Lý luận về hình thái kinh tế – xã hội của K. Marx là kiểu mẫu của quan niệm duy vật về lịch sử, vạch rõ cơ chế của vận động, biến đổi xã hội, vạch ra nguồn gốc, động lực bên trong của sự phát triển xã hội. Chủ nghĩa tư bản (CNTB) với tư cách là hình thái kinh tế – xã hội đã xảy ra rất nhiều cuộc khủng hoảng. Sau mỗi lần khủng hoảng, nó đều có sự biến đổi về mặt cấu trúc từ lực lượng sản xuất đến kiến trúc thượng tầng của xã hội…
Trong triết học, K. Marx chỉ ra, chủ nghĩa tư bản là một hình thái kinh tế – xã hội kìm hãm, cản trở, làm tha hóa con người, giải phóng con người trong CNTB là nhiệm vụ của hình thái kinh tế- xã hội cộng sản trong tương lai. Thời K. Marx, quá trình biến đổi từ CNTB sang chủ nghĩa cộng sản (CNCS) chưa diễn ra, nhưng những phong trào đấu tranh để thay đổi CNTB đã khá sôi động: “từ hàng chục năm nay… là lịch sử cuộc nổi dậy của lực lượng sản xuất hiện đại chống lại quan hệ sản xuất hiện đại…”(1). Trong điều kiện ấy, thật khó để chỉ ra đầy đủ và chi tiết về quá trình chuyển đổi cũng như những điều kiện và tiêu chuẩn để có sự chuyển đổi. K. Marx và F. Engels viết: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(2).
Mô hình CNTB đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống (cuộc khủng hoảng mang tính đặc trưng, bản chất của hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa), một số cuộc khủng hoảng được giai cấp tư sản chủ động can thiệt giải quyết, và cũng có một số cuộc khủng hoảng nằm ngoài tầm kiểm soát, can dự và điều chỉnh của CNTB. Sau mỗi lần khủng hoảng, mô hình CNTB lại có sự thay đổi: Từ CNTB cạnh tranh tự do sang CNTB độc quyền, từ CNTB độc quyền thành CNTB độc quyền nhà nước.
Trong tác phẩm Cấu trúc của các cuộc cách mạng(3), trình bày về các cuộc cách mạng khoa học và những mối liên hệ của nó với thực tiễn, Thomas S.Kuhn (1922-1996) đã đưa ra quan niệm về mối liên hệ này. Ông cho rằng khoa học phát triển là sự đan xen giữa: giai đoạn khoa học bình thường (normal science) với lý thuyết đã định hình phản ánh thực tiễn chưa có những thay đổi bước ngoặt. Giai đoạn khoa học bất thường (abnormal science) đi kèm với sự xuất hiện lý thuyết đột phá cũng là những sự biến động lớn lao trong thực tiễn. Cuộc sống bình thường thì khoa học bình thường là chủ đạo, còn khoa học bất thường là giai đoạn cách mạng của cuộc sống. Đây là vấn đề được K. Marx nêu ra trước đó khá lâu. Chính K. Marx đã dự báo về những cuộc cách mạng khoa học bình thường diễn ra thường xuyên trong CNTB: “Giai cấp tư sản không thể tồn tại, nếu không luôn luôn cách mạng hóa công cụ sản xuất, do đó cách mạng hóa những quan hệ sản xuất, nghĩa là cách mạng hóa toàn bộ những quan hệ xã hội”(4). K. Marx cho rằng, lý luận khoa học có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động thực tiễn. Ông nói đại ý: lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất, nhưng lý luận cũng có thể trở thành lực lượng vật chất một khi nó thâm nhập vào quần chúng. Như vậy, ông là người đã chỉ ra vai trò rất quan trọng của các cuộc cách mạng khoa học đối với sự phát triển của xã hội thông qua hình tượng của lý luận khoa học. Trong CNTB bình thường, có các chu kỳ kinh doanh, khủng hoảng thành phần như: khủng hoảng thừa, cuộc khủng hoảng sản xuất, tài chính,v.v.. thường xuyên diễn ra và giải quyết khủng hoảng đó đã thúc đẩy CNTB biến đổi và phát triển. Những cuộc khủng hoảng có thể gây đau đớn, thậm chí rất đau đớn, nhưng không đe doạ sự tồn tại của CNTB “Mỗi cuộc khủng hoảng đều phá hoại không những một số lớn sản phẩm đã được tạo ra, mà cả một phần lớn chính ngay những lực lượng sản xuất đã có”(5). Gần đây cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị ở EU do nợ công ở Hy Lạp và Síp năm 2015, sự kiện Brexit của nước Anh đã không gây ra sự đổ vỡ và biến mất của EU như người ta lo ngại. Các cuộc khủng hoảng kinh tế bất thường, cho đến thời điểm này chưa xảy ra (Cuộc khủng hoảng kinh tế 1933 và kết quả của nó là sự ra đời hệ thống XHCN Liên Xô và Đông Âu nhưng kết cục lại vẫn chưa phải là cuộc khủng hoảng dẫn đến CNTB bị xóa sổ và ra đời CNCS và như vậy nó vẫn là cuộc khủng hoảng bình thường, CNTB vẫn có thể điều chỉnh để thay đổi mô hình của CNTB). Như vậy, điều K. Marx muốn nói đến chính là cuộc khủng hoảng của “Chủ nghĩa tư bản bất bình thường”, đó là cuộc khủng hoảng nhiều mặt, dẫn đến kết quả là một cuộc khủng hoảng khổng lồ mà giai cấp tư sản không thể kiểm soát được mới là cuộc khủng hoảng cho ra đời CNCS. Cho đến nay, cuộc khủng hoảng như thế vẫn chưa diễn ra.
2. Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản từ lý luận về mối quan hệ lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất
K. Marx phân tích mô hình kinh tế của CNTB để chỉ ra rằng, các chu kỳ kinh doanh thông thường sẽ dẫn đến những cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, và điểm kết thúc của nhiều chu kỳ khủng hoảng đó là một cuộc khủng hoảng kinh tế cuối cùng làm tan rã CNTB. Những mô tả của Marx về CNTB bắt đầu từ những hoạt động bình thường của nó. Một mô hình hoạt động bình thường của CNTB được ông khái quát thông qua mô hình C+V+m. Những hình thức hiện thực, cụ thể trong xã hội cũng được diễn đạt thông qua mô hình ba giai đoạn của một quá trình liên tục từ sự xuất hiện của chủ nghĩa tư bản đến sự suy thoái cuối cùng của nó, bao gồm: 1/ Sự không có tư liệu sản xuất (TLSX) và sự tách biệt của người lao động đối với TLSX. 2/ Sự tập trung TLSX vào trong tay một số ít người. 3/ Sự chiếm đoạt và bất bình đẳng về lợi ích và thu nhập của những người tham gia sản xuất. Kết quả của quá trình này là sự đấu tranh của của tầng lớp lao động nhất thiết dẫn đến một kỷ nguyên của cuộc cách mạng xã hội.
