TIN MỚI NHẤT

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

CÂU HỎI LÝ THUYẾT DÙNG ĐỂ XÊMINA, THẢO LUẬN VÀ ĐÁP ÁN - CHƯƠNG II "PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT"


CÂU HỎI LÝ THUYẾT DÙNG ĐỂ XÊMINA, THẢO LUẬN VÀ ĐÁP ÁN
Bài: “Phép biện chứng duy vật

Câu 1. Phân biệt sự giống và khác nhau giữa mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng? Trong xã hội ta hiện nay còn mâu thuẫn đối kháng hay không? Phương pháp giải quyết như thế nào?
Câu 2. Vận dụng vào nghiên cứu trong hình học đối với mối quan hệ biện chứng của cái riêng, cái chung và cái đơn nhất, nói: Tam giác thường là cái chung. Tam giác vuông là cái riêng đúng hay sai ?
Câu 3. Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai giai đoạn trong quá trình nhận thức của con người. Các đồng chí hãy trình bày mối quan hệ biện chứng giữa giai đoạn nhận thức cảm tính và giai đoạn nhận thức lý tính. Nắm vững mối quan hệ đó rút ra ý nghĩa thực tiễn gì trong công tác, học tập và  rèn luyện?
Câu 4. Bản chất và hiện tượng là gì? Hãy trình bày mối quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng?
Câu 5. Nguyên nhân và kết quả là gì? Hãy phân tích mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả.
Từ đó, vận dụng mối quan hệ này vào trong quá trình đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta?
Câu 6. Phân tích các quan điểm về nguồn gốc của sự phát triển trong lịch sử triết học. Nêu điểm hợp lý và hạn chế của những quan điểm đó.
Câu 7. Nêu 1 quan điểm triết học trong lịch sử đã khẳng định sự phát triển và vận động là đồng nhất. Điều đó có đúng không? Giải thích tại sao?
Câu 8. Hãy nêu cơ sở lý luận của quan điểm toàn diện?
Câu 9. Phân tích khái niệm và mối quan hệ giữa biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan?
Câu 10. Vì sao trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn cần xem xét các sự vật, hiện tượng trong vô vàn các mối liên hệ?
                            
ĐÁP ÁN
Câu 1. Phân biệt sự giống và khác nhau giữa mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng? Trong xã hội ta hiện nay còn mâu thuẫn đối kháng hay không? Phương pháp giải quyết như thế nào?
ĐÁP ÁN
a. Khái niệm mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng
Mâu thuẫn đối kháng: mâu thuẫn giữa những giai cấp, những lực lượng xã hội, những xu hướng xã hội có lợi ích, địa vị cơ bản đối lập nhau.
VD: mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản trong xã hội tư bản. mâu thuẫn giữa chủ nghĩa đế quốc và các dân tộc thuộc địa, phụ thuộc.
Mâu thuẫn không đối kháng: mâu thuẫn giữa những giai cấp, lực lượng xã hội, xu hướng xã hội đối lập nhau về lợi ích trước mắt, tạm thời, không cơ bản.
VD: ngành công nghiệp cần đất nông nghiệp xây dựng xí nghiệp, ngành nông nghiệp muốn giữ đất nông nghiệp để phát triển trồng trọt, chăn nuôi.
 Sự giống và khác nhau giữa mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng:
- Cả hai mâu thuẫn trên đều giống nhau ở điểm xuất phát là xã hội, mà xã hội cũng chỉ trong xã hội có giai cấp.
  - Sự khác nhau căn bản là:
+ Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa những lực lượng xã hội mà lợi ích kinh tế căn bản đối lập nhau, không thể điều hoà được.
+ Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn giữa những lực lượng xã hội lợi ích căn bản nhất trí với nhau, mâu thuẫn chỉ là tạm thời không cơ bản.
+ Xét về tính chất và mức độ thì mâu thuẫn đối kháng ngày càng tăng lên, mâu thuẫn không đối kháng có xu hướng dịu đi.
b. Ở Việt Nam vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn đối kháng sau:
+ Cách mạng và phản cách mạng.
+ Tư sản và vô sản.
+ Nhân dân ta, nhà nước ta với các thế lực thù địch trong - ngoài nước.
+ Mâu thuẫn giữa nhân dân ta, Đảng, Nhà nước ta với bọn tội phạm hình sự nghiêm trọng, bọn chuyên cướp của giết người, lưu manh chuyên nghiệp..., bọn thoái hoá biến chất, tham nhũng gây thiệt hại nghiêm trọng cho cách mạng và nhân dân ( thiệt hại hiểu theo nghĩa rộng... ).
  c. Phương pháp giải quyết các mâu thuẫn ĐK ở nước ta hiện nay:
Dùng bạo lực cách mạng, bằng biện pháp hành chính, quân sự, lụât pháp để trừng trị, cưỡng chế. Song không loại bỏ giáo dục thuyết phục, cảm hoá trong điều kiện có thể giải quyết bằng biện pháp hoà bình.

