TIN MỚI NHẤT

Thứ Năm, 14 tháng 4, 2022

"Tăng lương tối thiểu sớm, từ 1/7: Chưa có tiền lệ nhưng có lợi"

 

(Dân trí) - TS.Bùi Sỹ Lợi đánh giá, đề xuất tăng lương tối thiểu từ ngày 1/7/2022 chưa có tiền lệ nhưng chấp nhận được vì có lợi cho các bên, để thực hiện lời hứa điều chỉnh lương trong năm 2022...

TS. Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội là một chuyên gia trong lĩnh vực việc làm, tiền lương, chia sẻ quan điểm về kết quả của mùa đàm phán lương tối thiểu 2022.

Thưa ông, kết quả của phiên đàm phán hôm 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia nhanh chóng "chốt" được mức đề xuất tăng 6% lương tối thiểu, ngay từ 1/7/2022, hẳn là có nhiều ý nghĩa, sau 2 năm kìm giữ, lùi lộ trình tăng lương do tác động của đại dịch Covid-19 vừa qua?

- Tôi đánh giá cao về kết quả đàm phán này của Hội đồng tiền lương Quốc gia. Đây là mức điều chỉnh chấp nhận được, thể hiện sự chia sẻ của doanh nghiệp và giới chủ đối với người lao động và ngược lại, khi vừa trải qua đại dịch Covid-19. Trong lúc này, việc làm, thu nhập, đời sống của người lao động và gia đình họ hết sức khó khăn.

Mức đề xuất tăng 6% là phù hợp với chỉ số CPI của cả 2 năm vừa qua cũng như xu hướng của năm 2023. Nhưng cũng phải nói rõ là, mức đề xuất này là trong bối cảnh 2 năm qua, chúng ta chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của pháp luật.

Thật bất ngờ Hội đồng tiền lương Quốc gia đã thống nhất được mức và thời gian thực hiện việc điều chỉnh lương ngay trong phiên đàm phán lần thứ hai. Đây là điều rất đáng vui mừng, qua đó thể hiện các bên đều rất quan tâm đến người lao động và thể hiện tinh thần quyết tâm khôi phục và phát triển thị trường lao động.

Tăng lương tối thiểu sớm, từ 1/7: Chưa có tiền lệ nhưng có lợi - 2

Mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 của Hội đồng tiền lương Quốc gia (Ảnh: Khương Hiền).

Thời gian đề xuất áp dụng mức lương mới dài tới 18 tháng thay vì 12 tháng như thông lệ có ý nghĩa gì đối với doanh nghiệp, người lao động trong thời điểm này, theo đánh giá của ông?

- Trước khi diễn ra phiên đàm phán, tôi đã khẳng định, lương tối thiểu vùng rất cần điều chỉnh ngay từ ngày 1/7 năm nay. Còn với trường hợp điều chỉnh vào 1/1/2023, mức điều chỉnh sẽ bám sát chỉ số CPI và có thể cao hơn nhằm khuyến khích và thu hút người lao động, qua đó tạo cơ hội để họ khắc phục đại dịch vừa qua, ổn định cuộc sống và gắn bó với doanh nghiệp.

Mốc thời gian tăng lương từ 1/7 chưa có tiền lệ nhưng chấp nhận được vì sẽ có lợi cho cả người lao động và doanh nghiệp. Và như vậy, Nhà nước cũng bảo đảm được lời hứa điều chỉnh lương tối thiểu trong năm 2022, sàn lương này lại kéo dài cả năm 2023.

Doanh nghiệp sẽ chủ động để hạch toán giá thành và kế hoạch sản xuất, không bị động. Người lao động được điều chỉnh tiền lương ngay từ tháng 7 tới và thấy được khả năng thu nhập của năm 2023 để cố gắng làm việc, ổn định cuộc sống.

Tôi cho đây là việc làm tốt, sẽ thúc đẩy được mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.

Ông từng bày tỏ quan điểm về tiền lương tối thiểu cần hướng tới mục tiêu bảo vệ nhóm lao động yếu thế, đặc biệt đối với một số ngành, nghề lao động giản đơn. Vậy trong bối cảnh với những yếu tố khách quan do Covid-19, quá trình xây dựng và điều chỉnh lương tối thiểu có cần được bổ sung thêm yếu tố gì mới không, thưa ông?

- Đúng vậy, bản chất của tiền lương tối thiểu là bảo vệ cho nhóm lao động yếu thế, là "giới hạn tối thiểu" cho thỏa thuận về tiền lương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh do tác động của yếu tố khách quan là đại dịch Covid-19, quá trình xây dựng và điều chỉnh lương tối thiểu rất cần được bổ sung thêm yếu tố ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm thu nhập của người lao động ở đây phải xem xét sự tác động cả đến 2 phía.

Xin cảm ơn ông!

"Tăng lương tối thiểu sớm, từ 1/7: Chưa có tiền lệ nhưng có lợi"
  • Title : "Tăng lương tối thiểu sớm, từ 1/7: Chưa có tiền lệ nhưng có lợi"
  • Posted by :
  • Date : 00:34
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Đăng nhận xét

Top