ủng hộ chiến tranh của hắn. Giới tư bản Mỹ và những con rối chính trị của họ đã bỏ qua những cuộc tấn công đầu tiên của Hitler nhằm vào người Do Thái, Czech, người đồng tính và các nhóm khác vì chiến dịch phi nhân đạo đó không đe dọa các lợi ích lợi nhuận của Mỹ.

    Nhưng khi Hitler và các đồng minh Tojo (Hideki Tojo, thủ tướng Nhật thời thế chiến II), Mussolini trực tiếp đe dọa đến sự thống trị toàn cầu về kinh tế của Mỹ, thì tổng thống Franklin Delano Roosevelt đã đột ngột “bị sốc” bởi sự tàn ác của phát xít Đức và thét lên câu nói nổi tiếng “Đưa quân đội tới!” (Send in the troops!). Như thường lệ, các lợi ích nhân đạo luôn phải nhường bước cho lợi ích kinh tế, đó là chuyện bình thường trong một thế giới bị chia rẽ nghiêm trọng bởi sự phân chia giai cấp.

    Chúng ta cũng đừng quên thảm họa diệt chủng của chính phủ Mỹ nhằm vào người Mỹ bản địa trong thế kỷ 19 đã được thực thi một cách mãn nguyện bởi những người lính “chỉ làm theo mệnh lệnh”. Liệu họ có đáng được ca ngợi vì đã thực hiện những hành động tàn ác đó để “phục vụ quốc gia”, và họ đang hành động như những “anh hùng” hay “chiến đấu vì lý tưởng?”.

    Đó là những lời bào chữa phổ biến về động lực của những người lính trong việc phục vụ các lợi ích tư bản. Vì họ đã “tin” rằng họ đang làm điều đúng, điều đó biện hộ cho sự phi đạo đức trong những hành động của họ. Điều này có nghĩa là niềm tin của một tên sát nhân hàng loạt đã mất trí rằng việc hắn ta đang đem lại lợi ích cho phụ nữ bằng cách giết họ sẽ bào chữa cho hành động của hắn? Hay một kẻ khủng bố có thể bào chữa cho việc sát hại người vô tội là hắn đang theo đuổi những niềm tin của mình? Hoặc một kẻ phân biệt chủng tộc điên cuồng tin rằng hắn đáng được tuyên dương khi phục vụ cho lợi ích của nhóm hay quốc gia thiểu số của mình bằng cách sát hại những người thuộc một chủng tộc cụ thể nào đó?

    Có nên xem hành động của họ là anh hùng vì họ đang chiến đấu cho những gì họ tin là đúng? Dĩ nhiên, điều này đã phớt lờ thực tế là hầu hết những người lính của nhà nước tư bản không chiến đấu cho những gì họ tin vào, mà họ chỉ là người làm thuê của nhà nước, và thường bị cưỡng bức đi nghĩa vụ do tình trạng thất nghiệp tệ hại mà chủ nghĩa tư bản làm cho ngày càng lan rộng.

    Hơn nữa, nếu ai đó tranh luận rằng trong Thế chiến II, chính phủ Mỹ vượt trội hơn chính phủ phát xít Đức về mặt đạo đức, thì đừng quên bằng cách nào mà vị tổng thống được nhiều người trong chúng ta yêu mến, Roosevelt, đã tập hợp vô số nisei (người Mỹ gốc Nhật) vào các trại tập trung tạm thời được chuyển đổi từ các chuồng ngựa bẩn thỉu, hoàn toàn bỏ qua sự thật là hầu hết trong số đó đều trung thành với tư bản Mỹ. Nhiều công dân cấp cao và trẻ em đã chết ở đó vì điều kiện sống đầy bệnh tật rất ghê tởm, và nhiều phụ nữ kể về việc bị những người Mỹ bắt giữ họ lạm dụng tình dục.