Câu 2. Vận dụng vào nghiên cứu trong hình học đối với mối quan hệ biện chứng của cái riêng, cái chung và cái đơn nhất, nói: Tam giác thường là cái chung. Tam giác vuông là cái riêng đúng hay sai ?
ĐÁP ÁN
 Nói như vậy là không chính xác bởi:
- Tam giác thường và tam giác vuông đều là những cái riêng.
- Cái chung là: đều có ba cạnh, ba góc và tổng 3 góc là 180o
- Cái đơn nhất tồn tại trong tam giác vuông là: có 1 góc 90 o
Câu 3. Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai giai đoạn trong quá trình nhận thức của con người. Các đồng chí hãy trình bày mối quan hệ biện chứng giữa giai đoạn nhận thức cảm tính và giai đoạn nhận thức lý tính. Nắm vững mối quan hệ đó rút ra ý nghĩa thực tiễn gì trong công tác, học tập và  rèn luyện?
ĐÁP ÁN
a. Khái niệm
* Khái niệm nhận thức cảm tính:
* Khái niệm nhận thức lý tính:.
b. Mối quan hệ
Hai giai đoạn nhận thức này có mối quan hệ biện chứng với nhau. Chúng là những nấc thang hợp thành quá trình nhận thức; có vai trò và chức năng khác nhau, thể hiện ở:
- Nhận thức cảm tính gắn liền với hoạt động thực tiễn, với sự tác động của khách thể cảm tính, là cơ sở cho nhận thức lý tính.
- Nhận thức lý tính giúp cho nhận thức cảm tính có định hướng đúng và trở nên sâu sắc.
Tuy nhiên, để kiểm nghiệm cho tính chân thực của nhận thức cảm tính và nhận lý tính, nhận thức nhất thiết phải quay về với thực tiễn.
c. Ý nghĩa
- Luôn luôn quán triệt quan điểm nhận thức là một quá trình đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng rồi trở về thực tiễn.
- Lấy thực tiễn làm cơ sở, mục đích và tiêu chuẩn của nhận thức.
- Không được tuyệt đối hoá vai trò của nhận thức cảm tính hay nhận thức lý tính, mà phải thấy được chúng là những giai đoạn khác nhau của quá trình nhận thức của con người.

Câu 4. Bản chất và hiện tượng là gì? Hãy trình bày mối quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng?
ĐÁP ÁN
a. Khái niệm
- Bản chất là tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên, tương đối ổn định ở bên trong sự vật, quy định sự vận động và phát triển của sự vật đó.
Hiện tượng là sự biểu hiện những mặt, những mối liên hệ ấy ra bề ngoài.
b. Mối quan hệ biện chứng giữa bản chất và hiện tượng
- Sự thống nhất giữa bản chất và hiện tượng:
+ Bản chất hiện ra, hiện tượng có tính bản chất.
Bản chất nào, hiện tượng ấy.
+ Bản chất thay đổi thì hiện tượng cũng thay đổi theo.
+ Bản chất thay đổi căn bản thì hiện tượng cũng thay đổi cản bản
- Sự mâu thuẫn giữa bản chất và hiện tượng:
 + Bản chất và hiện tượng không trùng khớp nhau
 + Bản chất tương đối ổn định, hiện tượng thường xuyên biến đổi.
c. Ý nghĩa thực tiễn
- Thấy được đầy đủ hai mặt bản chất và hiện tượng.
- Phân biệt hai mặt đó,  phải nắm được bản chất của sự vật