Trong Bản thảo kinh tế – triết học 1844, K. Marx chỉ ra trong CNTB các thể chế kinh tế – chính trị là những đối tượng, không gian xã hội chính để con người hoạt động và hiện thực hóa chính bản thân mình, hiện thực hóa các mục đích và ý định của mình. Ông nhấn mạnh hoạt động kinh tế, coi đó là hoạt động cơ bản, quan trọng trong toàn bộ hoạt động của con người và được đặt lên hàng đầu trong sự tồn tại của con người trong lịch sử. Trong Hệ tư tưởng Đức, K. Marx đã cho rằng “chúng ta xuất phát từ những con người đang hành động, hiện thực và chính là cũng xuất phát từ quá trình đời sống hiện thực của họ”(6), “là những hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ, những điều kiện mà họ thấy sẵn có cũng như những điều kiện do chính họ tạo ra”(7). Ở đây, K. Marx khái quát một thuộc tính mang tính phổ quát của xã hội con người là: tất cả những gì thuộc về con người, bao gồm cả kinh tế, chính trị, văn hóa rốt cuộc đều là lịch sử và tập trung sự chú ý và phân tích của mình vào lĩnh vực lịch sử nơi mà con người vừa là chủ thể và vừa là sản phẩm của các thể chế xã hội. Sự tồn tại của con nguời luôn dựa trên cơ sở là hoạt động kinh tế, hoạt động sản xuất vật chất. Hoạt động sản xuất vật chất là điều kiện để con người tồn tại và hoạt động ở những lĩnh vực khác. K. Marx chỉ ra trong một xã hội tồn tại dựa trên sở hữu tư nhân về TLSX và mối quan tâm chủ yếu tới tích lũy tư bản liên lục thì phân tích lĩnh vực kinh tế cho ta công cụ để mở ra cánh cửa bí mật đối với những lĩnh vực khác của CNTB. Con người chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu của mình thông qua hoạt động và khi hoạt động dưới bất cứ hình thức nào, con người đều phải giao tiếp với người khác. Do vậy, ai sở hữu tư liệu sản xuất, người đó quyết định cách thức kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất để sản xuất ra của cải vật chất và vì vậy mà họ sẽ quyết định đến tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm. K. Marx chứng minh rằng, người sở hữu tư liệu sản xuất là người bóc lột giá trị thặng dư trong toàn bộ quá trình sản xuất ra của cải vật chất trong phương thức sản xuất TBCN. Đến chừng nào, trong xã hội tương lai khi mà lực lượng sản xuất đã phát triển đến mức không ai có thể dùng quyền tư hữu về tư liệu sản xuất để làm cách biệt quá trình kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất để quyết định quyền tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm thì lúc đó mới có tiền đề khách quan để cho ra đời CNCS.
K. Marx cho rằng, sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất là cái ngăn cách lớn nhất trong các phương thức kết hợp người lao động với tư liệu sản xuất. Phương thức kết hợp cũng là một phần của nguyên nhân làm tăng hay giảm hiệu quả của sản xuất. Ngoài ra, quyền tổ chức và phân phối kết quả sản xuất, làm ảnh hưởng đến năng lực sáng tạo của con người trong lao động. Con người chỉ có thể thỏa mãn nhu cầu của mình thông qua hoạt động và quan hệ xã hội với người khác. Mức độ hiện thực hóa bản thân mình của con người trong các quan hệ xã hội cho phép con người thỏa mãn được những lợi ích của mình. Trong các tác phẩm Bản thảo kinh tế – triết học 1844, Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hegel và Lời nói đầu Góp phần phê phán triết học pháp quyền Hegel, K. Marx nhìn thấy sở hữu tư nhân như là nguyên nhân, điều kiện, cơ sở cho hiện tượng tha hóa của con người trong hệ thống kinh tế, chính trị của CNTB. Con người hoạt động trong thế giới hiện thực luôn có mối liên hệ với thế giới khách quan, nhưng trên thực tế đó là thế giới khách quan đã bị biến đổi bởi bàn tay con người qua rất nhiều thế hệ trong lịch sử. Con người vừa là một bộ phận, vừa là một chủ thể sáng tạo của thế giới ấy nên con người và hoạt động của họ là một quá trình lịch sử nối tiếp nhau. Cải biến chính mình, cải biến công cụ lao động, cải biến xã hội chính là những tất yếu khách quan mà con người sẽ thực hiện.
A. Marx đã chứng minh rằng khi đáp ứng các yêu cầu sản xuất, con người sẽ có những hiểu biết một cách sâu sắc bản chất và động cơ trong hoạt động của mình. Lao động là hình thức thể hiện tồn tại người thì kinh tế luôn là cái quan trọng trong tồn tại xã hội. Điều này có thể tóm tắt như sau: Để ưu tiên phục vụ cho các hoạt động kinh tế, con người sẽ thiết lập một hệ thống các hoạt động khác xoay quanh hoạt động kinh tế, phục vụ cho hoạt động kinh tế. Mỗi một hoạt động của con người lại tạo lập một loạt các quan hệ xã hội và rất nhiều các quan hệ xã hội đó tạo thành một kết cấu các quan hệ xã hội dựa trên nền tảng quan hệ kinh tế. Khi mà kinh tế có sự mâu thuẫn, khủng hoảng kéo theo sự thay đổi hàng loạt mức độ quan tâm của con người tạo nên hàng loạt những mâu thuẫn, khủng hoảng trong xã hội. Một cuộc khủng hoảng mang tính bản chất, toàn diện là cơ sở cho sự xuất hiện của một hình thái kinh tế – xã hội mới.
3. Khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản từ lý luận về quan hệ giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng
Trong Lời nói đầu Góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, Marx đề cập đến sự phân biệt giữa kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng: “Trong sự sản xuất xã hội ra đời sống của mình, con người có những quan hệ nhất định, tất yếu, không tùy thuộc vào ý muốn của họ – tức những quan hệ sản xuất, những quan hệ này phù hợp với một trình độ phát triển nhất định của các lực lượng sản xuất vật chất của họ. Toàn bộ những quan hệ sản xuất ấy hợp thành cơ cấu kinh tế của xã hội, tức là cái cơ sở hiện thực trên đó dựng lên một kiến trúc thượng tầng pháp lý và chính trị và những hình thái ý thức xã hội nhất định tương ứng với cơ sở hiện thực đó. Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ. Tới một giai đoạn phát triển nào đó của chúng, các lực lượng sản xuất vật chất của xã hội mâu thuẫn với những quan hệ sản xuất hiện có, hay – đây chỉ là biểu hiện pháp lý của những quan hệ sản xuất đó – mâu thuẫn với những quan hệ sở hữu, trong đó từ trước đến nay các lực lượng sản xuất vẫn phát triển”(8). Theo K. Marx, các mối quan hệ sản xuất tồn tại trước, khách quan và không phụ thuộc vào chủ quan của con người. K. Marx cho rằng, ý thức là một sản phẩm riêng có của con người với tư cách là chủ thể của các hoạt động xã hội. Chính vì vậy mà ông đặc biệt chú ý đến “những hình thức ý thức xã hội nhất định” là kết quả, sản phẩm của hoạt động của con người. Theo Marx, hoạt động sản xuất ra của cải vật chất trong toàn xã hội của con người cũng tạo ra những sản phẩm, những kết quả mà ông khái quát nó nằm ở trong kiến trúc thượng tầng, là những cái được nảy sinh trên cơ sở kinh tế. Vì vậy mà kiến trúc thượng tầng không độc lập, mà là một thuộc tính của hoạt động kinh tế của chủ thể người, là những “điều kiện trong quá trình sống: xã hội, chính trị và tri thức nói chung”.
Mô hình kinh tế mà K. Marx tiếp cận để phân tích lịch sử là nền kinh tế thực – không phải là mô hình kinh tế danh nghĩa với hệ thống lý thuyết của khoa học kinh tế học, kêu gọi sự chú ý đến sự khác biệt giữa “lực lượng sản xuất vật chất” trong một phương thức sản xuất tại một thời điểm nhất định với “các mối quan hệ hiện tại của sản xuất”. Theo K. Marx, sự phát triển của lực lượng sản xuất (LLSX) sẽ dẫn tới thời điểm nó mâu thuẫn với quan hệ sản xuất (QHSX) và mâu thuẫn với toàn bộ hệ thống xã hội, khi đó bắt đầu một kỷ nguyên của cuộc cách mạng xã hội: “Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn đầy đủ cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới, cao hơn, cũng không bao giờ xuất hiện trước khi những điều kiện tồn tại vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ. Cho nên, nhân loại bao giờ cũng chỉ đặt ra cho mình những nhiệm vụ mà nó có thể giải quyết được, vì khi xét kỹ hơn, bao giờ người ta cũng thấy rằng bản thân nhiệm vụ ấy chỉ nảy sinh khi những điều kiện vật chất để giải quyết nhiệm vụ đó đã có rồi, hay ít ra cũng đang ở trong quá trình hình thành”(9). Vì vậy mà, các QHSX tư sản là hình thức đối kháng cuối cùng của quá trình sản xuất xã hội, đối kháng không phải với ý nghĩa là đối kháng cá nhân, mà với ý nghĩa là đối kháng nảy sinh từ những điều kiện sinh hoạt xã hội của các cá nhân; nhưng những lực lượng sản xuất phát triển trong lòng xã hội tư sản đồng thời cũng tạo ra những điều kiện vật chất để giải quyết đối kháng ấy: “Cho nên với hình thái xã hội tư sản, thời kỳ tiền sử của xã hội loài người đang kết thúc”(10).
