TIN MỚI NHẤT

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

Vận dụng tư duy của đồng chí Lê Duẩn: “Gắn bó với nhân dân - Cội nguồn sức mạnh của Đảng” vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự

    Đồng chí là người có tầm nhìn chiến lược và lý luận sâu sắc, một nhân cách lớn, một người luôn nêu cao tính tiên phong, gương mẫu và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tình thương yêu đồng bào, đồng chí; chăm lo xây dựng, củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; luôn luôn nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí sống một cách trung thực và giản dị; luôn luôn gần gũi đồng bào, với tình thương yêu tha thiết và chân thành đối với mọi người, quan tâm đến ý kiến và nguyện vọng của nhân dân. Đồng chí là tấm gương sáng của một nhà lãnh đạo năng động, sáng tạo, có nhiều cống hiến to lớn về lý luận và hoạt động thực tiễn của Đảng ta.

    Đồng chí Lê Duẩn luôn nhấn mạnh “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, gắn bó với nhân dân là cội nguồn, nền tảng sức mạnh của Đảng. Quan điểm này của đồng chí đã góp phần làm nổi bật thêm truyền thống “Lấy dân làm gốc” của cha ông ta, làm phong phú thêm Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Những quan điểm lý luận của đồng chí Lê Duẩn cần được giữ gìn và phát huy; qua đó, chúng ta có thể tìm thấy những bài học quý giá cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    Trước hết, lý luận của đồng chí Lê Duẩn xuất phát từ việc hiểu về lịch sử dân tộc, coi trọng cội nguồn, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân. Đồng chí nói: “Chúng ta là người Việt Nam, nhưng tự ta hiểu ta cũng không dễ. Muốn hiểu người Việt Nam thì phải hiểu lịch sử Việt Nam”. Đồng chí đã nhận thức sâu sắc về việc kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân với nền tảng là phong trào của quần chúng nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong bài phát biểu “Toàn dân đoàn kết xây dựng Tổ quốc Việt Nam thống nhất, xã hội chủ nghĩa”, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội chung cả nước vào tháng 6/1976, đồng chí khẳng định: “Phát huy truyền thống của Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, đã làm nên những Điện Biên Phủ trên bộ, trên không, làm nên những mùa Xuân chói lọi chiến công”; đồng chí cũng nhấn mạnh quyền làm chủ của nhân dân và tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân: “Thực hiện và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động…; tập hợp các tầng lớp nhân dân đông đảo chung quanh giai cấp công nhân để tiến hành ba cuộc cách mạng, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. Từ ngàn xưa, ông cha ta đã phát động nhân dân tham gia chống giặc ngoại xâm. Qua thực tiễn đấu tranh, sức mạnh của quần chúng nhân dân được đúc kết thành những bài học quý: Nhà Trần biết “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc”; Nguyễn Trãi tổng kết: “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”, “mến người có nhân là dân, chở thuyền hay lật thuyền cũng là dân” và giữ nước không kế nào hay bằng “khoan sức cho dân”. Lịch sử dân tộc là cơ sở vững chắc để đồng chí Lê Duẩn nhận thức và khẳng định sức mạnh của lòng yêu nước, của tinh thần dân chủ và sự đoàn kết toàn dân. Đồng chí nhấn mạnh: “Lòng yêu nước làm cho người Việt Nam đoàn kết, gắn bó với nhau. Khi có khó khăn thì càng dân chủ hơn, thương yêu nhau hơn, đoàn kết hơn. Đó là cơ sở đầu tiên tạo nên sức mạnh của dân tộc ta để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược”. Những yếu tố này đã tạo nên nền tảng cốt lõi ban đầu trong lý luận của đồng chí Lê Duẩn.

    Là một Chiến sĩ Cộng sản xuất sắc, một nhà Mác-xít Lê-nin-nít, đồng chí Lê Duẩn thấm nhuần và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nhất là bài học về vai trò của quần chúng nhân dân, sự gắn bó mật thiết giữa Đảng với dân. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã khẳng định vai trò to lớn của quần chúng nhân dân trong lịch sử: Quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo lịch sử, là lực lượng quyết định sự phát triển lịch sử, là lực lượng và động lực cơ bản của mọi cuộc cách mạng. V. I. Lê-nin đã nói: “Cách mạng là ngày hội của những người bị áp bức và bóc lột. Không lúc nào quần chúng nhân dân có thể tỏ ra là người tích cực sáng tạo ra những trật tự xã hội mới như trong thời kỳ cách mạng. Trong những thời kỳ như thế… thì nhân dân có thể làm được những kỳ công”. Vì thế, trong từng giai đoạn cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã quán triệt sâu sắc quan điểm này: “sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng, lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân”; riêng với lực lượng công an, đồng chí nhấn mạnh: Phải kiên quyết và khẩn trương tăng cường lực lượng công an thành một công cụ chuyên chính tuyệt đối trung thành với Đảng, có liên hệ mật thiết với quần chúng, thành một lực lượng chiến đấu vững mạnh.