Câu 5. Nguyên nhân và kết quả là gì? Hãy phân tích mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả.
Từ đó, vận dụng mối quan hệ này vào trong quá trình đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta?
ĐÁP ÁN
a. Định nghĩa nguyên nhân - kết quả
* Mối quan hệ biện chứng giữa nguyên nhân và kết quả có những đặc điểm sau:
- Tính khách quan của mối quan hệ nhân quả:
- Nói về thời gian: Nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả. Kết quả chỉ xuất hiện sau khi nguyên nhân đã bắt đầu có tác dụng.
Nhân trước, quả sau đó là một yếu tố bắt buộc. Nhưng không phải bất cứ sự nối tiếp nhau nào của hai hay nhiều sự kiện theo thời gian cũng là mối quan hệ nhân quả.
- Nguyên nhân sinh ra kết quả phải có điều kiện thích ứng.
b. Vận dụng mối quan hệ nhân quả trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
- Xác định rõ những nguyên nhân chủ yếu và giành được những kết quả to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.
- Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm đường lối, kim chỉ nam cho mọi họat động của mình.
- Phát huy sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ yếu tố dân tộc và yếu tố thời đại.
- Thực sự cầu thị, bám sát thực tiễn, biết lắng nghe ý kiến của quần chúng, đề ra các chủ trương, chính sách, cơ chế hợp lòng dân.

Câu 6. Phân tích các quan điểm về nguồn gốc của sự phát triển trong lịch sử triết học. Nêu điểm hợp lý và hạn chế của những quan điểm đó.
ĐÁP ÁN
a. Các quan điểm duy tâm, tôn giáo khi trả lời vấn đề: Cái gì là nguồn gốc của sự vận động, phát triển các sự vật, hiện tượng.
- Quan điểm duy tâm chủ quan
Đại biểu: G.Beccơli
Ông cho rằng nguồn gốc sự phát triển là do cảm giác của con người.
- Quan điểm tôn giáo
Đại biểu: Thiên chúa gióa
 Thiên chúa giáo khẳng định sự phát triển là do Thiên Chúa tạo ra.
- Quan điểm duy tâm khách quan
Đại biểu: Hêghen
Ông lý giải sự phát triển của tự nhiên và xã hội do ý niệm tuyệt đối quy định. Chính sự vận động của ý niệm tuyệt đối đã tạo nên sự phát triển trong tự nhiên và xã hội.
b. Ưu điểm và hạn chế
Nhìn chung các quan điểm trên đều nhìn nhận nguồn gốc sự phát triển là từ các lực lượng siêu tự nhiên hoặc từ ý thức con người.
Ở đây các nhà duy tâm, tôn giáo đã lý giải được nguồn gốc phát triển của tư duy, ý thức, các khái niệm là do mâu thuẫn bên trong. Nhưng nhìn chung, quan điểm này bộc lộ hạn chế sau:
Hạn chế đó là thiếu tính khoa học triệt để, các nhà duy tâm, tôn giáo mới giải thích được nguồn gốc sự phát triển chủ yếu là của ý thức, tư duy, các khái niệm, còn nguồn gốc sự phát triển của các sự vật trong hiện thực khách quan thì chưa được phân tích chính xác bởi theo họ sự phát triển đó được phản ánh bởi thế giới ý niệm chứ không từ mâu thuẫn thực sự của bản thân các sự vật.

