(Mặt trận) - Trong những năm qua, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc đã được cả hệ thống chính trị quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện, được đông đảo nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng nên đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được lồng ghép với việc thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại ở từng địa phương.
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh cùng đại biểu tại Hội nghị tuyên truyền về công tác phòng, chống tội phạm ma túy và thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong đồng bào dân tộc thiểu số tại Hòa Bình, tháng 4/2021.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng: Nhân dân là chủ thể của lịch sử, nhân dân là lực lượng của cách mạng, do đó trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng phát huy vai trò của quần chúng nhân dân và xem đây là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của dân tộc ta.
Thực trạng công tác bảo đảm an ninh, trật tự và vai trò quan trọng của quần chúng nhân dân
Trước yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc và giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ đắc lực cho công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết nhằm phát huy hiệu quả vai trò của các tầng lớp nhân dân trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự như: Chỉ thị số 92-CT/TW ngày 25/6/1980 của Ban Bí thư về cuộc vận động "Xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh và đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới"; Nghị quyết số 07-NQTW ngày 30/11/1987 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 17/12/1998 về "Chiến lược an ninh quốc gia"; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa IX (năm 2003) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"; Chỉ thị số 05/CT/TW ngày 14/10/2006 về "Tăng cường lãnh đạo bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới"; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 1/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới; Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới"… là những định hướng quan trọng giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; cơ sở để tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Xuất phát từ vị trí, vai trò và nhiệm vụ nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đoàn kết, tập hợp và phát huy sức mạnh của nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trong tình hình mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam và các tổ chức thành viên đã từng bước trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân thực hiện hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Từ Nghị quyết liên tịch số 01 ngày 11/2/1991 giữa Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (nay là Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) về phối hợp "Vận động toàn dân xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc" đến Nghị quyết liên tịch số 01/2001/QN-LT ngày 4/12/2001 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới” và nay là Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW ngày 1/8/2013 giữa Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên với Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, là những văn bản quan trọng thể hiện ý chí, sức mạnh của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, giữ gìn an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, làm thất bại mọi âm mưu thù địch.
Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng Công an các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động nắm chắc tình hình diễn biến trong tư tưởng nhân dân; tập trung tuyên truyền, vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, dân tộc, tôn giáo thực hiện hiệu quả mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội. Củng cố lòng tin, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị các cấp ngày càng vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Mọi tầng lớp nhân dân đã nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, giữ gìn bí mật Nhà nước, bảo vệ Đảng và chính quyền. Chủ động phát hiện, đấu tranh với các loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội. Làm thất bại mọi âm mưu "diễn biến hòa bình", lôi kéo, kích động, gây chia rẽ của các thế lực thù địch. Các diễn đàn: "Lắng nghe ý kiến nhân dân", "Nhân dân tố giác tội phạm"; “Mặt trận lắng nghe dân nói”; “Nói cho dân nghe và nghe dân nói”; “Ngày nghe dân nói”, “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”… đã trở thành những diễn đàn để nhân dân thể hiện vai trò làm chủ, tham gia thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ Tổ quốc.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đã lồng ghép hiệu quả phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" với các cuộc vận động, phong trào thi đua ái quốc trong toàn xã hội. Thực hiện chăm lo đời sống nhân dân, xóa đói giảm nghèo, "Đền ơn đáp nghĩa", trợ giúp gia đình khó khăn; xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, xây dựng nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà tình nghĩa”, “Nhà tình thương” cho các hộ gia đình chính sách, người gặp hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa… Đến nay, Quỹ “Vì người nghèo” 4 cấp vận động được trên 15 nghìn tỷ đồng; ủng hộ chương trình an sinh xã hội trên 44 nghìn tỷ đồng. Tạo điều kiện giúp đỡ, xây dựng và sửa chữa 1.514.567 căn nhà Đại đoàn kết; giúp đỡ 286.474 hộ nghèo phát triển sản xuất; 916.139 lượt người nghèo được khám chữa bệnh; 1.393.856 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được tới trường, góp phần ổn định đời sống nhân dân, tăng cường lòng tin của nhân dân, nhân tố quan trọng trong tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng Công an và các tổ chức thành viên tích cực bám dân, bám địa bàn hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác giữ gìn an ninh trật tự, cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động của các loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội. Tham mưu đẩy mạnh các đợt cao điểm trấn áp tội phạm, đấu tranh có hiệu quả với các ổ nhóm tội phạm, chuyển hóa các địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Đã xây dựng thành công 344.897 lượt khu dân cư; 33.857 lượt xã, phường, thị trấn và 327.064 cơ quan, doanh nghiệp đạt chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; 1.882 ban, 15.656 tổ bảo vệ dân phố với 72.456 thành viên; 37.371 đội dân phòng với trên 409.287 thành viên; 111.649 tổ hòa giải với tổng số 661.183 hòa giải viên; 309.391 bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp. Năm 2019, cả nước có trên 19.913 hộ gia đình được công nhận "Gia đình văn hóa"; 80.282 khu dân cư được công nhận "Khu dân cư văn hóa" và 82.109 hương ước, quy ước đã được xây dựng, tạo nền tảng vững chắc cho phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được thực hiện hiệu quả từ các địa bàn cơ sở.