    Cách mạng chỉ có thể thành công nếu xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân, do nhân dân thực hiện. Cho nên, theo V. I. Lê-nin: “Sống trong lòng quần chúng/Biết tâm trạng quần chúng/Biết tất cả/Hiểu quần chúng/Biết đến với quần chúng/Giành được lòng tin tuyệt đối của quần chúng”.

    Khi cách mạng thành công, để bảo vệ chính quyền non trẻ, cần dựa vào sức mạnh của quần chúng nhân dân, “Nhưng sức mạnh mà chính quyền mới đã dựa vào và đang tìm cách dựa vào lại không phải là sức mạnh của lưỡi lê nằm trong tay một nhúm quân dân, cũng không phải là sức mạnh của “sở cảnh sát”, không phải là sức mạnh của tiền bạc và cũng không phải là sức mạnh của bất cứ thiết chế nào được thiết lập trước đây...

    Vậy sức mạnh đó dựa vào đâu? Nó dựa vào quần chúng nhân dân”.

    Đồng chí Lê Duẩn nhấn mạnh: “Phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, xây dựng Nhà nước vững mạnh”. Đối với lực lượng công an, đồng chí chỉ rõ: “Phải phối hợp tất cả các lực lượng vũ trang và an ninh, dựa chắc vào quần chúng, để đấu tranh chống lại những âm mưu và hành động phá hoại của các loại phản động”.

    Là học trò trung thành và xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn đã tiếp thu, vận dụng sáng tạo và thành công tư tưởng của Người về vai trò của quần chúng nhân dân vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân đối với cách mạng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” và “Khi nhân dân giúp đỡ ta nhiều thì thành công nhiều, giúp đỡ ta ít thì thành công ít, giúp đỡ ta hoàn toàn thì thắng lợi hoàn toàn”. Từ nhận thức về sức mạnh, khả năng to lớn của nhân dân và kinh nghiệm thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người khẳng định: “Giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng, đó là nền tảng lực lượng của Đảng và nhờ đó mà Đảng thắng lợi”. Người dạy Công an nhân dân (CAND) phải “Nhận rõ nhiệm vụ của công an là bảo vệ và phục vụ nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền nhân dân”. Để phát huy được vai trò làm chủ của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu công an “phải thực sự trung thành, tôn kính, thương yêu dân”, phải gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân. “Trọng dân” là điều kiện đầu tiên, điểm gốc và cũng là một trong sáu điều Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy CAND. Dựa trên quan điểm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn cũng nhấn mạnh việc tập hợp sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu tranh, trấn áp bọn phản cách mạng: “Nhà nước phải động viên và tổ chức quần chúng nhân dân tiến hành đấu tranh chính trị nhằm trấn áp bọn phản cách mạng, và đấu tranh tư tưởng nhằm giáo dục những phần tử lạc hậu”.

    Tư duy “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, “lấy dân làm gốc”, gắn bó với nhân dân của Đảng, kế thừa, phát triển quan điểm Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng đã được đồng chí Lê Duẩn kế thừa và vận dụng sáng tạo. Ngoài gắn bó với nhân dân trong nước, đồng chí còn nhấn mạnh sự đoàn kết, gắn bó với nhân dân toàn thế giới trong việc giữ gìn an ninh, quốc phòng, xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa, “củng cố và tăng cường lực lượng quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội, đập tan mọi sự phản kháng và mọi hành động xâm lược của kẻ thù; củng cố và phát triển quan hệ hợp tác tương trợ với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tích cực cùng nhân dân thế giới đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”. Trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, thấm nhuần Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Duẩn luôn tâm niệm và kiên trì phấn đấu: “Tất cả vì Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của nhân dân”. Đây là quan điểm cốt lõi trong nhận thức cũng như trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của đồng chí.