Câu 7. Nêu 1 quan điểm triết học trong lịch sử đã khẳng định sự phát triển và vận động là đồng nhất. Điều đó có đúng không? Giải thích tại sao?
ĐÁP ÁN
* Quan điểm siêu hình khi giải thích quá trình phát triển đã đồng nhất nó với vận động.
+ Sự phát triển chỉ là sự thay đổi, tăng lên hay giảm đi đơn thuần về lượng, không có sự thay đổi gì về mặt chất của sự vật
+ Nếu có sự thay đổi nhất định về chất thì sự thay đổi ấy chỉ diễn ra theo một vòng khép kín, không có sự sinh thành ra cái mới với những chất mới.
     + Sự phát triển là một quá trình tiến lên liên tục, không có những bước quanh co, thăng trầm, phức tạp.
Đại biểu của quan điểm siêu hình đó là L.Phoiơbắc - nhà triết học cổ điển Đức – khi nghiên cứu sự phát triển xã hội đã khẳng định sự phát triển xã hội là sự phát triển thay thế bởi các loại tôn giáo khác nhau. Từ đó, Phoiơbc khẳng định phải cần tới một tôn giáo tình yêu làm động lực thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội, phải biến tình yêu thương giữa con người thành mối quan hệ chi phối mọi quan hệ khác, thành lý tưởng xã hội.
=> Quan điểm này đã đồng nhất phát triển với vận động vì theo họ phát triển là sự thay đổi, mà vận động lại là mọi sự biến đổi trong vũ trụ (kể từ sự dịch chuyển vị trí trong không gian đến sự thay đổi trong tư duy).
* Phát triển không thể được đồng nhất với vận động là vì:
Sự phát triển khái quát xu hướng vận động đi lên của sự vật.
=> Vận động của sự vật có thể diễn ra theo nhiều xu hướng: vận động vòng tròn (vận động theo chu kỳ) (chuyển động của quạt trần, con lắc đơn, sự luân chuyển các mùa trong năm), vận động thụt lùi (sự lão hóa của con người) và sự vận động tiến lên (đây chính là sự phát triển)
Như vậy, sự phát triển không bao quát toàn bộ sự vận động nói chung mà chỉ khái quát xu hướng vận động đi lên của sự vật.
Câu 8. Hãy nêu cơ sở lý luận của quan điểm toàn diện?
ĐÁP ÁN
Cơ sở lý luận quan điểm toàn diện là nguyên lý về mối liên hệ phổ biến
a. Khái niệm mối liên hệ:
Mối liên hệ là phạm trù triết học dùng để chỉ sự qui định, sự tác động qua lại, sự chuyển hoá lẫn nhau giữa các sự vật, hiện t­ượng hay giữa các mặt của một sự vật, của một hiện t­ượng trong thế giới.
b. Tính chất của mối liên hệ
Tính khách quan, tính phổ biến và tính đa dạng, phong phú là những tính chất cơ bản của các mối liên hệ.
- Tính khách quan:
Khác với quan điểm của phép biện chứng duy tâm, phép biện chứng duy vật cho rằng: Mối liên hệ là vốn có ở các sự vật, hiện tượng, mang tính khách quan, tức là không phụ thuộc vào ý thức con người. Ý thức của con người chỉ là sự phản ánh của những mối liên hệ đang tồn tại khách quan, hiện thực.
Tính phổ biến
Biểu hiện trong lĩnh vực tự nhiên, xã hội, tư duy, giữa các sự vật, hiện tượng, giữa các yếu tố, các mặt trong mỗi một sự vật hiện tượng hay giữa các quá trình của các sự vật hiện tượng đều có mối liên hệ mật thiết với nhau.
- Tính đa dạng
Mỗi lĩnh vực khác nhau của thế giới tồn tại và biểu hiện những mối liên hệ khác nhau, phong phú và nhiều vẻ. Tính phong phú, muôn hình muôn vẻ ấy do chính tính khách quan, đa dạng muôn hình muôn vẻ trong sự tồn tại, vận động, phát triển của các sự vật, hiện t­ượng trong thế giới quy định.
Tuỳ theo tính chất phức tạp hay đơn giản, phạm vi rộng hay hẹp, trình độ nông hay sâu, vai trò trực tiếp hay gián tiếp…, có thể phân loại thành một số mối liên hệ: 
Mối liên hệ bên trong và bên ngoài
Mối liên hệ bản chất và không bản chất
Mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp…