    Ai đã đầy đọa các đối tượng trên? Những người lính Mỹ, dĩ nhiên, những người “chỉ làm theo mệnh lệnh”. Vì họ tin rằng họ đang làm điều đúng do được tuyên truyền phải ghét bỏ tất cả người Nhật. Liệu điều đó có khiến cho hành động của họ trở thành anh hùng?

    Đáng chú ý là động thái khủng khiếp đó của chính phủ Mỹ lại được ủng hộ chủ yếu bởi sự hời hợt của giai cấp công nhân Mỹ, những người mà chính phủ đã tuyên truyền thành công khi lừa gạt họ tin rằng tất cả người Nhật là kẻ thù của họ. Điều đó cho thầy họ cũng thất bại như giai cấp công nhân Đức, những người bị lừa gạt để tin rằng tất cả người Do Thái là kẻ thù theo cách tương tự.

    Việc các thể chế độc ác được người lao động ủng hộ là những ví dụ mạnh mẽ về sức mạnh của sự truyên truyền. Các chương trình truyền hình như G.I. Joe đã tô điểm cho chiến tranh và khắc họa người lính Mỹ như các chiến binh anh hùng đang chiến đấu chống lại những gã xấu xa được định nghĩa rõ ràng như những “ác quỷ” về mặt đạo đức.

    Một cuộc thảo luận đời thường với nhiều cựu binh đi qua chiến tranh sẽ cho thấy không có xu hướng nào biện hộ cho chiến tranh. Trong thực tế, chúng ta hãy nghiêm túc lo lắng về sự tỉnh táo của bất kỳ cựu binh nào phát biểu tích cực về chiến tranh sau khi bản thân họ đã kinh qua cuộc chiến. Các công dân thuộc tầng lớp lao động không nên vinh danh những người lính, thay vào đó hãy xót thương họ vì những trải nghiệm khủng khiếp mà họ sẽ đối mặt, và phản đối mọi cuộc chiến tranh sắp xảy ra.

    Trong nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đích thực của thế giới, sẽ không có sự chia rẽ giai cấp trong một quốc gia, và không có sự chia rẽ giữa các quốc gia trong việc kiểm soát các nguồn lực toàn cầu. Thay vào đó, sự giàu có vật chất của thế giới sẽ được chia sẻ rộng rãi cho tất cả. Không có cá nhân hay nhóm nào sở hữu quyền lực kinh tế để cưỡng bức chiến tranh hay nhân danh họ đưa một ai đó đi chiến đấu.

    Động lực tư bản chủ nghĩa cho các cuộc chiến, xung đột trong việc kiểm soát nguồn lực kinh tế, sẽ bị loại bỏ. Sự hợp tác hòa bình chứ không phải sự cạnh tranh đầy bạo lực sẽ là chuẩn mực cho thế giới. Bạo lực sẽ bị xem là ghê tởm và sẽ không có ai được đối xử như một người hùng vì đã khơi mào bạo lực. Thay vào đó, mọi quyết định sẽ được thực hiện một cách dân chủ mà không cần tới bạo lực hay chiến tranh.

    Chiến tranh không phải vì bản tính tự nhiên của loài người là “xấu xa” và bạo lực, hoặc bất lực về tâm lý hay trí tuệ trong việc giải quyết các vấn đề mà không cần bạo lực. Các nguyên nhân gây ra chiến tranh trong thế giới tư bản là vật chất, không phải các nguyên nhân về hệ tư tưởng, tâm lý, di truyền hay các lý do siêu hình huyền bí. Khi chúng ta đạt được nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, khi đó nhân loại sẽ loại trừ được sự hủy diệt của chiến tranh và những động lực vật chất gây ra chiến tranh.

ĐOÀN HIỂU LINH / REDSVN.NET

Chủ nghĩa tư bản và chiến tranh: Những người lính chỉ là nạn nhân
  • Title : Chủ nghĩa tư bản và chiến tranh: Những người lính chỉ là nạn nhân
  • Posted by :
  • Date : 00:37
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Đăng nhận xét

Top