    Với bề dày kinh nghiệm trong phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, đồng chí Lê Duẩn có lòng tin sâu sắc vào sức mạnh của quần chúng. Đồng chí khẳng định: “Động viên được tinh thần cách mạng của quần chúng lao động, đồng thời chú ý tới nguyện vọng và quyền lợi thiết thân của họ, thì nhất định sẽ phát huy được sức mạnh to lớn và năng lực sáng tạo phi thường của họ để khắc phục mọi khó khăn, đưa cách mạng tiến lên nhanh chóng”. Đồng chí cũng hiểu rõ, để khơi dậy sức mạnh truyền thống của dân tộc nhằm đánh bại kẻ thù trong thời đại mới thì phải có phương pháp cách mạng, “phải có đường lối đúng, có lý luận khoa học dẫn đường thì mới bảo đảm giành thắng lợi”. Phương pháp cách mạng là phát huy cao nhất sự giác ngộ chính trị, khả năng chiến đấu, lòng dũng cảm, trí thông minh, sức sáng tạo của quần chúng nhân dân trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù, đem lại thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng. Theo đồng chí, Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ tư cách, điều kiện để phát huy sức mạnh dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Bởi vì, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sức mạnh của quần chúng trong chiến tranh nhân dân mới phát huy và được sử dụng một cách có hiệu quả: “Sở dĩ chúng ta thắng, chủ yếu là vì Đảng ta đã có đường lối đúng và nhân dân Việt Nam ta rất anh hùng. Do có đường lối đúng của Đảng mà sức mạnh cách mạng của nhân dân ta được phát huy, nhân lên gấp trăm, nghìn lần” và “Đảng ta nắm vững chủ nghĩa Mác - Lê-nin, thấu suốt lập trường của giai cấp công nhân, quyết tâm dựa vào quần chúng, phát động tư tưởng của họ, phát huy hết mọi năng lực sáng tạo vô cùng, vô tận của họ thì nhất định sẽ đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống nhất nước nhà đến thắng lợi vẻ vang”. Tư duy đúng đắn về sức mạnh toàn dân tộc, phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân mà đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo ở Xứ ủy Nam bộ, Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đưa phong trào cách mạng nước ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do cho dân tộc.

    Trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng nước ta, đồng chí Lê Duẩn đã sớm khẳng định: “Uy tín chính trị và quyền lãnh đạo cách mạng của Đảng ta sở dĩ là tuyệt đối, không ai tranh chấp nổi, bởi vì nó bắt nguồn từ sức mạnh vô địch của quần chúng cơ bản của Đảng, quần chúng công nông” và “Sức mạnh của Đảng Cộng sản, của người cộng sản, bao giờ cũng là ở sự gắn bó mật thiết với quần chúng”. Cho nên, “Đảng viên phải hết sức chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phải tôn trọng quyền làm chủ tập thể của nhân dân, không bao giờ được phép tự cho mình có bất cứ đặc quyền, đặc lợi gì đối với quần chúng nhân dân” và “Đảng chỉ có thể mạnh lên, mãi mãi giữ vững bản chất cách mạng và vai trò tiên phong của mình khi quần chúng được phát động thành lực lượng cách mạng, khi quần chúng thật sự trở thành người làm chủ”.

    Đảng có mạnh hay không là nhờ vào đường lối đúng đắn, sự tin cậy và ủng hộ của nhân dân, gắn bó với nhân dân: “Đảng mạnh ở sự gắn bó mật thiết với quần chúng. Chính quyền mạnh ở chỗ nó thực sự là của dân, do dân và vì dân”. Nếu dân không tin vào sự lãnh đạo của Đảng, không tích cực thực hiện chính sách của Đảng thì Đảng sẽ không vững. “Vì vậy, Đảng luôn luôn giữ vững mối liên hệ chặt chẽ với quần chúng, chịu sự kiểm tra của quần chúng, kiên quyết ngăn ngừa và khắc phục bệnh quan liêu, chủ quan, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”.

    Cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân, nên nhân dân phải là lực lượng đông đảo, tích cực, tự giác tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Đồng thời, quần chúng nhân dân là động lực và lực lượng quyết định sự thành bại của sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự. Nhận thức rõ điều đó và với những trọng trách lớn được Đảng tin cậy giao phó, trong mỗi giai đoạn cách mạng, đồng chí Lê Duẩn đã đóng góp trí tuệ, công sức của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, thực hiện các phong trào “Bảo vệ trị an”, “Bảo mật, phòng gian”, “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Đồng chí chỉ rõ: “Có nắm chắc quần chúng và dựa trên một phong trào quần chúng mạnh mẽ thì mới theo dõi, phát hiện, giám sát được địch, mới cô lập và đánh trúng được những tên cầm đầu nguy hiểm, phân hóa được bọn tay chân bên dưới, hoặc trung lập hóa cả tổ chức chính trị phản động do địch cài lại”.

    Theo đồng chí Lê Duẩn, công an không được làm phiền dân, không được làm oan dân, làm sao cho người dân thấy gắn bó mật thiết với mình, dám gửi nguyện vọng, tâm tư và tố cáo những sự bất công xã hội với công an, xem công an như người thân, tự có trách nhiệm giúp đỡ công an. Vì nhân dân phục vụ, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải làm thế nào để biết được những oan ức trong nhân dân do cán bộ ở địa phương, ở cơ sở làm sai chính sách; phải có trách nhiệm nắm lấy và tìm cách giải quyết, hoặc là bản thân giải quyết, hoặc là can thiệp với chính quyền địa phương để giải quyết. Kiên quyết đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm quyền tự do dân chủ của nhân dân, khắc phục tác phong, thái độ mệnh lệnh, hách dịch, làm khó dễ, ức hiếp nhân dân.

    Tư duy của đồng chí Lê Duẩn về vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự còn thể hiện ở việc đồng chí đã cùng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng và ban hành những nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, như: Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 26/6/1961 về công tác đối phó với hoạt động tung biệt kích gián điệp của bọn Mỹ - Diệm ra phá hoại miền Bắc nước ta của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó nhấn mạnh công tác đấu tranh chống gián điệp, biệt kích “phải do cấp ủy đảng thống nhất lãnh đạo, huy động và phối hợp chặt chẽ lực lượng quần chúng và các ngành, nhất là với lực lượng công an, quân đội và dân quân, du kích”; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 20/01/1962 về tăng cường đấu tranh chống các bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà của Bộ Chính trị, trong đó xác định đường lối công tác cơ bản của cuộc đấu tranh chống phản cách mạng là: “Đảng lãnh đạo, dựa vào quần chúng, kết hợp tính tích cực của quần chúng với công tác nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn”; Chỉ thị số 186-CT/TW ngày 17/2/1960 nhấn mạnh: Phải “phát huy tính tích cực của quần chúng trong công tác đấu tranh chống kẻ địch, để giữ gìn trật tự an ninh chung”; Chỉ thị số 92-CT/TW ngày 25/6/1980 về Cuộc vận động “Xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” xác định: “Đưa phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc phát triển sâu rộng, liên tục, vững chắc, thật sự là phong trào quần chúng mạnh mẽ”…

    Sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự có thành công hay không là ở lòng tin của nhân dân đối với lực lượng CAND. CAND là đầy tớ của nhân dân nên phải chăm lo đến lợi ích của nhân dân, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm những điều có lợi cho nhân dân. Lực lượng CAND phải không ngừng củng cố và góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm tăng cường sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, tạo cơ sở cho việc xây dựng thế trận an ninh nhân dân, phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.

    Để bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ và nhân dân, lực lượng CAND phải có sức mạnh. Sức mạnh đó được bắt nguồn từ quần chúng nhân dân đã được giác ngộ đầy đủ về quyền làm chủ của mình; và khi lực lượng công an dựa được vào quần chúng, được quần chúng hết lòng ủng hộ thì lúc ấy CAND mới vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Lực lượng CAND phải thường xuyên nâng cao chất lượng, đổi mới và nâng tầm công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, nhân dân tự giác, tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Thường xuyên duy trì và quan tâm tới công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến, nhất là các mô hình, điển hình tiên tiến về tự quản, tự phòng, tự bảo vệ và các mô hình, điển hình có hiệu quả thúc đẩy việc xã hội hóa công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Kịp thời tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng và nhân rộng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

    Trong nhận thức, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải phấn đấu, hy sinh vì lợi ích của nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện khó khăn, phức tạp nào, mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải luôn gắn bó chặt chẽ với nhân dân, nêu cao ý thức trách nhiệm trước nhân dân, tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Gắn bó chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe nhân dân sẽ giúp cán bộ, chiến sĩ công an rèn luyện, điều chỉnh tác phong, phương pháp làm việc, tránh lề lối làm việc tuỳ tiện, chủ quan, coi thường nhân dân. Chỉ có gắn bó với nhân dân, dựa vào nhân dân và luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân mới giúp cán bộ, chiến sĩ công an trở thành người công an của nhân dân và vì nhân dân.