Câu 9. Phân tích khái niệm và mối quan hệ giữa biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan?
ĐÁP ÁN
- Theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, khái niệm biện chứng dùng để chỉ những mối liên hệ, tương tác, chuyển hóa và vận động, phát triển theo quy luật của các sự vật, hiện tượng, quá trình trong giới tự nhiên, xã hội và tư duy.
- Biện chứng bao gồm biện chứng khách quan và biện chứng chủ quan.
+ Biện chứng khách quan: biện chứng của bản thân hiện thực khách quan với tư cách là khách thể hay đối tượng của biện chứng chủ quan.
+ Biện chứng chủ quan: là sự phản ánh biện chứng khách quan vào trong ý thức của con người.
- Mối quan hệ:
Mối quan hệ này được biểu hiện chính là mối quan hệ vật chất - ý thức
Biện chứng khách quan quyết định sự tồn tại và phát triển của biện chứng chủ quan.
Khi biện chứng khách quan thay đổi thì biện chứng chủ quan sẽ thay đổi theo.
Tuy nhiên, biện chứng chủ quan cũng tác động trở lại biện chứng khách quan theo 2 chiều hướng: tích cực hoặc tiêu cực.

Câu 10. Vì sao trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn cần xem xét các sự vật, hiện tượng trong vô vàn các mối liên hệ?
ĐÁP ÁN
- Một là, trong khi nhận thức phải đặt sự vật, hiện tư­ợng trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, các thuộc tính khác nhau trong tính chỉnh thể của chính sự vật, hiện t­ượng đó; và trong mối liên hệ qua lại giữa chúng với các sự vật, hiện t­ượng khác (kể cả trực tiếp và gián tiếp).
Nghĩa là: Phải nhìn nhận các sự vật, hiện tượng trong các mối liên hệ của nó. Tuyệt đối không nhìn sự vật một cách cô lập, tách rời nhau.
Đề cập đến vấn đề này, V.I.Lênin đã viết "Muốn thực sự hiểu đ­ược sự vật, cần phải nhìn bao quát và nghiên cứu tất cả các mặt, tất cả các mối liên hệ và "quan hệ gián tiếp" của sự vật đó"3.
Ví dụ: Chúng ta muốn nhìn nhận một con người, cần xem xét tổng thể các mối quan hệ của anh ta, đặc biệt là quan hệ trong họat động lao động sản xuất, gắn liền với lợi ích của anh ta. Chỉ có như vậy, bản chất của con người đó mới được bộc lộ một cách rõ ràng.
- Hai là, theo Lênin, chúng ta không thể xem xét các mối liên hệ  một cách đầy đủ, nhưng cần thiết phải xem xét tất cả các mặt để đề phòng không phạm sai lầm và cứng nhắc khi thực hiện một công việc nào đó. Sở dĩ như vậy là vì trong quá trình vận động, phát triển, sự vật, hiện tượng phải trải qua nhiều giai đoạn tồn tại, phát triển khác nhau, sự vật, hiện tượng ở mỗi giai đoạn đó không phải lúc nào cũng bộc lộ tất cả các mối liên hệ của nó. Thêm nữa, tất cả những mối liên hệ ấy chỉ được biểu hiện trong những điều kiện nhất định. Và bản thân con người với tư cách là chủ thể nhận thức, với phẩm chất và năng lực của mình luôn bị chế định bởi những điều kiện xã hội, lịch sử, do đó họ không có khả năng bao quát hết được những mối liên hệ của các sự vật, hiện tượng.



3 V.I.Lênin (1979): Toàn tập, NXB Tiến Bộ, Matxcơva, t42, tr 364

CÂU HỎI LÝ THUYẾT DÙNG ĐỂ XÊMINA, THẢO LUẬN VÀ ĐÁP ÁN - CHƯƠNG II "PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT"
  • Title : CÂU HỎI LÝ THUYẾT DÙNG ĐỂ XÊMINA, THẢO LUẬN VÀ ĐÁP ÁN - CHƯƠNG II "PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT"
  • Posted by :
  • Date : 19:40
  • Labels :
  • Blogger Comments
  • Facebook Comments

1 comments:

Top