Tại mỗi địa phương, phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" được triển khai với nhiều sáng tạo, cụ thể, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu như: “Tổ liên gia”, “Tổ tự quản”, “Dòng họ an toàn”; mô hình “2 không, 1 có”, “3 tăng, 3 giảm”, “Tổ tự quản”, “Tổ liên gia”; “Phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới”; “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Thanh niên xung kích, tình nguyện”, tổ an ninh nhân dân, tổ dân phòng, “Xứ, họ đạo tiên tiến"; "Gia đình Công giáo gương mẫu". Mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù, đi cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng trở về địa phương” tại các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Long, Phú Thọ, Hà Nam, Bình Thuận, Tây Ninh, Nam Định và Quảng Ninh. Mô hình “Doanh nhân hỗ trợ vốn cho người chấp hành xong án phạt tù, người hoàn lương ổn định cuộc sống” tại các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương và Cao Bằng... góp phần phát huy vai trò tự giác của nhân dân, trách nhiệm của mỗi cộng đồng và xã hội trong thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Tuy nhiên, vai trò của quần chúng nhân dân chưa phát huy hết hiệu quả; chất lượng xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" còn chưa đồng đều, có nơi có lúc còn hình thức, chưa thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân. Công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình, điển hình thiếu sức lôi cuốn; nội dung chậm đổi mới. Công tác phối hợp giữa các đơn vị có nơi, có việc thiếu chặt chẽ và gắn kết. Một số địa phương cấp ủy, chính quyền buông lỏng công tác chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra, định hướng đã ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền, vận động, tập hợp nhân dân. Vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an và các tổ chức thành viên trong công tác tham mưu, đề xuất và phối hợp chưa đáp ứng được yêu cầu đối với nhiệm vụ xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" trong giai đoạn mới.
Trong thời gian tới, trên địa bàn cả nước tình hình tội phạm, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp; hoạt động của các loại tội phạm manh động và liều lĩnh hơn. Phạm tội do nguyên nhân xã hội, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, mâu thuẫn gia đình diễn biến phức tạp. Tội phạm có yếu tố nước ngoài; lợi dụng công nghệ cao; núp bóng doanh nghiệp; tội phạm hình sự nguy hiểm; vận chuyển, buôn bán chất ma túy; lừa đảo qua mạng, "tín dụng đen", cưỡng đoạt tài sản... gây bức xúc, lo lắng trong quần chúng nhân dân.
Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, sự suy giảm lòng tin của một bộ phận nhân dân để tăng cường hoạt động chống phá, tấn công, thâm nhập, tác động, chuyển hóa, thực hiện âm mưu "diễn biến hòa bình" nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa… ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chất lượng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tại các địa phương.
Một số giải pháp đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới
Trước yêu cầu trong tình hình mới, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” cần trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong toàn hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Hạt nhân quan trọng để đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho việc hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng Công an và các tổ chức thành viên tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Công an nhân dân Việt Nam và các tổ chức thành viên giữ vững vai trò hạt nhân trong công tác tham mưu, phối hợp xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
Tập trung tham mưu cho các cấp ủy Đảng, đề xuất với chính quyền những giải pháp có trọng tâm, trọng điểm nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với sức mạnh toàn dân trong triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm; bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Nêu cao vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện phong trào. Kiên quyết đấu tranh, lên án với mọi hành vi bao che, dung túng, để lọt tội phạm, oan sai trong thi hành pháp luật.