    Lực lượng công an gắn bó với nhân dân là để học hỏi nhân dân, hiểu nhân dân và tổ chức nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh, trật tự. Nhân dân là đối tượng phục vụ và bảo vệ của công an, đồng thời cũng là người giáo dục, giám sát hoạt động của công an. Nhân dân là người thầy nghiêm khắc, luôn luôn đòi hỏi ở người cán bộ công an đức hy sinh và sự tận tụy, nhưng cũng đầy lòng nhân ái, sẵn lòng giúp đỡ công an phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm. “Công an của ta là công an nhân dân, vì dân mà phục vụ và dựa vào nhân dân mà làm việc”. Điều đó không chỉ khẳng định bản chất của CAND, mà còn là định hướng hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an: Gắn bó với nhân dân, vì nhân dân phục vụ, lấy niềm vui, hạnh phúc của nhân dân làm lẽ sống của mình. Hòa mình trong quần chúng, gắn bó mật thiết với nhân dân không chỉ là yếu tố quan trọng giúp cán bộ, chiến sĩ công an hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mà còn là môi trường tốt nhất để mỗi người rèn luyện, kiểm nghiệm và khẳng định phẩm chất đạo đức của người công an cách mạng, vì khi gần dân, cán bộ, chiến sĩ công an sẽ được nhân dân chỉ bảo nên làm gì và không nên làm gì. Gắn bó, gần gũi nhân dân, cán bộ, chiến sĩ công an sẽ không mắc “bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái”, tránh được các căn bệnh: Xa nhân dân, khinh nhân dân, sợ nhân dân, không tin cậy nhân dân, không hiểu biết nhân dân, không yêu thương nhân dân.

    Nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm là cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt, phức tạp, giành thắng lợi ít hay nhiều phụ thuộc vào sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân. Trong cuộc đấu tranh này, không chỉ đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ công an có tinh thần dũng cảm, ý thức cảnh giác, tinh thông nghiệp vụ, nắm vững pháp luật…, mà còn phải luôn dựa vào nhân dân, tận tụy, hy sinh, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo. Như đồng chí Lê Duẩn đã nói: “Không có đức tính hy sinh không phải là người cách mạng chân chính. Muốn thực hiện lý tưởng mà không dám hy sinh thì chỉ là nói suông mà thôi”. Do đó, muốn tận tụy với công việc, đòi hỏi người cán bộ, chiến sĩ công an phải có sự giác ngộ cao về lý tưởng cách mạng, có lòng yêu nước, yêu dân, dám chiến đấu, hy sinh để bảo vệ an ninh, trật tự đất nước; sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm tốt bất cứ nhiệm vụ gì được giao phó, thực hiện khẩu hiệu “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Lực lượng CAND cần được xây dựng trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại, bảo đảm phát huy vai trò nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Kết hợp việc xây dựng lực lượng CAND với việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ”; phong trào “Học tập sáu điều Bác Hồ dạy CAND”.

    Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự đang được đặt ra với những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, đòi hỏi lực lượng CAND phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp, triển khai đồng bộ, nhạy bén, linh hoạt các mặt công tác, trong đó cần hết sức coi trọng phát huy sức mạnh toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Vì vậy, việc nghiên cứu, làm sáng tỏ tư duy gắn bó với nhân dân, phát huy vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Duẩn, từ đó quán triệt, vận dụng phù hợp vào điều kiện thực tế sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự nhằm hình thành, triển khai thế trận an ninh nhân dân một cách toàn diện, rộng khắp trên mọi địa bàn là việc làm cần thiết, quan trọng, có ý nghĩa to lớn, lâu dài.

Thượng tướng, GS, TS Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
nguồn: QĐND


Vận dụng tư duy của đồng chí Lê Duẩn: “Gắn bó với nhân dân - Cội nguồn sức mạnh của Đảng” vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự
  • Title : Vận dụng tư duy của đồng chí Lê Duẩn: “Gắn bó với nhân dân - Cội nguồn sức mạnh của Đảng” vào sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự
  • Posted by :
  • Date : 18:24
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

0 comments:

Đăng nhận xét

Top