K. Marx đánh giá rất cao quá trình phát triển của CNTB công nghiệp hiện đại đồng thời chỉ ra chính sự phát triển ấy lại đưa nó đến sự tự hủy hoại, sự sụp đổ. Sự sụp đổ của CNTB xuất phát từ sự thay đổi của phương thức sản xuất trong đó lực lượng sản xuất là cái quyết định nhất: “những hình thức phát triển của các lực lượng sản xuất, những quan hệ ấy trở thành những xiềng xích của các lực lượng sản xuất. Khi đó bắt đầu thời đại một cuộc cách mạng”. Theo F. Engels, kết luận này của K. Marx mang một ý nghĩa cách mạng to lớn “không những đối với lý luận, mà cả đối với thực tiễn nữa” và nếu chúng ta “đem vận dụng nó vào thời đại hiện nay, thì lập tức cái triển vọng của một cuộc cách mạng vĩ đại, liền mở ra ngay trước mắt chúng ta”(11). Ông còn đưa ra lưu ý rằng, không một hình thái kinh tế nào biến mất khi lực lượng sản xuất trong lòng nó chưa được phát huy hết. Ông nói thẳng thắn hơn rằng “Quan hệ sở hữu tư sản trong sản xuất là hình thức đối nghịch cuối cùng của quá trình sản xuất xã hội”. Ở đây, K. Marx đã tuyên bố về sự kết thúc của quan hệ tư nhân trong sản xuất và đề xuất về điều kiện kinh tế để chuyển đổi sang CNCS.
Theo K. Marx, không có trật tự xã hội nào bị hủy diệt trước khi tất cả các lực lượng sản xuất được phát triển đầy đủ, vì vậy, con người chỉ đặt ra những công việc mà họ có thể giải quyết. Khi con người chuyển từ một hình thức năng lực sản xuất sang một năng lực sản xuất khác thì các lực lượng sản xuất trước đây cần phải được phát triển đầy đủ. Chẳng hạn như điện thoại thông minh xuất hiện trước khi các thiết bị cầm tay truyền thống đã cạn kiệt các phương hướng phát triển và tồn tại. Có một điều đối với con người và xã hội của họ chính là họ khó định ra được thời điểm cho việc có thể giải quyết những vấn đề mà họ tự đặt ra. Chẳng hạn, chúng ta không biết rằng sự ấm lên toàn cầu đến một thời gian nhất định băng ở Bắc Cực và Nam Cực sẽ tan ra hết nhưng đó là dự báo dựa trên phán đoán con người sẽ không can thiệp gì? Bằng chỉ dấu về mâu thuẫn giữa LLSX và QHSX trong CNTB, K. Marx đã chỉ ra những dấu hiệu của thời điểm mà CNTB sẽ bị diệt vong và cho ra đời một hình thái kinh tế – xã hội mới là CNCS. Nhưng chỉ dấu ấy, chúng ta không thể xác định được chính xác thời điểm mà mô hình CNCS được ra đời.