Phát động mỗi một địa phương có một sáng kiến, mỗi một đơn vị có một cách làm sáng tạo trong thực hiện phong trào, nhằm khích lệ, động viên nhân dân tự giác, tích cực tham gia phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", cơ sở cho thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc thế trận an ninh nhân dân, nền an ninh nhân dân tại mỗi địa phương.
Đổi mới nội dung, công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
Tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, mọi cấp, ngành, phát huy hiệu quả các kênh thông tin truyền thông trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nội dung phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, phong tục tập quán, dân tộc, tôn giáo.
Chú trọng các hình thức tuyên truyền trực quan, tuyên truyền đến từng người dân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác chấp hành quy định của pháp luật, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng ngừa với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị, giữ gìn cảnh quan môi trường, bài trừ các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn hoá trong cộng đồng.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tổ chức "Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", "Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc" gắn với giáo dục truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết giữa các dân tộc, quy tụ sức mạnh của mỗi người dân, từng cộng đồng và toàn xã hội trong xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc".
Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng Công an nhân dân và các tổ chức thành viên trong xây dựng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
Tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng đến nâng cao chất lượng đời sống tinh thần, vật chất cho nhân dân; thực hiện công tác an sinh xã hội, trợ giúp khó khăn; hỗ trợ nhân dân chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các loại hình tổ chức của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Kịp thời phổ biến các hình thức hoạt động của các thế lực thù địch, các loại hình tội phạm, tệ nạn xã hội nhất là hoạt động của tội phạm hình sự nguy hiểm, tội phạm ma túy, buôn bán người, lừa đảo lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản của nhân dân... gắn với đẩy mạnh công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, củng cố nền an ninh nhân dân vững chắc từ mỗi địa phương, cơ sở.
Nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, hòa giải thành công các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; nâng cao hoạt động các tổ đội làm công tác giữ gìn an ninh trật tự; vận động nhân dân lên án, đấu tranh với các tụ điểm phức tạp về tội phạm, tệ nạn xã hội. Phân công, làm rõ trách nhiệm của từng tổ chức, gia đình, cộng đồng trong việc quản lý, giáo dục con em và người thân không vi phạm pháp luật; giúp đỡ, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư.
Phát huy hiệu quả vai trò tự giác của nhân dân trong thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
Tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp giữa cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên với nhân dân; tổ chức hiệu quả các diễn đàn "Lắng nghe ý kiến nhân dân", "Nhân dân tố giác tội phạm"; “Mặt trận lắng nghe dân nói”; “Nói cho dân nghe và nghe dân nói”; “Ngày nghe dân nói”... để kịp thời nắm bắt dư luận xã hội, tiếp thu ý kiến và định hướng tư tưởng của quần chúng nhân dân.
Động viên và hỗ trợ nhân dân đấu tranh trực tiếp và lên án, tố giác các tụ điểm phức tạp về an ninh trật tự, nhất là các tụ điểm tàng trữ, buôn bán các chất ma túy, tụ điểm hoạt động theo kiểu xã hội đen, ổ nhóm tội phạm; luận điệu xuyên tạc, âm mưu diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ, kích động, lôi kéo, chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo... của các thế lực thù địch.
Phát huy hiệu quả vai trò của cá nhân tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng dân cư, chức sắc các tôn giáo làm nòng cốt trong thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" ở các địa phương.
Củng cố, duy trì và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"
Tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn, nâng cao nghiệp vụ và phân công đoàn viên, hội viên tham gia làm nòng cốt trong các loại hình giữ gìn an ninh trật tự ở các địa bàn cơ sở, tại các thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư.
Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng hoạt động đối với các mô hình. Xây dựng quy chế phối hợp trong việc đánh giá, tự đánh giá và phân loại hoạt động mô hình; chú trọng các hình thức sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng, phổ biến nhân rộng hoạt động của mô hình giữa các đơn vị, địa phương.
Khuyến khích, động viên, hỗ trợ và lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân tham gia các hình thức tự quản về an ninh trật tự. Tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong giúp đỡ người vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng.
Phát huy các kết quả đạt được với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo của mỗi địa phương, đơn vị thông qua những giải pháp thiết thực, phù hợp với sự đồng tình hưởng ứng tích cực của mọi người dân, mỗi hộ gia đình và từng cộng đồng dân cư, phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” sẽ trở thành phong trào tự nguyện, tự giác của quần chúng nhân dân làm nòng cốt cho công tác giữ gìn an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trương Thị Ngọc Ánh
Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam
0 comments:
Đăng nhận xét