4. Chủ nghĩa tư bản ngày nay qua các cuộc khủng hoảng đương đại
Cho đến trước khủng hoảng tài chính 2008, chủ nghĩa tự do mới đã đưa CNTB đạt đến sự phồn thịnh ở những nước TBCN hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tây Âu. Những lập luận về sự theo đuổi lợi ích cá nhân là nền tảng nên cần có thị trường tự do, doanh nghiệp tự do, mậu dịch tự do được coi là những “nguyên tắc vàng” của CNTB. Người ta đã tin tưởng và khẳng định chắc chắn về sự trường tồn của sở hữu tư nhân và vai trò là động lực của các doanh nghiệp tư bản tư nhân đối với sự phát triển của xã hội. Khủng hoảng tài chính 2008 đã đảo lộn nhiều thứ. Sự giang tay của chính phủ các nước TBCN với với các định chế tài chính, sự tăng cường bảo hộ mậu dịch được xem như là những biện pháp thần kỳ để giải quyết khủng hoảng. Sự can dự của chính phủ các nước TBCN vào khủng hoảng tài chính cho thấy, CNTB gặp khủng hoảng càng nặng nề, sự khắc phục càng khó khăn thì biện pháp tốt nhất có thể là tìm kiếm sự chia sẻ của xã hội, của cộng đồng để đạt tới những kết quả lợi ích xã hội. Thực tiễn này đã đến gần với những lý luận mà K. Marx đề xuất. Bằng xuất phát từ bản chất xã hội của con người, lý luận của K. Marx chính là sự đề xuất một cơ chế cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội, coi đó là một cuộc cách mạng, xóa bỏ được những mâu thuẫn trong CNTB mà bản thân trong giới hạn CNTB, nó không thể giải quyết được.
Thomas Piketty trong cuốn Capital in the Twenty – First Century xuất bản năm 2013, được The Economist đánh giá là có tầm quan trọng ngang bộ “Tư bản” của K. Marx đã nhận định rằng, chủ sở hữu cuối cùng của các công ty và tư bản luôn luôn là những thực thể con người, và đích xác chính là những hộ gia đình. Sự phân bổ bất bình đẳng trong sở hữu tài sản và thu nhập (cổ tức, lợi suất, tiền cho thuê, lợi nhuận đầu tư) vẫn là sự bất bình đẳng chủ yếu trong hệ thống tư bản chủ nghĩa. Trên cấp độ toàn cầu, sự tích lũy tư bản của tư nhân đã không ngừng được mở rộng sang cả vùng “lãnh thổ” mà trước kia, đó là lĩnh vực của riêng Nhà nước. Chính cấu trúc ấy của tư bản, đã làm cho khủng hoảng trong lĩnh vực kinh tế tài chính tác động rất mạnh mẽ đến cấu trúc của cả hệ thống TBCN. Hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội TBCN được tạo lập dựa trên sự chấp nhận thực tế thói ích kỷ của cá nhân được ngầm định là hệ thống duy nhất hướng đến sự tự do của con người và đáp ứng những mong muốn vô hạn của cá nhân thực sự đang gặp vấn đề. Điều này càng đưa chúng ta đến gần với những lập luận của K. Marx về giải pháp tốt nhất cho CNTB là “tự xóa bỏ mình”, thiết lập một cơ chế hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của cộng đồng, của xã hội.
Cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, bắt đầu năm 2008, dường như chỉ là một dấu hiệu khác của sự bùng nổ của CNTB quốc tế. CNTB đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng định kỳ những vẫn chưa phải là cuộc khủng hoảng dẫn đến sự ra đời của CNCS. Cuộc khủng hoảng này trong lòng CNTB dường như là điểm khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà nhiều học giả đang nói đến. Như vậy, nó vẫn đang là cuộc khủng hoảng đưa CNTB phát triển hơn đồng thời đến gần hơn với thời điểm xuất hiện CNCS. Đến lượt nó, CNCS không phải là kết thúc của lịch sử loài người, là một giai đoạn trên con đường phát triển toàn diện của con người ở phía trước. Với K. Marx, đó là giai đoạn con người xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân đã kìm kẹp, tha hóa con người để giải phóng con người, đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ đến giai đoạn mà nó sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu của con người, đảm bảo được sự giải phóng và phát triển con người. Đây là điều kiện tiên quyết để chuyển từ CNTB sang CNCS.
Tác giả: TS Phạm Anh Hùng, Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2018.
(2), (6), (7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.51, 37-38, 28-29.
(3) Thomas Kuhn: Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2009.
(8), (9), (10), (11) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.14-15, 15-16, 16, 607.
0 comments:
Đăng nhận xét